Sách
(Giảng tại Khóa Bồi dưỡng giảng sinh,
Thiền viện Quảng Đức ngày 18-11-1994)
Mở đầu phẩm này, Duy Ma Cật hỏi các Bồ tát trong pháp hội đã vào Phật đạo hay nhập bất nhị pháp môn như thế nào ? Nói cách khác, Bồ tát đã tư duy, nói năng, hành động, sống ra sao để thể nhập chân lý ?
Mỗi Bồ tát trình bày kiến giải sở đắc riêng. Trong phẩm này nêu lên 42 câu trả lời của Bồ tát là 42 cách giải thích về pháp môn tu hành mà các Ngài đã thiết thân kiểm nghiệm. Các Bồ tát này đều phát xuất tu từ phương tiện và nay nhập bất nhị pháp môn. Nghĩa là ban đầu hành giả khởi điểm từ vị trí thế tục, nghĩ cuộc đời là bùn nhơ tội lỗi xấu xa. Họ hướng tâm về thế giới thánh thiện tu, từng bước xa rời trần tục, thanh khiết hóa thân tâm.
Tuy nhiên, vấn đề này có nhiều Tăng Ni, Phật tử nhận lầm ý Phật dạy. Họ không bỏ phiền não chấp trước để thanh tịnh hóa tâm hồn, mà lại bỏ cuộc đời, thì sẽ rớt vào không tưởng, mất tất cả. Thực tế thân tứ đại mọi người giống nhau, chỉ khác nhau ở tâm hồn. Chúng ta thấy rõ có tâm hồn nhỏ, tâm hồn lớn, tâm hồn thanh cao trong sáng, tâm hồn thấp kém bẩn thỉu… Trên căn bản Phật dạy tất cả đều do tâm tạo, hành giả cải tạo tâm, dần dần thân và hoàn cảnh bên ngoài cũng đổi theo. Tâm hướng thượng tạo thành thân dễ thương, hành động thiện. Chính yếu là tu tâm, không phải tu hình thức bên ngoài.
Cuộc đời muôn hình vạn trạng, nhưng hành giả chia làm hai : tốt xấu, phải trái để lựa chọn, bỏ ác làm thiện. Đó là con đường tu trong thế giới nhị nguyên, tiến theo chân đạo. Đức Phật đưa ra phương pháp giúp hành giả xa lìa việc xấu, sống với tốt bằng cách thực hành 37 trợ đạo phẩm, trong đó cốt lõi là bát Chánh đạo.
Bát Chánh đạo hay 8 cách sống ngăn chặn tam độc tham sân si, không cho chúng tác động vào ba nghiệp thân khẩu ý. Sống theo mô hình bát Chánh đạo, hành giả đoạn được 10 ác nghiệp, phát triển 10 thiện nghiệp, cuối cùng tri thức, đạo đức hoàn thiện, thể hiện cuộc sống có ý nghĩa, mang an vui cho mình và người. Kiến giải này được một trong 42 Bồ tát là Bồ tát Châu Đảnh Vương kiểm nghiệm trên bước đường sơ phát tâm tu nhị nguyên đến thâm nhập bất nhị pháp môn.
Tuy có 42 cách giải thích của các Bồ tát đi vào Phật đạo khác nhau, tựu trung đều nhằm cải tạo thân tâm thành trong sáng. Tất cả Bồ tát đều trải qua quá trình phân chia chân đế và tục đế, chọn chân bỏ tục. Tu một khoảng thời gian, tục đế không còn trong tâm thức và không còn chấp cái nào là chân hay tục. Họ cũng không nghĩ đến cái tốt đã làm, vì thực sự sống với chân đạo, nhập bất nhị.
Điều này khác với người sống ở chân đế nhưng chấp chân đế, kẹt trong việc làm phải trái, khiến tâm bị u mê gọi là Bồ tát nhập ám. Đức Phật dạy Bồ tát làm tốt bỏ xấu và xong việc phải xóa luôn cả cái tốt để tâm trong sáng. Giữ lại thành quả chỉ làm chật cứng tâm hồn. Đây là điểm khác biệt giữa Nhị thừa và Bồ tát.
Nhị thừa tích lũy hiểu biết và vướng mắc với hiểu biết này, kinh thường gọi là sở tri chướng. Bồ tát làm tất cả, nhưng không việc nào tồn đọng tác hại tâm trí. Trên căn bản này, chúng ta khởi đầu nương pháp để thăng hoa cuộc sống hay để trở thành chấp pháp ? Đó là vấn đề cho chúng ta suy nghĩ, ứng dụng.
Trên bước đường tu, tôi nhận thấy có những người tu rất kỹ, đời sống phạm hạnh rất tốt, nhưng tánh tính khó chịu, không ai chấp nhận được. Phải biết người này đang bị kẹt với cái đúng ở chân đế, nhìn về tục đế, lâu ngày tâm họ bị tục đế đồng hóa.
Kinh Duy Ma điều chỉnh sai lầm này, đưa ra hướng giáo dục, theo đó hành giả bỏ tục xuất gia, thâm nhập chân đạo, không tự cho mình là người ở chân đế đối nghịch với tục đế, chê trách người khác. Hành giả thể hiện tinh thần bất nhị qua đời sống cao quý thanh thản, hiện hữu như gương sáng cho đời soi bóng sửa mình. Đó là kiến giải của Bồ tát Phất Sa.
Ngoài ra, Bồ tát Sư Tử Ý đưa ra con đường thâm nhập bất nhị bằng cách phân biệt hữu lậu, vô lậu và Bồ tát Tịnh Giải phân biệt hữu vi, vô vi. Vô lậu, vô vi thường được hiểu là không làm, đối lại với hữu lậu, hữu vi.
Theo Phật giáo Nhật Bản giải thích, hành vô vi pháp không có nghĩa là không làm. Vô vi là việc làm của người vượt trên người bình thường, có thể ví như người làm bằng trí óc, hay sử dụng kỹ thuật khoa học, máy móc. Chắc chắn năng suất phải lớn hơn người lao động bằng chân tay.
Vô vi theo đạo Phật thấy bề ngoài không làm, nhưng không việc nào có thể so sánh. Tinh thần vô vi được Thiền sư Việt Nam chỉ đạo cho các vua đời Lý thực hiện bằng cách ngồi yên trong cung điện, không cần nhọc sức ra trận. Tất cả đao binh đều phải chấm dứt mới là điều quan trọng. (Vô vi cư điện các – Xứ xứ tức đao binh).
Không làm bằng tay chân, nhưng làm bằng tâm, bằng trí tuệ. Hay đúng hơn là làm mà người không thể biết, không thể hiểu được. Thực tế cho thấy những bậc chân tu không sở hữu tài sản nào, không một tấc sắt trong tay. Tuy nhiên, họ đã ảnh hưởng, tác động cho người quả là không đơn giản.
Hữu vi thì làm đến đâu, người ta biết mình đến đó, thậm chí có người chưa làm được gì, mà mọi người đều thấy biết. Riêng đối với Bồ tát, Phật, phần nhiều chúng ta khó hiểu; vì chẳng thấy các Ngài làm mà việc tự thành, thể hiện tinh thần vô vi.
Trình bày của Bồ tát Sư Tử Ý và Tịnh Giải gợi cho chúng ta hai pháp tương đối. Bồ tát từ pháp hữu lậu, hữu vi bước sang vô lậu, vô vi, hay từ việc làm bình thường mọi người biết được tiến lên pháp cao hơn. Lúc ấy, thấy họ không làm, nhưng tất cả thánh thiện đã biến thành lẽ sống của họ trong sinh hoạt hàng ngày. Và việc làm cũng được an bài theo ý nghĩ của họ.
Trở lại thực tế cuộc sống của chúng ta thấy rõ có nhiều loại người xuất gia, tôi chia thành ba hạng để cùng quan sát. Hạng đầu tiên là thân xuất gia nhưng tâm không vào đạo. Họ không học, không hiểu lời Phật dạy, không đủ niềm tin ở pháp Phật. Với trình độ thấp kém và nghiệp lực tệ ác sâu dày,làm thế nào có thể vói tới lời Phật dạy quá sâu xa mầu nhiệm. Giữa họ và giáo pháp có khoảng cách rất xa. Tuy khoác áo tu, tâm hồn lẫn cuộc sống hoàn toàn thế tục hay còn tệ hơn. Ngày nào đó, quả báo xấu đến, khó khăn nguy hiểm sẽ chào đón họ.
Hàng tu sĩ thứ hai khá hơn, có ý chí, quyết định dấn thân hành đạo. Họ làm đủ mọi việc, từ chính trị, văn hóa, xã hội cho đến việc trong chùa, tụng kinh, bái sám, hướng dẫn Phật tử tu hành, xây chùa, đúc tượng v.v… Ai cũng thấy họ làm thật nhiều. Tuy nhiên, quan sát kỹ xem họ được gì và những người được họ quan tâm dìu dắt có lợi lạc gì ?
Thiết nghĩ tất cả việc này được làm theo pháp hữu vi, tu trên hữu lậu, nên chỉ là mộng huyễn bào ảnh. Người trí ý thức rõ như vậy, làm xong rồi bỏ, không để tâm. Người chấp vào pháp hữu vi, thấy bằng tham vọng sanh ra tâm kiêu mạn, tự coi mình có công lớn, làm được nhiều việc, muốn người phải kính nể. Không được như ý thì họ liền khởi sân si, chẳng ai chịu nổi.
Trên bước đường tu, tôi biết nhiều thầy từ sơ phát tâm đến nhắm mắt lìa đời, làm việc không nghỉ ngơi. Họ xây chùa, nuôi Tăng độ chúng, tham gia đủ các việc xã hội. Kết quả là tất cả việc này tác hại cho bản thân họ khổ và người được họ cưu mang cũng khổ. Thành tích càng lớn, nghiệp chướng càng dày. Lo cho đạo và đời càng nhiều, càng trở thành khó tính, khó thương. Cuối cùng kết thành quả báo, sống thì kẹt pháp, không ngộ đạo, chắc chắn rớt vô trần tục, dù còn khoác áo tu. Chết là lao vào trần thế để trả nợ.
Nhận rõ sai lầm này và học kinh Duy Ma quán chiếu cuộc đời, tôi luôn tâm niệm mọi thành tích đều tan thành mây khói, nếu là hữu vi. Đối với tôi, tất cả chẳng qua là phương tiện hành đạo, việc này qua đi tiếp nối việc khác, không còn lưu lại trong lòng. Kinh thường diễn tả ý này là thần thông du hý tam muội của Bồ tát. Bồ tát xem thành quả hữu vi không khác gì việc giải trí tạm, nếu so với tác động lớn lao vô cùng của pháp vô vi. Tuy nhiên, còn hiện hữu ở sanh diệt với việc làm hữu vi, người trí theo đó khám phá được lực tác động của vô vi, mới là điều cần thiết.
Tôi thường cân nhắc khi chúng ta sinh hoạt với pháp hữu lậu, thấy làm nhiều theo quan sát bề ngoài. Nếu đánh giá dưới góc độ vô vi pháp, lại thấy thực sự ta phá hại nhiều hơn. Thật vậy, chúng ta huy động tiền của nuôi một nhóm người. Theo tôi, nuôi bằng tâm niệm nào và họ lớn lên, làm được gì là vấn đề cần suy nghĩ. Nếu may mắn họ trở thành người đạo đức lợi ích cho đời, cho đạo, chúng ta được hưởng một phần công đức. Ngược lại, họ hư hỏng, nghèo khổ, chúng ta cũng gánh phần tội lỗi.
Thực tế một số chùa trước kia thường xây cô nhi viện. Tôi quan sát thấy rõ tất cả pháp hữu vi này được xây dựng trên tham vọng, người ngoại quốc đưa tiền giúp chùa với ý đồ nào đó và sư tiếp nhận số tiền này cũng có mưu tính nào đó. Việc xây dựng, nuôi trẻ được thực hiện trên thâm ý của bao nhiêu người. Và tất cả ý đồ đen tối này đầu tư cho những đứa trẻ bạc phước, nên cuộc đời chúng đi vào bóng tối. Kết cuộc, dốt nát, tham lam, nghèo khổ, oán hận là những gì họ trao cho chúng.
Cần ý thức rằng việc làm của người tu không phải chỉ đơn thuần tốt trên hành động hay trên pháp hữu vi là đủ. Phải tốt trên tâm niệm của người bố thí, của người điều hành xây dựng hay trên vô vi pháp, mới thể hiện đúng nghĩa của đạo.
Hạng người thứ ba tu giải vô vi pháp và hành xử trên vô vi pháp. Pháp vô lậu này phát xuất từ chân tâm, từ lòng từ bi chân thật. Trên căn bản này, có làm hay không, không quan trọng. Nhiều Thiền sư không dấn thân như bao nhiêu người khác, nhưng hiện hữu của họ là trụ cột của Phật giáo. Hay nói đúng hơn, các Ngài làm mà ta không biết, làm việc đáng làm bằng đạo lực, không làm việc vô ích. Nhờ đó, chúng ta thấy có bao nhiêu người nương theo công đức các Ngài mà tự phát triển đạo hạnh. Thiết tưởng chúng ta cần phải học cho được pháp vô vi tỏa sáng từ các bậc chân tu thạc đức để phát huy đạo lực của chính mình.
Sau khi 42 Bồ tát lần lượt trình bày kiến giải về con đường dẫn đến thế giới bất nhị, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đưa ra cho đại chúng mô hình bất nhị của Ngài. Theo Văn Thù, nhập bất nhị là không nói năng, không suy nghĩ, xa lìa tất cả ngôn ngữ văn tự, rời bỏ sách vở, nhưng không phải trở thành ngu muội, gỗ đá. Trái lại, tinh ba đạo hạnh thể hiện trọn vẹn trong sự sống của hành giả. Vô vi pháp tiềm ẩn bên trong, tác động cho người nhìn thấy phát tâm bồ đề, người gần gũi được an vui, phát triển đạo đức tri thức của họ.
Thực chất của đạo chở chuyên tất cả lợi ích làm đẹp cuộc đời là con đường giáo dục Văn Thù Sư Lợi hướng đến xây dựng cho đại chúng. Điều cần lưu ý là Bồ tát Văn Thù không thuộc nhân địa tu hành của 42 Bồ tát từ nhân môn hay từ phàm phu tiến lên Nhị thừa, tu Bồ tát đạo, thành Vô thượng Đẳng giác.
Bồ tát Văn Thù là Bồ tát trên quả môn, làm Thầy ba đời các Đức Phật, hiện thân giáo hóa. Ngài không cần phải trải qua quá trình tu từ nhị nguyên và xả nhị nguyên để nhập đạo.
Trên bước đường tu, chúng ta tự xét mình đang đứng ở vị trí nào để tiến tu. Tùy tư cách khác nhau mà con đường dẫn đến thế giới bất nhị của mỗi hành giả khác nhau. Không thể bắt chước y Văn Thù Sư Lợi khi không nói, không suy nghĩ của chúng ta còn ngốc nghếch hay giống như thằn lằn, rắn mối. Riêng tôi, thuở nhỏ tiến bước trên lộ trình từ cậu bé nhà quê đi lên, từng chặng đường nào tôi làm việc đó, không làm việc của người trên.
Cân nhắc phải trái, làm đúng việc, chúng ta kiểm tra tâm hồn xem cần khắc phục gì và điều chỉnh thân tâm cho đến hoàn mỹ, lợi ích cho người. Lúc ấy, không cần nói, nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng và đạo đức của chúng ta.
Văn Thù Sư Lợi hỏi Duy Ma nhập bất nhị pháp môn như thế nào ? Duy Ma lặng thinh và Văn Thù khen ngợi tuyệt diệu. Đến đây vấn đề đặt ra cho chúng ta là yên lặng để người khen hay yên lặng để người đánh giá như củi mục than nguội hoặc nói nhiều cho người chán ghét và nói cho người mở mang trí thức.
Yên lặng để người kính trọng và nói để người phát huy trí tuệ, đạo đức, thường được kinh diễn tả nói năng như chánh pháp, yên lặng như chánh pháp, tiêu biểu cho cách hành xử của Đức Phật. Hoặc hình ảnh Đạt Ma lặng thinh, 9 năm không nói và sau cùng để mở pháp phương tiện chỉ nói một lời "Ta an tâm cho người rồi đó”. Nói năng hay yên lặng đơn giản như vậy mà ngọn đèn Thiền được truyền qua bao đời, mỗi ngày lại thêm rực sáng.
Riêng đối với Duy Ma đã thành tựu mọi việc lợi lạc cho đời và đến thời điểm lặng thinh không nói, Ngài vẫn ảnh hưởng tác động lớn gọi là vô tác diệu lực. Diệu lực này bắt nguồn từ những thành quả tốt đẹp trước. Trên căn bản phải làm tất cả, nghĩa là phải trải qua giai đoạn hành Bồ tát đạo không tiếc thân mạng, mới cảm thành thọ mạng Như Lai, tạo thành công đức. Từ thành quả vẹn toàn tri thức và đạo đức, để đến giai đoạn không làm, công đức tự sanh ra. Công đức này lớn hơn phước báo của giai đoạn ra sức làm.
Chỉ có Duy Ma mới được quyền lặng thinh. Ngài yên lặng cho chúng ta mở pháp phương tiện, giảng nói giúp người hiểu được pháp lặng thinh mà Ngài hành sử. Duy Ma lặng thinh tuyệt diệu vì Ngài đã lặng thinh theo ý Bồ tát Văn Thù. Nghĩa là trước đó Duy Ma đã từng hội nhập vào thành Tỳ Da Ly, giáo hóa mọi tầng lớp xã hội. Ở lãnh vực nào Ngài cũng là bậc thượng thủ, được mọi người kính nể. Hoàn tất tốt đẹp việc tiếp độ mọi người xong, Duy Ma lặng thinh. Lúc ấy, hàng Thánh đệ tử như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Phú Lâu Na, A Nan…, Bồ tát Di Lặc, Trì Thế, Thiện Đức…, nói về trí tuệ của Duy Ma, tán dương công đức Ngài.
Duy Ma lặng thinh, không thuyết pháp mà cả trời người đều chấn động, vội vã tìm đến thăm Duy Ma, tức hướng tâm về Ngài. Trong khi chúng ta thuyết pháp, người bỏ đi. Lời nói của chúng ta so với Duy Ma lặng thinh xa nhau muôn trùng.
Có thể nói ý niệm lặng thinh của Duy Ma và ý nghĩa Niết bàn của Đức Phật mang cùng một ý nghĩa, theo đó việc đáng làm đã làm, người đáng độ đã độ, Đức Phật thanh thản đi về cõi tịch diệt. Ngài không hiện hữu ở dương trần nữa, nhưng giáo đoàn mở rộng khắp năm châu. Và giáo pháp được truyền đi gần 3.000 năm, tác động cho người an vui giải thoát, thể hiện bài pháp vô ngôn tuyệt diệu Đức Phật để lại cho đời.
Kinh Duy Ma muốn tuyên dương ý nghĩa thuyết pháp vô ngôn hay kinh bạch tự của Phật lưu lại. Bồ tát hoàn toàn tự do viết lên những cảm niệm, suy tư về Phật được hình thành bằng trái tim và khối óc của họ trên đường hành Bồ tát đạo.
Hình ảnh yên lặng tuyệt diệu khi thì thể hiện bằng nụ cười hàm tiếu của sơ Tổ Ca Diếp tiếp nhận bài pháp vô ngôn do Phật truyền tâm ấn. Hoặc có lúc là sự lặng thinh của Duy Ma hay hình ảnh Đạt Ma Thiền sư ngó lơ cuộc đời, 9 năm xay mặt vô vách. Tất cả đều tỏa sáng sức sống mãnh liệt, nuôi dưỡng dòng mạch đạo pháp tuôn chảy vĩnh hằng qua hơn 25 thế kỷ.
Trên thực tế chúng ta dễ bắt gặp ý này khi có nhân duyên căn lành, được sống gần bậc chân tu. Các Ngài không cần nói, tâm hồn toát lên sức sống đạo khiến đạo tâm của chúng ta dễ dàng phát khởi, tâm hồn chúng ta tự thấy yên ổn, trí sáng suốt thêm.
Đi vào con đường giáo dục của giáo lý Đại thừa vô ngôn, chúng ta cảm nhận sâu sắc ý này. Nhất là cách dạy dỗ ở các Thiền đường rất lạ, việc hành đạo, truyền đạo, học đạo đều bằng tâm. Tâm thầy trò ngang nhau sẽ cảm thông, truyền đạt một cách nhẹ nhàng tự nhiên. Thiền sư dạy Thiền sinh không bằng ngôn ngữ, nhưng đệ tử kính trọng quý mến thầy và Thầy thương yêu hướng dẫn học trò. Công việc diễn tiến ngoài mặt thật lạnh lùng dưới mắt người khác, chỉ riêng thầy trò hiểu nhau, sống với nhau trong thế giới lặng yên tràn đầy tình thương đạo đức tuyệt diệu. Theo tôi, đó mới chính là mạch sống của đạo mà chúng ta cần nỗ lực đạt cho được sở đắc này. Ngược lại càng để tâm bên ngoài nhiều, tâm hồn càng trống rỗng. Đạo tâm mất, chúng ta chỉ là cái xác không hồn, có tốn công dụ dỗ cũng chẳng ai theo.
Xa hơn nữa, từ pháp vô vi nhập bất nhị pháp môn, Thiền sư không xây chùa mà chùa lớn thêm, không tiếp Tăng độ chúng nhưng người theo cầu học mỗi lúc nhiều thêm. Mặc dù không làm, với sự nghiệp ảnh hưởng lớn lao như vậy, không thể nói là Thiền sư vô tích sự hay ích kỷ.
Ngoài ra, Thiền giả cũng không khổ vì dấn thân, ngày qua tháng lại ung dung tự tại sống với pháp bất nhị. Điển hình như các Thiền sư Nhật Bản, họ làm việc rất nhẹ nhàng, lấy việc chăm sóc cây kiểng làm pháp tu Thiền. Họ đầu tư chất liệu tình thương cho hoa lá, cây cỏ xanh tươi sống đến hàng trăm năm, tạo thành sức sống hài hòa giữa người và cảnh. Cảnh quan ấy tác động cho người có duyên bước chân vào thế giới đó một niềm an lạc kỳ diệu.
Chúng ta thử trắc nghiệm pháp tu này sẽ thấy ngay. Thay vì đối xử bằng tình thương, chúng ta nuôi đệ tử với lòng bực bội khó chịu liên tục, liệu nó có thể sống được với ta không ? Hoặc chúng ta cắm hoa, trồng cây, đổ lên cho nó mỗi ngày mọi điều bực tức, ưu phiền, chắc nó cũng khó sống. Ngày nay người Tây phương ưa thích tìm hiểu đạo Phật cũng nhằm khám phá những gì cao quý tiềm ẩn bên trong ảnh hưởng cho sự sống bên ngoài thanh cao.
Tóm lại, tu thoát ly cuộc đời để cầu đạo giải thoát như những người yếm thế tiêu cực, hay dấn thân nặng nợ với cuộc đời để rớt vô đau khổ trần tục. Cả hai đều không phải là con đường Duy Ma vạch ra.
Duy Ma minh họa cho chúng ta nếp sống thật ung dung tự tại của Thiền sư, của hành giả nhập bất nhị pháp môn. Họ hiện hữu lợi ích cho đời vẫn tỏa ngát hương vị giải thoát của bậc xuất trần thượng sĩ.
