Sách
An cư kiết hạ là truyền thống tu tập của Phật giáo từ nghìn xưa. Nối tiếp truyền thống ấy, theo tinh thần Phật dạy, Ban Tăng sự Trung ương đã chỉ đạo vấn đề tổ chức An cư kiết hạ trên toàn quốc và các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo cũng đã triển khai tích cực. Hầu hết các tỉnh, thành, quận, huyện trên toàn quốc đều tổ chức nhiều trường hạ An cư tập trung hoặc An cư tại chỗ. Đặc biệt, điều đáng tán dương là có nơi đổi mới cách tổ chức An cư, như Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang hay Ban Đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức, thuộc TP. Hồ Chí Minh, đã sắp xếp, phân chia An cư theo tuổi tác. Các vị lớn tuổi An cư riêng, các Tăng sinh trẻ ở tụ điểm riêng. Nếu xét về mặt hình thức, số lượng trường hạ và Tăng Ni cấm túc An cư đông, cho thấy bước tiến khởi sắc của sinh hoạt Phật giáo. Tuy nhiên, khi đã bố trí được tụ điểm An cư và Tăng Ni nhập hạ rồi, vấn đề còn lại quan trọng hơn, chúng ta cần suy nghĩ. Đó là thành quả mà Tăng Ni gặt hái được sau ba tháng An cư kiết hạ, họ được lợi lạc gì hay không.
Theo Luật tạng, tất cả Tỳ kheo phải cấm túc An cư, nếu không, sẽ không có tuổi hạ. Tính theo thực tế, năm nào cũng An cư thì tuổi đạo lớn, nhưng điều chính yếu ở điểm nỗ lực công phu trong ba tháng hạ sao cho trí tuệ phát sanh và đạo đức tăng trưởng. Không đạt kết quả như vậy, việc tu chỉ luống công vô ích. Thực chất của An cư kiết hạ nhằm giúp Tăng Ni thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, tiến tu Tam vô lậu học. Vì vậy, có cấm túc An cư mà không thực nghiệm ba việc này, cũng coi như không An cư.
Thúc liễm thân tâm, tự hạn chế việc đi lại, dẹp bỏ những việc làm và tạp niệm xấu, ác v.v... và thực hành những pháp tu căn bản để trói buộc thân tâm lại, không cho lệch ngoài chánh pháp, thiết nghĩ Tăng Ni nào cũng phải biết và là bước thấp nhất phải thể nghiệm cho được. Trau giồi giới đức, tức rèn luyện cho đức hạnh ngời sáng. Đối tượng chính để chúng ta mài giũa thân tâm không ai khác hơn là đại chúng cùng tu học. Nhờ sống chung với người, chúng ta mới bộc phát ra hết tham sân phiền não của chính mình, biết được tánh xấu còn tiềm ẩn mà sửa đổi, trở thành người tốt. Nhờ trau giồi giới đức nên đến giai đoạn này, chúng ta đạt giới thể thanh tịnh, không phải chấp chặt giới điều. Giới vô lậu trở thành tự nhiên, không ai cấm đoán, nhưng tự lòng ta không ham thích. Định vô lậu nên tâm hồn thanh thản trước mọi diễn biến của sự vật, cho đến đối diện với cái chết cũng chẳng hề nao núng. Định tâm phẳng lặng như mặt nước hồ thu không gợn sóng; lúc ấy, trí huệ vô lậu tự phát sanh. Huệ vô lậu thường được ví như gương, người hay vật nào ngang qua, đều hiện rõ trên gương, đi qua rồi thì không còn lưu dấu. Vì vậy, với huệ vô lậu, chúng ta không cần suy nghĩ, đối phó, việc nào xảy đến, giống như vật hiện trước gương, sẽ biết rõ và giải quyết chính xác. Việc qua rồi không vướng bận trong tâm, từ đó, việc kế tiếp sẽ không làm theo kinh nghiệm của dấu vết trước để lại, mà nó được nhìn thấy đúng như thật, nên chẳng bao giờ thất bại.
Thiết nghĩ thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, tiến tu Tam vô lậu học, những tinh hoa này của hàng Thích tử muôn đời là chất liệu nuôi sống mạng mạch Phật pháp trường tồn trên thế gian này, làm lợi lạc cho chúng hữu tình.
(Báo GN số 16, ngày 20-7-1996)