Sách
Theo tinh thần Pháp Hoa, muốn giáo hóa người, phải đứng ở Quả môn. Giáo hóa ở Nhơn môn thì kết quả rất hạn chế, thậm chí không đạt hiệu quả. Dạy người ở Quả môn nghĩa là hướng dẫn họ bằng kết quả tu của chính mình. Chúng ta phải có tâm hồn, cuộc sống và ngôn ngữ giải thoát trước. Được thành quả giải thoát trên bước đường tu thì dù ta không dạy, nhưng người nhìn thấy tốt đẹp ấy, họ tự tìm đến ta.
Kinh Hoa Nghiêm cho thấy các thiện tri thức mà Thiện Tài cầu học đều phải trải qua vô số kiếp thân cận, nghe pháp với chư Phật, hành trì pháp Phật. Tuy các vị này sống cuộc đời bình thường nhưng lòng họ đã xa rời trần cấu, thâm nhập Phật huệ. Có người đóng vai Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni hay cư sĩ, trưởng giả và có vị thích ứng với hoàn cảnh mà hiện thân ngoại đạo, nhưng lòng họ luôn hướng về Phật đạo. Nói chung, đệ tử Phật mang hình dáng khác nhau, làm việc khác nhau, nhưng đều có chung mục tiêu là làm cho người phát tâm, làm lợi ích cho đời. Tuy nhiên, muốn làm như vậy, trước nhất phải an trú pháp giải thoát; nói cách khác là nương trí chân thật, khai phương tiện môn hoặc tùy duyên, bất biến.
Tâm người tu trụ chánh pháp, luôn sống với Phật, còn việc làm thì tùy duyên. Có thể ví hình ảnh Tỳ kheo như viên đá cuội, tùy duyên lăn trên bãi cỏ cuộc đời để làm đẹp cho đời. Thể hiện tinh thần này, các thiện tri thức trong kinh Hoa Nghiêm có điểm giống nhau là thân cận các Đức Phật. Dù họ sống với chúng sanh, nhưng không bị trần cấu làm ô nhiễm. Họ tùy theo hoàn cảnh, làm đủ mọi việc, nhưng tâm không bao giờ rời niệm Phật, Pháp, Tăng. Tam Bảo Phật pháp Tăng theo Hoa Nghiêm không giống các kinh khác.
Tu theo Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy nhứt thiết duy tâm tạo, vì vậy đảnh lễ Phật là làm lớn lên vị Phật trong lòng ta, không phải lễ Phật bên ngoài. Phật trong ta, tức Phật huệ, trí sáng suốt. Chúng ta sống hợp tình, hợp lý, không ai chỉ trích được, đó là pháp. Pháp được phân ra pháp chân thật và pháp phương tiện. Pháp chân thật là chân lý vĩnh hằng, bất biến, không thay đổi. Pháp phương tiện thì có vô số vì tùy hoàn cảnh, tùy chỗ, tùy thời gian, tùy người mà chúng ta nói và làm cho thích hợp để người chấp nhận, nghe theo và tiến bước theo Phật đạo.
Ở Camphuchia, khi giặc Pôn Pốt nổi lên tàn sát, cứ thấy Sư là giết; nhưng Hòa thượng Um Sum sống sót được là nhờ ngài biết sử dụng phương tiện, cởi bỏ áo Sư. Đối với ngài, mặc áo gì cũng được, miễn là bảo toàn được mạng sống để giữ gìn đạo pháp. Nhờ sự hiện hữu của ngài, về sau Phật giáo Campuchia được phục hồi và tôn ngài làm vua Sãi, tức Tăng thống.
Chúng ta sử dụng phương tiện, coi mọi việc trên cuộc đời là huyễn hóa, không thực, chỉ mượn nó để độ người mê muội. Còn pháp chân thật thì chúng ta tu. Giáo hóa trên Quả môn phải đắc pháp, hết phiền não. Người đến với ta, tự động họ cũng không phiền não. Ý thức pháp Phật dạy, khi tôi nói mà người không nghe, tôi tự biết là tôi còn phiền não, nên không nói nữa, chỉ đơn giản vậy thôi. Trong đời sống tu hành, ta làm thành công việc nào thì việc đó chính là cách giáo hóa thiết thực, là bài thuyết pháp không lời, nhưng có hiệu quả nhất. Còn chúng ta nói về cái hay của Phật, Bồ tát, Tổ sư rất nhiều, nhưng thực tế cuộc sống ta không làm theo như vậy, là tự sát và hại đạo. Trên bước đường tu, thiết nghĩ việc chính yếu của chúng ta cần rèn luyện cuộc sống giống Phật, giống các bậc tiên đức càng nhiều càng tốt.
Tụng kinh Hoa Nghiêm, tôi nhớ đến bốn vị thiện tri thức là Đức Vân, Hải Vân, Thiện Trụ và Hải Tràng Tỳ kheo, các ngài là bậc mô phạm cho người xuất gia lập chí noi theo. Vị thứ nhất là Đức Vân Tỳ kheo sống giải thoát tự tại. Kinh diễn tả rằng ngài đi kinh hành trên hư không, nghĩa là không bị vướng mắc với trần thế. Chúng ta xuất gia học đạo, luyện tập cho tâm đi lần vào hư không để giảm bớt những chướng ngại. Nói cách khác, là vượt ngoài thấy nghe, hiểu biết tầm thường, vượt ngoài sự hơn thua phải trái, tán gẫu thì đôi chối, phiền phức không dính vào ta. Văn Thù Sư Lợi khuyên Thiện Tài nên tìm vị thiện tri thức đó để thăng hoa đạo đức. Mới phát tâm học đạo, tâm chúng ta tập buông thả cho nhẹ nhàng và cuối cùng ngã, ngã sở hay tài vật cũng vứt bỏ.
Thành tựu được pháp xuất gia, từ bỏ tài sản và mạng sống để chúng ta được giới thân và huệ mạng. Mang giới thân huệ mạng lên đầu, lên vai, thì người thấy chúng ta đạo đức là ta từ nhà thế tục bước qua thế giới Hiền Thánh. Tâm và hình thức của chúng ta không còn giống người thế tục. Thọ giới xuất gia phải thọ ba giới bất hoại, đó là bị người đánh, ta không được đánh trả; bị người nói xấu, ta không được nói xấu lại; bị người gây phiền hà, ta không được giận, buồn.
Vị thiện tri thức thứ hai là Hải Vân Tỳ kheo. Ngài đứng trên bờ giải thoát quán sát trần thế, nhìn vào biển khổ sanh tử thấy sinh hoạt của các loài chúng sanh và mang đối chiếu với pháp Phật. Đức Phật dạy không có sanh tử, nhưng vì vô minh vọng kiến ngăn che, nên tạo thành khổ đau. Chúng sanh rên la, than khóc mà Ngài đứng trên giải thoát môn thấy không có gì đáng khổ cả. Chỉ vì tham vọng hay do nghiệp thúc đẩy chúng sanh vào khổ đau. Cắt tham vọng, dứt trừ nghiệp là hết khổ liền. Vị thứ ba là Thiện Trụ Tỳ kheo đạt được tâm như như bất động, không việc gì trên cuộc đời này có khả năng khuấy động ngài.
Diện kiến ba mẫu người là Đức Vân, Hải Vân và Thiện Trụ, nghĩa là chúng ta phải luyện tập đức hạnh vượt lên trên mọi tầm thường, có nếp sống của người giải thoát hoàn toàn khác với chúng sanh trần lao và giữ tâm bất động. Đạt được ba đức tánh này, chúng ta gặp được vị thứ tư là Hải Tràng. Tỳ kheo này được bốn giai cấp cao quý trong xã hội tìm đến phục vụ. Ý này gợi nhắc chúng ta tu hành đắc đạo, tự nhiên người tốt tìm đến. Chưa đắc đạo mà mong đợi người giàu có, tài giỏi hỗ trợ là tà tâm. Trên thực tế, chúng ta thấy ngài Viên Quang tu Thiền ở chùa Giác Lâm, không tiếp xúc với bên ngoài. Quan Tổng trấn bấy giờ nghe danh ngài, tự tìm đến cầu học.
Tu hành đạt được tri thức, đạo đức, giải thoát, người tự động đến quy ngưỡng. Kinh diễn tả ý này là trên đầu Hải Tràng Tỳ kheo có Phật, mặt có Bồ tát, vai có Thiên long Bát bộ, bụng có Sát đế lợi, Bà la môn và dưới chân có cư sĩ, trưởng giả. Thiết nghĩ chúng ta tu hành làm thế nào có Phật ngự trên đầu và nét mặt luôn thể hiện đức hạnh của Bồ tát. Từ đó mới có Bát bộ Thiên long hộ trì và người tốt đến hợp tác với ta. Rèn luyện được bốn đức tánh tiêu biểu nói trên, mới xứng đáng là đệ tử Phật, làm sáng danh Phật mãi mãi trên thế gian.
(Bài giảng tại trường hạ tịnh xá Ngọc Phương, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh, ngày 3-8-1999)