Sách
Qua phẩm Tựa, chúng ta thấy Đức Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ định để nói kinh Pháp Hoa. Sau đó Ngài xả định, nói pháp phương tiện với Xá Lợi Phất. Quá trình sanh thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng pháp phương tiện cho những con người hiện hữu bằng thân tứ đại, được kinh ghi lại từ phẩm 2 đến phẩm 9. Đó là cách nhìn theo Tích môn Pháp Hoa.
Dưới kiến giải của Bổn môn Pháp Hoa, Đức Phật vẫn trụ định, sử dụng Báo thân tiếp tục nói pháp với Dược Vương và chư Bồ tát ở phẩm Pháp sư. Vì tinh thần của phẩm 2 đến phẩm 9 đã có đầy đủ trong phẩm Pháp sư của Bổn môn.
Mở đầu, Đức Phật nói với Dược Vương Bồ tát : "Tất cả Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Thiên, long, bát bộ, người cầu Thanh văn, người cầu Bồ tát hay cầu Phật đạo mà ở trước Phật nghe kinh Pháp Hoa, một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ, ta đều thọ ký Vô thượng Bồ đề”.
Mới nghe qua câu này, chúng ta thấy quá đơn giản. Không cần xuất gia, không thọ giới và tất cả các loài chỉ nghe kinh Pháp Hoa, dù một câu hay một kệ cho đến một niệm tùy hỷ, đều được thọ ký.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy cả trăm vạn người thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói kinh Pháp Hoa. Tìm được một người đắc đạo theo nghĩa của kinh không hề có. Chẳng lẽ Đức Phật hư vọng sao ?
Từ góc độ này, chúng ta cần hiểu rõ rằng nghe kinh Pháp Hoa bằng cách nào và nghe ai nói kinh này ? Chúng ta tìm câu nào, bài kệ nào hay niệm tâm nào để tu mới nhận được thọ ký ?
Tu sai, tụng cả ngàn bộ kinh cũng không được thọ ký. Chọn lầm vọng tâm, tụng Pháp Hoa lâu ngày trở thành kẻ sân si kỳ lạ.
Tôi thấy các vị danh Tăng thường dùng một câu, một kệ trong kinh Pháp Hoa làm thoại đầu tu quán. Hòa thượng Trí Thủ chọn bài kệ mà tôi cũng tâm đắc và sử dụng làm đối tượng suy cứu : "Chư Phật lưỡng túc tôn. Tri pháp thường không tánh. Phật chủng tùng duyên khởi. Thị cố thuyết nhất thừa”. Nhật Liên Thánh nhân dùng năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa kinh làm thoại đầu tu.
Đức Phật cho biết có ba hạng người. Người mới phát tâm cầu Thanh văn (Thanh văn chỉ chung cho hàng Nhị thừa gồm cả Thanh văn, Duyên giác) là người cầu học, nương theo Phật phát triển tri thức.
Người đã đắc quả vị A la hán cầu làm Bồ tát, xin được làm việc với Phật để phát huy đạo đức, được an lành hơn là tự rong ruổi.
Hạng thứ ba là nhất sanh bổ xứ Bồ tát đã thành tựu đầy đủ hạnh Bồ tát, muốn cầu làm Phật hay cầu pháp xây dựng Tịnh độ. Ba hạng người này cầu kinh Pháp Hoa với viên mãn Báo thân Phật ở thế giới Thật báo trang nghiêm, một thế giới siêu hình. Nhưng với lực tác động của Phật, cảnh giới của tứ sanh lục đạo hiện ra đầy đủ.
Trên lộ trình tu, chắc chắn các vị này không cầu kinh Pháp Hoa 28 phẩm bằng giấy trắng mực đen của chúng ta tụng hàng ngày. Kinh Pháp Hoa mà các Ngài khát ngưỡng trải qua nhiều kiếp gian khổ tìm cầu, chính là tạng bí yếu của chư Phật, là mẹ sanh ra các công đức. Đức Phật nào cũng phải nương theo tạng Pháp Hoa bí yếu này mới thành tựu Vô thượng Bồ đề.
Từ góc độ nghe được kinh Pháp Hoa là nhận được tạng bí yếu của Như Lai, hành giả thể hiện sự sống trên cuộc đời. Tất cả trần lao nghiệp phải hoàn toàn rũ sạch, buồn phiền tích tụ từ bao đời phải xóa tan.
Phẩm Tựa của kinh Pháp Hoa đã xác định điều này bằng hình ảnh hoa Mạn đà là và Mạn thù sa. Tâm thanh tịnh, thân hiện hảo tướng, tiêu biểu cho hành giả đã có một niệm tùy hỷ đối với kinh. Từ đó, Pháp thân hành giả lớn dần. Dù Đức Phật có thọ ký hay không.
Hành giả phát tâm Bồ đề từ chơn tâm, không dùng tai nghe kinh ngữ ngôn văn tự, nhưng nghe pháp ngữ bằng tâm, mới được thọ ký. Giống như Thường Bất Khinh Bồ tát nghe được 20 ngàn muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa khi sắp mạng chung. Nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành, thức của Ngài chuyển thành ngũ phần Pháp thân và Ngài ở vị trí Pháp thân nghe kinh Pháp Hoa, nên được Phật thọ ký.
Ngày nay, chúng ta cũng giống như Thường Bất Khinh, không còn Phật bên cạnh. Thiết nghĩ trên bước đường tu chúng ta lắng lòng, vượt được ngũ ấm thân, cũng nhận được pháp âm Phật. Nghe bằng tâm thanh tịnh và nhận sự thọ ký trên bản tâm thanh tịnh nên thọ ký luôn cả ba đời. Thọ nhận được vậy, hành giả sanh ra đời nào cũng tự nhớ đã tu Pháp Hoa, không sợ bị đọa.
Ba hạng người, người cầu Thanh văn, cầu Bồ tát, cầu Phật đạo, có một niệm tùy hỷ, hay thọ trì một câu, một kệ Pháp Hoa đều được thọ ký. Họ đứng ở ba chặng đường tu dưới dạng liễu nghĩa. Đó là sự thấy biết có thay đổi theo thứ bậc, chưa rốt ráo. Đến khi nào hành giả đạt được tâm gương trong sáng hoàn toàn thì Phật thọ ký, hay xác định hành giả là Phật.
Kế tiếp Đức Phật dạy : "Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép Diệu Pháp Liên Hoa, phải biết người này đã thành Vô thượng Chánh đẳng chánh giác vì thương nhân gian mà sanh lại đời”.
Khi Phật tại thế, chúng ta trực tiếp nương theo trí tuệ và đạo đức của Ngài, thâm nhập Phật huệ dễ dàng. Điều này không khó hiểu. Như tôi may mắn gặp nhiều vị danh Tăng, học được với thầy hiền bạn tốt, biết được nhiều điều hay và hiểu kinh dễ dàng. Nhân cách của người dạy rất quan trọng, nhìn họ, nghe họ dạy, tâm chúng ta biến chuyển ngay. Chúng ta tu theo thầy giỏi, không nhọc sức mà đắc đạo.
Tuy nhiên, Phật diệt độ, chúng ta phải tự phát triển thì không đơn giản.Vì chúng ta không có đối tượng để quan sát nên không được gì. Có người nói pháp giải thoát mà cuộc sống không giải thoát là lời nói suông. Có người thọ trì, biên chép, giảng nói kinh Pháp Hoa cả vạn lần, nhưng không ai đắc đạo.
Vì vậy, Đức Phật khẳng định người nào tu được kinh Pháp Hoa, phải biết họ đã thành Vô thượng Đẳng giác, vì thương nhân gian mà sanh lại đời. Thân họ ở cuộc đời, tâm ở Tịnh độ, mới diễn tả được Tịnh độ và đưa chúng nhân trở về Tịnh độ được. Đức Phật ngầm chỉ cho chúng ta rằng Ngài là người đã thành Phật, vì thương nhân gian sanh lại Ta bà nói kinh Pháp Hoa.
Trong phẩm Tựa, Đức Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ Tam muội và nhờ Di Lặc hỏi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Văn Thù giới thiệu Đức Phật Thích Ca nói kinh Pháp Hoa, nghĩa là Ngài xác nhận Thích Ca thành Phật rồi sanh lại. Riêng chúng ta còn phải nương theo kinh Pháp Hoa văn tự để hiểu giáo nghĩa và thâm nhập chân lý, nhưng chúng ta vẫn được xếp vô hàng tham dự pháp hội của đức Thích Ca Mâu Ni.
Kinh nói : "Sau Phật diệt độ, nếu ai thọ trì thì được chư Phật hộ niệm, có đức tin lớn, chí niệm bền vững và được gần Phật, được Phật thọ ký”.
Điều này khẳng định sau Phật Niết bàn, chúngta còn tu được nhờ Phật lực gia bị, hộ niệm. Phẩm Như Lai thọ lượng cũng ghi nhận ý này, theo đó trời, người, A tu la thấy sắc thân Ngài hoại diệt. Trong khi Pháp thân và Báo thân Phật vĩnh hằng bất tử, vẫn luôn tiếp tục che chở, giúp chúng ta tu hành. Phật không hộ niệm, chắc chắn chúng ta khó tiến tu. Quan sát sẽ thấy rõ điều này, có người cầm đến sách kinh thì ngủ gục, nghe pháp thì mỏi mệt, mở mắt không nổi. Nhưng vừa hết thời kinh, dứt thời pháp họ sáng mắt, tỉnh táo lại liền, hoặc ngồi tán gẫu, nói chuyện thiên hạ, không bao giờ họ biết mệt.
Theo tôi, từ khi phát tâm Bồ đề đến thành Phật quả, bước đường tu thật lắm gian nan. Nếu không có đức tin lớn, không thể nào vượt đường hiểm sanh tử. Nhất là kinh Pháp Hoa khó ở điểm dạy chúng ta không làm, mà phải có tác dụng tốt hơn bất cứ việc làm nào của thế gian.
Người có đức tin lớn mới hiểu được lời Phật dạy và dùng niềm tin để tiến tu. Sử dụng trí bình thường không thể nào hiểu Phật, làm theo Phật nổi. Hành giả muốn tu được, phải có Phậthộ niệm, mới phát sanh niềm tin, thấy sự vật theo tuệ giác Phật. Ý này được phẩm Tựa diễn tả rằng chúng hội nương theo tia sáng ở giữa chặng mày của Đức Phật, thấy được tứ sanh lục đạo.
Tu hành theo Pháp Hoa không đơn giản, được kinh ví như người đào giếng ở trên cao nguyên. Tuy nhiên, Phật dạy Bồ tát không sợ khó, không sợ khổ. Vì nhờ đó mới sanh công đức, dễ nhận ra người tốt.
Nhận sự thọ ký của Phật, hành giả không sợ, nhưng không phải liều. Tâm hồn hoàn toàn bình ổn, vì hành giả được Phật bảo vệ, chỉ còn ghi nhớ Vô thượng Bồ đề. Họ không vì bất cứ gì khác, nên người chọc không giận, dụ không theo. Tâm hành giả vững chắc như vậy là biết Phật đã lấy y trùm cho, Pháp thân hành giả đã được thọ ký.
Tuy nhiên, trên bước đường tiến tu theo Pháp Hoa, còn muôn ngàn khó khăn. Hành giả luôn luôn gặp ba thứ cường địch. Điều này không có gì lạ. Ngay Như Lai tại thế còn gặp oán thù. Mặc dù bị ám hại, hành giả vẫn bình an nhờ có Phật che chở. Hoặc có thể hành giả không giữ được thân mạng, nhưng nhiếp tâm niệm Phật cũng bảo vệ được Pháp thân.
Loại cường địch trước tiên hành giả phải cảnh giác, vì biết mọi người ở Ta bà đều sống vì quyền lợi nên ganh tỵ với phước báo của hành giả. Họ sẵn sàng nói xấu, ám hại.
Vượt qua được hạng ác thế gian này, hành giả lại gặp hạng người ác trong tôn giáo cũng tranh dành quyền lợi đến mức không từ bỏ thủ đoạn nào. Như Phật bị người Bà la môn vu khống giết con.
Giải quyết xong lớp người đồng tu, hành giả bị hàng Tiếm thánh tăng thượng mạn, phước nhiều, có quyền thế sẵn sàng hại hành giả. Làm thế nào bình ổn trước sức chống phá của ba hạng tăng thượng mạn, tức đào giếng trên cao nguyên.
Ở chặng đường một, trên cao nguyên ví như trên đồng hoang sanh tử, ai cũng bị thiêu đốt giống nhau. Hành giả tu để vượt hạng này. Sự thật từ ngũ uẩn thân khởi tu để thấy được chơn tâm không dễ. Mỗi ngày thấy phiền muộn, chắc chắn dễ hơn. Kinh diễn tả là phải ra sức đào đất, tức hành giả phải nỗ lực tu.
Chặng đường hai cố gắng đào cho đến đất ướt, đất bùn, nghĩa là phải hàng phục ngoại đạo, ma oán. Làm sao để người chống đối trở về hằng thuận. Người còn chỉ trích được là biết mình còn dở xấu, còn là bùn. Thực dạ tu hành, hay tìm cho ra điểm họ chê để xóa được mới là tu, là gạn lớp bùn cho nước hiện ra.
Chịu cực đào sẽ tới nước, tức thấy đạo, thấy tâm, thì trước kia người khinh chê nay phải khen ngợi, kính trọng. Trên bước đường tu đúng pháp, bị đặt điều nói xấu, hành giả không cần đính chính, người nói sai phải đính chính.
Đào cho nước bung lên, tức đắc đạo, hành giả và người tự mát, việc tự thành. Vượt qua được ba hạng người ác này, hành giả gần đến Vô thượng Đẳng giác. Không sợ khó, vì có khó mới khôn. Mỗi lần đụng chạm cuộc đời, nảy sanh vấn đề, hành giả phát hiện được dở xấu của bản thân còn tồn đọng, cần khắc phục.
Theo kinh nghiệm, tôi thấy những người lớn lên trong môi trường thuận tiện, dễ dãi, thường hay sanh tệ. Trong cuộc đời tu, tôi luôn nghĩ đến những khó khăn hơn chờ đón chúng ta. Không phải qua được một việc khó là xong, việc sau luôn luôn khó hơn trước. Chúng ta còn phải hàng phục tứ ma mới thành Phật. Cần sẵn sàng đi tới, sẵn sàng chấp nhận những gì xảy ra với tâm bình ổn để giải quyết đúng như pháp, không làm tổn hao tâm lực, phước đức của mình.
Để kết luận phần bí yếu mà Đức Phật muốn truyền trao cho hành giả Pháp Hoa đời sau, Ngài nhắc nhở các Bồ tát vì thương nhân gian, trở lại cuộc đời độ sanh cũng giống như người được Phật giao cho máy liên lạc với Phật. Nếu để lạc mất làn sóng, thì Phật không thể truyền tin cho hành giả.
Ba làn sóng hay ba điều kiện căn bản : nhà Như Lai, áo Như Lai, tòa Như Lai, giúp hành giả liên hệ với Phật, nhận sự hộ niệm. Nhờ vậy, được bình an truyền bá kinh Pháp Hoa trong cõi Ta bà tràn đầy việc ác đáng kinh sợ.
Điều kiện trước nhất, Bồ tát hiện hữu trên cuộc đời, muốn được Phật hộ niệm, phải vào sống trong nhà Như Lai. Nghĩa là phải có tâm từ bi đối với chúng sanh như mẹ thương con, sẵn sàng chịu đựng xấu xa, bướng bỉnh của chúng sanh. Thiếu tâm từ không thể thọ trì Pháp Hoa, không giảng được Pháp Hoa. Ngài Di Lặc Bồ tát tiền kiếp là Cầu Danh, nhờ phát sanh được từ tâm tam muội, mang tên là Từ Thị. Lấy chữ Từ làm họ, làm mạng sống, làm huyết thống của Ngài, nên được thọ ký thành Phật. Riêng chúng ta vì thiếu niệm từ liên tục, từ tâm lúc có lúc không. Ai tốt chúng ta tốt lại, ai không tốt chúng ta trả đũa. Tụng cả ngàn bộ kinh mà vẫn không được thọ ký là vậy.
Điều kiện thứ hai để nhận được lực Phật gia bị, hành giả phải mặc áo Như Lai hay trang nghiêm thân tâm bằng hạnh nhu hòa nhẫn nhục. Nhu nghĩa là mềm, lấy mềm để thắng cứng. Hành giả có lời nói, cử chỉ, hành động như thế nào khiến cho người cảm thấy mềm lòng. Nếu hành giả còn chỏi với người, sẽ mất liên lạc với Phật.
Chẳng những không được xung đột với bất cứ người nào, còn phải hòa với họ, đưa ta vào tâm họ để họ nghĩ tốt về ta. Muốn hòa với người, Phật dạy Bồ tát đến với chúng sanh, đừng áp đặt lập trường của mình. Cần đứng ở lập trường chúng sanh mà cảm thông giáo hóa. Dù người có đối xử thế nào, hành giả cũng phải trụ tâm bình thản, không giận, không khổ. Việc nhơ nhớp đổ lên không để dính vào tâm, tâm hồn hành giả vẫn trong sáng. Hành giả vô hiệu hóa sức chống phá của ma bằng cách nương theo lực đẩy để cất cánh bay lên, không phải gồng mình chịu chết.
Thành tựu pháp nhu hòa nhẫn nhục đối với chúng sanh, đối với pháp giới, thì chúng sanh và hoàn cảnh không quấy rầy hành giả, hiện tượng giới không còn tác động. Hành giả mới thâm nhập pháp giới. Còn kẹt hơn thua với chúngsanh, chắc chắn phải ở lại thế giới nhiễm ô.
Hành giả dùng hạnh nhu hòa nhẫn nhục để ngăn chặn phiền não nhiễm ô, giữ được tâm thanh tịnh, nhờ đó phát sinh trí tuệ sáng suốt. Kinh gọi là tòa Như Lai, là trí Bát nhã hay nhứt thiết pháp không. Hành giả phát huệ và sử dụng huệ quan sát ngũ uẩn giai không, không còn gì vướng mắc, ngăn cản sự hành đạo.
Trên tinh thần này, muốn hướng dẫn người, hành giả phải đạt trí Bát nhã hay phải biết và giải quyết được tất cả khó khăn. Vì đưa chúng nhân cùng vượt 500 do tuần đường hiểm không đơn giản. Nếu thiếu trí tuệ, hành xử theo tham vọng bực tức buồn phiền sẽ dẫn quyến thuộc vào con đường tội lỗi. Hành giả đã phạm tội phá pháp.
Cần diệt tham sân phiền não của chính mình, trang bị đầy đủ tri thức mới có thể dìu dắt người tiến trên con đường phước lạc, giải thoát. Không đủ tư cách, làm không đúng pháp, giúp đỡ sẽ trở thành tác hại. Trước kia, Hòa thượng Trí Tịnh thường nhắc nhở tôi rằng nhiệt tình là điều tốt; nhưng phải đi đúng đường Phật dạy. Vì không lẽ tôi thương chúng sanh hơn Phật, hơn Bồ tát hay sao. Nhưng tại sao các Ngài lại không giúp. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ.
Về trí Bát nhã, chúng ta có thể kiểm nghiệm nhiều lần để xem cái thấy của chúng ta có chính xác không. Nếu chính xác trong hiện tại và cả tương lai, chứng tỏ chúng ta đã đạt trí Bát nhã, thấy biết qua lăng kính Phật huệ. Giống như Trí Giả nhập định thấy được vùng núi rừng sình lầy ở Ngọc Tuyền sẽ là khu đại già lam. Đó là cái thấy của người tu Pháp Hoa do nhãn căn thanh tịnh hay nhờ Phật huệ rọi, chùa chưa xây nhưng đã thấy có. Và thực tế xảy ra đúng như vậy. Không bao lâu, Tùy Dạng Đế lên ngôi phát tâm xây chùa.
Hành giả thành tựu ba việc bí yếu của Như Lai mới có kinh Pháp Hoa để thọ trì, thuyết giảng. Phật sẽ bảo trời, người cùng với phi nhân ra mắt pháp sư nghe pháp, cúng dường.
"Trời” có thể hiểu là hạng người nhiều phước báo, đầy đủ mười thiện nghiệp. "Người” là những thành phần tốt trong xã hội, gìn giữ đầy đủ năm giới cấm. Phật sẽ khiến hai loại người có tư cách như vậy mang của báu đến cúng dường, nghe pháp.
Cuộc đời hành đạo của Trí Giả nhận được đầy đủ sự mầu nhiệm này, thể hiện rõ nét lời Phật dạy. Khi Ngài bỏ đế đô lên Ngọc Tuyền, ở hang đá tu, để tránh sự sát phạt giữa hai triều đình Trần, Tùy. Phật cũng khiến hàng phi nhân đến nghe pháp. Đó là Quan Công chết từ đời Hán không siêu thoát, đến nghe Trí Giả giảng pháp trong Thiền định. Sau đó Ngài nhập định thấy Quan Công hiện lại cho biết nhờ nghe pháp mà hóa giải được tất cả buồn phiền. Ông nguyện suốt đời làm thần Già lam hộ trì chánh pháp. Khi Trí Giả trở về chốn đô hội đông người là đất Kim Lăng (Nam Kinh ngày nay), Phật cũng khiến người đến nghe pháp rất đông và vua cũng bãi triều đến nghe.
Nếu người đến hại pháp sư, Phật khiến Kim Cang bát bộ thiện thần che chở. Điển hình như Ngài Huệ Tư giảng kinh Pháp Hoa bị bỏ thuốc độc ba lần, nhưng không chết. Hoặc Nhật Liên Thánh nhân bị đem ra pháp trường xử chém nhưng gươm tự gãy, không giết được Ngài. Bị đày ra đảo Sado nơi quanh năm chỉ toàn băng tuyết, không loài cỏ cây nào sống được mà Ngài vẫn khỏe mạnh, hồng hào.
"Nếu người trụ chánh định thì thấy thân ta, nghe ta thuyết pháp, tăng trưởng Phật huệ. Ai gần người này, tâm cũng an và thấy hằng sa vô số chư Phật, mau đến Vô thượng Bồ đề”.
Nghĩa là hành giả làm đạo ở cuộc đời, vì không tham muốn, tâm hồn luôn bình ổn thanh tịnh, tạo điều kiện cho hành giả và Phật luôn luôn có liên hệ với nhau. Nếu để liên hệ này mất, hành giả sẽ đọa. Cần ghi nhớ rằng hành giả là nhịp cầu giữa Phật và chúng sanh, nên đưa tay cứu vớt họ. Nhưng không cứu được thì rút tay lại để bảo toàn huệ mạng. Nói cách khác, không gặp thuận duyên làm đạo, hãy ẩn nhẫn tu hành, để giữ tâm cho thanh tịnh mới có thể liên hệ với Phật, tăng trưởng Phật huệ của mình.
Hành giả trụ định thấy Phật, tác động cho tâm người khác được bình yên, không cần phải dùng lời giảng dạy. Ngài Nhật Liên thể hiện rõ nét ý này. Khi Ngài ở đảo trở về đất liền, ẩn tu Thiền định nơi núi rừng, người cảm hạnh đức tìm đến chiêm bái đảnh lễ. Dù Ngài không thuyết pháp, người chỉ nhìn thấy cũng nhận được an lạc.
Tóm lại, trên lộ trình 500 do tuần đường hiểm đến Bảo sở, thiết nghĩ với sức lực yếu ớt và hiểu biết cạn cợt của tấm thân hữu hạn trong vũ trụ bao la này, chúng ta chẳng khác kẻ mù không có chút khả năng tự vệ, nói chi đến giúp người khác.
Đức Phật thừa biết điều này, Ngài đã chỉ rõ những cạm bẫy hầm hố trên đường sanh tử, sắp xếp hành trang cẩn thận cho người phát tâm quyết chí muốn đến Vô thượng Bồ đề. Ngài bố trí kỹ lưỡng phương tiện từng chặng đường để giúp hành giả bảo toàn giới thân huệ mạng.
Cảm nhận sâu sắc rằng mọi việc đã được đức Đạo sư lo toan, chuẩn bị đầy đủ. Phần còn lại dành cho chúng ta là phải thực hiện đúng lời Đức Phật chỉ dạy, nhất định chúng ta cũng đạt đến quả Vô thượng Đẳng giác như lời Phật đã thọ ký.