Sách
Tuy nhiên, sau khi Phật Niết bàn, có những giai đoạn mà chư Tăng không đủ uy đức để có thể cảm hóa những người quyền thế, người giàu có, hay người trí thức; thậm chí có những lúc đạo Phật bị suy vi đến mức người ta thường cho rằng cư sĩ Phật tử tại gia chỉ là những người nghèo khó, thất học, hoặc ở trong hoàn cảnh khổ đau, hay có vấn đề trong xã hội mới đến chùa tu học theo Phật.
Có thể khẳng định rằng vai trò của hàng cư sĩ Phật tử đóng góp cho Phật giáo được nhiều hay ít, mạnh hay yếu, là tùy thuộc vào đức hạnh và trí tuệ của chư Tăng. Thật vậy, hễ thời nào chư Tăng thể hiện sự tu học đúng chánh pháp, thành tựu đức hạnh trang nghiêm, đắc đạo, đắc pháp, thì chư Tăng dễ dàng tập họp được hàng cư sĩ Phật tử tại gia có thế lực và làm nơi nương tựa cho đa số quần chúng quy ngưỡng; khi đó mọi việc lớn lao của đạo pháp cũng như của dân tộc đều thành công một cách nhẹ nhàng.
Điều này đã thể hiện rõ nét trong lịch sử, điển hình như trong thời Đinh Lê Lý Trần hiện hữu những bậc danh Tăng đầy đủ uy đức. Vì vậy, các Ngài đã kết nối được những cư sĩ Phật tử lỗi lạc, sử dụng được lực lượng quần chúng, mới xây dựng nên ngôi nhà Phật giáo có vị trí cao trong xã hội thời ấy. Chúng ta còn nhớ trong thời kỳ đầu nước nhà mới độc lập, Nam Việt vương Đinh Liễn là con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng đã cho dựng 100 cột đá khắc kinh, gọi là kinh tràng. Ảnh hưởng của Phật giáo đạt đến mức cao nhất ở thời Lý cũng được ghi rõ trong lịch sử. Dưới triều Lý, với sự lãnh đạo của 8 đời vua anh minh sùng kính đạo Phật, Phật giáo đã giữ vị trí độc tôn và góp phần chính yếu cho nền văn hóa dân tộc phát triển tốt đẹp. Đặc biệt có người cư sĩ Phật tử điển hình như Lý Thường Kiệt làm rạng danh cho đất nước mà sử sách còn lưu danh thơm.
Đến thời nhà Trần, các vì vua là những chiến sĩ anh dũng dẹp tan giặc một cách vẻ vang, khi nước nhà bị đoàn quân khét tiếng Mông Nguyên ba lần tiến sang xâm chiếm. Đến lúc đất nước thái bình, trí tuệ của các Ngài đã hình thành những tư tưởng trong sáng của bậc chân tu ngộ đạo, tạo nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng Thiền đặc sắc của Phật giáo Việt Nam.
Với sự vận dụng đạo lực một cách khéo léo của các bậc chân tu đạt đạo, Phật giáo thời Lý Trần không chỉ giới hạn trong khuôn viên chùa chiền. Đạo Phật đã là của tất cả mọi người và ảnh hưởng sâu rộng vào tất cả mọi ngành hoạt động. Nhờ tinh thần Phật giáo được hòa nhập cao độ vào cuộc sống của mọi tầng lớp dân chúng như vậy, các ngôi chùa đã được hình thành. Khi thì do bàn tay xây dựng của quần chúng, có lúc do thành phần giàu có, trí thức phát tâm, hoặc do vua chúa xây dựng.
Trái lại, vào những thời kỳ Phật giáo yếu kém như thời Lê Nguyễn, không có những Tăng sĩ chân tu thật học soi đường dẫn lối, thì hàng cư sĩ Phật tử không có chỗ nương tựa để tu tạo phước báu và đạo Phật cũng trở thành cái bóng mờ trong xã hội.
Tóm lại, Phật giáo thịnh hay suy là tùy thuộc vào sự tu hành của hàng tu sĩ xuất gia có đạt được thành quả tốt đẹp hay không. Khi nào nếp sống của Tăng già tỏa sáng đức hạnh và tuệ giác, thì cảm hóa được giới thượng tầng kiến trúc của xã hội là hàng cư sĩ Phật tử có quyền thế, hàng cư sĩ Phật tử trí thức, hàng cư sĩ Phật tử giàu có, cùng với quần chúng nhân dân. Trên nền tảng như vậy, đạo lực và tuệ lực của những bậc sứ giả Như Lai dễ dàng kết hợp một cách khéo léo nhân lực, tài lực của mọi thành phần trong xã hội, khiến cho mọi người phát tâm Bồ đề, nhận lãnh trách nhiệm hộ quốc an dân và thành tựu những việc làm tốt đời đẹp đạo, làm cho ngọn đèn chánh pháp của Đức Thế Tôn sáng mãi trên thế gian này.