Sách
(Bài giảng tại Trường hạ chùa Long Bửu và chùa Kim Liên, Quận 4, ngày 20-6-1999)
Trong mùa an cư kiết hạ, ngoài việc tổ chức hình thức, còn cần thực hiện tốt mặt nội dung. Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi lúc còn Sa di :”đạo yếu Tăng hoằng, tu yếu ngộ”.7 chữ này giúp tôi rất nhiều trên bước đường đạo.
Đạo yếu Tăng hoằng là đạo nên hay hư do trách nhiệm của người xuất gia. Tu yếu ngộ tức tu hành quan trọng ở chỗ ngộ là chính yếu, còn tu là phương tiện. Nếu chỉ có hình thức bên ngoài, nhưng thiếu phần ngộ bên trong là thiếu mất tư chất của Tăng già.
Trong Tăng lữ được xếp vào hàng trưởng lão đáng kính trọng có 4 hạng theo thứ tự như sau. Hàng trưởng lão đáng kính trọng bậc nhất gọi là ngộ tánh Thượng tọa, tức những vị ngộ được tánh thiên chơn và từ tánh sáng suốt ấy tu, nên việc tu hành và truyền đạo của họ hoàn toàn đúng với đạo lý.
Tuy nhiên muốn ngộ tánh, phải ràng buộc thân tứ đại và hạn chế sự buông lung của vọng tình, là việc làm căn bản của người tu. Nhưng ràng buộc bằng cách nào ? Đó là vấn đề lớn. Vì nếu ràng buộc thân, không cho phép nó làm những việc trái luật định, thì nó phản ứng mạnh, làm cho thân ta thành bịnh thì không tốt.Vì vậy, theo tôi, phần nào chúng ta ràng buộc thân, phần nào phải thỏa hiệp với nó. Điều đó, tùy từng người, năng lực, phước đức khác nhau mà có pháp tu không giống nhau.
Những người nhiều đời đã từng tu hành, phước lớn, nghiệp nhẹ là 3 hạng Tăng được kính trọng, thì đối với họ, việc sống hạn chế, đơn giản theo Hiền thánh hoàn toàn dễ dàng. Nhưng với người thân bịnh hoạn, yếu đuối, tâm nhiều phiền não, thì bị hạn chế, thân sẽ phản ứng mạnh hơn, gọi là nghiệp chướng Tăng.
Chúng ta tự xét coi mình thuộc thanh tịnh hay nghiệp chướng Tăng ? Nếu là phước điền Tăng thanh tịnh có đủ tiêu chuẩn ngộ tánh. Nghiệp chướng Tăng không thể phát triển bằng các trưởng lão, chỉ còn cách nương công đức của hàng phước điền Tăng để tự khắc phục lần nghiệp chướng, tức thỏa hiệp một phần và khắc phục một phần nghiệp chướng, dần dần do dày công tu luyện cũng ngộ được tánh.
Hàng ngộ tánh đáng kính trọng bậc nhất, vì gần với tánh sáng suốt, nên nhìn Phật, nghe pháp, phiền não rơi rụng, tánh thiên chơn hiện ra, đắc được đạo quả, giáo hóa không dùng ngôn ngữ mà chúng sanh hết khổ.
Hạng trưởng lão thứ hai có tư chất thông minh, tuy chưa ngộ tánh, nhưng sống trầm mình trong giáo pháp, hiểu được giáo nghĩa sâu sắc. Nương theo giáo nghĩa của Phật đã thực nghiệm được trong cuộc sống mà giáo hóa được người tu hành theo chánh pháp. Những người này thường được gọi là tam tạng pháp sư. Hạng thứ nhất thấy chân lý và diễn đạt chân lý cho người. Hạng thứ hai không thấy chân lý, nhưng diễn đạt chân lý theo thánh giáo Phật không sai lầm.
Hàng trưởng lão thứ ba là công đức Tăng hay phước điền Tăng, chưa ngộ tánh thiên chơn, chưa thông giáo điển, nhưng có tấm lòng tha thiết vì đạo, đem thân hiến dâng cho chánh pháp. Họ thường phụng thờ Tam bảo, xây chùa, in kinh, đào tạo Tăng tài. Nhiều đời tu, làm việc phước, nên đời này vật chất tương đối đầy đủ và họ dùng phước báo đó để trùng hưng Phật pháp.
Đó là 3 hạng trưởng lão do chủng thiện căn nhiều đời, do gieo trồng trí tuệ, phước đức và dùng tất cả ưu việt này phụng sự Tam bảo, chắc chắn làm cho Phật giáo hưng thạnh.
Hàng thứ tư cũng là trưởng lão, nhưng không bằng ba hàng trên. Họ sống trong đạo pháp lâu, tuy không ngộ tánh, không thông giáo điển, không đóng góp xây chùa, đúc tượng, nhưng tu hành nghiêm trì giới luật, không lỗi lầm. Đây là những vị có quá trình tu, được xếp vô hàng niên cao lạp trưởng, mà Giáo hội chúng ta thường quan tâm vì 3 hạng trưởng lão nói trên hiếm có trên thực tế.
Mặc dù những vị này không làm được việc lớn, nhưng cố gắng nghiêm trì giới hạnh, không phạm sai lầm đáng chê trách, cũng đã báo được hồng ân Tam Bảo, cũng được chúng kính trọng.
Đối với 4 hàng trưởng lão đáng kính trọng là rường cột của đạo pháp, chúng ta nỗ lực noi gương các Ngài, đồng thời cố gắng hạn chế, đừng để rơi vào lỗi lầm tu không đắc đạo, không nghiêm trì giới luật và trở thành nghiệp chướng Tăng, ba nghiệp không thanh tịnh.
Trong mùa an cư, trên có Ban Chỉ đạo an cư của Thành hội, dưới có Thiền chủ và Duy na trông coi, để chúng ta khắc phục ba nghiệp. Về thân nghiệp, làm sao từ thân bịnh thành hết bịnh, từ hành động thô tháo, đạt đến vị trí đường đường Tăng tướng.
Khắc phục thân nghiệp, quan trọng nhất là bịnh nghiệp. Bịnh nặng phải cần đến bác sĩ thì không kể. Ở đây nói đến bịnh ăn và bịnh ngủ. Đức Phật dạy ăn một bữa, nhưng vì chúng ta còn nghiệp đói, bịnh, nên phải ăn nhiều lần, gọi là dược thực để chữa bịnh. Vì vậy, còn phải ăn chiều, tự thấy xấu hổ, coi đây là uống thuốc và cố gắng sao hết bịnh này để khỏi uống thuốc.
Khắc phục được đói khát mới xứng đáng là Thánh đệ tử, bước vào hàng Dự lưu. Còn ăn nhiều bữa, chưa được vô hàng thánh chúng. Cố gắng để sau giờ ngọ, không nổi lửa là phá được một bịnh ăn.
Kế đến phá bịnh uống. Đáng lẽ uống nước trong, nhưng không chịu nổi, nên các Hòa thượng thương hại người nghiệp chướng nặng, nên cho uống nước trái cây, uống sửa để có dinh dưỡng. Như vậy, chúng ta cũng cảm thấy tu hành chưa cao, chưa xứng đáng là trưởng lão, sau giờ ngọ chỉ uống nước trong hay không uống nước. Hàng trưởng lão làm việc nhiều, nhưng không bịnh, không ăn uống phi thời, khiến cho ta kính trọng.
Hai việc sau cùng để bước vô dòng Thánh là rèn luyện cơ thể có sức chịu đựng được với nóng lạnh của thiên nhiên. Nóng hay lạnh đến đâu cũng không bịnh. Nhật Liên tông của Nhật Bản buộc các Tỳ kheo muốn được công nhận là nhà truyền giáo phải tu 3 tháng mùa Đông ở núi tuyết, không mặc áo, chỉ đóng khố, ngồi trong tuyết mà không bị cảm lạnh.
Đối với tôi, tu sao để hết bịnh, sanh phước và có trí tuệ. Không đạt thành quả này, kể như phí công vô ích. Xưa kia tôi rất nể trọng khoa học và y học, nghĩ bác sĩ giỏi hơn và xem thường việc tu hành của mình. Đó là sai lầm lớn, nhờ Hòa thượng Trí Tịnh cảnh giác tôi rằng tu mà không chữa được bịnh cho mình, sao chữa được bịnh người.
Chúng ta phải nhận ra cao quý của pháp Phật để sử dụng tốt cho bản thân, tự chữa được thân bịnh và tâm bịnh của mình, rồi chỉ dạy cho người. Chúng ta biết rõ Phật dạy sắc ảnh hưởng đến tâm và ngược lại, tâm tác động cho sắc, nói khác, thân và tâm tự hành hạ nhau.
Nghiệp chướng, phiền não, trần lao là nguyên nhân của thân bịnh. Ai ít bịnh thì ít phiền não và người ít phiền não thì ít bịnh. Phiền não là căn bản của mọi bịnh tật. Ngày nay có bác sĩ chữa tâm bịnh, nhưng không thể bằng người tu. Bác sĩ chỉ khuyên ta bớt phiền muộn, lo lắng. Nhưng trên bước đường tu, chúng ta dễ nhận ra rằng nếu nhìn thấy bậc chân tu giải thoát, lòng chúng ta tự nhiên đã vơi đi phiền não.
Tâm hồn trong sáng, đại chúng thấy đạo hạnh trang nghiêm của ta, họ tự sửa mình là giáo hóa người bằng đức hạnh. Vì vậy, người thấy ta mà họ không phát tâm, còn khó chịu là họ thấy ác nghiệp của chúng ta hiện ra nơi thân, phải biết lo sợ, tự sám hối cho tiêu nghiệp. Khi ta chưa hiện hảo tướng, chưa giáo hóa được chúng sanh bằng chơn tâm, thì việc dạy dỗ người khó vô cùng. Rày la họ không nghe, còn cười chế nhạo.
Riêng tôi, khi giận thì tránh mặt, không nói. Tôi thấy phương pháp này rất hiệu nghiệm. Giận đừng gặp, đừng nghĩ, để cho nghiệp của mình đừng phát sanh. Vì nghiệp sanh thì tâm bịnh rồi, thân sẽ bịnh theo.
Tôi sống 50 năm với chúng, thấy rõ nghiệp từ tâm hiện ra thân. Người ưa bực tức, khó chịu, trước mắt là bịnh bao tử. Từ giận như vậy tạo cho cơ thể không bình thường, thần kinh và tế bào cũng không bình thường, từ đây mà sanh ra bịnh. Chúng ta tu hạn chế được cơn giận, tạo cho cơ thể sống thăng bằng, thần kinh không căng thẳng thì vi trùng cũng sẽ khó xâm nhập.
Trên bước đường tu, dứt khoát không được giận, tự nói với chính mình không cho phép giận, khó chịu. Lúc đó, ta tự hạn chế ta, ta tự trị tội ta. Giữa tốt và xấu đang điều chỉnh, nói chuyện với nhau, cuối cùng phải để thiện tâm thắng ác tâm.
Kế đến là khắc phục tánh nóng. Trước mắt, tôi chấp nhận thua cuộc bằng cách tránh nó, là tu theo nhị thừa, thoái chuyển. Hành Bồ tát đạo, không bỏ chúng sanh, nhưng biết nghiệp khởi, phải trốn đời, tránh trách nhiệm để giữ cho tâm thanh tịnh vì tâm thanh tịnh là gốc đạo. Có nhiều người làm được việc, nhưng nổi nóng là hỏng cuộc đời.
Nổi nóng sanh ra bịnh rối loạn tiêu hóa và tuần hoàn cũng bị ảnh hưởn xấu. Vì khi nổi nóng, nhịp tim tăng, lượng máu tăng, người ta thường nói là giận sôi máu. Nó đốt hết chất hữu cơ của ta thì tất nhiên phải bịnh.
Tôi ăn ít, nhưng làm được nhiều vì không cho nóng giận làm tiêu năng lượng một cách vô lý, để dành năng lượng làm đạo, lợi ích cho chúng hữu tình.
Nổi nóng làm nhịp tim tăng tốc, dần sẽ dẫn đến suy tim. Mới 18 tuổi, tôi đã bị suy tim, nhưng nhờ biết dẹp bớt những cơn nổi nóng, hạ được nhịp tim và gia công tu thiền quán, lại hạ thấp nhịp tim thêm. Trong mùa hạ, nhịp tim dễ hạ xuống và không thuyết pháp thì lại bớt được nữa, từ đó lượng thực phẩm tiêu thụ cũng giảm theo. Người ưa giận dễ bị đau bao tử và đau bao tử lại dễ nổi nóng.
Thứ ba là tánh hay buồn. Buồn cho hoàn cảnh, cho thân phận mình, buồn nhớ gia đình,v.v..Thuở nhỏ tôi cũng vậy, tu rồi bị hất hủi càng buồn và nhất là những người xuất thân giai cấp cao trong xã hội, tu dễ buồn hơn, nên bỏ cuộc không ít.
Hay buồn thìsanh ra đau gan, chúng ta phải khắc phục. Tìm nguồn vui trong đạo, trong kinh điển, trong cuộc sống phạm hạnh của chúng ta. Cố thực tập những việc này để ta vui với nó. Riêng tôi, đọc sách thấy được ý hay, hoặc ngồi thiền, nhận ra ý Phật dạy, làm cho tôi vui, hiện ra đôi mắt mỉm cười, nét mặt hoan hỷ, khiến cho người nhìn thấy cũng phát tâm theo. Còn mặt buồn rầu, sân si thì ai dám theo.
Muốn làm đệ tử Phật, phải tập giống Phật, gặp việc đáng buồn, không buồn, đáng giận không giận.
Một việc nữa cũng nên cân nhắc, vui quá cũng suy tim. Gặp việc vui, đáng mừng cũng không mừng, luôn điềm đạm, giữ được tâm như như. Kinh Pháp Hoa dạy trời người cung kính cũng phớt lờ, quỷ La sát dọa cũng không sợ.
Sợ thì đau thận. Sợ cuống lên, không giải quyết được gì, nên bình tĩnh sáng suốt may ra còn thoát được.
Giận, buồn, nóng nảy, lo sợ là bốn thứ tâm lý xấu phát sanh ra nhiều bịnh trong nội tạng. Từ tâm sanh ra thân bịnh và từ thân bịnh tác động lại cho tâm thêm bịnh.
Kế đến điều chỉnh thức ăn và sống ở nơi không khí trong lành. Người xưa nói bịnh tùng khẩu nhập, tu hành ăn đơn giản để sống khỏe mạnh, không phải tìm thức ăn ngon cho sướng miệng, nhưng thực ra chứa nhiều độc tố làm chúng ta bịnh thêm.
Tóm lại, trong mùa an cư, Tăng Ni điều chỉnh nếp sống tu hành cho thăng bằng, thân khỏe mạnh, tâm an vui, giải thoát là đáp được mong muốn của Ban chỉ đạo an cư do Giáo hội đề ra.