Sách
Đối với người xuất gia, theo giới luật thì nửa tháng sám hối bố tát một lần nhằm kiểm điểm việc tu hành của chúng ta có đúng chánh pháp hay không; nhưng một số chùa chỉ đọc giới bản và đọc thật nhanh để đỡ ngồi lâu, mệt mỏi. Tu như vậy hoàn toàn sai pháp. Bố tát là ngày trưởng tịnh, chúng ta cần đọc giới bản một cách chậm rãi để suy nghĩ xem điều nào chúng ta đã làm đúng, việc nào còn sai phạm. Như vậy, tự kiểm điểm, so sánh việc làm của chúng ta có đúng với lời Phật dạy hay chưa để sửa đổi. Đó là điều chính của bố tát, không phải đọc lấy lệ hay đọc cho linh thiêng. Nếu tự kiểm thấy cuộc đời chúng ta chưa tốt, tự biết ta chưa làm đúng như Phật dạy, vì Đức Phật không bao giờ hư vọng. Tổ dạy y kinh giải nghĩa, Phật oan tam thế. Chúng ta giữ đúng ngữ ngôn văn tự trong kinh, nhưng không đạt kết quả lợi lạc thì cần phải xét lại kẻo oan cho ba đời chư Phật.
Ý thức sâu sắc việc làm của Đức Phật như vị đại lương y tùy bệnh cho thuốc, ngài Nhật Liên Thánh nhân đưa ra nhận thức mới theo đó pháp Phật cần ứng dụng theo bốn tiêu chuẩn là giáo, cơ, thời, quốc (giáo lý, căn cơ, thời gian và quốc độ). Giáo tức giáo lý Đức Phật để lại cần tìm hiểu và học chân thật nghĩa, từ đó phát huy được trí tuệ. Đó là như thị văn, như thị tư, như thị tu trì trên bước đường học Phật của chúng ta. Không phải chỉ học văn tự và chấp vào giáo điều để tự ràng buộc mình, không lối thoát.
Pháp nhĩ như thị, tức chân lý muôn đời không hề thay đổi mà Phật đã chứng đắc là cái chúng ta phải học, phải đạt được. Từ trí tuệ vô thượng hay từ chân lý, Đức Phật khai ra phương tiện. Đối với người mang nghiệp nào đó, Ngài nói pháp tương ưng để chữa bệnh cho họ. Người không bệnh mà lấy thuốc đó uống, rõ ràng là không khôn. Đối với tôi, học giáo lý phải thấy rõ Ngài nói với ai, lúc nào và ở đâu. Tôi đặt ra ba điều ấy để lý giải là như thị văn. Tôi thường tự hỏi nếu bây giờ có Đức Phật ở đây, Ngài sẽ nói gì. Chắc hẳn Đức Phật ngày nay không nói y như Phật cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm. Vì ngay khi Phật còn tại thế, ở thành Vương Xá, Ngài đã nói pháp khác với ở Xá Vệ và những gì Phật dạy cho chư Thiên cũng khác với vua chúa, pháp của Bồ tát cũng khác với Thanh văn. Vì tư chất của mỗi người đều khác nhau, nên pháp cũng phải khác.
Bỏ giáo lý Phật thì không phải đệ tử Ngài, nhưng chấp vào đó cũng không được. Điều quan trọng là nương lời Phật dạy để phát huy đạo đức và tri thức của chúng ta, nâng cao hiểu biết cho người, làm lợi ích cho đời. Các vị Tổ lập giáo khai tông đều hành đạo theo hướng này. Các ngài biết thích nghi với xã hội đang sống, nên Phật giáo mới hưng thạnh được. Điển hình như Phật giáo truyền sang Trung Quốc, ở đời Tống, Lương, Đường đã thay hình đổi dạng biết bao lần, đưa ra bao nhiêu là pháp môn, chia ra nhiều tông phái như Hoa Nghiêm, Tịnh độ, Thiên Thai, Luật tông, Luận tông, v.v… Mỗi tông phái có sinh hoạt khác nhau, nhưng chắc chắn không phải các vị Tổ chống nhau như những nhà nghiên cứu sử Phật giáo kết luận. Theo tôi, chư Tổ hành đạo trong một quốc gia chia ra nhiều nước, nhiều vùng, thì mỗi vị được một lãnh chúa kính phục, hỗ trợ. Hoàn cảnh hành đạo của mỗi vị ở các nơi khác nhau, nên các ngài cũng phải thuyết pháp thích hợp với nơi ấy. Nhật Liên gọi đó là quốc, tức pháp thay đổi ứng với quốc độ.
Ở Trung Quốc, vào thời kỳ một số nước độc lập, xưng vương, các Tổ nói về pháp bình đẳng, không giai cấp, theo đó ai có tài, được việc thì làm vua. Điều này thích hợp với một số tộc hùng mạnh lúc ấy, không chịu khuất phục Hán tộc, nên họ chấp nhận dễ dàng. Nếu cứ ca ngợi Hán tộc là nhất thì e khó sống với họ. Chúng ta thấy rõ các nước phương Bắc ở Trung Quốc theo đạo Phật, mỗi nước có dân tộc tính khác nhau. Các vị Tổ ở nơi nào đều biết phát huy tính đạo đức của dân tộc nơi đó. Nhờ vậy, Phật giáo ở các nước ở Trung Quốc thời đó đều mạnh. Cũng như ở Việt Nam, vào thời kỳ mất nước, các Tổ đã đề cao tinh thần độc lập, yêu nước, đạo Phật mới tồn tại. Nếu chỉ chấp pháp, con muỗi cũng không dám giết, cọng cỏ không dám nhổ, chắc chắn chẳng ai chấp nhận. Tổ dạy đại dụng tại tiền, quyền tại thủ. Đại dụng là tu chứng được liễu nghĩa, không kẹt trong ngữ ngôn văn tự, nên có vô số phương tiện trong tay, làm lợi ích cho trời người. Phương tiện là quyền và áp dụng được mới có lợi; nếu không, khổ vì chấp pháp.
Chúng ta học và bố tát theo hướng liễu nghĩa chân thật kinh, còn phương tiện thì tùy lúc, tùy nơi, tùy người mà thay đổi cho thích hợp. Đó là tinh thần mà ngài Nhật Liên triển khai thành giáo, cơ, thời, quốc. Cơ là căn cơ, trình độ của người, kinh thường gọi là căn tánh, hành nghiệp. Thấy rõ hoàn cảnh và năng lực của người, chúng ta mới khai phương tiện giúp họ được. Không biết mà giúp, nhiều khi còn hại cho ta nữa. Ba tháng An cư, quan trọng nhất là phải tu để thấy được căn tánh, hành nghiệp của chúng sanh. Nếu chỉ theo chủ nghĩa giới điều, cứ đến mùa hạ, chúng ta An cư, tụng kinh, v.v… và rằm tháng bảy Tự tứ lấy lệ, ai về chùa nấy, ta có thêm được lợi ích nào không, đàn na thí chủ có nương nhờ được phước đức của ta không.
Riêng tôi, trên bước đường tu học, tôi tâm đắc điều nào trong kinh, lấy đó làm đại tiền đề tu hành. Từ hiểu, ưa thích mới nhiệt tình phấn đấu đạt mục tiêu. Học, tu như vậy mới tiến được. Tâm đắc rồi chúng ta dồn năng lực vào đó suy tư, Thiền quán. Chúng ta nhận ra yếu nghĩa và đem áp dụng thử có kết quả, mới đem trao đổi với bạn đồng tu, đó là nghĩa của bố tát. Ta thanh tịnh và bạn cũng thanh tịnh, ta phát hiện những nghĩa lý sâu xa và bạn cũng vậy, cùng truyền trao cho nhau những sở đắc tu hành. Đó là thu hoạch lớn trong mùa An cư mà ta và bạn cùng đạt được, không uổng công tu, không cô phụ ơn Thầy giáo dưỡng, ơn thí chủ ủng hộ cúng dường. Ba tháng An cư nỗ lực chứng cho được Tam thừa Thánh quả, nếu không thì tu chi cho cực. Nếu là Thanh văn phải chứng A la hán, Duyên giác phải chứng Bích chi Phật, Bồ tát phải chứng Đẳng giác bất thối. Mục tiêu này chúng ta phải phấn đấu đạt cho được. Có như vậy, Phật pháp mới hưng thạnh.
Từ nghìn xưa cho đến ngày nay, những điều tốt đẹp lợi đạo, ích đời đều do các vị Thánh tăng tu chứng Thánh quả làm nên. Từ phàm Tăng hiểu biết ngang với người đời, tu lên Thánh tăng hiểu biết những điều người đời không vói tới nổi. Nhưng nếu chúng ta không lên được thì phải rớt xuống, không thể đứng yên một chỗ. Rớt xuống nghiệp chướng Tăng thì thân bệnh, tâm buồn phiền, làm khổ người tu chung phải lo. Càng có nhiều nghiệp Tăng, ngu Tăng, Phật giáo càng suy vi. Thánh Tăng đắc đạo nên có đại dụng, ứng dụng được chân thật nghĩa kinh trong cuộc sống, làm lợi ích cho đời. Phật giáo cực thịnh thời Đinh, Lê, Lý, Trần vì vua chúa không hiểu phải thỉnh ý Thiền sư giải đáp. Thiền sư khuyên họ phải nghe, vì tri thức của các ngài cao.
Chúng ta tu phải chứng Thánh quả, thấy biết những điều thiên hạ không thấy biết, gần nhất là đạt được Ngũ minh hay có một trong năm phần hiểu biết. Rõ ràng không có một nhà truyền giáo nào làm nên đạo nghiệp mà không biết rành về Ngũ minh. Như ngài Nguyễn Minh Không rất giỏi về Y phương minh, được coi là thần y, cứu chữa khỏi bệnh cho Lý Thần Tông, trong khi các danh y phải bó tay, khiến người phải kính nể. Có những Thiền sư lỗi lạc hơn nữa khi thông suốt việc quá khứ, vị lai như Vạn Hạnh, Khuông Việt ở thời lập quốc. Khuông Việt thấy trong đám sứ quân, những người thấp kém không có khả năng thống nhất đất nước. Với hiểu biết của người đắc đạo, ngài thấy Đinh Tiên Hoàng tuy là cậu bé chăn trâu, nhưng có tư chất lãnh đạo của một bậc đế vương. Thật vậy, có cái nhìn sáng suốt mới thấy được năng lực tiềm ẩn bên trong cậu bé chăn trâu nghèo nàn, rách rưới, để ngài nuôi dưỡng, dạy dỗ, xây dựng thành vị vua làm tốt cho nước, làm lợi cho đạo.
Hàng Thanh văn nương theo Tứ Thánh đế tu, chứng được Thánh quả là Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Chúng ta tự xét mình nghiệp nào thì dùng thuốc đó chữa cho mạnh. Thấp nhất, chứng được Sơ quả của Thanh văn là chúng ta phải trút bỏ được phiền não, không buồn giận, lo toan, tính toán. Tâm hồn chúng ta thanh thản, an trụ pháp Không, không quan tâm tới chùa, không nghĩ đến Phật tử, nhưng chùa vẫn đẹp, Phật tử vẫn đông. Không phải không quan tâm rồi mất hết.
Phàm Tăng thì luôn bận bịu tín đồ, phải nghĩ cách làm vừa lòng mọi người, gọi nôm na là làm dâu trăm họ, mới có tiền nuôi chúng, sửa chùa. Đạo chúng đông thì Trụ trì ốm. Lo bao nhiêu được bấy nhiêu. Nhưng phước tổn giảm, thì càng lo chùa càng suy sụp. Thánh Tăng không lo mà lo, tức tâm họ không vướng bận mảy trần, đạo pháp, chùa chiền, bổn đạo nương dưới bóng Từ của họ đều phát triển tốt đẹp.
Chúng ta nỗ lực tu ba tháng An cư, cố đạt cho được tâm hoàn toàn vắng lặng. Tâm càng nhẹ nhàng, sự nghiệp chúng ta càng lớn, chùa càng rực rỡ, Phật tử càng thuần thục, là biết chúng ta đi đúng lộ trình Phật dạy. Sau ba tháng An cư, tâm chúng ta thanh tịnh, giải thoát, tác động cho người nhìn thấy an vui, phước lạc. Được như vậy, ta đã là phước điền Tăng. Trên bước đường tu, đừng làm nô lệ cho nghiệp trần gian. Họ đã khổ rồi mà ta làm nô lệ họ thì ta càng khổ hơn. Ta muốn nhờ vả họ, nên tìm cách thân cận và làm họ vừa lòng để giúp ta. Như vậy thì ai ban phước cho ai.
Tu đắc quả, người nhìn thấy ta phát tâm Bồ đề, họ mong được thân cận với ta, cần ta chỉ dạy để phước đức, trí huệ của họ được tăng trưởng, đạo nghiệp của họ được thành tựu. Trách nhiệm của chúng ta là tu phải thành Hiền Thánh và dìu dắt người cùng thăng hoa Hiền Thánh như ta vậy.
Chín tuần tu học tương đương với ba tháng An cư, vì ngày xưa một tuần có mười ngày. Chúng ta phân chia thời khóa tu hành, kiểm điểm xem trong mười ngày, gặt hái được thành quả nào. Gia công tu hành, nhất định một tuần phải lên được một phẩm sen. Cuối cùng lên đỉnh cao nhất là cửu phẩm liên hoa, phải sạch nghiệp hoàn toàn, làm được những việc thánh thiện, lợi ích cho nhiều người, xứng đáng là trưởng tử của Như Lai thay Phật hoằng hóa độ sanh. Tôi cầu nguyện cho Tăng Ni mỗi mùa cấm túc An cư đều đạt được Thánh quả, mang an lạc cho mọi người, hình thành Tịnh độ ngay trên cõi nhân gian này.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Phổ Đà, Q.Bình Thạnh, mùa An cư PL.2539-1998)