Sách
Kinh A Di Đà phát xuất từ kinh Quán Vô Lượng Thọ, theo đó Đức Phật xác định cuộc sống con người quá ngắn ngủi, nên Ngài chỉ người tìm về nơi có thọ mạng lâu dài, hay vô lượng thọ. Ngoài ra, kinh A Di Đà cũng phát sanh từ tinh thần mong muốn thoát khỏi thế giới khổ đau này để trở về sống ở cõi Cực Lạc vĩnh hằng.
Thật vậy, Đức Phật Thích Ca nói kinh này cho vua Tần Bà Sa La và hoàng hậu Vy Đề Hy nghe khi họ rơi vào tâm trạng khổ đau cùng cực, mạng sống mong manh như chỉ mành treo chuông, vì bị con là A Xà Thế soán ngôi, nhốt vô ngục. Trong lúc khổ sở vô cùng, vua và hoàng hậu mới thấm thía về lời Phật dạy về cuộc đời là khổ, giả tạm, vô thường. Lúc trước, Phật cũng dạy như vậy, nhưng còn ở ngôi vị có đầy quyền thế thì họ làm thế nào tin và nghe theo Phật được. Phải đến lúc lâm vào hoàn cảnh bi đát, tuyệt vọng cùng đường, họ chợt nhớ lời Phật dạy, thì không sợ khổ, sợ chết nữa và lóe sáng trước mắt nếp sống vĩnh hằng, an lạc ở thế giới phương Tây của Đức Phật Di Đà.
Kinh A Di Đà được Đức Phật thuyết ở Xá Vệ, lúc đó Ngài đâu còn ở Vương Xá mà nói kinh này cho vua nghe. Có thể hiểu rằng trong cảnh ngộ khổ đau quá sức, vua và hoàng hậu hết lòng hướng về Phật, tỏ ngộ được điều Phật dạy liền được giải thoát chứng Sơ quả. Họ nghe Phật dạy là nghe bằng tâm thanh tịnh và Phật đến với họ cũng bằng tâm thanh tịnh, từ bi. Vì vậy, kinh diễn tả là Phật hiện thân vô ngục nói pháp cho vua. Có thể nói kinh Di Đà thích hợp với hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm; vì Phật nói kinh này trong lúc bình yên, nhưng thực sự lúc gặp nguy biến, chúng ta mới cảm nhận ý Phật một cách sâu sắc.
Kinh Di Đà được phát triển mạnh khi truyền sang Trung Quốc và được ngài Cưu Ma La Thập dịch ra Hán văn. Ngài Huệ Viễn lãnh hội yếu chỉ kinh và lập ra Tịnh độ tông. Khi tông này truyền sang Nhật Bản được ngài Pháp Nhiên và Thân Loan triển khai thành Tịnh độ tông và Chân tông, vẫn còn phát triển mạnh đến ngày nay. Ở Việt Nam không thành lập Tịnh độ tông, nhưng hầu hết các chùa từ thời Lê- Nguyễn là thời kỳ đen tối của Phật giáo đều có thờ cúng Đức Phật Di Đà. Cho đến thời cận đại, mặc dù chùa Việt Nam mang dáng dấp chùa Thiền và chư Tăng đều nhận hệ phả của Thiền tông, nhưng đa số các chùa đều tôn trí tượng Phật Di Đà, tụng kinh Di Đà và niệm hồng danh Phật A Di Đà hàng ngày. Phải chăng kinh Di Đà thích hợp, vì chúng ta không thể nào ưa thích thế giới khổ đau, nhiều bất trắc, nhất là trong cảnh nước mất nhà tan, mọi người hoàn toàn bất lực trước sóng gió khó khăn bủa vây dồn dập. Từ đó, chúng ta dễ dàng ước mơ được sống trong một thế giới an lạc. Rõ ràng có khổ mới mong được an vui, bị bức ngặt trong hạn hẹp mới ước mong vĩnh hằng. Vì vậy, Đức Phật nói kinh này thích hợp với người ở Ta bà, vì nơi đó mạng sống ngắn ngủi, vạn vật vô thường. Và xa hơn nữa, một số người diễn giải rằng sau Phật diệt độ, ở thời mạt pháp, tất cả kinh điển của Phật đều mất hết, chỉ còn kinh Di Đà tồn tại thêm một trăm năm. Và cuối cùng kinh Di Đà cũng mất, chỉ còn sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật.
Điều này được lý giải theo nhiều cách khác nhau. Nếu hiểu theo tinh thần tiêu cực, bi quan, họ cho rằng sau Phật diệt độ, giáo pháp sẽ suy vi và mất lần cho đến ngày nào đó thì bị tiêu luôn, không còn Phật pháp nữa. Bấy giờ, chúng ta chỉ còn cách duy nhất thực đáng thương là niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật để được vãng sanh. Tuy nhiên, theo tinh thần Đại thừa, đặc biệt là theo kinh Pháp Hoa, Đức Phật phương tiện hiện Niết bàn để mọi người tự nỗ lực tu hành, không ỷ lại có Phật bên cạnh lo cho ta. Mục tiêu của Phật nhằm chỉ dạy chúng ta con đường thăng hoa, phát triển xã hội, không phải đề ra tư tưởng tiêu cực dắt chúng ta vào ngõ cụt bi quan. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật chỉ rõ sanh thân Thích Ca có nhập diệt, hay đó là hình ảnh của mạng người ngắn ngủi mà Ngài thường nhắc nhở chúng ta để đừng sanh tâm bám víu, tham đắm với thân hữu hạn ấy. Tuy nhiên, Đức Phật cho biết ngoài thân hạn hẹp, tạm bợ mà Ngài ứng hiện trên cuộc đời để độ sanh, Ngài còn có Báo thân viên mãn, nghĩa là thân phước đức trí tuệ vẹn toàn và Pháp thân vĩnh hằng bất tử.
Đức Phật giới thiệu với chúng ta Phật Di Đà có vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức; hay nói cách khác, đó là tiêu biểu của Báo thân Phật. Sở dĩ Phật Di Đà có ba điều quý báu vô giá ấy, vì Ngài đã trải qua vô lượng kiếp hành Bồ tát đạo, vun trồng hạt giống trí tuệ, hạt nhân khỏe mạnh và trồng cội công đức, mới hình thành được thân phước đức trí tuệ, tức Báo thân Phật. Điều đó mở ra cho chúng ta một định hướng mới rõ ràng của Phật giáo Đại thừa, theo đó chúng ta nỗ lực dấn thân trên con đường tự hành hóa tha để phát huy trí tuệ, kéo dài mạng sống, tạo mọi lợi ích cho đời, chứ không phải chỉ sống tiêu cực.
Thật vậy, trong kinh Bảo Tích nói rõ về tiền thân Đức Phật Di Đà trải qua quá trình tu hành, tự cải tạo cuộc sống thành tốt đẹp. Xưa kia, vì không có trí tuệ, Ngài cũng sống khổ đau, thọ mạng ngắn ngủi. Nhưng nhờ nương lời Phật dạy, Ngài phát huy trí tuệ, trở thành Pháp Tạng Tỳ kheo sáng suốt, giải thoát, an vui và từ đó bước chân vào đời, cứu khổ ban vui cho người, làm lợi ích cho đời, thì Ngài trở thành Pháp Tạng Bồ tát. Với phước đức trí tuệ của Bồ tát, Pháp Tạng dấn thân vào việc xây dựng thế giới Cực Lạc. Đến khi viên mãn hạnh nguyện Bồ tát, xây dựng xong Phật độ, Ngài trở thành Phật A Di Đà làm giáo chủ Tây phương Tịnh độ. Những gì Đức Phật Di Đà đã làm để thay đổi cuộc sống khổ đau thành an vui, đổi mạng sống ngắn ngủi thành lâu dài, thiết nghĩ không có gì là khó hiểu đối với chúng ta ngày nay. Trước kia, người sống đến 70 tuổi thì hiếm, nên người ta thường nói "Thất thập cổ lai hy”. Ngày nay, chúng ta sống đến 70,80 tuổi là việc bình thường. Nếu có sự hiểu biết về y học, biết giữ gìn sức khỏe, chúng ta dễ kéo dài được tuổi thọ. Chỉ một việc đơn sơ ấy, ta đã hình dung ra được đời sống ở thế giới Cực Lạc có vô lượng thọ như thế nào.
Theo tinh thần Pháp Hoa, nếu giáo pháp Phật cuối cùng chỉ gồm thu trong sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật thì điều đó có nghĩa là đạo Phật sống còn, tồn tại dài lâu với ba điều tiêu biểu quan trọng nhất: Trí tuệ, phước đức và sống lâu. Thiết nghĩ sức sống Phật giáo mang tính vĩnh hằng khi hàng đệ tử Phật trang bị vững vàng yếu tố trí tuệ (vô lượng quang), vì trí tuệ tồn tại mãi mãi, còn hình thức thì hữu hình hữu hoại. Đức Phật dạy đệ tử Ngài lấy trí tuệ làm sự nghiệp là nghĩa như vậy. Ngoài ra, đệ tử Phật hiện hữu để giúp đỡ và mang an vui cho người, làm lợi ích cho đời (là vô lượng công đức). Và chúng ta sống giản dị, nhưng khỏe mạnh và sống lâu (tức vô lượng thọ).
Kiến giải theo Pháp Hoa thì trí tuệ, công đức và sức khỏe tốt, sống lâu là thọ mạng của Phật pháp; nghĩa là chúng ta sinh hoạt như thế nào để đạo Phật phải là biểu tượng của phước đức và trí tuệ. Vì phước đức trí tuệ rọi vô tâm chúng sanh, biến chúng sanh thân thành Pháp thân để Phật pháp tồn tại. Nếu phước đức trí tuệ không có, nghĩa là hiểu biết của ta không bắt kịp mọi người, việc làm của ta chẳng lợi ích gì cho đời và cuộc sống của ta không bằng người, được coi như Phật nhập diệt.
Kết hợp Tịnh độ và Pháp Hoa nhìn về giáo pháp Phật mang tính vĩnh hằng bất tử là Pháp thân và Báo thân, thể hiện trong cuộc sống của hàng đệ tử Phật qua các thời đại. Vì vậy, dưới nhãn quan Pháp Hoa, không phải rời bỏ thế giới Ta bà đi đến thế giới cách đây mười muôn ức Phật độ mới có Đức Phật A Di Đà. Thiển nghĩ sinh hoạt của con người văn minh ngày nay cũng phải nhìn nhận rằng giáo lý chúng ta tuy đề cập nhiều vấn đề, nhưng nổi bật ba vấn đề là trí tuệ, công đức và sống lâu. Đó là những gì Phật dạy có giá trị thiết thực nhất trong mọi thời đại.
Tóm lại, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật Thích Ca vẽ ra cho chúng ta thấy khổ đau hay an lạc, sáng suốt hay mê muội, sống lâu hay chết yểu, sống lợi ích cho đời hay vô dụng… đều do chính chúng ta quyết định. Một trong những vị tu hành đi theo dấu chân Phật, triển khai tư tưởng Tịnh độ theo chiều hướng tích cực nói trên có Tổ Huệ Đăng. Ngài dạy: Y theo giáo pháp Thích Ca
Tự nhiên bổn tánh Di Đà phóng quang.