Sách
Rằm tháng Tư, ngày kỷ niệm Khánh đản Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, mang một ý nghĩa trọng đại đối với Phật giáo đồ trên khắp năm châu. Với tất cả tấm lòng hân hoan, thành kính, chúng ta cũng như hàng đệ tử Phật ở khắp mọi nơi đã long trọng tổ chức lễ Phật Đản PL 2540 - 1996.
Không khí trang nghiêm thanh tịnh của mùa Khánh đản gợi chúng ta nhớ lại cuộc đời Đức Từ Tôn đã thể hiện trọn vẹn tình thương vô bờ bến đối với muôn loài: Một con người phi thường đã xuất hiện trong cuộc đời vì hạnh phúc của số đông, vì lợi ích của số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. Lời khẳng định của Đức Phật rằng Ngài vì số đông, vì chăm lo cho quần chúng được sống an vui tốt đẹp, đó là mục tiêu duy nhất thúc đẩy Đức Phật đản sanh trên cõi đời này.
Xưa kia, tâm nguyện và việc làm của Đức Phật luôn dành cho số đông quần chúng. Nhưng ngày nay, quan sát thực tế cuộc sống của phần đông dân chúng ở các nước vùng châu Á theo Phật giáo, chúng ta thấy không mấy gì sáng sủa. Đời sống của nhiều người còn nghèo khổ cơ cực. Vì vậy, khoảng cách phân chia giàu nghèo trở thành vấn đề trầm trọng làm đau đầu các nhà lãnh đạo. Điển hình như Thái Lan đã công nghiệp hóa ở mức độ cao từ lâu; nhưng từ hai tháng nay, hàng ngàn người biểu tình cắm trại trước Phủ Thủ tướng ở Bangkok để phản đối tình trạng nghèo khổ của họ. Họ phải sống chui rúc trong những khu nhà ổ chuột, mức sống quá thấp và phải thu nạp vào cơ thể các độc tố thải ra từ các nhà máy.
Sự chênh lệch giàu nghèo càng ngày càng tăng mạnh là nguyên nhân chính gây ra vô số tệ nạn trong các lãnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, hành chánh, thương mại..., đưa đến tình trạng xã hội mất ổn định. Và đến năm 2000, theo thống kê, dự đoán 70% dân lao động tay chân Thái chỉ tốt nghiệp cấp tiểu học.
Bốn con rồng khác của châu Á là Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc cũng đang chạm trán với những bức xúc tương tự. Riêng Việt Nam, theo Tổng Bí thư Đỗ Mười, trên con đường phát triển đất nước, đó cũng là vấn đề cần giải quyết. Đối trước tình trạng bất bình đẳng trong dân chúng ở cuối thế kỷ XX, chúng ta, những người đệ tử Phật, đang tiến bước theo con đường Phật dạy, cần nỗ lực tìm ra giải pháp hữu hiệu cho vấn đề nâng cao đời sống của đại đa số quần chúng để hạn chế đến mức tối đa sự phân hóa giàu nghèo.
Cố gắng thực hiện cho được thành quả nâng cao trình độ tri thức, cùng với sung túc hóa đời sống vật chất cho nhiều người, mang an lạc cho nhiều người. Đó là đóa hoa thơm chúng ta dâng lên cúng dường Đức Từ Tôn trong mùa Khánh đản năm nay.
(Báo GN số 10, ngày 08-6-1996)