Sách
Muốn Phật pháp cửu trụ, chúng ta tuân thủ lời Phật dạy, mỗi năm an cư kiết hạ. Quan trọng của việc an cư là chúng ta tập họp nhằm kiểm điểm lại một năm tu hành như thế nào. Hay xa hơn nữa, chúng ta quán tưởng những đời trước để chuẩn bị cho những năm, những kiếp tu hành về sau. Vì có tập họp, chúng ta mới có điều kiện quan sát cách sống và đạo hạnh cao thấp của từng vị.
Đạo hạnh cao, nếu tính theo "niên cao lạp trưởng”, thì người nào tuổi đời lớn, tu lâu, được kính trọng. Nhưng theo Đại thừa, vị nào có đạo đức cao là lớn, dù tuổi còn trẻ. Đạo đức cao thấp được căn cứ trên tánh linh từng người. Người nào tánh linh sáng, được coi là lớn. Tánh linh còn mờ là nhỏ và chưa phát hiện được tánh linh, lại càng nhỏ hơn nữa. Có người mới tu trong hiện đời, nhưng thực sự họ đã tu nhiều đời trước, nên còn nhỏ mà trí đã sáng, hoặc được việc, quần chúng kính ngưỡng, làm an vui cho đời.
Vì vậy, Đại thừa căn cứ trên phước đức, trí tuệ để định vị Tỳ kheo lớn hay nhỏ. Và phước đức, trí tuệ của người tu lại được xét coi họ đang trụ ở vị trí nào của tam thừa : Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Trong tam thừa lại chia ra tứ quả. Có thể nói quan trọng của việc chúng ta tu là được đạo quả nào, đạo quả của Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát. Hơn nhau ở đạo quả, tu như thế nào để có đạo quả, phước đức.
Đạo quả thấp nhấtdành cho Tỳ kheo sơ hạ, tức sau khi thọ giới Cụ túc, nhập hạ, chúng ta phải đạt được quả Tu đà hoàn, mới thực sự được đứng vô hàng Tăng. Còn chỉ an cư theo hình thức, lấy chứng điệp, thì không kể. Nếu suốt 3 tháng hạ thường đau yếu, bỏ ngồi thiền, không nghe pháp, không tụng kinh, không đi quả đường, không thể tính tuổi hạ. Có bịnh, nghiệp, phải khắc phục.
Ba việc chính của Tỳ kheo : khất thực, phá ác, bố ma, được thể hiện trong cuộc sống, mới là Tỳ kheo thực.
Phật dạy Tỳ kheo không phải vì ăn mà đi khất thực. Tỳ kheo dùng phương tiện khất thực để gần gũi quần chúng, mang tâm tướng giải thoát vào đời làm cho người an vui.
Khi Phật lập giáo khai tông ở Lộc Uyển có 6 thầy trò, nhưng chỉ có Phật và Kiều Trần Như đi khất thực. 4 người còn lại không được đi, vì chưa hiện được tướng giải thoát, e rằng người trông thấy sanh tâm xem thường. Họ sẽ bị tổn phúc và người khất thực gây ra tội đó, tất nhiên cũng tội.
Được giải thoát mới đi khất thực. Vì miếng cơm manh áo là người hèn mọn trên cuộc đời, sao là Hiền thánh được. Trong khi đạo Phật chủ yếu xây dựng Hiền thánh.
Khất thực nhằm xin pháp Phật để nuôi lớn Pháp thân, huệ mạng, là mục đính chính. Không phải chỉ xin cơm ăn, nuôi thân phàm, có sống đến 70 tuổi cũng chết. Nhiều khi nuôi nhục thân càng lâu, càng sanh thêm xấu xa tồi tệ, chẳng ích lợi gì.
Thân vật chất đối với người tu không quan trọng. Đức Phật dạy chúng ta coi nó là túi da đựng đồ ô uế. Trên bước đường tu, phải cải tạo túi da này thành Pháp thân, thành viên ngọc trong sáng.
Muốn cải tạo nó, trước tiên phải phát bồ đề tâm. Theo Đại thừa, phát tâm bồ đề là căn bản của người tu và bồ đề tâm chỉ ăn được chánh pháp Như Lai. Phát bồ đề tâm rồi, mà không nghe được pháp, không đọc tụng kinh điển, không tu tập Thiền quán, thì hạt giống bồ đề bị tàn lụi.
Tỳ kheo giống nhau về hình thức, nhưng thực nghĩa Tỳ kheo và giả danh Tỳ kheo khác nhau. Tỳ kheo thực thì nuôi được Pháp thân, chuyển đổi thân vật chất thành giới thân huệ mạng. Ai trông thấy họ, cũng kính trọng.
Chỉ nuôi nhục thân bằng cơm gạo, bồ đề tâm không lớn được, nhưng nghiệp chướng trần lao tăng trưởng, nợ chồng chất, bị người xem thường.
Khất thực, hay xin pháp Phật để nuôi lớn giới thân huệ mạng. Vì vậy, ngày nào chúng ta cũng phải tụng kinh, ngồi thiền, sám hối. Thầy nào sợ những việc này, kể như chưa phát bồ đề tâm, không thể lãnh thọ pháp Phật, tự biết nghiệp còn nặng, phải lo sám hối.
Ý thức sâu sắc ý nghĩa phát bồ đề tâm, chúng ta gắn liền cuộc đời mình với Phật pháp, không liên hệ với gia đình, nhưng gắn bó với chúng hội đạo tràng. Trước nhất là chúng hội Tỳ kheo, chư Tăng là người thân của ta, vì ta và họ giống nhau về hình thức, tâm tư, nguyện vọng, cuộc sống. Và cao hơn, phát tâm bồ đề hành Bồ tát đạo, trên có chư Phật chứng minh, chung quanh có mười phương Bồ tát là quyến thuộc của ta. Nghĩ như vậy, mới tu được. Còn nặng tình với gia đình, không thể thâm nhập Phật đạo.
Bước thứ nhất phải thực hiện cho được thực nghĩa của Tỳ kheo, xin được pháp Phật mười phương, phát huy được giới thân huệ mạng. Nếu không, nợ cơm áo của đàn na khó trả. Được làm người, phải ráng lên quả vị Hiền thánh. Đừng để rớt xuống mang lông đội sừng, tu trở lại, khó vô cùng.
Việc thứ hai là phá ác, tất cả phiền não phải dẹp sạch. Không trừ phiền não, coi như không tu. 6 phiền não căn bản và 20 tùy phiền não, nhất định phá. Phá lần lần như phá vườn hoang, cái nào mọc, chúng ta phá ngay, đừng để nó lên.
6 phiền não căn bản : tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Chúng nguy hiểm nhất, ta phải cảnh giác cao. Chúng ta tu sai lầm, cứ nhìn phiền não bên ngoài, không nhận ra phiền não trong lòng ta. Lo đổ thừa người gây khó khăn, trong khi thực sự ta chỉ việc phá bỏ ngay ý niệm chống đối trong tâm, thì không còn có người chống đối ta nữa. Lòng ta yên là dẹp được một phần phiền não, một phần Pháp thân hiện ra, người chống phá trở thành tùy thuận với ta.
Theo kinh nghiệm tôi, từ năm 1975 đến 1980, biết duyên thuyết pháp chưa tới, tôi kiết thất, tụng kinh, tham thiền để phá phiền não ác của mình. Phá được ác niệm rồi, không buồn giạn, hiện ra tướng giải thoát, hoàn cảnh tự nhiên tốt với ta.
Đối với chúng Tăng, vì ta đã phá được ý niệm ác, không còn thành kiến với người, nhưng nghĩ tốt về người, thương người. Tất nhiên, họ cũng thay đổi ý nghĩ đối với ta, hòa hợp với ta.
Khi chính quyền không trở ngại việc hoằng pháp và được chúng Tăng ủng hộ, tôi thành tựu việc thuyết pháp từ Nam ra Bắc. Và tranh thủ thêm việc thứ ba là phá phiền não ác của chúng sanh.
Chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não dĩ nhiên là nặng lắm. 9 người thì 10 ý, vừa lòng A là mất lòng B. Chúng ta thấy Phật và Bồ tát có sức kham nhẫn lớn. Chúng sanh nghĩ gì, làm điều ác gì đối với các Ngài, lòng các Ngài vẫn không thay đổi, vẫn hoàn toàn thanh tịnh, không sứt mẻ tâm đại bi.
Chúng sanh gây khó khăn, ta buồn, giận là ta còn phiền não, phải thọ quả báo. Bước theo dấu chân Phật, biết đó là chúng sanh nghiệp, chúng ta phớt lờ, họ làm gì mặc họ. Lòng chúng ta vẫn an nhiên, là phá thêm một phần phiền não. Tỳ kheo lòng vắng lặng, không bị thế tục phiền não quấy rầy. Làm sao chính quyền, Tăng chúng, xã hội chấp nhận được ta, là phá được phiền não, không phải tự cô lập mình.
Sau cùng, Tỳ kheo bố ma, tức làm cho ma sợ. Thiên ma hay tà giáo làm cho người bị cuồng điên. Họ gặp được vị chân tu đạo cao đức trọng thì tự tỉnh lại, hết điên. Ngoài ra, người tu phải hàng phục ngũ ấm ma. Ngũ ấm gồm : sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong 5 thứ ma này, ta trị sắc ấm ma trước. Nghĩa là làm sao ma bịnh không hoành hành ta, từ ít bịnh cho đến không bịnh. Và cố gắng tu cho hiện hảo tướng. Lạy Phật, tham thiền, quán tưởng Phật, Bồ tát nhiều, để hảo tướng các Ngài luôn hiện hữu trong tâm ta. Nhờ đó, ta được an vui, hảo tướng hiện ra, được người thương mến. Tu mà bịnh, thì người coi thường, tu mà mặt hung tợn, không được. Thân khỏe, ăn ít, tiêu thụ của đời ít, nhưng phục vụ cho đời nhiều, chắc chắn phải được quý trọng.
Kế đến, ta trị thọ ấm ma, cắt bỏ tối đa sự hưởng thụ của đời, chỉ sử dụng tối thiểu những thứ cần thiết. Thọ của người nhiều thì càng mệt. Đương nhiên bổn đạo thương quý, cúng dường ta là việc tốt, nhưng đừng nhận vẫn tốt hơn.
Tưởng ma là ý thức sai lầm, nghĩ đủ thứ không đúng. Cần để tâm vắng lặng, chơn tâm mới hiện. Lòng vắng lặng thấy người và việc chính xác.
Phá được ngũ ấm ma rồi, phiền não ma không có chỗ nương tựa để phát sinh. Thí dụ, không có thân ngũ ấm này, thì làm sao ta khởi lòng tham được. Tham hết thì giận cũng mất. Còn tham danh nên động vô tự ái, ta giận. Tu hành, còn giận là biết ta còn tham. Giận thì mất khôn, nên si mê. Vì si mê, thực không bằng ai, nhưng tự nghĩ mình cao nhất, là ngã mạn. Từ ngã mạn dẫn đến khởi lên tâm ác là tất yếu.
Phá ngũ ấm ma, có được cái nhìn sáng suốt, đúng, hiểu người, hiểu việc để giúp ta làm đạo. Vì dưới mắt người tu, tất cả những gì trên thế gian này đều là mộng huyễn bào ảnh. Có làm gì cũng là thần thông du hý tam muội, tức là trò chơi để nhân đây chúng ta kết duyên, làm đạo, giúp cho người phát tâm bồ đề.
Ngũ ấm ma và phiền não ma là ma trong lòng ta đã trừ, thì ma bên ngoài (thiên ma) phải sợ, tự rút lui.
Mong sao chư Tăng kiết hạ an cư, trừ sạch phiền não ma, cắt bỏ được ngũ ấm ma và tiếp thu được pháp Phật để phát huy giới thân huệ mạng, thể hiện hình ảnh Tỳ kheo chân chính, xứng đáng là đệ tử lớn của Phật, mang an vui giải thoát cho người.