Sách
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp sư, Đức Phật xác định ngay khi Như Lai tại thế, còn có người oán ghét pháp tối thượng, huống chi là sau khi Ngài diệt độ. Vì vậy, hàng Thanh văn cảm thấy không kham nổi những việc cực ác của ba hạng người là tục chúng tăng thượng mạn, đạo môn tăng thượng mạn và tiếm Thánh tăng thượng mạn, nên xin hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở thế giới khác. Nhưng các Bồ tát nhiều đến bát thập vạn ức na do tha vị đối trước chông gai nguy hiểm của đời mạt pháp đã dũng mãnh phát nguyện xiển dương chánh pháp ở Ta bà, không tiếc thân mạng. Trước đạo tâm kiên cố ấy, Văn Thù Bồ tát xin Phật chỉ dạy cách nào để hoằng truyền Pháp Hoa trong nhân gian mà không bị tổn hoại thân mạng.
Câu hỏi của Văn Thù nêu lên cho Bồ tát mười phương từ ngàn xưa cũng chính là mối băn khoăn của chúng ta ngày nay, làm sao giữ gìn được đạo pháp sau khi Như Lai diệt độ, nhất là chúng ta lại cách Ngài quá xa, hơn hai mươi lăm thế kỷ. Đức Phật là đấng phước trí siêu việt, nương theo sự giáo dưỡng trực tiếp của Ngài, nhất định mọi việc đều dễ dàng thành tựu tốt đẹp; nhưng không còn Ngài hiện hữu bên cạnh, chắc chắn việc hành đạo không đơn giản. Thực tế cho thấy, chỉ một vị Hòa thượng đạo cao đức trọng viên tịch, thì bao nhiêu vấn đề nảy sanh, Tổ đình thường rơi vào tình trạng xáo trộn. Điều này gợi chúng ta suy nghĩ, tư cách của Phật, của Tổ, của Thầy, của ta, hoàn toàn khác nhau. Tất nhiên, ta không bằng Thầy mà muốn làm như Thầy thì không thể được. Ý thức sâu sắc như vậy để làm những việc theo đúng khả năng và hoàn cảnh của mình, thân tâm mới an lạc, ngõ hầu tiến tu đạo nghiệp.
Đức Phật nhắc nhở Văn Thù Sư Lợi, hay nhắc chúng ta sau khi Như Lai diệt độ, muốn tu phải nương bốn pháp an lạc. Đối với người tu, vấn đề an lạc là chính, vì hoàn cảnh buồn phiền, tâm trạng không ổn định, tu gì cũng rớt vô cảnh giới ma. Theo kinh nghiệm riêng tôi, những người dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng cảm thấy an lạc, họ vẫn tiến tu được. Trái lại, không cảm nhận an lạc, không thể nào sống trong đạo lâu dài. Trước nhất, thân chúng ta phải an lạc, tức có chỗ dung thân. Để an thân, Phật dạy hai pháp là thân cận xứ và hành xứ. Thân cận xứ nghĩa là chúng ta nên gần gũi ai và không nên gần ai. Đối với hàng Tỳ kheo, Ngài khuyên đừng gần những người không chồng, chồng chết hay chồng bỏ. Gần họ, dễ bị phiền lụy, nhẹ nhất là bị mang tiếng. Những người đó tâm hồn trống vắng, nên gặp ta, tình cảm dễ phát sanh, hoặc những người xung quanh để ý thương họ, cũng đặt vấn đề với ta. Nếu nghiệp ái nặng, đáp lại cảm tình, thế là chấm dứt cuộc đời tu ngay. Với pháp thân cận xứ, Đức Phật dạy chúng ta nên cân nhắc vấn đề tiếp xúc, vì các pháp tùy theo duyên mà sanh ra. Hạt giống Phật theo duyên sanh, thì phiền não cũng theo duyên sanh. Vì vậy, gần gũi những người ác xấu, hay tiếp xúc với việc không tốt lâu ngày, chúng ta dễ bị tiêm nhiễm, trở thành hư hỏng. Thí dụ Phật dạy không nên gần gũi người làm nghề sát hại loài vật như heo, bò. Có thể lần đầu nhìn thấy cảnh giết chóc, ta cũng động lòng, thương tâm, nhưng tiếp xúc việc ác đó nhiều lần, trở thành quen, thấy bình thường. Như vậy, nghiệp ác của ta đã sanh ra do tập quán. Hoặc Phật dạy không nên gần những người ca xướng, múa hát. Ban đầu, chúng ta coi đó là việc thế tục đáng bỏ, nhưng nghe quen tự nhiên thấy thích, thiếu thì nhớ, buồn. Nghiệp đã theo duyên sanh, thân đã nhiễm, nên nó biến thành ta lúc nào không hay.
Bồ tát từ thế giới Phật sanh lại, tu rất dễ, vì các ngài nhiều đời theo Phật, nghe pháp, nên hiện đời tâm duyên với Phật pháp ngay. Cũng vậy, người huân tập trần cấu nhiều kiếp, A lại da thức của họ chứa đầy ắp những thứ ác xấu của thế gian, nay gặp lại ác xấu, họ dễ theo, tự quen liền, mê đắm liền. Đối với họ, quen thích nếp sống đạo là điều khó làm. Vì vậy, Tổ Quy Sơn cũng nhận xét: "Vọng tình dị tập, chí đạo nan văn”.
Chúng ta biết ở thế giới Ta bà có đủ mười loại hình tâm thức, có chúng sanh nghiệp chướng nặng từ ba đường ác tới, nhưng cũng có hàng công đức lớn là Bồ tát, Thánh Hiền tái sanh và những người hạng trung bình, có đủ tốt xấu. Họ chưa quá tệ, cũng chưa thật tốt, đem đặt vô môi trường tốt, họ sẽ tốt và ngược lại, tiếp xúc với xấu ác nhiều, họ cũng bị lây theo. Để tạo sự tác động tốt cho việc tu hành, Tổ nhắc nhở chúng ta trong Quy Sơn Cảnh Sách: "Thân phụ thiện hữu, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận”. Nghĩa là chúng ta đi trong sương sớm, tuy không thấy sương, nhưng áo chúng ta từ từ thấm ướt. Cũng vậy, gần gũi Thầy hiền, bạn tốt, lâu ngày, đạo đức của họ lan tỏa, thấm nhuần trong ta. Ý thức rõ tầm quan trọng của pháp tu thân cận xứ, tôi thường quan sát, nhận ra người ưa nói hay làm chuyện thế tục, tôi không phê phán họ, nhưng tự tránh xa và tìm người giỏi, đạo đức để gần gũi, học hỏi; nhờ vậy thân tâm luôn được an lạc.
Ngoài thân cận xứ, chúng ta phải thực nghiệm hành xứ. Trong kinh, Phật dạy muốn an lạc, pháp căn bản là trụ Thiền định, tức giữ tâm đứng yên, đừng cho vọng niệm sanh khởi. Sống với đại chúng, với xã hội, làm cách nào mà người không tác động ta được. Xã hội chao đảo, người tu vẫn thanh thản mới là bóng mát cho người nương tựa. Bằng mọi cách phải luyện cho được pháp này, ít tiếp xúc ít bị phiền lụy, trở về sống với nội tâm, chắc chắn vui hưởng niềm tịnh lạc. Ngoài ra, muốn yên thân, không nên nói lỗi của người, của kinh điển, của Pháp sư; vì phê phán làm cho người buồn phiền, họ sẽ gây sự với ta. Nếu phước đức kém, ta phải chuốc họa vào thân. Tốt nhất giữ cho khẩu an, không nói, không nghe việc của người. Ít nói thì việc xảy ra, họ không nghi ta. Chẳng những tu tập thân, khẩu an, chúng ta cần luyện cho ý an lạc. Trên bước đường tu, chúng ta thường dễ khởi vọng niệm. Tôi quan sát thấy nhiều người tu, từ ý niệm tốt ban đầu như xây chùa, đúc tượng, giúp người, mới dấn thân làm việc. Khởi điểm, họ cũng tốt, dễ thương, nhưng vì làm vượt khả năng, nên tâm lý cũng biến đổi theo. Quá sức, tất nhiên phải tìm cách đối phó, cố làm cho được; từ đó, cơ tâm hay Hành uẩn sanh ra, phải thọ quả báo. Nhưng nếu thực tu, chúng ta tùy duyên hành đạo, đủ duyên thì việc tự thành tựu, không dụng ý. Thí dụ người phát tâm cúng dường năm mươi triệu để xây chùa, ta chứng minh lòng thành của họ và chỉ làm đúng mức theo họ muốn. Trái lại, ta ráng làm một trăm triệu, thì phải dùng đa mưu xảo trí để có đủ tiền, nhất định tâm không thể yên được.
Tâm tính toan nhiều quá, dẫn đến thân bệnh, làm sao tu. Tâm không thanh tịnh thì Phật sự biến thành ma sự. Tuy nhiên, đúng pháp tu an lạc, không phải hy sinh vô ích như vậy. Cần ý thức rằng phước đức đầy đủ, quốc độ tự trang nghiêm. Đức Phật thể hiện tinh thần này một cách sâu sắc, Ngài không xây một ngôi chùa nào, nhưng tu hành đạt quả Vô thượng giác, hàng tỷ người tôn kính đảnh lễ Ngài, đặt tôn tượng Ngài thờ khắp năm châu.
Để giữ cho ý an lạc, chúng ta dứt khoát cắt bỏ tất cả vọng niệm, tính toan hơn thiệt, lo tu dưỡng nội tâm. Riêng tôi, khi muốn đem chuyện phải, tốt chỉ dạy cho người, họ chẳng buồn quan tâm. Tôi thường tự xét lại mình chưa đủ đức nên không thể giáo hóa dễ dàng như Phật. Từ đó, nỗ lực tu hành vun bồi cội đức, để đến ngày nào đủ duyên sẽ độ họ. Đó là thệ nguyện an lạc của người tu Pháp Hoa, nuôi chí nguyện độ tận chúng sanh, nhưng ngay bây giờ chưa đủ khả năng, hẹn lại dịp khác. Ngược lại, không biết lượng sức mình, làm việc lớn, vượt ngoài khả năng, phải thọ quả báo. Với thệ nguyện an lạc, chúng ta chỉ làm những gì trong tầm tay, việc chưa kham nổi, xin hẹn ngày khác, năm khác, đời khác. Mỗi ngày làm Phật sự với tâm hồn thanh thản, giải thoát, từ đó đạo đức chúng ta lớn dần, tâm hồn trong sáng thêm và phước báo cũng tăng trưởng.
Tóm lại, bước theo dấu chân Phật, Tăng Ni cần tuân theo quy trình tu tập thân, khẩu, ý và thệ nguyện an lạc. Đi đúng lộ trình ấy, ở hoàn cảnh nào chúng ta cũng tu được, cả ba nghiệp đều thanh tịnh và nuôi lớn tâm từ bi. Từ đó bước vào đời giáo hóa chúng sanh, thành tựu công đức nhẹ nhàng tự tại. Chánh báo của chúng ta đến mức nào thì y báo theo đó tự trang nghiêm, làm phước điền cho chúng sanh gieo trồng căn lành. Đó là mục tiêu của người xuất gia hiện thân trên cuộc đời này.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Kim Liên, quận 4, TP. Hồ Chí Minh, ngày 14-6-1996)