Sách
(Giảng tại Khóa Bồi dưỡng giảng sinh,
Thiền viện Quảng Đức ngày 3-6-1994)
Kinh Duy Ma là một bộ kinh thuộc hệ Phật giáo phát triển giúp cho chúng ta có một tầm nhìn tổng quát về sự tiến triển của xã hội qua các triều đại. Kinh chuyên chở ý nghĩa của pháp chân thật theo tinh thần Đại thừa nhằm phá bỏ những quan niệm bảo thủ, cố chấp đến trở thành xơ cứng của chủ nghĩa giáo điều và đưa ra tư tưởng đổi mới bằng cách đặt ngược lại vấn đề để chúng ta thấy.
Ngày nay, muốn có nhận thức đúng đắn về bộ kinh này chúng ta cần quan sát sơ lược nguyên nhân phát sinh kinh trong bối cảnh của nền văn minh Ấn Độ và vị trí kinh trong hệ tư tưởng Phật giáo Đại thừa.
Ngược dòng thời gian nhìn về lịch sử văn minh Ấn Độ, chúng ta thấy rõ trước khi giống dân Aryan xâm nhập, nước Ấn Độ đã có một nền văn minh cổ. Trong thời cổ xưa này, đất rộng người thưa, cuộc sống còn đơn giản nên mọi người sống hài hòa với nhau dễ dàng, không có cảnh người bóc lột người. Nhưng khi xã hội Ấn Độ phát triển, vấn đề tranh chấp quyền lợi bắt đầu nảy sinh. Đất đai bị xâm chiếm, quyền lợi thiên nhiên bị thu hẹp, đưa đến tình trạng chiếm hữu nô lệ và đất đai. Những gì tốt đẹp của xã hội không giai cấp bị tan rã, để hình thành xã hội phân chia bốn giai cấp do người Aryan xâm nhập đặt ra.
Giai cấp thứ nhất thuộc thành phần giáo sĩ Bà la môn, tiêu biểu cho mẫu người trí thức. Khởi đầu họ rất tốt, vì phải thuộc lòng kinh Vệ đà và phải có đời sống phạm hạnh, chỉ có một vợ một con. Sau khi dạy cho con thuộc Thánh thư, thì thầy Bà la môn vào rừng sâu ẩn tu, trắc nghiệm Thiền quán để trở về với Phạm Thiên.
Giai cấp thứ hai là vua chúa lãnh đạo. Họ nắm giữ quyền uy nhưng cũng có uy tín với quần chúng. Như dòng họ Sakya đã 7 đời nổi tiếng hiền đức.
Giai cấp thứ ba là thợ thuyền, ngày nay có thể hiểu là những người phục vụ ở ngành khoa học kỹ thuật. Giai cấp thứ tư là nô lệ không thông minh, không có khả năng chuyên môn gì. Họ chỉ có thể làm công việc lao động tay chân.
Thiết tưởng sự phân chia giai cấp hay phân chia công việc như vậy vào thời đó không đến nỗi xấu. Nó còn có phần hợp lý và cần thiết tất yếu cho việc ổn định trật tự xã hội ở giai đoạn đất nước phát triển. Thử nghĩ nếu không giao cho người tài đức lãnh đạo, làm sao có thể đưa đất nước đi lên được.
Với sự phân chia bốn giai cấp sinh hoạt theo văn minh Vệ Đà đã cân bằng được tình thế xã hội rất tốt ở giai đoạn ban đầu. Nhưng về sau, sự truyền thừa quá lâu, trải qua hàng ngàn năm mang tính cách tập ấm, cha truyền con nối trở thành lệch lạc, hư xấu. Giai cấp Bà la môn, Sát đế lợi không còn đủ tư cách lãnh đạo. Nhờ truyền thừa tập ấm, họ vẫn nắm quyền quyết định. Và đảo ngược lại, trong hai giai cấp thấp xuất hiện nhiều người trí thức, thông minh, giỏi khoa học kỹ thuật. Họ không tiến thân được vì bị chế độ tập ấm chôn vùi.
Nói chung, hình thái sinh hoạt theo trật tự bốngiai cấp tự nó đã đến thời suy vong. Từ đó, phát sinh hiện tượng tranh chấp đặc biệt ở phía Đông Ấn Độ là xứ sở của vua Tần Bà Sa La. Nơi đó nhà vua chẳng những không kính nể, mà còn ghét thậm tệ các tu sĩ, coi họ là những người ăn hại.
Từ trong lòng xã hội băng hoại, bằng trí tuệ sáng suốt, Đức Phật đưa ra cách sống mới cao đẹp đáp ứng được nhu cầu thời đại đó. Thật vậy, Ngài kế thừa có chọn lọc những nét tinh túy của nền văn minh cổ và văn minh Vệ đà. Đồng thời Đức Phật kế thừa đối lập chế độ tập ấm của Bà la môn giáo. Ngài phê phán những sai lầm và phủ nhận chủ trương giai cấp được truyền thừa theo huyết thống bất di bất dịch.
Ngài đưa ra tư tưởng bình đẳng trên chân lý và tuyên bố không có giai cấp khi máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Không có giai cấp nghĩa là Đức Phật phá bỏ chế độ giai cấp theo tập ấm, nhưng lại đưa ra thứ bậc vị trí cao thấp căn cứ trên khả năng, trí thức, đạo đức thực sự.
Mọi người đều có thể làm vua, quan hay làm thầy Bà la môn, nếu biết phấn đấu phát triển cho thành tài đức. Nhưng không đủ khả năng, tất nhiên phải bị rớt xuống vị trí thấp hơn. Ngược lại, người ở giai cấp thấp nỗ lực rèn luyện bản thân đầy đủ tài đức, cũng tiến lên địa vị lãnh đạo được.
Như vậy, bình đẳng trên chân lý không phải là mọi người ngang hàng bằng nhau. Vì trên thực tế, tất cả đều hiện hữu sai biệt, hiểu biết, đức hạnh, tài năng mọi người không giống y nhau. Chỉ khi nào chúng ta nắm bắt được chân lý, đạt đến quả vị Phật, mới bình đẳng.
Bốn giai cấp theo tập ấm đã được Đức Phật thay bằng bốn cấp bậc của Hiền Thánh cho những ai nỗ lực tu sẽ đạt được. Kết quả Đức Phật xóa bỏ sự thiết định sai lầm về giai cấp theo tập ấm và định hình lại giai cấp hợp tình hợp lý mà mọi người chấp nhận được. Điều này đã giúp cho xã hội ổn định và hình thành giáo nghĩa có khả năngđánh bại tất cả tư tưởng triết học và giáo lý khác.
Khi Phật tại thế, giáo lý của Ngài thể hiện qua mô hình hoằng đạo siêu tuyệt như vậy. Tuy nhiên, khi Phật Niết bàn, vấn đề được đặt ra cho hàng đệ tử phải giải quyết. Vì giáo lý khi có Phật tại thế là giáo lý sống và khi không còn Phật, giáo lý trở thành chết. Nói cách khác, Phật hiện hữu giáo hóa như một bậc minh triết. Tất cả ý tưởng, lời nói, hành động của Ngài trong cuộc sống hoằng hóa độ sinh đều toàn bích và mang lại lợi ích thực tiễn cho cuộc đời. Đặc biệt hàng xuất gia theo Ngài tu học đều đăng vị Hiền Thánh.
Chân lý mà Đức Phật ứng xử thay đổi tùy thời, tùy chỗ, tùy người cho thích hợp. Ngài không hề dùng một pháp cố định. Tuy việc làm khác nhau, quốc độ và đối tượng mà Ngài hóa độ khác nhau, nhưng tất cả đều kính nể Đức Phật là bậc tối tôn.
Kinh Duy Ma bắt đầu có cách nhìn về Đức Phật và giáo lý khác trước. Kinh này quan niệm hiểu Phật dưới dạng siêu nhân và hiểu chân tinh thần của giáo lý hơn là chấp chặt vào lời nói. Với trí tuệ tuyệt luân, Đức Phật nói điều gì cũng là chân lý. Nhưng nếu chúng ta lập lại y lời Phật sẽ trở thành phi chân lý. Ý này được giáo sư Kubota ví dụ bằng hình ảnh Đức Phật chỉ cho đại chúng thấy chim đang bay trên bầu trời và nói chim đang bay. Đó là giáo lý sống vì có chim thực và mọi người nhìn thấy thực.
Ngày nay Phật Niết bàn, chúng ta cũng bắt chước nói lại như vậy, trong khi thực tế không còn chim bay và không ai nhìn thấy chim. Lời nói rập khuôn khẳng định còn chim trên trời chỉ là giáo lý chết.
Từ ý niệm cần vận dụng cốt tủy của giáo lý thay vì chấp y theo giáo lý, Tỳ kheo nào biết nương giáo lý phát huy tri thức đạo đức, tạo thành sức sống cao đẹp cho mình và người. Họ mới khả dĩ tiêu biểu được giáo lý sống của Đức Phật. Giáo lý sống tỏa sáng trong việc làm, lời nói, suy tư của Tỳ kheo. Mặc dù không trùng hợp với những gì Đức Phật nói, làm; nhưng họ giống Phật ở kết quả lợi ích cho chư Thiên và loài người.
Ý này được kinh Bảo Tích diễn tả rằng một Phật nói, Phật khác không lặp lại. Mặt khác, kinh Pháp Hoa dạy ngược lại rằng ba đời các Đức Phật thuyết pháp giống nhau. Giống vì pháp của chư Phật đều là Nhất Phật thừa đưa người đến Nhất thiết chủng trí. Trên chân lý giống nhau, nhưng ở phương tiện thì có muôn ngàn khác biệt.
Nhận chân được công việc lặp y khuôn, đi theo lối mòn cũ không được kết quả lợi lạc gì, hàng đệ tử Phật tự nỗ lực tìm thuốc uống cho lành bệnh. Nghĩa là giáo lý bắt đầu được kiến giải theo chiều hướng canh tân.
Sự kiện 10 điều phi pháp ở thành Tỳ Da Ly mở đầu cho công cuộc đổi mới trong hệ tư tưởng Đại thừa đã được lịch sử ghi lại. Chúng ta có thể coi đó là cuộc đổi mới trọng đại. Tỳ Da Ly thuộc thành phố thương mại, trù phú, văn minh. Nếp sống của Tỳ kheo ở đây phải khác ở Vương Xá hay Xá Vệ. Ví dụ tiền là phương tiện thuận lợi để dùng trao đổi trong sinh hoạt của thành phố thương mại Tỳ Da Ly. Nếu chấp pháp không nhận tiền cúng dường, chỉ nhận thức ăn, sẽ trở thành lãng phí. Các Tỳ kheo mới họp bàn, quyết định thay đổi, cho phép khi khất thực được nhận tiền cúng dường.
Từ căn bản của luật Phật chế đến 100 năm sau ở thành Tỳ Da Ly, Phật giáo bắt đầu canh tân cho thích hợp với cuộc sống mới của xã hội. Để đáp ứng yêu cầu này, kinh Duy Ma ra đời trong hệ kinh điển Đại thừa phát xuất từ ngã rẽ của bộ phái Phật giáo và 10 điều phi pháp ở thành Tỳ Da Ly. Từ đổi mới nhỏ dần đến thay đổi lớn lao qua sự hình thành kinh điển Đại thừa. Những người có tâm huyết bắt đầu có suy nghĩ về Đức Phật và giáo lý.
Giáo lý còn thích hợp sử dụng được trong cuộc sống, được ví như lá trong rừng xanh tươi phát triển theo bốn mùa. Giáo lý chết hay lời dạy không còn thích hợp, không dùng được, như lá trong tay đã héo úa. Nó rời khỏi sự sống, không còn sinh trưởng được. Từ đây, giáo lý siêu hình của đạo Phật mới ra đời và kinh điển Đại thừa bắt đầu phát triển.
Mục tiêu của giáo lý theo tinh thần Đại thừa nhằm đưa người đến Vô thượng Đẳng giác. Không dùng giáo lý nô lệ hóa con người, làm cùng mằn trí tuệ. Hiểu như vậy, những gì Phật dạy đều là phương tiện giúp hành giả đến cứu cánh Nhất thiết trí.
Trong hệ kinh điển Đại thừa, kinh Bát Nhã mở đầu phá bỏ tất cả định kiến, cho chúng ta có tầm nhìn phóng khoáng vào cuộc sống. Bát Nhã lập cước trên nền tảng phát huy trí tuệ ở đỉnh cao để nhìn được thực tiễn cuộc sống. Hành giả Bát nhã ở đâu, lúc nào, cũng thể hiện đời sống kiểu mẫu đẹp nhất và xóa sạch phiền não. Đến mức họ xóa cả cứu cánh Niết bàn của riêng mình.
Bước qua được lằn ranh Bát nhã trí, hành giả sẽ thâm nhập thế giới chân không. Tuy không, nhưng không phải là không suông, không có gì. Trái lại, tất cả hiện bày diệu hữu cho hành giả. Đó là con đường dẫn từ kinh Bát Nhã phát triển thành kinh Duy Ma. Kinh đưa ra mô hình tu hành đúng pháp, thích ứng lợi lạc cho cuộc đời của Bồ tát, Thánh Tăng.
Sau đó, bước chân Duy Ma vào đời giải quyết được mọi tồn tại khổ đau cho nhân thế. Điều này được lý tưởng hóa ở mức độ cao trở thành hình ảnh tuyệt đẹp của đồng tử Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm. Ngài lặn lội cầu học Bồ tát đạo khắp nơi với mọi thành phần xã hội, không biết chán nản, mệt mỏi.
Và cuối cùng, ở đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo Đại thừa, tỏa sáng tinh thần kinh Pháp Hoa với hình ảnh Bồ tát dấn thân trên khắp mọi nẻo đường sanh tử. Họ gieo trồng Bồ đề trong tâm thức chúng sanh, mà không hề bị phiền não nhiễm ô tác hại.
Ý này cũng nhằm giới thiệu Đức Phật Thích Ca thành Phật từ vô lượng kiếp xa xưa, đầy đủ phước đức, trí tuệ. Vì thương nhân gian, Ngài trở lại Ta bà mang thân ngũ ấm để dìu dắt chúng ta trở về bản tâm thanh tịnh. Giúp chúng ta ngộ nhập Phật tri kiến ở ngay nơi đây và ngay trong thân hữu hạn này.
Ngày nay, trong tác động siêu hình của Báo thân, Pháp thân Phật, mỗi hữu tình chúng sanh phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo. Họ là một phần Pháp thân Phật được thể nhập vào cuộc sống hiện thực.
Tuyệt diệu hơn cả, theo tinh thần Pháp Hoa, là lời thọ ký của đức Đạo sư cho tất cả chúng ta. Mỗi hành giả đang đi trên lộ trình Phật đạo là một vị Phật sẽ thành trong tương lai.