Sách
Hòa thượng Pháp Chí là huynh đệ với Hòa thượng Bổn sư của tôi trong tông phái Thiên Thai. Hôm nay, nhân ngày Lễ chung thất của Hoà thượng, tôi đến viếng giác linh Ngài và có đôi lời về những nét đặc biệt của cuộc đời Ngài, để chúng ta cùng suy nghĩ, rút kinh nghiệm tu hành.
Đức Phật dạy rằng được làm thân người là điều khó. Và có thân người với đầy đủ sáu căn thông lợi, ba nghiệp thuần hòa, lại càng khó hơn nữa. Thật vậy, quan sát thực tế, chúng ta thấy người dở, bịnh hoạn, trí kém, tham lam, hung dữ thì nhiều. Người khỏe, dễ coi, tâm hồn trong sáng thì hiếm.
Hòa thượng đã có đầy đủ những điều khó có, sáu căn của Ngài thông lợi và ba nghiệp cũng thuần hòa, phải biết là do đời trước chẳng những Ngài không tạo ác nghiệp, mà đã gieo trồng căn lành, tu tạo công đức.
Đức Phật đã dạy cứ nhìn thành quả của đời hiện tại mà biết được đời trước của chúng ta tốt hay xấu. Nếu sát sanh hại mạng nhiều, thì đời này phải mang bịnh nan y hoặc thường đau yếu hành hạ sắc thân hoặc không sống lâu. Hòa thượng của chúng ta thọ đến 96 tuổi, chứng tỏ đời trước của Ngài thanh tịnh, mới có thọ mạng dài như vậy.
Ngoài ra, người có gieo trồng căn lành ở đời trước thì hiện đời mới được xuất gia. Và xuất gia, gặp được minh sư dìu dắt, cũng không phải việc dễ. Vì gặp thầy tà bạn ác, căn lành chúng ta sẽ bị mất lần, không thể xuất gia.
Hòa thượng của chúng ta đã được thắng duyên thứ hai là gặp Tổ Huệ Đăng. Vị Tổ
sư này chứa nhóm được công đức tròn đầy. Nhờ gặp được bậc chân sư đắc đạo, bồ đề tâm của Hòa thượng mới được nuôi lớn và cuộc đời tu hành của Ngài trải qua thời gian dài năm, sáu chục năm cho đến ngày viên tịch. Nếu có căn lành và phát bồ đề tâm, nhưng không gặp minh sư khai ngộ, cũng không thể tu được.
Trên bước đường tu, chính sự đắc đạo của minh sư ảnh hưởng thẳng vô bồ đề tâm, làm cho bồ đề tâm chúng ta từng bước lớn lần theo thời gian. Nhờ đó, chúng ta nhận được sự hộ niệm của Phật, sự trợ lực của Bồ tát mười phương và sự giữ gìn của Hộ pháp long thiên.
Trái lại, tu lâu, nhưng không thăng hoa đời sống tâm linh, là do thiếu bồ đề tâm. Họ cũng tụng kinh, lạy Phật, cúng dường, nhưng tất cả việc này phát xuất từ nghiệp chướng trần lao, nên vẫn là tham, sân, si. Thử hỏi, ta cúng dường, lạy Phật, ta muốn gì ? Nếu làm vì tham vọng, làm theo vọng thức, rõ ràng là thiếu vắng bồ đề tâm, nên Phật không hộ niệm được, công đức không sanh.
Tu với bồ đề tâm thì lòng thành chúng ta tha thiết phụng sự đạo pháp, thậm chí không tiếc thân mạng, làm Phật sự vô điều kiện, không vì bất cứ quyền lợi nào. Các vị trưởng lão tôn túc làm nên đạo nghiệp đều nhờ bồ đề tâm kiên cố. Thiếu vắng bồ đề tâm thì càng làm, càng đau khổ và buồn phiền, khác với người có bồ đề tâm, càng làm, cuộc sống tu hành của họ càng thăng hoa, đắc pháp, đắc quả. Đó là điều quan trọng mà chúng ta cần phải cân nhắc.
Làm Phật sự bằng bồ đề tâm, hoàn toàn vô tư, không mưu đồ, chỉ nghĩ ta cúng dường Phật, làm lợi ích cho người. Tấm lòng ta như vậy, được Phật chứng minh và bồ đề tâm ta lớn thêm. Trái lại, làm mà nghĩ rằng người phải thương kính ta, không như vậy, thì ta khó chịu, phiền não, là tu trên vọng nghiệp, càng tu nghiệp ác càng lớn thêm. Làm với bồ đề tâm, thì lòng chúng ta tự nhiên an vui, vì biết có Phật chứng minh cho ta.
Riêng tôi, thuở nhỏ tu hành, vượt được khó khăn, nên có kinh nghiệm này. Bị người chống đối, chê bai, tôi tự nghĩ mình làm để cúng dường Phật, không quan tâm đến điều họ nói. Hết lòng vì Phật, bồ đề tâm chúng ta mới lớn và được Phật hộ niệm thì đạo đức chúng ta tăng trưởng, dần dần, mọi người cũng hiểu được ta tốt.
Càng tu, bồ đề tâm càng lớn và phiền não, nghiệp càng nhẹ là đi đúng đường Phật dạy. Ngược lại, bồ đề tâm thiếu vắng thì nghiệp và trần lao càng tăng trưởng. Tăng Ni Phật tử nhìn gương của người tu hành mà tự dọn mình, phải phát bồ đề tâm và nuôi lớn bồ đề tâm. Ta biết mọi việc trên cuộc đời này có sanh có diệt, ta không bận tâm, nhưng lo nuôi bồ đề tâm. Bồ đề tâm này mới có quan hệ với Phật, với Bồ tát, thì từ đó ta không màng đến sự nghiệp trần gian, chỉ tha thiết với đạo nghiệp. Nhờ vậy, chúng ta thâm nhập được chúng hội đạo tràng của chư Phật và học xứ của Bồ tát. Nếu không như vậy, thì vĩnh viễn ở trần gian, ở trong đau khổ.
Phật dạy mượn thân tứ đại ngũ uẩn để phát bồ đề tâm, thâm nhập Phật đạo là thế giới vĩnh hằng, ở đó chỉ có bồ đề tâm. Và từ thế giới Phật hiện thân lại cuộc đời, rồi chấm dứt thân này, lại trở về với Phật. Đó là con đường tới lui thế giới sanh tử và thế giới vĩnh hằng hoàn toàn tự tại của các vị chân tu đắc đạo. Thiết nghĩ Hòa thượng cũng vậy. Việc Ngài đến và ra đi đều có định trước, đến thế giới này để làm gì và xong việc thì xả bỏ sanh thân, trở về Cực lạc. Công hạnh của Ngài chắc chắn lớn hơn chúng ta, tuổi thọ và đạo nghiệp của Ngài cũng hơn ta. Chúng ta thương tiếc Ngài không còn nữa, hay nói đúng hơn là thương tiếc cho đạo nghiệp của chúng ta còn quá thấp kém.
Tất cả Bồ tát đều từ bồ đề tâm ở đạo tràng của chư Phật và học xứ của Bồ tát mà hiện thân trên cuộc đời. Học xứ Bồ tát và chúng hội đạo tràng của chư Phật là gì ? Quan trọng là chúng ta tu hành trong pháp Phật Thích Ca, làm sao thâm nhập được chúng hội đạo tràng của chư Phật, gần nhất Ngài giới thiệu cho chúng ta thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Sự sắp xếp chúng hội ở thế giới Cực lạc rõ ràng rất thanh thoát giúp chúng ta tu hành dễ dàng hơn nhiều so với cuộc sống của chúng ta ở Ta bà.
Thật vậy, sắp xếp ở Cực lạc, trên thì có Phật với đầy đủ ba tiêu chuẩn tối ưu : vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức. Muốn thâm nhập đạo tràng của Phật, chúng ta phải nhắm vào ba mục tiêu này. Vô lượng quang hay vô thượng bồ đề, tức Phật Di Đà có hiểu biết siêu tuyệt, vượt trên tất cả. Chúng ta nương tựa một vị lãnh đạo có tầm tri thức cao tột như vậy thì quả thật là bảo đảm, yên tâm.
Kế đến đức Phật Di Đà có thọ mạng dài lâu không thể tính nổi. Nói theo ngày nay, ngoại hình dễ coi và sức khỏe vô cùng. Nương theo đức Phật có thân siêu tuyệt hay trở về thực tế, nương theo Hòa thượng ở đây thọ đến 96 tuổi, chúng ta được gần gũi học đạo với Ngài trải qua quá trình dài đến năm, sáu chục năm, chắc chắn chúng ta phải học được ở Ngài nhiều điều hay. Còn theo thầy có thọ mạng ngắn ngủi, chưa học được gì thì thầy đã không còn.
Sau cùng là công đức vô lượng của Phật Di Đà. Ngài dư thừa khả năng nuôi dạy đồ chúng, giúp cho chúng hội đạo tràng của Ngài thăng hoa nhanh chóng, dễ dàng. Chúng ta biết rõ mọi việc thành bại đều do phước đức quyết định. Người phước đức mỏng, nghiệp chướng sâu dày, không làm được gì. Trong cuộc sống đời thường, có những vị Hòa thượng trưởng lão già yếu, chúng ta cảm nghĩ như các Ngài không làm được việc. Tuy nhiên, thực tế thiếu vắng các Ngài, là việc không thành.
Cuộc đời giáo hóa độ sanh của đức Phật cũng thể hiện rõ nét tinh thần này. Lúc Ngài ở Ma Kiệt Đà, các Tỳ kheo trẻ thấy Phật đã lớn tuổi, họ nghĩ rằng không cần Ngài nữa, có thể tự quyết định cuộc đời. Phật liền bỏ vô rừng sống một mình trong 3 năm, chỉ có một con khỉ và một con voi làm bạn với Ngài. Nhưng khi Ngài đi rồi, tức không còn một người phước đức thánh thiện, thì chẳng ai đến cúng dường nữa. Các Tỳ kheo ấy chẳng thể tự nuôi sống bản thân họ, nên phải thỉnh Phật trở về để họ nương vào phước đức của Phật mà sống.
Phật Di Đà có ba tiêu chuẩn cao tột như vậy và chúng hội theo Phật tu, họ không thiếu gì, tất cả nhu cầu của cuộc sống đều nhờ Phật mà có đủ. Tôi nghiệm lại điều này thấy rõ trong cuộc sống tu hành, Phật luôn ban cho ta đầy đủ. Theo tôi, ta thấy thiếu thốn vật chất, nhưng thực sự không thiếu. Ngài có dư để cho ta. Nhưng Ngài dạy chúng ta sống tam thường bất túc nhằm rèn luyện chúng ta, Ngài cho ta thiếu một chút để ta phấn đấu, vượt khó, tu cao hơn.
Ở chùa Tổng Trì Nhật Bản là chùa giàu có. Tuy nhiên, chúng Tăng phải ăn ít, ngủ ít, hành trì nhiều. Nhìn bề ngoài, chúng ta nghĩ chùa hà tiện, bắt chúng Tăng sống khổ. Nhưng hiểu đạo, lại thấy khác. Mền mùng chiếu gối của chùa không thiếu, mà trời rét không cho mền đắp. Tôi phát hiện ra điều hay là lạnh quá, ngủ không được. Muốn khắc phục giá lạnh, thì phải ngồi thiền, nhiếp tâm cao độ thì không thấy lạnh nữa và cũng hết buồn ngủ. Hoặc trời lạnh rét, rất dễ đói, nhưng chỉ cho ăn một bữa một chén cơm. Tôi cũng phát hiện được cái hay nữa là nhờ ăn vừa đủ, bịnh tật tôi giảm.
Có thể khẳng định không phải Phật thiếu, Ngài thừa sức cho chúng ta tất cả, nhưng Ngài chỉ cho ta "cái bất túc” để giúp chúng ta giảm bớt nghiệp, thăng hoa đời sống tâm linh và được khỏe mạnh. Còn ăn no, ngủ kỹ cũng ở trong sanh tử luân hồi, chẳng ích lợi gì.
Chúng ta học Phật pháp, nhưng sao không thực hành để được như Thầy, Tổ. Từng bước thí nghiệm, sẽ dẫn chúng ta thâm nhập Phật đạo. Tuy mới thấy khó, nhưng đi sâu vào tinh ba Phật dạy, thấy dễ lần. Khi còn yêu cầu quá nhiều, Phật giảm thiểu để cắt bớt tham vọng của chúng ta. Đến khi yêu cầu ta giảm, Phật lại tăng thêm cho ta. Đó là giai đoạn hai, tôi thấy những Phật sự cần thiết gần như Phật sắp xếp trọn vẹn . Thực tế, khả năng tôi giới hạn, Phật sự vẫn thành tựu, phải nói nhờ Phật bổ xứ, tôi hoàn toàn vô tâm. Việc của Phật thì có Bồ tát trợ lực, Hộ pháp long thiên gia trì, nhất định thành công.
Điển hình như Tổ Thiên Thai, khi chưa ngộ đạo, Ngài ăn măng rừng để sống, cơm gạo không có. Nhưng đến lúc Ngài ngộ đạo và bắt đầu khai đạo, Phật tử Tăng Ni tìm đến dâng cúng. Có bao nhiêu người đến tu với Ngài thì có bấy nhiêu cơm gạo cung cấp đầy đủ cho họ, không bao giờ thiếu. Ngài có sức cảm hóa kỳ diệu, ai đến với Ngài cũng một lòng tu hành, mong được thâm nhập Phật huệ, không hơn thua tranh cãi. Ngược lại, rơi vô tranh chấp theo thế gian, kinh Bảo Tích gọi là hành cẩu pháp, không phải Phật pháp.
Theo Phật pháp là mọi người tự phấn đấu đi lên, nỗ lực thắp sáng ngọn đèn tâm của mình. Cẩu pháp thì tranh dành phải trái hơn thua, như chó dành nhau xương khô.
Ý thức rằng chỉ có thâm nhập Phật huệ thì đời đời kiếp kiếp sanh ở nơi đâu, chúng ta cũng được sống lâu, hiểu biết rộng, đầy đủ phước đức và tất cả yêu cần cần thiết cho Phật sự không bao giờ thiếu. Tổ Huệ Đăng và Hòa thượng Pháp Chí đã thể hiện rõ nét điều này trong cuộc sống của các Ngài. Chúng ta cũng phấn đấu để đạt được như các Ngài.
Cầu nguyện giác linh Hòa thượng gia hộ cho môn đồ pháp quyến luôn an lành trong ánh hào quang của Phật và luôn ở trong học xứ của Bồ tát, phát huy đạo lực, đạo tâm, xứng đáng là đệ tử lớn của Phật.