Sách
Tôi có một số suy nghĩ nhằm góp ý với Tăng Ni tỉnh nhà trên bước đường tăng trưởng đạo lực để phục vụ đạo pháp. Giáo hội chúng ta đã hoạt động trải qua bốn nhiệm kỳ và đang đi vào nhiệm kỳ V. Trong hai mươi năm, Tăng Ni Phật tử cả nước cùng chung một mục đích là xây dựng đạo pháp. Ban Hoằng pháp mới có điều kiện thăm tỉnh nhà. Tôi nhận thấy tỉnh chúng ta từng bước phát triển và Tăng Ni cũng y cứ lời Phật dạy, tổ chức An cư cấm túc.
Phật dạy nơi nào Tăng Ni còn hòa hợp, tuân thủ giới luật thì nơi đó, Phật pháp phát triển được. Quả đúng như vậy, Giáo hội chúng ta hòa hợp thống nhất được, nên sinh hoạt của Giáo hội đã phát triển trong suốt hai mươi năm qua trên khắp mọi miền đất nước. Vì thế, chúng ta tin tưởng lời Phật dạy không hư vọng, nên cùng nỗ lực đi sâu vào giáo lý và áp dụng trong cuộc sống để Phật pháp cửu trụ, chuyển đổi thế giới này thành nơi an lành cho mọi người.
Trong ba tháng An cư, chúng ta chủ trương trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, phục vụ chúng sanh. Trưởng dưỡng đạo tâm bằng cách nào? Đức Phật dạy rằng con người có phần vật chất là sắc uẩn và tinh thần gồm thọ, tưởng, hành, thức uẩn, tổng hợp lại gọi là ngũ uẩn. Trong ngũ uẩn đó có phần chơn ngũ uẩn và vọng ngũ uẩn. Nếu phát triển phần vọng thì chúng ta và thế giới của chúng ta đi vào sanh tử khổ đau. Đức Phật nhận ra được con người ngũ uẩn là con người đau khổ trong thế giới đau khổ. Từ đó, Ngài phát tâm tìm cách thoát ly sanh tử khổ đau và khám phá được sự an lạc và thế giới an lạc là Niết bàn. Ngài khẳng định rằng từ đây Ngài không còn lệ thuộc sanh tử, không lệ thuộc ngũ uẩn thân, nghĩa là cũng có thân ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nhưng những thứ này không còn khả năng tác động quấy rối Ngài. Thức uẩn của chúng ta là sự hiểu biết phân biệt để tự khổ đau và gây tranh chấp, buồn phiền, sát hại nhau. Riêng Đức Phật từ ngũ uẩn khổ đau, Ngài đã tịnh hóa nó hoàn toàn, nên không còn bị nó chi phối; trái lại, Ngài chủ động ngũ uẩn thân một cách tự tại gọi là chứng Niết bàn. Thế giới Niết bàn của Phật thì chơn thường, nên không sanh diệt, được an vui gọi là lạc và vô ngã.
Phật dạy chúng ta cần chuyển hóa thân tâm khổ đau thành thân tâm an lạc an trú Niết bàn. Tùy mức độ tịnh hóa thân tâm mà có những quả vị sai khác của Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Các vị Thánh đệ tử nhờ nương theo tinh thần Phật dạy, sử dụng ba mươi bảy Trợ đạo phẩm để tự tịnh hóa mới trở thành bậc Thánh đáng tôn kính trên cuộc đời. Các ngài đã chuyển đổi ngũ uẩn khổ đau thành vô lậu ngũ uẩn, giải thoát, an lạc. Như vậy, tạo khổ đau hay an lạc là do chính chúng ta mà thôi. Truyền thống tu hành của chúng ta là tự tịnh hóa thân tâm, nghĩa là cắt bỏ phiền não tác hại chúng ta. Chủ yếu Phật dạy có sáu căn bản phiền não và hai mươi phiền não tùy thuộc. Trên bước đường tu, mỗi mùa An cư, chúng ta phải tìm cách loại bỏ từng phiền não. Cái nào dễ thì bỏ trước, cho đến quét sạch phiền não, không còn lệ thuộc tam giới.
Phiền não căn bản phát xuất từ tinh thần hay ý của chúng ta là tham, giận, si mê; ba thứ phiền não này tạo thành thế giới sanh tử luân hồi. Tăng Ni trong mùa An cư cần nỗ lực loại trừ ba phiền não căn bản này. Lòng tham, giận tức, si mê khiến chúng ta không thấy được việc nên làm hay không nên làm, mới tạo ra khổ đau cho chúng ta. Muốn bỏ khổ này phải nhờ giáo lý Phật rọi sáng lòng chúng ta để thấy được việc tốt mà nỗ lực làm được, từng bước sẽ tiến trên con đường giải thoát. Riêng tôi trải qua quá trình dài tu học, nhờ pháp môn lạy sám hối, lạy Phật tưởng ra Phật, nghĩ tới Phật và hết lòng với Phật mà trần lao phiền não là tâm tham và giận nhẹ lần trong lòng, thì trí tuệ nhân đây phát sanh. Nhờ thế, trải qua thời gian dài hành đạo, tôi ít phạm sai lầm, mới tồn tại và tu học trong chánh pháp được. Kinh nghiệm bản thân tôi như vậy, góp ý với Tăng Ni Phật tử cùng suy nghĩ, áp dụng. Tôi còn chuyên tâm đọc tụng kinh điển Đại thừa, dần dần những suy nghĩ, tạp niệm thế gian không ảnh hưởng, không chi phối, trí tuệ từ đây phát sanh và tâm được an lành. Các bậc cổ đức cũng dành nhiều thì giờ đọc kinh Đại thừa như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bảo Tích, v.v… Tôi thấy những vị trưởng lão tôn túc chuyên đọc tụng, suy nghĩ lời Phật dạy, đều có tâm bình ổn và tu hành từng bước tốt thêm. Đó là điều thứ hai mà tôi muốn nhắc Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà.
Ngoài việc đọc tụng kinh điển và lạy Phật, sám hối tội căn thì việc thứ ba cũng vô cùng quan trọng. Sự hiện hữu của chúng ta trên cuộc đời tất yếu có mối tương quan giữa ta và người vô cùng phức tạp. Tôi nghĩ làm sao cho người xung quanh chấp nhận được ta. Phật dạy rằng chư Tăng phải hòa hợp an vui tu tập. Muốn hòa hợp, phải lóng nghe tâm tư của bạn đồng tu, đồng sự và ta cố làm việc mà họ thích thì họ sẽ có cảm tình và hợp tác với ta làm đạo, cố tránh làm mất lòng người. Trong một tự viện, cùng chung một Thầy, chúng ta phải thương yêu, đùm bọc, cảm thông, giúp đỡ nhau. Kế đến là với các chùa khác, các môn phái khác, chúng ta cũng tìm cách cảm thông nhau.
Miền Bắc có một sơn môn hệ phái, nhưng miền Nam hay cả nước còn có nhiều hệ phái khác nhau, như Thượng tọa Thiện Tâm thuộc Phật giáo Nguyên thủy có cách tu khác. Muốn hòa hợp, tôi phải tìm hiểu xem ngài tu pháp môn nào, sống thế nào. Trong Giáo hội, chúng ta cảm thông, hòa hợp mới có sự an vui tu tập và tạo được sức mạnh tập thể. Hiện nay, Phật giáo chúng ta đã đi được một bước khá dài, nhờ chúng ta biết cảm thông, đoàn kết, bảo vệ nhau. Thành quả tốt đẹp ấy, chúng ta nên phát triển hơn nữa.
Ban Hoằng pháp năm nay thừa lệnh Hội đồng Trị sự Trung ương đi thăm cả nước, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của Tăng Ni Phật tử để có những quyết định thích đáng ngõ hầu tạo được sự đoàn kết vững mạnh thực sự, lâu dài. Đáng mừng là sinh hoạt của Phật giáo tỉnh nhà đã phát triển mạnh, ngôi Tam Bảo mới được trùng tu và Tăng Ni hòa hợp tu hành. Đó là những hạt nhân tốt sẽ giúp cho tỉnh chúng ta phát triển hơn trong những năm kế tiếp. Sau đây, xin chư tôn đức nhận sự cúng dường để các Phật tử được làm bạn đồng tu, đồng sự, đời đời kiếp kiếp làm duyên hỗ trợ nhau tu hành, kết thành quả Bồ đề.
(Bài giảng trường hạ tỉnh Thái Bình, khu vực phía Bắc, ngày 23-8-2003)
Phật dạy nơi nào Tăng Ni còn hòa hợp, tuân thủ giới luật thì nơi đó, Phật pháp phát triển được. Quả đúng như vậy, Giáo hội chúng ta hòa hợp thống nhất được, nên sinh hoạt của Giáo hội đã phát triển trong suốt hai mươi năm qua trên khắp mọi miền đất nước. Vì thế, chúng ta tin tưởng lời Phật dạy không hư vọng, nên cùng nỗ lực đi sâu vào giáo lý và áp dụng trong cuộc sống để Phật pháp cửu trụ, chuyển đổi thế giới này thành nơi an lành cho mọi người.
Trong ba tháng An cư, chúng ta chủ trương trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, phục vụ chúng sanh. Trưởng dưỡng đạo tâm bằng cách nào? Đức Phật dạy rằng con người có phần vật chất là sắc uẩn và tinh thần gồm thọ, tưởng, hành, thức uẩn, tổng hợp lại gọi là ngũ uẩn. Trong ngũ uẩn đó có phần chơn ngũ uẩn và vọng ngũ uẩn. Nếu phát triển phần vọng thì chúng ta và thế giới của chúng ta đi vào sanh tử khổ đau. Đức Phật nhận ra được con người ngũ uẩn là con người đau khổ trong thế giới đau khổ. Từ đó, Ngài phát tâm tìm cách thoát ly sanh tử khổ đau và khám phá được sự an lạc và thế giới an lạc là Niết bàn. Ngài khẳng định rằng từ đây Ngài không còn lệ thuộc sanh tử, không lệ thuộc ngũ uẩn thân, nghĩa là cũng có thân ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nhưng những thứ này không còn khả năng tác động quấy rối Ngài. Thức uẩn của chúng ta là sự hiểu biết phân biệt để tự khổ đau và gây tranh chấp, buồn phiền, sát hại nhau. Riêng Đức Phật từ ngũ uẩn khổ đau, Ngài đã tịnh hóa nó hoàn toàn, nên không còn bị nó chi phối; trái lại, Ngài chủ động ngũ uẩn thân một cách tự tại gọi là chứng Niết bàn. Thế giới Niết bàn của Phật thì chơn thường, nên không sanh diệt, được an vui gọi là lạc và vô ngã.
Phật dạy chúng ta cần chuyển hóa thân tâm khổ đau thành thân tâm an lạc an trú Niết bàn. Tùy mức độ tịnh hóa thân tâm mà có những quả vị sai khác của Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Các vị Thánh đệ tử nhờ nương theo tinh thần Phật dạy, sử dụng ba mươi bảy Trợ đạo phẩm để tự tịnh hóa mới trở thành bậc Thánh đáng tôn kính trên cuộc đời. Các ngài đã chuyển đổi ngũ uẩn khổ đau thành vô lậu ngũ uẩn, giải thoát, an lạc. Như vậy, tạo khổ đau hay an lạc là do chính chúng ta mà thôi. Truyền thống tu hành của chúng ta là tự tịnh hóa thân tâm, nghĩa là cắt bỏ phiền não tác hại chúng ta. Chủ yếu Phật dạy có sáu căn bản phiền não và hai mươi phiền não tùy thuộc. Trên bước đường tu, mỗi mùa An cư, chúng ta phải tìm cách loại bỏ từng phiền não. Cái nào dễ thì bỏ trước, cho đến quét sạch phiền não, không còn lệ thuộc tam giới.
Phiền não căn bản phát xuất từ tinh thần hay ý của chúng ta là tham, giận, si mê; ba thứ phiền não này tạo thành thế giới sanh tử luân hồi. Tăng Ni trong mùa An cư cần nỗ lực loại trừ ba phiền não căn bản này. Lòng tham, giận tức, si mê khiến chúng ta không thấy được việc nên làm hay không nên làm, mới tạo ra khổ đau cho chúng ta. Muốn bỏ khổ này phải nhờ giáo lý Phật rọi sáng lòng chúng ta để thấy được việc tốt mà nỗ lực làm được, từng bước sẽ tiến trên con đường giải thoát. Riêng tôi trải qua quá trình dài tu học, nhờ pháp môn lạy sám hối, lạy Phật tưởng ra Phật, nghĩ tới Phật và hết lòng với Phật mà trần lao phiền não là tâm tham và giận nhẹ lần trong lòng, thì trí tuệ nhân đây phát sanh. Nhờ thế, trải qua thời gian dài hành đạo, tôi ít phạm sai lầm, mới tồn tại và tu học trong chánh pháp được. Kinh nghiệm bản thân tôi như vậy, góp ý với Tăng Ni Phật tử cùng suy nghĩ, áp dụng. Tôi còn chuyên tâm đọc tụng kinh điển Đại thừa, dần dần những suy nghĩ, tạp niệm thế gian không ảnh hưởng, không chi phối, trí tuệ từ đây phát sanh và tâm được an lành. Các bậc cổ đức cũng dành nhiều thì giờ đọc kinh Đại thừa như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bảo Tích, v.v… Tôi thấy những vị trưởng lão tôn túc chuyên đọc tụng, suy nghĩ lời Phật dạy, đều có tâm bình ổn và tu hành từng bước tốt thêm. Đó là điều thứ hai mà tôi muốn nhắc Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà.
Ngoài việc đọc tụng kinh điển và lạy Phật, sám hối tội căn thì việc thứ ba cũng vô cùng quan trọng. Sự hiện hữu của chúng ta trên cuộc đời tất yếu có mối tương quan giữa ta và người vô cùng phức tạp. Tôi nghĩ làm sao cho người xung quanh chấp nhận được ta. Phật dạy rằng chư Tăng phải hòa hợp an vui tu tập. Muốn hòa hợp, phải lóng nghe tâm tư của bạn đồng tu, đồng sự và ta cố làm việc mà họ thích thì họ sẽ có cảm tình và hợp tác với ta làm đạo, cố tránh làm mất lòng người. Trong một tự viện, cùng chung một Thầy, chúng ta phải thương yêu, đùm bọc, cảm thông, giúp đỡ nhau. Kế đến là với các chùa khác, các môn phái khác, chúng ta cũng tìm cách cảm thông nhau.
Miền Bắc có một sơn môn hệ phái, nhưng miền Nam hay cả nước còn có nhiều hệ phái khác nhau, như Thượng tọa Thiện Tâm thuộc Phật giáo Nguyên thủy có cách tu khác. Muốn hòa hợp, tôi phải tìm hiểu xem ngài tu pháp môn nào, sống thế nào. Trong Giáo hội, chúng ta cảm thông, hòa hợp mới có sự an vui tu tập và tạo được sức mạnh tập thể. Hiện nay, Phật giáo chúng ta đã đi được một bước khá dài, nhờ chúng ta biết cảm thông, đoàn kết, bảo vệ nhau. Thành quả tốt đẹp ấy, chúng ta nên phát triển hơn nữa.
Ban Hoằng pháp năm nay thừa lệnh Hội đồng Trị sự Trung ương đi thăm cả nước, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của Tăng Ni Phật tử để có những quyết định thích đáng ngõ hầu tạo được sự đoàn kết vững mạnh thực sự, lâu dài. Đáng mừng là sinh hoạt của Phật giáo tỉnh nhà đã phát triển mạnh, ngôi Tam Bảo mới được trùng tu và Tăng Ni hòa hợp tu hành. Đó là những hạt nhân tốt sẽ giúp cho tỉnh chúng ta phát triển hơn trong những năm kế tiếp. Sau đây, xin chư tôn đức nhận sự cúng dường để các Phật tử được làm bạn đồng tu, đồng sự, đời đời kiếp kiếp làm duyên hỗ trợ nhau tu hành, kết thành quả Bồ đề.
(Bài giảng trường hạ tỉnh Thái Bình, khu vực phía Bắc, ngày 23-8-2003)