Sách
Mỗi năm vào dịp cận Tết, Ban Hoằng pháp Trung ương thường tổ chức viếng thăm đồng bào ở huyện Củ Chi. Năm nay, cũng trên tinh thần từ bi mang an vui cho người nghèo khó, tôi đã hướng dẫn các Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đến tặng quà Tết cho 200 hộ ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi.
Sau đó, tôi hướng dẫn Phật tử đến cúng dường Hòa thượng Trí Tịnh. Đặc biệt năm nay, khi cúng dường xong, chúng tôi sửa soạn ra về thì Hòa thượng bảo nán lại để Ngài chỉ dạy đôi điều. Cả đại chúng mừng rỡ quỳ xuống, chờ đón những lời giáo huấn vàng ngọc của Ngài, một vị cao Tăng ít nói.
Hòa thượng mỉm cười bảo đại chúng đứng lên, Ngài ôn tồn nhắc lại kinh nghiệm tu hành mà Ngài đã thiết thân chứng nghiệm để làm bài học cho chúng tôi suy nghĩ, noi theo. Hòa thượng cho biết 40 năm trước, khi lập nguyện tu hành, đọc kinh Đại thừa, Ngài tâm đắc ý nghĩa sâu xa của Đức Phật dạy mà hình thành nên bốn câu đối.
Bốn câu đối này là tiền đề thường lảng vảng trong suy tư của Hòa thượng và trở thành phương châm sống, hướng dẫn Ngài tu hành trên 40 năm. Hòa thượng bảo tôi đọc và giải thích hai câu đối viết trên tường bằng chữ Hán cho các Phật tử nghe :
Phiền não khởi giai đa sự. Thị phi sanh chỉ vị đa ngôn.
Sau khi tôi giải nghĩa câu này, Hòa thượng dạy thêm rằng mọi việc khởi lên đều có nguyên nhân. Hai câu đối này cũng vậy, được nảy sinh trong ý nghĩ Hòa thượng do nhân duyên khi thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Trong buổi họp, cụ Mai Thọ Truyền phát biểu rằng không biết tại sao giới cư sĩ không tranh cãi, trong khi các Hòa thượng, Thượng tọa tu hành mà lại cãi nhau nhiều quá.
Hòa thượng phân tích cho chúng tôi hiểu rằng sở dĩ cãi nhau rồi sanh phiền não là tại nhiều việc. Nếu không cưu mang nhiều công việc, làm gì có phiền não.
Theo Hòa thượng, có nhiều việc đáng lẽ cư sĩ phải đảm đương nhưng chư Tăng lại gánh vác. Từ đó vấn đề đặt ra nhiều, tâm không thể yên tịnh, phiền não tất yếu phải nổi dậy. Nếu thấy người rơi vào cảnh ngộ này, chúng ta cần khởi tâm thương họ hơn là chê trách. Ngoài ra, trong công việc, nhiều người đưa ra nhiều ý nên thành nhiều lời, dễ đụng chạm mất lòng.
Vì ý thức như vậy, Hòa thượng ít sinh hoạt với Tổng hội Phật giáo và ẩn tu dịch kinh. Nhờ sống theo tinh thần hai câu này trong suốt thời gian dài, Ngài ít nói, ít tiếp xúc, ít làm việc, nên cảm thấy tâm hồn yên tĩnh hơn, gần Phật hơn. Bằng kết quả tu hành của chính Ngài, Hòa thượng dạy chúng ta trên bước đường tu cần ít nói, ít việc chừng nào tốt chừng đó.
Hòa thượng dạy tiếp hai câu đối kế :
Tri túc an phận thân vô nhục. Thiểu dục tri cơ tâm tự nhàn.
Với giọng nói nhẹ nhàng, Hòa thượng giảng cho đại chúng hiểu rằng người tu phải biết tri túc, hay không đòi hỏi những gì toàn ngoài tầm tay và phải sống an phận. Tuy nhiên, Hòa thượng nhắc nhở chúng ta đừng hiểu lầm an phận là sống tiêu cực.
Theo Ngài, sống an phận nghĩa là làm đúng việc của chúng ta, có lợi ích cho bản thân và mọi người. Bằng kinh nghiệm trong cuộc đời tu hành, Hòa thượng đã chứng kiến một số vị không chịu sống với phận của mình, muốn làm những việc vượt ngoài sinh hoạt của người xuất gia phạm hạnh mà Đức Phật đã quy định, mới dẫn đến hậu quả thân bị tù tội, tâm đau khổ.
Hòa thượng nhờ biết tri túc an phận, không ham muốn làm những việc vượt ngoài hoàn cảnh cho phép, chấp nhận thực tế. Ngài làm những việc không đụng chạm đến quyền lợi của người, nên không ai có khả năng gây phiền lụy cho thân tâm Ngài.
Tuy nhiên, Hòa thượng dạy muốn tri túc an phận, bằng lòng với một cuộc sống của mình, đòi hỏi chúng ta phải thiểu dục và tri cơ. Người không thiểu dục, truy cầu quá nhiều, tâm không thể an được và người không tri cơ làm gì biết phận mình ở đâu mà an.
Thật vậy, nhiều người ham muốn, mãi chạy theo đòi hỏi tham vọng, tất nhiên không sáng suốt, không thể thấy biết thời cơ. Người thấy bằng tham vọng, tự nghĩ mình làm được tất cả, trong khi thực sự không đủ phước báo, khả năng yếu kém mà lãnh đạo, không ai mến phục. Chẳng những họ không được lợi lạc gì cho bản thân và xã hội mà còn chuốc lấy khổ lụy thêm. Trái lại, người thiểu dục không bị ham muốn chi phối, thấy việc cần làm mới làm và sẵn sàng từ bỏ việc không nên làm.
Người biết thời cơ, nhịp nhàng ứng xử theo sự biến chuyển của nó, tiến thoái một cách nhẹ nhàng tự nhiên. Lúc hoàn cảnh khó khăn biết ẩn nhẫn sống. Khi đủ duyên được đề cử đảm trách Phật sự chung, họ cũng tùy chỗ, tùy thời mà triển khai khác nhau. Và nhất là làm đúng mức độ của công việc, không hăng hái quá trớn dễ bị tai họa, cũng không lơ là để hư việc.
Nếu chúng ta không tri cơ, việc gì cũng từ chối, sẽ đánh mất cơ hội tu tạo công đức. Đức Phật dạy rằng cuộc đời ngắn ngủi, để trôi qua một ngày không ích lợi là điều đáng tiếc. Người tri cơ làm đúng việc của mình, không tranh việc người. Họ làm theo yêu cầu của đại chúng và không ai tranh chấp, nên không thất bại.
Người biết thời cơ mà tùy theo đó hành xử, tâm sẽ tự an nhàn. Không biết thời cơ vẫn cứ dấn thân làm, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn nguy hiểm, tâm sẽ phiền muộn, khổ đau.
Đó là kinh nghiệm sống của Hòa thượng trong suốt 40 năm Ngài tu hành dịch kinh, thực hiện phương châm nêu trên. Dù hoàn cảnh bên ngoài có thay đổi sóng gió gì chăng nữa, Ngài sống trong Thiền thất quán sát, biết rõ nguyên nhân và diễn biến của sự đổi thay, coi nó là "pháp nhĩ như thị” hay việc tất yếu phải như vậy, nên tâm tự an nhàn.
Đối với sự xoay vần của thời cuộc, hay nói chung của trời đất, bằng tâm hồn thanh thản sáng suốt, xem như tự nhiên. Không hề bị chúng làm dao động và cũng không vướng mắc với công việc, mới thể hiện được tâm tự tại giải thoát của người tu.
Tri cơ và thiểu dục tác động hỗ tương cho nhau. Biết thời cơ rồi, tâm không còn tham vọng và tâm không ham muốn thì tầm nhìn mới sáng suốt, đúng đắn. Có thiểu dục tri cơ, tâm mới được an nhàn mà tu hành.
Tóm lại, bốn câu đối tuy đơn giản, nhưng nói lên được cuộc sống tu hành kiểu mẫu của một bậc cao Tăng. Suốt cuộc đời Hòa thượng trải qua những đổi thay của lịch sử, hơn nửa thế kỷ với nhiều biến động mạnh mẽ trong đạo, ngoài đời. Ngài nhẹ nhàng thích ứng, lúc thì ẩn dật tu hành dịch kinh, lúc ra gánh vác nhiều Phật sự lớn lao.
Phải chăng Hòa thượng đã thực hiện theo tinh thần của mô hình nêu trên mà ngày nay Ngài đương nhiên đóng vai trò lãnh đạo quan trọng nhất trong Giáo hội : Quyền Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch kiêm Trưởng ban Tăng sự của Hội đồng Trị sự Trung ương.
Được phước duyên thọ giáo lời chỉ dạy quý báu của bậc tôn túc trưởng thượng mô phạm, chúng tôi vô cùng hoan hỷ và xin được chia sẻ cùng tất cả đệ tử Phật để làm hành trang trên lộ trình tiến tu đạo hạnh của chúng ta.