Sách
Tại thành phố Cần Thơ có nhiều tu sĩ Phật giáo Nam tông Khơ me và Phật giáo Khất sĩ. Ngoài ra, cũng có sinh hoạt của Phật giáo Bắc tông. Phật giáo Nam tông và Khất sĩ mang tính thuần nhất, trong khi Phật giáo Bắc tông có tính cách phát triển, nên đa dạng. Vì đa dạng, Phật giáo Bắc tông chia ra sơn môn hệ phái và nhiều pháp môn tu khác nhau. Thực hành pháp môn khác nhau và có sở đắc khác nhau, một số người thường cho rằng mình đúng, người khác sai. Từ đó, dẫn đến vô tình hay cố ý công kích nhau, là sai lầm lớn, cần phải khắc phục để đoàn kết thực sự trong ngôi nhà Phật pháp.
Chúng ta cần ý thức rằng sở dĩ Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, cư sĩ ứng dụng những pháp hành riêng biệt nhằm để khắc phục vô số phiền não nghiệp chướng trần lao khác nhau của mỗi người. Mặc dù có nhiều pháp môn tu khác nhau thường được gọi là tám muôn bốn ngàn pháp môn, nhưng đều dẫn đến kết quả chung nhất là chứng đắc quả vị giải thoát giống nhau. Thật vậy, dù tu theo Nam tông, Bắc tông hay Khất sĩ, bất cứ pháp môn nào cũng dẫn hành giả đến sự giải thoát. Vì thế, đừng chấp vào pháp môn của mình, vào sở đắc của mình, để tự ràng buộc mình, khiến phiền não phát sanh, xa rời giải thoát. Trên bước đường tu, cần nhớ rằng hễ khởi niệm không bằng lòng người khác, không chấp nhận việc của người khác, phải tự biết mình đã sống ngoài giải thoát. Và không an trụ giải thoát thì không phải đệ tử Phật, vì Phật dạy rằng "Nước bốn biển chỉ có một vị mặn, cũng vậy, giáo pháp của Ngài chỉ có một vị giải thoát”. Tôi nghiên cứu và thực hành kinh Pháp Hoa. Vì pháp hành của tôi theo Pháp Hoa, nên tôi tôn trọng tất cả pháp tu của Phật; đối với tất cả hệ phái sơn môn, tôi coi là huynh đệ, tôi tìm cách thân thiện, sách tấn, giúp đỡ trên bước đường giải thoát. Nếu đi lệch hướng này, tâm bất an sẽ khởi lên, mà Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni bất an thì tu pháp gì cũng lạc vào đường tà. Và lạc vào đường tà quả là đáng sợ vô cùng, theo đó, tất cả điên đảo vọng tưởng sanh khởi trùng trùng, nghĩa là chấp ngã, chấp pháp tăng trưởng sẽ tạo ra vô số tội lỗi, trong đó, tội lớn nhất là phá pháp tội chướng.
Đức Phật dạy rằng trong phá pháp tội chướng, nặng nhất là tội phá hòa hợp Tăng, phá pháp của Phật. Đôi khi không cân nhắc, cạn suy nghĩ, chúng ta đã nói hoặc làm những việc khiến người khác buồn phiền, lo lắng, khổ đau, chúng ta không phải là Sa môn, không phải Thích tử. Không có tư cách Sa môn mà mặc áo Sa môn, mang danh Thích tử là phạm tội mạo nhận và mạo nhận Thánh Hiền, Phật thì càng không tha thứ được. Dù có Phật ra đời, Ngài cũng không cho sám hối, hiện tiền còn mặc áo Sa môn cũng không được công nhận, chết thì vào địa ngục. Tôi muốn nhắc Tăng Ni điều này, nhiều khi quý vị vô tình, có ý tốt muốn xây dựng, nhưng lại trở thành phá hoại. Thí dụ có việc xảy ra trong Tăng chúng, Phật dạy rằng việc của Tỳ kheo thì Tỳ kheo họp bàn, giải quyết, Sa di cũng không được tham dự. Nhưng họp Tăng xong, có Tỳ kheo bất mãn, thuật lại cho cư sĩ, khiến họ sanh tâm hoài nghi, thiếu cung kính đối với chư Tăng. Như vậy, người này đã phạm tội phá hoại sự hòa hợp của Tăng đoàn, tạo điều kiện cho Phật tử phạm tội.
Có thể khẳng định rằng nơi nào chư Tăng tuân thủ giáo pháp của Phật, nơi đó thanh tịnh. Chúng ta quan sát thấy sinh hoạt Phật giáo Nam tông như Thái Lan, Tích Lan, Campuchia rất tốt, vì chư Tăng tuân thủ nghiêm túc điều này. Việc của chư Tăng, chư Tăng giải quyết; việc của trưởng lão, trưởng lão quyết định. Nhờ vậy, sức mạnh đoàn kết của họ rất lớn; đó là điều mà Phật giáo Bắc tông chúng ta cần suy nghĩ. Một điểm nữa, đối với chư Ni, Phật giáo Bắc tông có sự dễ dãi rất nhiều. Chẳng những chấp nhận cho tu hành dễ dàng mà chư Ni còn được phát triển ngang hàng với chư Tăng. Vì thế, sinh hoạt của Phật giáo Bắc tông có tổ chức của Ni bộ bên cạnh Tăng bộ.
Tôi gặp các Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo Nam tông, các ngài cho biết rằng không có Tỳ kheo Ni ở các nước theo Nam tông. Tôi hỏi tại sao không có Tỳ kheo Ni, vì Phật có bốn chúng, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di cũng là đệ tử Phật. Theo các Hòa thượng thuộc Nam tông, Đức Phật là Thầy của chư Thiên và loài người, đức độ Phật quá siêu tuyệt, nên Ngài nhiếp hóa được tất cả thành phần xã hội. Còn chúng ta là phàm Tăng, năng lực nhiếp hóa trời người còn cách chúng ta xa lắm; vì thế, các ngài rất ngại việc tiếp độ nữ giới xuất gia. Khả năng nhiếp hóa không có mà độ họ chẳng những không thành công, còn gây thêm nhiều phiền phức và tác hại cho mình và người. Tiếp xúc với các trưởng lão Nam tông gợi cho tôi suy nghĩ về vấn đề xuất gia. Điểm quan trọng là phải biết mình, nhận ra đức hạnh của mình như thế nào, sức cảm hóa của mình đến đâu. Nếu việc tu hành còn yếu kém, đức hạnh không có, mà nhận đệ tử và cho xuất gia, chắc chắn không thể hướng dẫn họ sống đúng chánh pháp và quản lý đúng giới luật được. Các vị Hòa thượng Nam tông có đức hạnh, đáng kính trọng mà còn nghĩ chưa đủ khả năng nhiếp hóa, huống chi chúng ta. Thực tế cho thấy rõ người còn phiền não, ở trong trần lao, chắc chắn không thể độ được người phiền não trần lao; vì đem phiền não đến giáo hóa người, chẳng khác nào làm cho họ tăng thêm phiền não mà thôi. Chỉ có bậc giải thoát mới cứu độ được chúng sanh phiền não, giải trừ được nghiệp chướng, trần lao. Không phải ta xuất gia là độ tận chúng sanh được. Chính Đức Phật cũng chỉ độ được chúng sanh hữu duyên.
Vì vậy, Phật dạy chúng ta phải thực tập pháp tu để dọn sạch phiền não trần lao của mình, mới có khả năng cảm hóa người. Ý thức sâu sắc lời Phật dạy, chúng ta tạm gác lại mộng giáo hóa chúng sanh khi biết mình còn bị phiền não trần lao bao vây siết chặt. Thật vậy, kinh Pháp Hoa đã dạy rõ điều này rằng đối với người xuất gia, đời sống an lạc là chính yếu. Còn phiền não thì cần lo đoạn trừ, còn trần lao thì lo cỡi trói, hẹn đến khi hết sạch phiền não, đứng ngoài trần lao, trở lại độ chúng sanh. Cuộc đời tu hành của Đức Phật cũng vậy. Ngài biết rõ chưa độ được người, nên quyết tâm tu hành để đoạn phiền não, chấm dứt trần lao, được giải thoát hoàn toàn và Ngài sử dụng pháp giải thoát mà cứu độ mọi người một cách nhẹ nhàng. Hàng Tam Hiền, Tứ quả là giải thoát Tăng, nên giáo hóa người cũng rất đơn giản. Chúng ta thấy các bậc cao Tăng thạc đức đã sạch phiền não, các ngài không khuyên, nhưng chúng sanh trông thấy là phát tâm Bồ đề, nương theo tu hành thì tăng trưởng được phước báo.
Thiết nghĩ mùa An cư là cơ hội tốt nhất giúp chúng ta quét sạch phiền não, trần lao. Phiền não thực chất có sáu căn bản phiền não và hai mươi tùy phiền não. Tăng Ni cân nhắc để cắt bớt, phiền não nào còn, trong mùa tu này nhất định cắt bỏ, thực tu là như thế. Mùa An cư là thời gian dành cho chúng ta dọn dẹp phiền não. Phật dạy rằng phiền não khởi lên ở đâu thì đoạn diệt ở đó; vì tự nhiên không thể đoạn được chúng, phiền não phải xuất hiện mới trừ được nó. Nếu phiền não còn tiềm ẩn trong lòng, làm sao thấy mà đoạn. Nhiều khi tưởng rằng chúng ta đã dẹp sạch phiền não, nhưng đụng việc, nó liền khởi lên. Một hôm Đức Phật cùng đi khất thực với A Nan, đến một làng nọ, gặp những người không có tín tâm mắng nhiếc Phật. A Nan khởi phiền não, xin Phật rời bỏ nơi này. Lâu nay, A Nan theo Phật đến giáo hóa các vua chúa, Bà la môn, người trí thức, họ luôn trải thảm hoa đón tiếp Phật. A Nan quen với cách tiếp đón cung kính trọng thị, tưởng mình đã hết phiền não; nay gặp nghịch duyên, phiền não mới xuất hiện. Phiền não khởi lên chỗ nào, đoạn diệt chỗ đó bằng cách quan sát kỹ thực tế. Riêng tôi, nhờ bước đường hành đạo có lúc được tiếp đãi nồng hậu, cũng có những lúc gặp khó khăn vô cùng, vì nơi đó họ xem thường Phật pháp. Có đụng chạm thực tế, mới phát hiện ra phiền não nào còn tồn đọng để đoạn trừ. Phát hiện phiền não là khi được cung kính cúng dường, chúng ta sanh tâm vui mừng, phải biết ngay rằng đó là cội gốc phiền não. Phật dạy lúc đó, tâm phải an lành, trụ chánh định. Lúc bị khinh chê, tâm cũng phải trụ chánh định. Vị Sa môn bất cứ lúc nào, đi, đứng, nằm, ngồi, cũng ở trong Định.
Trên bước đường hoằng pháp, thăm viếng các trường hạ miền Tây lần này, tôi có dịp trao đổi với Thượng tọa Thiện Tâm về cốt lõi của pháp tu Thiền của Nam tông. Tôi nhận thấy pháp tu Thiền của Hòa thượng Nhất Hạnh là cố tìm Tịnh độ để bước chân vào và pháp tu Thiền của Hòa thượng Thanh Từ là cố tìm ông chủ. Cả ba pháp Thiền này theo tôi đều là một, cũng do Phật dạy. Hòa thượng Nhất Hạnh bảo rằng hành Thiền là đi vào Tịnh độ. Ngài có hai câu kệ rất hay: Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ. Làm người một kiếp cũng như không. Ở trên cuộc đời này, chư Phật giải thoát thanh tịnh, nhưng tại sao chúng ta tự ràng buộc mình, làm khổ mình. Thử nghĩ Phật và Thánh chúng có điều kiện nào hơn chúng ta mà các Ngài được như vậy. Về điều kiện vật chất, chắc chắn các Ngài không bằng chúng ta; vì thời Phật tại thế, chỉ có một y một bát, sau này mới có ba y, một bát. Các Ngài không có chùa, không có tài sản riêng nào cả, nhưng đời sống các Ngài giải thoát thực sự. Phật và Thánh chúng từng bước chân đi vào thế giới thanh tịnh. Phật dạy rằng tâm tịnh, thế giới tịnh; ngày nay diễn tả là tâm bình, thế giới bình.
Làm sao tâm chúng ta bình an? Chúng ta tu sao mà từng bước chân đi, dẫm lên mảnh đất trong sạch, bước vào thế giới trong sạch là Tịnh độ. Kinh Duy Ma dạy rằng chúng sanh thấy thế giới Ta bà là hầm hố gai chông, nhưng Phật thấy ở đây có đầy đủ bảy báu, tức những gì loài người ham muốn đều có đủ. Tâm chúng ta trong sạch nghĩa là tâm không có điên đảo vọng tưởng, không khởi tham sân, phiền não. Cắt đứt được những thứ nhơ bẩn này trong tâm, thì từng bước chân đi sẽ dẫm đạp trên mảnh đất Tịnh độ của chư Phật; nói cách khác, là sống an lành và trong sạch.
Chúng ta nghiệm lại thực tế, thấy rõ vị tu sĩ nào có nhiều tài sản, thì khó thanh tịnh, vì bị mắc kẹt với tài sản. Điển hình như một vị Trụ trì một ngôi chùa, tâm thường rối bời. Khó khăn trước nhất, phải làm sao để chùa tạm coi cho được. Chỉ một việc dọn quét đã mệt. Khá hơn, phải xây dựng thêm khu này ba, bốn tầng, chỗ nọ lớn rộng thêm mới được. Ai làm trụ trì mà không nghĩ việc đó. Ngoài ra, vấn đề cầu an, cầu siêu cũng phức tạp. Mọi người đến hỏi những việc mà họ không giải quyết được trên cuộc đời này, nhờ Trụ trì gỡ rối. Tâm trụ trì làm sao an được với những việc vừa kể. Không phải chỉ vị Trụ trì ngôi chùa lớn, mà cả những tu sĩ có am cốc nhỏ cũng dễ bị dính mắc với sự nghiệp vật chất, nên tâm không thể tự tại, bình an; vì lúc nào cũng phải quan tâm, lo lắng, nếu không, kẻ xấu đến phá hư thì sao. Còn Tỳ kheo một y, một bát ở đâu và lúc nào cũng yên thân và thanh tịnh. Nói cho đúng hơn, không phải vật chất làm khổ con người, mà chính cái tâm kẹt vào vật chất làm khổ họ. Thật vậy, Hòa thượng Nhất Hạnh có 120 mẫu đất ở Mỹ, 80 mẫu đất ở Pháp; nhưng những tài sản này ở nơi nào thì nơi đó tự quản lý. Ngài không sử dụng điện thoại, không đọc thư từ. Ngày nay, hầu như mọi người đều có điện thoại di động, cảm thấy sung sướng vì giải quyết được công việc. Nhưng Hòa thượng không nghe điện thoại, vì sợ người ta quấy rầy. Đang tĩnh tâm rất tốt mà điện thoại reo lên khuấy động thì quả là phí phạm đời sống tâm linh. Ngài nói "Đi vào Tịnh độ”, nghĩa là cắt bỏ tất cả duyên vụ để tâm hoàn toàn được thanh tịnh. Như vậy, chúng ta đem tâm mình đặt vào thế giới thanh tịnh thì từng bước chân đi vào Tịnh độ. Hòa thượng rủ tôi hành Thiền, đi bộ suốt ngày, đi theo đường mòn trong rừng cây, nhưng nói là đi vào Tịnh độ; vì đi vào vô tâm, giải thoát.
Hành thiền theo Thượng tọa Thiện Tâm, khi đi chỉ tập trung vào bước chân, không nghĩ gì khác. Nhấc chân lên thì ý thức rõ mình đang nhấc chân lên và bước chân xuống thì cũng biết rõ. Cứ như vậy mà chú tâm vào bước đi, không để tạp niệm nào khác xen vào, là phương cách giữ tâm thanh tịnh. Sự hành Thiền của Hòa thượng Nhất Hạnh theo tinh thần từng bước chân đi vào Tịnh độ, cắt bỏ phiền não trần lao, nếu so sánh với sự hành Thiền theo Phật giáo Nguyên thủy mà Thượng tọa Thiện Tâm thể nghiệm, tôi thấy hai pháp này giống nhau. Riêng Hòa thượng Thanh Từ thì dạy rằng tu hành cốt tìm được ông chủ; không thể đứng ngoài cổng chùa nhìn mà không chịu đi vào. Chúng ta tự xét lại xem mình có phải là người đứng ngoài nhìn vào hay không. Đối với các Giảng sư, "Đứng ngoài nhìn” ngầm nhắc rằng đừng chấp là mình từng đọc kinh điển nhiều, học hiểu nhiều và giảng nói rất nhiều. Cần nhớ đó chỉ là những pháp phương tiện của Phật để giúp chúng ta bước vào cửa giải thoát. Ngài Huyền Giác dạy rằng chúng ta đừng làm người đếm tiền cho người khác, nói giải thoát cho người, nhưng bản thân chúng ta không được hưởng hương vị giải thoát; cũng giống như người giới thiệu thức ăn cho người ăn no bụng, còn họ thì đói rả ruột. Chúng ta không nên làm người đứng ngoài cửa giải thoát thấy người ta hàng hàng lớp lớp đi vào bên trong. Thử nghĩ lại hàng ngày quý vị cầu nguyện, hướng dẫn cho người giải thoát, còn mình thì đau khổ, có hợp lý hay không. Phải nếm hương vị giải thoát mới tạo điều kiện giúp được người sống an lành.
Trong mùa An cư, cố gắng cắt bỏ sáu phiền não căn bản. Còn mừng, còn lo, tự biết mình còn tham, phải cắt bỏ phiền não này. Điều vừa ý, ta thích, trái ý, ta giận, là phiền não thứ hai có tên sân hận, cũng phải dứt bỏ. Ý thức rằng tham và giận là việc của người thế gian, giữ nó làm khổ tâm mình và đánh mất tư chất của Sa môn. Phiền não thứ ba là si mê. Muốn phá hủy si mê, Phật dạy phải học rộng nghe nhiều. Riêng tôi, phải trải qua hơn năm mươi năm tu học, đọc nhiều sách, thể nghiệm nhiều pháp môn, mới có nhận thức tương đối tốt. Ngày nay, một số Tăng Ni, nhất là Tăng Ni trẻ sanh ra trong thời kỳ đất nước bình yên, việc học hành được dễ dàng hơn thời của tôi rất nhiều. Vào thời kỳ tôi lớn lên, người tu có bằng Cử nhân rất khó. Thời nay, người tốt nghiệp Cử nhân quá nhiều. Mỗi năm, Giáo hội đào tạo hàng trăm Tăng Ni tốt nghiệp Cử nhân, bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng nhiều. Nhưng có điều hại là nhiều người có bằng cấp lại sanh tâm coi mình hơn hết và xem thường Thầy Tổ mình. Ngã mạn như vậy, làm sao được giao việc. Chẳng qua chỉ mới học ở trường lớp, có mảnh bằng, nhưng công đức chưa có, kinh nghiệm cũng không. Theo tôi, thầy Trụ trì chùa làng ba mươi năm hay năm mươi năm, mặc dù không có bằng cấp cao, nhưng họ giỏi ở điểm giữ được chùa, giữ được Phật tử, làm cho nhiều người kính tín Tam Bảo. Tốt nghiệp Tiến sĩ đã làm được gì mà xem thường người khác. Và không được phân công làm việc thì lại không ý thức rằng vì mình không có phước đức, mà còn ngã mạn. Sau đó, lại sanh nghi ngờ rằng học giỏi cũng không được gì và nghi giáo pháp Phật, cũng như khởi ý niệm rằng người khác xấu, dốt, lại được giao việc, rồi bỏ tu, đi vào đường tà thì cũng không thể nào tạo được địa vị trong xã hội. Đó là sai lầm lớn của giới trẻ bị phiền não bao bọc, tác hại, Giáo hội không thể giao việc cho họ.
Các Tăng Ni trẻ tốt nghiệp xong, không làm được, vì rơi vào tình trạng này. Phải nỗ lực đoạn trừ phiền não trước. Đối với tôi, quan trọng nhất là Giáo hội phân bổ việc gì, chấp nhận làm, thành công việc này, sẽ được giao việc khác. Trên bước đường tu của tôi, lúc mới tốt nghiệp, trở về Việt Nam, Hòa thượng Trí Thủ mời tôi làm Giảng sư. Hòa thượng Minh Châu mời tôi phụ giảng Đại học Vạn Hạnh. Từng bước làm Giảng sư và phụ giảng, mới có một số Phật tử quý trọng, tu theo. Lúc ấy, Đại hội Phật giáo thống nhất cả nước, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các Hòa thượng nhận thấy tôi có khả năng giảng dạy mới đồng đề cử tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp. Phải có quá trình tu học, dấn thân làm việc, không kén chọn, đòi hỏi, việc gì cũng hết lòng làm, từ việc nhỏ mới tiến lên việc lớn. Các vị trưởng lão thấy mình có tinh thần gánh vác thực sự, sẵn sàng giao trách nhiệm. Tôi trải qua bốn nhiệm kỳ, hai mươi năm, làm được việc, đến Đại hội Phật giáo kỳ V, Giáo hội mới mời tôi làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, kiêm Trưởng ban Hoằng pháp, để thay các Hòa thượng lớn tuổi, đi giảng dạy, thăm viếng Tăng Ni trên khắp ba miền của đất nước. Năm 2004, tôi đã đến thăm trên một trăm trường hạ thuộc miền Nam và miền Bắc. Mỗi nơi tôi đều giảng dạy tích cực, vô điều kiện, không biết mệt mỏi. Đó là một số kinh nghiệm mà tôi đã trải qua, muốn chia sẻ với quý vị. Theo tôi, các Tăng Ni trẻ tốt nghiệp, tìm việc làm, không cần danh nghĩa; chỉ cần được phân bổ thì qua một thời gian làm được việc, tạo được uy tín, sẽ được giao phó việc khác. Chỉ sợ không có năng lực, không có công đức; không sợ không được giao việc.
Mong rằng trong mùa An cư, Tăng Ni cố gắng đoạn trừ phiền não của chính mình, trở thành thanh tịnh, từng bước chân vào Tịnh độ, tạo được sự quý mến của mọi người và gánh vác được Phật sự tốt đẹp. Cầu nguyện Phật gia hộ cho tất cả mọi người được an lành trong chánh pháp.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Khánh Quang, tỉnh Cần Thơ, ngày 20-6-2005)