Sách
(Giảng tại chùa Ấn Quang)
Con đường Phật đạo mở ra cho Tăng Ni Phật tử chúng ta đi vào bằng hai cửa : Phương tiện môn và chân thật môn.
Chân thật môn hay Không môn là cửa ngõ dẫn hành giả đi theo con đường thẳng, ngắn, trực tiếp gắn với điểm đến. Tuy nhiên, chỉ những hành giả có đời sống nội tâm mãnh liệt, trực nhận được thật tướng các pháp, mới có thể thâm nhập Phật đạo qua cửa chân thật. Nói rõ hơn, con đường đi vào chân thật môn chỉ dành riêng cho Bồ tát bất thoái chuyển hay Bồ tát từ đệ bát địa trở lên mà thôi.
Riêng hàng phàm phu hay Nhị thừa không có khả năng thâm nhập thế giới bản thể để thấy pháp chân thật, hoặc chỉ thấy được pháp một cách lờ mờ. Họ không thể nào tu hành theo lộ trình của chân thật môn.
Đức Phật khởi lòng đại bi, thể hiện trọn vẹn hạnh nguyện độ tận chúng sanh bằng cách dẫn mọi người đi theo con đường vòng. Ngài giúp cho họ có cơ hội thoát ra khỏi đường hiểm sanh tử. Con đường vòng đưa chúng nhân vượt 500 do tuần đường hiểm sanh tử chính là cánh cửa phương tiện mà Đức Phật mở ra cho thích hợp với trình độ của hàng trung và hạ căn.
Danh từ phương tiện được Ngài Cưu Ma La Thập dịch từ chữ Phạn là Upaya, nghĩa là phương pháp tốt đẹp mà Đức Phật dùng để hướng dẫn người, giúp họ thực hiện một công việc có lợi lạc cho bản thân họ.
Ngài Trúc Pháp Hộ không dùng từ phương tiện, nhưng dịch là thiện quyền. Quyền nghĩa là không phải thật, thiện là khéo léo. Thiện quyền là mượn tạm một cái gì đó và sử dụng nó một cách khéo léo, nhằm đạt được mục đích an vui giải thoát.
Để thuyết kinh Pháp Hoa, giảng nói pháp chân thật, Đức Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ Tam muội. Sau đó, Ngài xuất định trở lại cuộc đời bằng An tường Tam muội, nói pháp phương tiện.
Đi vào cuộc đời bằng An tường Tam muội có nghĩa là bước chân hoằng hóa độ sanh của Đức Phật đến nơi nào, nơi đó tốt đẹp hơn. Ngài đến với người nào thì người đó an lành hơn. Muốn thực hiện điều này, Ngài phải dùng vô số phương tiện thích hợp với hoàn cảnh, trình độ của nhiều tầng lớp người khác nhau, họ mới an lành được. Nếu chỉ sử dụng một pháp cố định hợp với người này, tất nhiên sẽ không hợp với người kia, đúng lúc này nhưng không đúng lúc khác, chấp nhận được nơi này nhưng không dùng được ở chỗ khác.
Vì thế, phương tiện của Đức Phật được thay đổi tùy phương, là tùy theo không gian và tùy tiện, là tùy theo thời gian. Nhưng thời gian diễn biến liên tục không dừng và không gian cũng không có hai chỗ giống nhau. Không gian và thời gian thay đổi cộng lại sanh ra vô số sự kiện khác nhau. Phương tiện của Phật ứng dụng cho cuộc đời cũng phải nhiều vô số.
Từ nghĩa này của phương tiện, trên bước đường tu, nếu cứ chấp y một pháp phương tiện cố định, lấy đó làm cứu cánh, chúng ta đã rơi vào bệnh giáo điều. Vướng mắc sai lầm này, nhiều người tu lâu, nhưng cuộc sống đạo đức trí tuệ không hề thay đổi, thăng hoa. Người nương được pháp phương tiện sẽ vận dụng nó để phát triển tri thức và đạo hạnh cho họ và cho người. Họ sẽ tiến tu từ phương tiện này sang phương tiện khác, cho đến khi chứng được pháp chân thật.
Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phương tiện, Đức Phật khẳng định mục tiêu của Ngài hiện hữu trên cuộc đời chỉ nhằm khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Trong bốn phần khai, thị, ngộ, nhập, công việc của Đức Phật là khai, thị. Ngộ, nhập là nhiệm vụ hành sử của chúng ta.
Đức Phật khai tri kiến hay dạy chúng ta cách nhìn khác với cách nhìn của lối mòn cũ có tự bao đời, do xã hội áp đặt nhồi nhét vào tim óc mọi người. Thật vậy, xã hội Ấn Độ thời Phật tại thế chịu sự chi phối của truyền thống Veda, theo đó hiện hữu một Thượng đế toàn năng hay Brahma sáng tạo và sắp xếp số phận cho con người. Kế tiếp là thời hậu Upanishad đưa ra quan niệm Tự Ngã gọi là Atman, một linh hồn bất tử.
Với tuệ giác của bậc Chánh biến tri, Ngài thấy rõ nhận thức trên bắt nguồn từ trình độ thấp kém của con người, làm cho họ sợ sệt trước mọi hoàn cảnh thiên nhiên. Họ cần nương tựa vào Thượng đế toàn năng để che chở. Mặt khác, với lòng ham muốn được sống mãi, họ đặt ra thuyết linh hồn hay Atman bất tử.
Theo tri kiến Phật, chỉ vì si mê, sợ hãi, tham vọng mà cuộc sống mọi người bám trụ vào hai tư tưởng này. Với uy đức của bậc Điều Ngự Trượng Phu, Ngài thẳng thắn phủ nhận sự hiện hữu của Thượng đế hay đấng Tạo hóa toàn năng. Ngài phê phán nếp nghĩ sai lầm của Bà la môn giáo cho rằng trí tuệ của con người có được là nhờ Thượng đế mặc khải qua Atman. Nhận thức như vậy chỉ đẩy mọi người đi vào con đường buông xuôi, giao phó mọi việc cho Thượng đế, làm cho con người trở thành yếu đuối, không phát triển được tri thức.
Bác bỏ những lý luận siêu hình viễn vông, Đức Phật trở về với con người. Ngài tin tưởng nơi trí tuệ vô tận của con người có thể sử dụng những quy luật khắc phục nội giới và thiên nhiên. Đức Phật khẳng định : "Trong chính cái xác thân dài một trượng này, cùng với tri thức và tư tưởng, Như Lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc của thế gian và sự sống chết của thế gian, và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian” (Kinh Rohitaffa Samssamyuttanikaya). Nghĩa là con người là chủ nhân ông của chính mình và giá trị con người hơn tất cả muôn loài. Vì chỉ có con người mới có đủ điều kiện hiểu biết chân lý, thể nhập chân lý và tự giải thoát cho mình.
Sau khi Đức Phật khai tri kiến cho thấy giá trị tuyệt vời của con người, Ngài chứng minh điều này bằng cả cuộc đời thiết thân kiểm nghiệm hành đạo. Đó là giai đoạn thị tri kiến Phật, hoàn toàn khác với ngoại đạo chỉ nói suông, không làm. Chính vì vậy, Đức Phật được tôn danh là bậc Minh hạnh túc, một vị Đạo sư mà lời nói và việc làm luôn song hành với nhau.
Đức Phật "Thị tri kiến” hay chúng ta nhìn vào tấm gương 80 năm giáo hóa độ sanh của Ngài là chúng ta sáng mắt liền. Từ bước khởi đầu vừa rời Bồ đề đạo tràng, Đức Phật quán sát, hiểu rõ nỗi lòng của năm anh em Kiều Trần Như. Họ muốn mau ra khỏi sanh tử, nên đã sống ẩn dật, tu khổ hạnh. Ngài đã đến đúng lúc, nói đúng pháp, khai đạo cho năm người bạn tri thức trở thành năm đệ tử đầu tiên trên bước đường lập giáo khai tông.
Sau đó, Đức Phật từng bước hòa mình sống với mọi người, xử thế cao thượng đến độ ai cũng phải thương mến kính trọng. Ngài khéo léo cảm hóa, dìu dắt từ nhà hiền triết cho đến những người thất học, hung dữ cực ác, từ hàng vương tôn công tử cho đến những người bị xếp vào hạng thấp kém trong xã hội. Tất cả đều phát huy đạo đức trí tuệ, đăng Thánh địa.
Trên bước đường vân du hóa độ, với tuệ nhãn, Đức Phật nhận chân được sự thật và ứng xử đúng với sự thật, không phạm lỗi lầm nào, dù là lỗi nhỏ nhất. Ngài thản nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh chống đối. Không ai có thể não hại Ngài.
Đức Phật không từ bỏ một việc thiện nào có thể mang an vui lợi lạc cho đời. Thành quả của việc làm sáng suốt và đức hạnh siêu tuyệt của Thế Tôn đã thể hiện bài học "Khả năng làm chủ thực sự chính mình” mà Đức Phật đề ra. Kinh gọi là ‘Thị tri kiến” cho những ai biết phát huy sức mạnh trí tuệ, đạo đức như Phật. Họ sẽ chỉ đạo được xã hội, hài hòa được với thiên nhiên.
Khi biết nhận thức theo tri kiến của Phật và nhìn thấy việc làm của Ngài, chúng ta tự thay đổi cách nhìn, cách sống. Ví dụ, trước kia chúng ta có tâm vọng ngoại, mãi chạy theo bên ngoài, nên vọng ngã, cuồng si, tham lam. Nay thấy Phật từ bỏ danh lợi, địa vị, tiền bạc mà không hề nghèo khổ. Chúng ta lần từng bước cũng từ bỏ tâm tham lam ích kỷ và hành động tham ác.
Từ bỏ hoàn toàn tâm xấu ác và việc tội lỗi, tâm chúng ta trở thành lắng yên, bừng sáng, bắt gặp được bản tâm thanh tịnh, đạt đến giai đoạn "Ngộ tri kiến Phật”. Lúc ấy, thế giới đẹp, mầu nhiệm mở ra cho chúng ta bước vào sống, phát triển được nhận thức sáng suốt của mình là "Nhập tri kiến Phật”.
Vấn đề chính yếu của phẩm Phương tiện chỉ có bốn chữ khai, thị, ngộ, nhập. Nhưng khai triển bốn chữ này thì thật vô cùng. Tổ sư dạy rằng "Phương tiện môn trung khai thị ngộ nhập, cơ duyên nan tận tán dương”. Bốn chữ này là bản đồ sống của Đức Phật trao cho chúng ta. Ngài mở đạo cho chúng ta nhận chân và thâm nhập thật tướng các pháp, điều động được mọi vật tự tại giống như Phật.
Ngài khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Điều quan trọng là phải biết Phật tri kiến này nằm trong tri kiến của chúng sanh. Tìm tri kiến Phật trong tri kiến của chúng sanh, hay tìm trong phương tiện mới có chân thật. Đức Phật sợ chúng ta hiểu lầm, từ bỏ cuộc đời để tìm tri kiến Phật. Ngài không bao giờ chấp nhận điều này.
Dù nói cuộc đời là khổ, bỏ nó chúng ta lại khổ hơn. Đó là ý niệm mà Đạo Nguyên Thiền sư nhắc nhở chúng ta trong Chánh Pháp Nhãn Tạng.
Thuở nhỏ tôi mang tâm niệm yếm thế, khi nghe như vậy cảm thấy choáng váng như tiếng sét nổ ngang tai. Theo giáo sư Motai, nếu chúng ta tu, mà từ bỏ cuộc đời, thì cũng giống như cá bị bắt ra khỏi nước, nó sẽ chết khô.
Trong kinh Viên Giác, Đức Phật dạy người tu từ bỏ cuộc đời để tìm đạo, thì không khác tìm lông rùa, sừng thỏ. Chính Đức Phật tìm đạo, đắc đạo ngay trong lòng sanh tử của cuộc đời. Ở trong phương tiện là tương đối pháp. Có chúng sanh đau khổ, mới có khát ngưỡng Niết bàn. Có người tham lam chấp trước, chúng ta mới theo người thanh tịnh giải thoát. Có dị kiến ngoại đạo, mới nổi bật giá trị Phật huệ sáng suốt.
Từ góc độ này, cuộc đời trở thành đối tượng cho chúng ta quan sát và quan sát cả vô số phương tiện của Phật. Phương tiện thu hẹp thànhcon số tượng trưng là 84.000. Ngài Trí Giả thu hẹp một lần nữa, đưa ra tư tưởng Nhất niệm tam thiên, trong một niệm tâm có đầy đủ 3.000 thế giới. Như vậy, từ vô số quy trở về một niệm tâm và từ một niệm tâm mở ra vô số pháp là phương tiện. Chúng ta phải học, thấy và chứng pháp phương tiện để thâm nhập pháp chân thật.
Ngoài ra, Ngài Trí Giả dùng tâm quán bốn chữ khai, thị, ngộ, nhập, triển khai thành tư tưởng "Thập giới hỗ cụ”. Theo Ngài, từ địa ngục giới cho đến Phật giới có 10 loại hình thế giới (địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, A tu la, người, trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật).
Mười thế giới này không tách biệt nhau, nhưng có tánh hỗ cụ, nghĩa là trong mỗi loại hình thế giới đều có đầy đủ các tánh của 9 loại hình thế giới kia. Qua lăng kính của tánh hỗ cụ, Trí Giả nhận thấy Phật quả có ở bên trong chúng sanh và địa ngục tánh cũng có ở bên trong Phật.
Như vậy, tánh ác xấu hay địa ngục tánh vẫn có trong con người Phật. Nhưng Đức Phật hơn chúng ta ở điểm Ngài biết trói buộc những tánh ác xấu này, không cho nó phát triển. Ngài chỉ phát huy tánh tốt. Trong khi chúng ta không kiểm soát được tánh ác xấu, không khống chế được nó. Nó hoành hành, sai sử, chi phối chúng ta một cách tự do.
Chính vì trong thân Phật có đầy đủ tánh của chúng sanh thuộc chín loại hình thế giới kia, Ngài mới có thể hiểu họ và liên hệ tiếp độ họ được.
Đối với tư tưởng "Nhất niệm tam thiên, Thập giới hỗ cụ” của Trí Giả Đại sư, chúng ta chỉ nhận biết trên lý thuyết qua sách vở. Phần chứng đắc chưa đạt tới. Điều này không đơn giản, đòi hỏi hành giả phải có tầm nhìn thật chính xác, có khả năng cột cứng sự vật hoàn toàn đứng yên lại để quan sát như thấy trái xoài trong lòng bàn tay.
Tóm lại, để khai thị tri kiến Phật cho loài người, đức Thế Tôn phải mang thân tứ đại ngũ uẩn như chúng ta. Trải qua quá trình tu hành, trí giác của Ngài bừng sáng, đạt quả vị Vô thượng Đẳng giác. Ngài thấy được chân lý tồn tại khách quan, thường hằng phổ biến trong không gian, thời gian.
Từ vị trí của bậc Toàn giác thấy biết, điều động muôn sự muôn vật dưới dạng chân như tánh, Đức Phật khởi tâm đại bi trở về thế giới hiện tượng của loài người. Ngài dùng tuệ nhãn soi rọi cuộc đời, tận lực suy tư về những phương tiện dìu dắt chúng sanh.
Ngài phải khai ra vô số phương tiện ứng hợp với khả năng, căn tánh của mọi người để họ hiểu được, chấp nhận được, sử dụng được quy luật thường hằng bất biến. Nhờ đó, họ đạt đến mục đích cuối cùng là quả vị Toàn giác bằng với đức Như Lai không khác.