Sách
Dù ai quyết chí tu hành
Chưa lên Yên Tử chưa đành lòng tu.
Câu ca dao này từ thuở nhỏ đã gợi cho tôi ít nhiều suy nghĩ Yên Tử là cái gì mà quan trọng đến độ người ta phải ca tụng như vậy. Tôi thầm nuôi trong lòng niềm mong ước một ngày nào đó được chiêm bái địa danh nổi tiếng này.
Mãi đến hôm nay, nhân dịp đi họp trù bị Đại hội Phật giáo kỳ 3, tôi mới được thiện duyên đặt chân trên đất Tổ, tận mắt ngắm nhìn phong cảnh núi rừng hùng vĩ bao la, tận lòng đón nhận cảnh giới tu hành tuyệt diệu của Trúc Lâm Tam Tổ.
Từ thủ đô Hà Nội đến núi Yên Tử hơn 100 cây số, phải vượt qua nhiều đầm sình lầy và mấy lượt qua những con sông lớn, thậm chí có những con sông đến nay chưa bắc được cầu. Với đường đi khó khăn biết dường nào mà vua Trần Thái Tôn và Trần Nhân Tôn đã đích thân đến đó.
Chúng ta thử hình dung xem các Ngài là bậc vương tôn sống trong vàng son nhung lụa. Vậy mà bằng phương tiện thô sơ, đi ngựa, các Ngài đã vượt qua biết bao sông núi, rừng rậm kể cả dốc núi đứng thẳng rất nguy hiểm để lên tận đỉnh núi Yên Tử. Chắc chắn phải có một cái gì mãnh liệt phi thường mới đủ sức thu hút các Ngài không ngại gian nan cực khổ, tìm đến Thánh địa, vươn tới một đời sống tâm linh cao cả.
Tất cả những cảm nghĩ về một Yên Tử huyền nhiệm đã là lực hấp dẫn tôi, cộng thêm sự phân công của Ban Trù bị sắp xếp tôi đi làm việc với Ủy ban Nhân dân thị xã Uông Bí để chuẩn bị cho đoàn đại biểu Đại hội Phật giáo tham quan Yên Tử.
Đoàn chúng tôi gồm có Hòa thượng Thiện Siêu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội, Hòa thượng Tâm Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội, ông Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Trung ương, ông Trần Khánh Dư và quý thầy ở Văn phòng I, trụ sở Trung ương Giáo hội.
Khi còn độ 10 cây số, đến bến đò Phả Lại, xe bỗng quỵ xuống vì gãy nhíp. May mắn thay tại đó có lò rèn và có cả dụng cụ hàn gió đá. Sau mấy giờ cố gắng sửa chữa, nhíp xe được hàn lại. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Hòa thượng Tâm Thông cất lên giọng nói tràn đầy niềm tin : "Nếu xe không gãy nhíp đúng ngay tại tiệm hàn, mà lại đi thêm vài cây số, đến đường hầm hố, không nhà cửa mới bị hư. Lúc ấy, tiến không được, lùi không xong, thì chỉ còn có nước ngủ lại giữa đồng. Đúng là nhờ Tổ độ !”.
Niềm tin của Hòa thượng đối với sự hộ niệm của Tổ lây lan sang cả đoàn, khiến chúng tôi phấn khởi hơn, nhưng cũng không khỏi phập phồng khi nghĩ đến xe vừa mới hàn lại phải tiếp tục đoạn đường gập ghềnh rất xấu. Tuy vậy, sau cùng xe cũng ráng bò đến thị xã Uông Bí vào lúc 10 giờ đêm ! Hòa thượng Tâm Thông một lần nữa lại vui mừng thốt lên : "Đúng là nhờ Tổ độ !”.
Đoàn chúng tôi hết sức cảm động khi nhìn thấy cảnh đêm hôm khuya khoắt mà cả ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, ông Bí thư còn chờ đón đoàn. Một mâm cơm đãi khách cũng còn chờ đó ! Trước tấm lòng quý mến khách của dân địa phương gợi cho tôi cảm nghĩ dù chưa thấy đạo, nhưng phải chăng câu ca dao nói trên đã chỉ cho chúng ta lòng tốt của con người ở núi Yên Tử !
Sau một đêm nghỉ ở nhà khách thị xã, sáng hôm sau Ủy ban Nhân dân mời đoàn dùng điểm tâm và chuẩn bị thức ăn cho cuộc hành trình leo núi của chúng tôi. Ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã và ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc hướng dẫn đoàn cùng với xe Jeep dẫn đường.
Trên đường đi phải vượt qua 9 con suối, có suối chỉ vừa lấp đá cho xe chạy, có suối đã đúc bê tông ở dưới đáy nên đi dễ dàng. Nhưng cũng có suối còn đá cuội, xe không qua được, đoàn phải lội suối. Đến 8 giờ sáng, đoàn đã vượt con suối cuối cùng là suối Giải Oan và tạm dừng chân nghỉ ở chùa Giải Oan.
Trong câu chuyện, ông chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cho biết mỗi khi thấy dân chúng đi vào núi Yên Tử đào than, ông cảm thấy xót xa. Nếu tiếp tục khai phá kiểu này, khu di tích lịch sử xinh đẹp chẳng mấy chốc sẽ không còn nữa. Ở núi Yên Tử có mỏ than lộ thiên nên dân chúng khai thác dễ dàng. Đứng giữa ngã rẽ một bên là khai thác than để được quyền lợi trước mắt và một bên là phải làm cách nào để bảo tồn khu di tích quan trọng này, cuối năm 1991, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận cùng nhân dân thị xã Uông Bí đồng kiến nghị lên Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh và chính quyền Trung ương xin bảo vệ khu di tích lịch sử Yên Tử.
May mắn thay, kiến nghị đã được chấp thuận. Trong tình thế đổi mới hiện nay, Bộ Văn hóa đã công nhận khu di tích lịch sử này, dành riêng một ngàn mẫu cho khu Yên Tử phải được bảo tồn và cấp kinh phí một tỷ rưỡi để tôn tạo. Đây là công trình bảo tồn đầu tiên được Chính phủ cho xúc tiến với chi phí lớn như vậy.
Điều này mang lại niềm vui sướng chẳng những riêng cho dân chúng ở thị xã Uông Bí, mà còn là niềm vui chung của đồng bào Phật tử cả nước hay cho tất cả những ai có tấm lòng ưu tư muốn giữ gìn tài sản văn hóa của đất nước.
Câu chuyện của ông Chủ tịch làm cho tôi thấy phấn khởi hơn và cũng thêm sức cho Hòa thượng Thiện Siêu, Hòa thượng Tâm Thông gần 80 tuổi như trẻ trung lại mà trèo lên được núi Yên Tử.
Khi đoàn sắp trèo núi, ông giữ chùa Giải Oan mời chúng tôi nán lại ít phút để tâm sự. Ông là Đại tá về hưu, từ nhỏ đã lên chùa này. Khi làm xong nghĩa vụ thanh niên thời chiến, ông lại trở về sống ở chùa và ước nguyện được ở núi Yên Tử tu hành cho đến hết cuộc đời. Câu chuyện của ông lại khiến tôi suy nghĩ tại sao núi Yên Tử lại có sức hấp dẫn lạ lùng như vậy. Cái gì đã làm cho người cựu chiến binh này trở thành người say mê đọc kinh Phật, lúc nào cũng đeo bên mình máy cassette để nghe băng giảng kinh và hằng mong ước có vị cao Tăng về đây trụ trì để ông được học hỏi tu hành.
Trước khi trèo núi, ông dặn đoàn nên bỏ lại đồ đạc, vì phải trèo đến cả ngàn bậc tam cấp. Có tảng đá cao đến cả thước, nên một ký lô đồ mang theo, bấy giờ cũng trở thành nặng quá sức. Ông cho mỗi người một cây tre làm gậy chống.
Cầm gậy trong tay, tôi hăng say trèo thật nhanh, trong lòng tự nghĩ mình cũng đã từng leo núi Phú Sĩ ở Nhật Bản cao hơn nhiều thì đối với núi này dư sức ! Nhưng hỡi ơi ! Mới leo được khoảng 100 nấc, vì cố gắng leo quá nhanh, nên tim đập dồn dập đến độ cảm thấy như muốn ngừng đập, chân bước hết nổi. Bấy giờ tôi sực tỉnh mình đã già rồi ! Tôi đành ngồi xuống nghỉ và chờ các Hòa thượng. Từ đây tôi mới biết cách trèo núi theo kiểu ông già.
Tôi nhớ đến Tổ Bách Trượng dạy "bình thường tâm thị đạo”, trèo núi cũng phải giữ cho nhịp tim bình thường mới đi xa được. Dọc theo đường đi, chúng tôi đi qua một khu rừng trúc. Cảnh thật tuyệt diệu làm sao, khi đi trong đường mòn theo bậc tam cấp, hai bên toàn là trúc đặc biệt của núi rừng. Có lẽ vì vậy mà nơi này được đặt tên là Trúc Lâm Yên Tử chăng ?
Tiếp nối rừng trúc, qua đến rừng tùng. Trải dài trước mắt chúng tôi những cây tùng từ thời vua Trần Nhân Tôn trồng, đã sống bảy, tám trăm năm vẫn còn xanh biếc. Cứ như vậy từ từ tiến bước, cuối cùng chúng tôi đã lên được chùa Hoa Yên vào lúc đúng ngọ. Hòa thượng Tâm Thông lại mừng rỡ thốt lên "Tổ đã độ chúng ta !”.
Cảnh thanh tịnh hùng vĩ của non Yên Tử làm cho tôi nhớ đến bài thơ của vua Trần Thái Tôn đã in trong tâm trí tôi từ thuở nhỏ :
Phong đã tùng quan nguyệt chiếu đình
Tâm đầu cảnh sắc cộng thê thanh
Cá trung tư vị vô nhân thức
Đương dữ sơn Tăng lạc cộng minh
Giờ đây, đứng trên chùa Hoa Yên ngắm cảnh, quả thật, tôi trực nhận được lời cảm tác của vua trong bài thơ trên. Chỉ tiếc bây giờ không phải là đêm rằm để tôi được thưởng thức trọn vẹn cảnh đẹp của trăng sáng trước sân chùa.
Từ Hoa Yên nhìn xuống, trùng trùng điệp điệp núi rừng tùng trúc hùng vĩ bạt ngàn. Gió thổi hòa vào tiếng lá tùng, trúc reo tạo thành tiếng nhạc vi vu, tự nhiên tôi cảm thấy mình quyết chí hơn trên lộ trình vượt đường hiểm sanh tử.
Nhìn những cây tùng cao lớn đường cheo leo trên đá nhưng sừng sững giữa đất trời hàng trăm năm, bất chấp giông tố gió mưa, gợi cho tôi liên tưởng đến ý chí sắt đá tu hành của những bậc xuất trần thượng sĩ. Những gì bí ẩn nhiệm mầu hiện hữu trong phong cảnh tuyệt vời như thế này đã thu hút những tâm hồn lớn đến nơi đây. Cảm nhận này người trần thế mấy ai hiểu được nhỉ ! Tôi lại chợt nhớ đến câu nói của cụ Nguyễn Văn Linh : "Trước khi đi làm cách mạng, tôi đã một lần lên núi Yên Tử”.
Điều đặc biệt khác nữa khiến tôi suy nghĩ là các chùa trên núi Yên Tử bị sụp đổ, hư hao nhiều. Chỉ riêng tháp của Ngài Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tôn làm bằng mái đá 6 tầng, từ đời Trần đến nay vẫn còn nguyên và khu thành bao chung quanh tháp lợp bằng ngói mũi hài, gạch hoa cúc vẫn không bị hư hại. Ngoài ra, tháp của Ngài ở Nam Định cao 13 tầng cũng còn nguyên.
Khi mọi người cảm thấy khỏe khoắn, thì nồi cháo hoa của bà cụ giữ chùa Hoa Yên cũng vừa chín. Nhờ bát cháo đầy nghĩa tình này giúp chúng tôi tăng thêm sức lực để xuống núi. Ông Chủ tịch Ủy ban Mặt trận thị xã cho biết đoàn phải xuống núi ngay vì mưa bắt đầu rơi, đường rất trơn và nguy hiểm, lại thêm hai vị Hòa thượng lớn tuổi sức yếu. Nếu chậm trễ sẽ về không kịp trong ngày. Vì vậy, chúng tôi không còn thì giờ để tiếp tục thăm viếng chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Trên đường xuống núi, lòng tôi thầm tiếc, ước gì mình được ở lại đây tu hành.
Xe về đến thị xã đã 6 giờ chiều. Ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, ông Bí thư lại tha thiết mời đoàn ở lại dùng cơm thân mật với Ủy ban. Nhưng mọi người đều quá mệt và nhất là sáng hôm sau Hòa thượng Thiện Siêu phải dự phiên họp Quốc hội, nên chúng tôi hẹn đến Đại hội Phật giáo vào tháng 11 sẽ đưa đại biểu về thăm lại Yên Tử.
Chiếc xe ì ạch chở đoàn về đến chùa Quán Sứ cũng đúng vào 10 giờ đêm. Hòa thượng Tâm Thông lại hoan hỷ thốt lên : "Tổ độ chúng ta đi đến nơi về đến chốn yên lành”.
Sau khi trèo non Yên Tử, trở về đất Tổ, được trầm mình trong vài phút giây ngắn ngủi ở đạo tràng thanh tịnh tuyệt vời nơi Thánh địa, chúng tôi nhận thấy việc phục hồi di tích lịch sử Yên Tử thật vô cùng cần thiết.
Dân chúng thị xã Uông Bí đã nhiệt tình đóng góp, Bộ Văn hóa đã cấp giấy phép trùng tu và đã trích ngân sách đến tỷ rưỡi cho công trình phục hồi. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đủ để làm con đường đi lên núi Yên Tử. Phần xây dựng lại những ngôi chùa trên núi và sửa sang bảo tồn toàn khu Yên Tử 1000 mẫu chắc chắn phải tốn kém hơn nhiều, mà lại chưa có kinh phí.
Chúng tôi ước mong sao tất cả Tăng Ni Phật tử trong và ngoài nước cùng đồng tâm hiệp lực, đóng góp công của vào việc trùng tu các ngôi chùa cũng như toàn khu Yên Tử để lưu lại một tài sản vô giá muôn đời cho con cháu chúng ta.