Sách
Vào năm 1981, khi tham dự Đại hội thống nhất Phật giáo tổ chức tại Hà Nội, lần đầu tiên, tôi được phước duyên diện kiến Hòa thượng Quảng Bá, một vị danh Tăng mà các vị tôn túc miền Nam thường nhắc đến.
Khi còn là học Tăng, tôi cũng đã nghe Hòa thượng Thiện Hòa ca ngợi ngài là bậc chân tu đức hạnh. Quả thực đúng như tôi đã nghe kể về Hòa thượng Quảng Bá, khi tận mắt nhìn thấy nét mặt hiền hòa, lời nói đức độ, tâm hồn khoan dung của ngài. Chính hình ảnh đáng tôn kính của ngài khiến cho Hòa thượng Siêu Việt cảm kích, tán thán: "Tôi là tu sĩ thuộc Phật giáo Nam tông, nhưng nhìn thấy Hòa thượng Đức Nhuận, tôi cũng cảm thấy kính trọng như Đức Tăng thống của hệ phái chúng tôi. Nếu Đại hội suy cử ngài làm Pháp chủ, tôi chắc chắn các hệ phái đều bằng lòng”.
Sau khi Hòa thượng được suy tôn chức vị Pháp chủ, tôi được đề cử làm Trưởng ban Hoằng pháp. Tôi đến chùa Hồng Phúc đảnh lễ Hòa thượng, xin ngài chỉ dạy những kinh nghiệm hoằng pháp trong nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì đất nước mới thống nhất, tôi ở miền Nam chưa hiểu rõ đường lối sinh hoạt như thế nào cho phù hợp .
Giọng nói ôn tồn của ngài chỉ dạy còn văng vẳng trong tôi: "Ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mọi việc đều do Đảng lãnh đạo, Thượng tọa nên hoằng pháp trong phạm vi luật pháp cho phép thì Phật giáo mới có thể tồn tại được”. Lời dạy của Hòa thượng tuy đơn giản, nhưng tác động cho tôi phải suy nghĩ nhiều. Thật vậy, Hòa thượng đã sống trên hai mươi lăm năm trong nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong suốt thời gian dài, ngài hành đạo thực khéo léo, vừa đóng góp lợi ích cho đất nước, vừa hướng dẫn Tăng Ni Phật tử tu hành, giữ vững được nếp sống đạo.
Vì vậy, lời ngài nhắc nhở đã là kim chỉ nam hướng dẫn tôi hoạt động thực bình ổn trong lãnh vực hoằng pháp suốt hai nhiệm kỳ. Nương theo ân đức chỉ đạo của Hòa thượng, ngành hoằng pháp tiến triển từng bước an lành. Tùy lúc, tùy nơi mà linh động thực hiện công việc truyền bá chánh pháp, khi thì sôi nổi, lúc thì trầm lặng. Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào chăng nữa, cũng cố tránh không để những chuyện đáng tiếc xảy ra.
Hôm nay Hòa thượng vắng bóng trên cuộc đời, tôi cảm nhận những lời dạy quý báu của ngài vẫn sống mãi trong suy tư của riêng tôi, cũng như của quý vị Giảng sư trong ngành hoằng pháp.
Tôi thiết nghĩ con đường truyền bá chánh pháp Hòa thượng vạch ra cho chúng ta là làm cách nào đừng gây ra mâu thuẫn chống đối với bất cứ người nào hay thành phần nào. Trái lại, chúng ta nên uyển chuyển khéo léo hài hòa với mọi tầng lớp xã hội và đáp ứng được yêu cầu lợi ích cho người. Thành tựu như vậy mới thể hiện được mục tiêu cao quý của việc tuyên dương Phật pháp và đồng thời, chúng ta mới tạo được sự an lạc cho bản thân mình tu học và an lạc cho cả cộng đồng sinh hoạt của Tăng Ni Phật tử.
Theo tôi, đức hạnh cao quý của Hòa thượng là chất keo gắn bó, kết hợp giới Phật giáo của cả ba miền Nam, Bắc, Trung trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tăng Ni Phật tử các hệ phái đều tôn kính ngài là bậc phạm hạnh chân tu, vì cuộc đời ngài tỏa sáng hương đạo hạnh an lạc mà Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Hoa. Tôi thiết nghĩ trên bước đường hành đạo, chúng ta cần noi theo tấm gương mô phạm của Hòa thượng. Dù ở trong tình huống nào, gặp phải cảnh ngộ nào, chúng ta vẫn phải cố gắng hòa hợp, giữ cho thân tâm an lạc. Và tốt hơn nữa, thể hiện các việc làm lợi ích cho đạo, mang an vui cho đời. Đó cũng chính là những gì Hòa thượng đã thành tựu trong giai đoạn lịch sử khó khăn nhất của Phật giáo Việt Nam, tạo được niềm kính trọng, tin tưởng của mọi người trong công cuộc thống nhất Phật giáo, đưa đến kết quả suy tôn ngài lên hàng giáo phẩm lãnh đạo cao nhất.
Suốt thời gian dài ở vị trí Pháp chủ, cho đến ngày viên tịch, uy tín của ngài ngày càng thêm sáng tỏ, tỏa bóng mát an lành cho Tăng Ni Phật tử nương nhờ tu học. Hình ảnh đạo hạnh của Đức Pháp chủ mãi mãi sống trong tâm tôi, là ngọn hải đăng soi đường cho đàn hậu tấn trên lộ trình tiến tu giải thoát.
Khể thủ
(Báo GN số 96, ngày 15-12-1996)