Sách
Tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo được xây dựng trên nền tảng từ bi. Đó là yếu tố quan trọng chính giúp cho đạo Phật dễ dàng thâm nhập thích nghi với phong tục tập quán, hay nói chung, hài hòa với tất cả mọi hoàn cảnh sống của bất cứ nơi nào mà đạo Phật truyền đến.
Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam cũng vậy. Với sự tùy thuận theo tinh thần quên mình vì lợi ích của người, Phật giáo đã hòa nhập vào đời sống dân tộc Việt Nam. Từ đó, gắn bó với sinh hoạt dân tộc một cách tự nhiên, không do áp đặt của thế lực nào, ngay cả khi Phật giáo được tôn làm quốc giáo.
Sự đồng hành mật thiết của Phật giáo với dân tộc trải qua bao thăng trầm trong suốt lịch sử dài hơn 2000 năm. Chính điều đó đã hình thành một mô hình Phật giáo Việt Nam mang tính chất cá biệt, trần đầy sức sống. Qua những trang sử oai hùng, còn ghi dấu ấn trí tuệ và công sức của những người con Phật. Họ đã đóng góp tích cực thiết yếu trong những chiến thắng lẫy lừng bảo vệ đất nước. Ngoài ra, trong những tác phẩm văn chương nghệ thuật làm rạng danh văn hóa dân tộc cũng có sự tham dự của họ.
Thật vậy, từ thời sơ khai lập quốc, trong cuộc đấu tranh sanh tử ngàn năm chống Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam đã có được sự trợ lực vô cùng hữu hiệu của Phật giáo. Phật giáo đã hòa nhập vào nền văn hóa cổ truyền, gánh vác vai trò quan trọng trong việc xây dựng tinh thần độc lập dân tộc; đồng thời phá tan được âm mưu đồng hóa cưỡng bức của chế độ Hán Đường, bảo vệ được nền văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, dưới thời Bắc thuộc, Phật giáo đã mang đến nông pháp, y dược thuật Ấn Độ và nhiều giống cây ăn trái, cây làm thuốc. Những cây giống này đem trồng trong chùa, sau đó được nhân giống phổ biến cho dân làng.
Mặt khác, trường học thời Bắc thuộc rất ít, người Trung Hoa chỉ đào tạo giới hạn một số thuộc viên biết "thư và toán” đắc lực với họ. Để phục hồi văn hóa, các nhà sư thông thạo Hán ngữ, Phạn ngữ và tiếng Việt đã mở trường dạy học tại chùa. Qua sử liệu, có thể xác định rằng nền văn hóa Phật giáo nửa cuối thời chống Bắc thuộc đã xây dựng được lớp người trí thức đầu tiên đảm trách công cuộc lãnh đạo giành lại độc lập cho đất nước ở thế kỷ thứ 10.
Vai trò quan trọng của Phật giáo vào giai đoạn nước nhà vừa độc lập được lịch sử ghi nhận như sau : "Trong buổi đầu thời kỳ độc lập, Phật giáo là một tôn giáo chiếm ưu thế trong xã hội. Trong nước, nhiều chùa tháp được xây dựng. Riêng ở Hoa Lư năm 973, Nam Việt vương Đinh Liễn, con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng cho dựng 100 cột đá khắc kinh Phật (gọi là kinh tràng). Các nhà sư là tầng lớp có học thức, có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội. Ngoài văn hóa dân gian, lực lượng sáng tác văn học lúc đó chủ yếu cũng là các nhà sư. Những tác phẩm văn học thành văn của giai đoạn này còn lại đến nay là một số bài thơ chữ Hán của các nhà sư Đỗ Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh v.v…” (Trích trang 150, Lịch sử Việt Nam tập 1 của UBKHXH xuất bản 1971 tại Hà Nội).
Ảnh hưởng của Phật giáo đạt đến mức cao nhất ở thời Lý cũng được ghi rõ trong lịch sử : "Vào đời Lý, trong xã hội, Phật giáo vẫn chiếm ưu thế và các nhà sư vẫn giữ vai trò quan trọng. Đời Lý là giai đoạn thịnh đạt của Phật giáo Việt Nam. Thời bấy giờ, Phật giáo truyền bá rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội, in rõ dấu ấn trong mọi lãnh vực văn hóa (Trích trang 163, Lịch sử Việt Nam tập 1, của UBKHXH xuất bản 1971).
Trong hơn 200 năm, Phật giáo đã giữ vị trí độc tôn và góp phần chính yếu cho nền văn hóa dân tộc. Ảnh hưởng của Phật giáo ăn sâu vào tất cả ngành hoạt động.
Về phương diện văn học, các Tăng sĩ đều thuộc hàng thượng tầng trí thức có ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa đương thời. Nhờ sách Thiền Uyển Tập Anh và một số bia tạo dựng từ đời Lý mà văn thơ đời ấy còn tồn tại. Các Thiền sư luôn luôn là những người tài giỏi và hay chữ nhất trong xã hội. Trong 50 thi sĩ đời Lý có đến 41 người là Tăng lữ.
Về phương diện mỹ thuật, đối với các ngành kiến trúc, hội họa, điêu khắc, đạo Phật đã là một động lực giúp cho việc phát triển mạnh mẽ. Điển hình là những công trình mỹ thuật còn lưu lại như tượng Quỳnh Lâm bằng đồng cao đến độ đứng cách 10 dặm còn trong thấy đầu pho tượng. Hoặc đình Phổ Minh ở Nam Định, hay những thắng tích ở Hà Nội như chùa Một Cột, đền Hai Bà v.v…
Về phương diện chính trị, nhờ tri thức và tài lực của chư Tăng, chính sách được sửa đổi văn minh nhiều hơn. Các hình phạt độc ác đời trước như ném kẻ tội vào chuồng cọp, vạc dầu đun sôi v.v… của vua Đinh Lê bị hủy bỏ.
Tinh thần Phật giáo đã có ảnh hưởng rõ nét đến các vua nhà Lý trong việc trị nước an dân. Nhưng không bao giờ Phật giáo dựa vào thế lực đó để lấn át các hoạt động văn hóa khác. Trái lại, bằng tinh thần vị tha vô ngã, các sư có tâm hồn phóng khoáng thấy những điều hay trong thuật xử thế của Nho, Lão thì học hỏi một cách tự nhiên và đem ứng xử như một phương tiện phục vụ quần chúng. Từ đó nhà sư Việt Nam cũng là nhà Nho và nhà tu Lão giáo, chứ không đơn thuần Phật giáo như ở Ấn Độ. Vì vậy, ở thời Lý, đạo giáo và Nho giáo được phát triển.
Từ góc độ tiếp thu điều thiện mỹ, làm phong phú thêm bản sắc của văn hóa Phật giáo Việt Nam, văn miếu thờ Khổng Tử cũng được dựng lên ngay ở kinh đô cùng lúc với việc xây dựng chùa. Chính quốc sư Vạn Hạnh đưa ra thuyết tam giáo thể hiện tinh thần vô ngã, bao dung của người đắc đạo.
Dưới triều Lý, với sự lãnh đạo của 8 đời vua anh minh sùng kính đạo Phật, đã mở khoa thi chọn nhân tài. Nền văn hóa quốc gia nhờ đó phát triển tốt đẹp. Người Phật tử điển hình như Lý Thường Kiệt làm rạng danh cho đất nước, được mọi người đều ghi nhớ.
Đến cuối đời Lý, vua thích xây cung điện, tuyển mỹ nữ cung phi ca hát. Vì vậy, đạo Phật với tinh thần phục vụ, lo cho người và chủ trương sửa mình cho tốt đẹp, không còn thích hợp với các ông vua thiếu đạo đức, ăn chơi vô độ, lại muốn cai trị độc đoán. Họ đã nắm lấy đạo Nho làm phương pháp trị dân.
Đến thời nhà Trần, các vua là những chiến sĩ anh dũng dẹp tan giặc một cách vẻ vang, khi nước nhà bị đoàn quân khét tiếng Mông Nguyên ba lần ồ ạt tiến sang xâm chiếm. Đến lúc đất nước thái bình, trí tuệ các Ngài hình thành những tư tưởng trong sáng của nhà sư ngộ đạo, tạo nên dòng Thiền nổi tiếng Trúc Lâm Yên tử.
Có thể khẳng định đặc sắc của đạo Phật đời Lý Trần là một triết lý sống phục vụ nhân sinh, không phải là lý thuyết suông hay giáo điều chết. Các Phật tử Lý Trần đã nắm bắt và thực hiện được tinh thần Phật đạo bằng cả sự sống của họ, bằng tư tưởng, lời nói, hành động trong nếp sống thường nhật.
Trên nền tảng này, Phật giáo thời Lý Trần không giới hạn nhỏ hẹp trong khuôn viên chùa chiền, tu viện và cũng không phải là sở hữu riêng của giới xuất gia. Đạo Phật đã là của tất cả mọi người. Từ Thiền sư cho đến vua quan hay người dân thường đều tự nguyện lấy giáo pháp làm lẽ sống.
Chính vì tinh thần hòa nhập cao độ vào cuộc sống mọi tầng lớp như vậy, các ngôi chùa đã được hình thành. Khi thì do bàn tay xây dựng của lớp người bình dân, có lúc do thành phần giàu có, trí thức phát tâm hoặc chính do vua chúa xây dựng chùa.
Người tu sĩ truyền đạo không bận tâm đến việc xây chùa. Còn phải lo xây dựng là còn vướng mắc vào ngã và ngã sở, một điều hoàn toàn xa lạ đối với tinh thần vô ngã vị tha. Trên căn bản này, Phật giáo đã sản sinh ra những mẫu người trí tuệ, đạo đức siêu tuyệt. Không riêng gì giới Phật giáo chúng tôi tự hào, mà lịch sử còn ghi nhận công đức của các Ngài trong sự nghiệp hộ quốc an dân, khai hóa nền văn học, phát triển văn hóa dân tộc.
Một vài thí dụ điển hình như cái thấy trầm tĩnh của Thiền sư Vạn Hạnh. Ngài thấy xác thật như vị tướng tài, biết rõ được chiến lược của giặc Tống. Ngài đã khuyên vua Lê Đại Hành án binh bất động trong 21 ngày giặc sẽ lui.
Hoặc như vua Lý Thái Tông đánh thắng Chiêm Thành trở về, ra lệnh giảm một nửa tiền thuế cho dân với lý do như sau : "Việc đánh dẹp phương xa làm tổn hại đến công việc nhà nông. Thế mà ngờ đâu mùa Đông năm nay lại được mùa lớn, trăm họ đều no đủ, thì trẫm còn lo gì thiếu thốn. Vậy xá cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay”.
Mất mùa giảm thuế là điều bình thường, nhưng ở đây được mùa cũng giảm thuế. Việc làm này phát xuất từ lòng thương dân của vua, tấm lòng từ ái "nhân dân no đủ thì trẫm không sợ thiếu thốn”. Chúng ta cũng cảm nhận đức tính bình dị, quý dân khi đọc di chiếu của Lý Nhân Tông : "Trẫm đã ít đức, không làm cho trăm họ được yên. Đến khi chết, lại bắt dân chúng mặc sô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, để làm nặng lỗi lầm của trẫm thì thiên hạ sẽ bảo trẫm là người thế nào”.
Hoặc như vua Trần Thái Tôn ở địa vị quyền uy cao tột, nhưng xem ngôi vua như chiếc giày rách, bỏ lúc nào cũng được. Hay như Trần Nhân Tôn sau khi đại thắng quân Nguyên, đạt đến đỉnh cao của vinh quang, Ngài lại lên núi Yên Tử xuất gia. Quá trình hành đạo của Ngài không chỉ đơn thuần tham Thiền trong hang động núi rừng mà còn xả thân vào sinh ra tử nơi chiến trường cùng nhân dân.
Từ Thiền sư cho đến các vua quan thấm nhuần Phật giáo đều nêu gương sáng đạo đức vô ngã vị tha. Các Ngài hoàn toàn vì dân vì nước, không vì lợi ích bản thân.
Sau khi chế độ quân chủ chấm dứt, đến thời kỳ đạo Thiên Chúa phát triển ở đất nước Việt Nam. Các nhà sư cũng theo học văn hóa phương Tây truyền sang, cũng đỗ đạt bằng cấp. Họ mở trường dạy học như các trường phổ thông trung học Bồ Đề hay trường đại học Vạn Hạnh. Điều này không ngoài mục tiêu tiếp thu những điều hay để tự xây dựng cho Phật giáo hướng đi riêng, phát triển phù hợp với thời đại mà vẫn giữ được bản sắc của mình, không bị đồng hóa, mất gốc.
Đặc biệt khi đất nước Việt Nam chuyển qua chế độ Xã hội chủ nghĩa với tư tưởng Mác Lê, nhiều người nghĩ rằng tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng không thể tồn tại. Tuy nhiên, thực tế đã thể hiện hoàn toàn trái ngược lại.
Thật vậy, tư tưởng vô ngã vị tha của Phật giáo tương đương với tư tưởng "mình vì mọi người” của xã hội mới. Phật giáo không thờ ơ trước đau khổ của người khác, không lo riêng lợi ích cá nhân mình; đồng thời còn là nguồn sức mạnh hỗ trợ tích cực con đường mưu cầu hạnh phúc chung cho mọi người. Trên tinh thần đó, những người chân tu Phật giáo đã sống tự tại thanh thản. Họ không cảm thấy trở ngại gì trong cuộc sống mới, mà hơn thế nữa còn thể hiện được nếp sống gần gũi với quần chúng hơn trong những việc làm từ thiện xã hội, văn hóa.
Ngôi chùa đã trở nên thân thương với người dân qua những công tác hốt thuốc, chữa bệnh hay các lớp học tình thương giáo dục những mầm non nghèo khổ. Ngoài ra, bên cạnh các mặt đóng góp lợi ích cho cuộc đời, đạo pháp cũng được phát huy với việc đào tạo Tăng tài, xây dựng, tu bổ chùa chiền.
Trong suốt gần 20 năm qua, một số thành quả nổi bật chứng tỏ con đường phát triển lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam mà trước kia mọi người nghĩ là xa vời, không thể có được.
Thí dụ như Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã mở được ba khóa. Từ khởi đầu khóa 1 chỉ đào tạo được 60 Tăng Ni sinh, đến khóa 2 đã tăng lên 104 Tăng Ni tốt nghiệp và hiện nay khóa 3 đã tăng hơn gấp ba với 202 Tăng Ni. Ở cấp cơ bản, đã có 21 trường trên nhiều tỉnh thành, đang đào tạo Tăng Ni cho giai đoạn phát triển mới của Giáo hội. Con số này sẽ gia tăng mạnh trong những năm tới. Rất nhiều tự viện, tịnh xá, niệm Phật đường, danh lam thắng cảnh Phật giáo đã và đang được trùng tu xây dựng.
Đối với công tác từ thiện xã hội, Tăng Ni Phật tử ứng dụng tinh thần cứu khổ độ sanh, hội nhập vào đời qua nhiều việc làm đáng kể. Hầu hết những ngày lễ lớn trong năm như Tết Nguyên đán, lễ Phật đản, Vu lan, ngày Thương binh liệt sĩ v.v… giới Phật giáo đều tổ chức thăm viếng tặng quà tại quân y viện, bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật hoặc cứu trợ bão lụt, hỏa hoạn… Tổng số tiền giúp đỡ lên đến hàng tỷ đồng.
Ngoài ra, Tăng Ni Phật tử cũng hưởng ứng phong trào xây dựng đất nước, đóng góp bằng các hoạt động cụ thể như mua công trái xây dựng thủy điện Trị An, xây bệnh viện, nhà tình nghĩa, bảo trợ thiếu niên nhi đồng, trợ cấp học bổng cho sinh viên, học sinh giỏi, khó khăn… Số tiền đóng góp cũng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Về đối ngoại, mối liên hệ giữa Phật giáo Việt Nam với các tổ chức Phật giáo trên thế giới ngày càng mở rộng qua những hội nghị, những cuộc viếng thăm, trao đổi văn hóa, tư tưởng… Những thành quả trên cộng với nhiều thành quả của hoạt động Phật sự khác rất đa dạng, phong phú; tất cả nhằm mục đích lợi đạo ích đời, mở ra chân trời tươi sáng cho con đường đi tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam.
Tóm lại, Phật giáo được xây dựng trên nền tảng của những thành quả lợi ích thiết thực quan trọng đã tạo lập được trong suốt chiều dài lịch sử gần 2000 năm. Chúng tôi tin tưởng rằng tiếp tục hướng phát triển của giới Phật giáo, với tiềm lực dồi dào, khả năng không thiếu, cùng với lý tưởng và truyền thống vì hạnh phúc, vì an lạc cho mọi người, Phật giáo Việt Nam sẽ là mô hình kiểu mẫu cho thập kỷ phát triển văn hóa. Theo đó, Phật giáo Việt Nam có thể góp phần ưu việt nhất của mình cùng toàn dân xây dựng một xã hội tình thương, công bằng, ấm no hạnh phúc.
Và xa hơn nữa, xây dựng một thế kỷ 21 chan hòa tình hữu nghị với các dân tộc và tôn giáo trên thế giới, giúp cho nhân loại cùng sống chung trong hòa bình, an vui và nhân ái.
Đó chính là đỉnh cao của nền văn hóa mà Phật giáo Việt Nam kỳ vọng đóng góp thêm vào hương sắc của văn hóa nhân loại trong thập kỷ phát triển văn hóa.