Sách
Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo, chùa Dược Sư đã từng là Ni trường đầu tiên được đặt dưới sự lãnh đạo của cố Hòa thượng Thiện Hòa là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt, đã đào tạo được nhiều Ni sư trong suốt nửa thế kỷ qua. Nhưng từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, thống nhất sinh hoạt của Phật giáo cả nước, các trường Phật học dành cho Tăng Ni cũng được tổ chức rộng rãi theo hệ thống mới. Vì vậy, chùa Dược Sư chỉ còn là trụ xứ của một số chư Ni tu học và cũng là nơi trú ngụ của các Ni trẻ tuổi theo học các trường Sơ, Trung và Cao đẳng ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dưới hệ thống giáo dục nào cũng nhằm mục tiêu rèn luyện cho người tu hành đầy đủ ba đức mới thâm nhập được thế giới Hiền Thánh, làm lợi ích cho người. Trong ba đức, trước tiên là giới đức. Ba đời chư Phật đều lấy giới làm đầu. Tất cả Hiền Thánh cũng nương giới mà thăng hoa. Người tu muốn theo con đường Hiền Thánh, tất yếu không thể không giữ giới. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta tùy thân, tùy phận, tùy hoàn cảnh mà thọ lãnh giới pháp khác nhau. Đối với con người và chư Thiên thì có Ngũ giới và Thập thiện giới. Hàng xuất gia có giới của Sa di, Thức xoa, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni. Và cao hơn, có giới của Bồ tát gồm cả tại gia và xuất gia đồng học.
Theo tôi, chúng ta cần lưu tâm và giữ gìn Bồ tát giới vì kết hợp được việc tu hành của người xuất gia và tại gia, Phật pháp mới được trường tồn. Thật vậy, khi giới xuất gia có nhiều người tu thoát ly, chỉ hướng tâm về Niết bàn, không còn nghĩ đến sự sống; từ đó, sự quan hệ giữa người tu và cuộc đời phai nhạt dần cho đến mất luôn. Trái lại, giới tại gia phát triển mạnh, dẫn đến việc thế tục hóa đạo Phật thì cũng sai. Phật giáo phải tồn tại theo tinh thần Nhị đế dung thông, nghĩa là làm thế nào để giới tại gia và xuất gia hay Chân đế và Tục đế kết hợp sâu sắc và có lợi ích cho chúng hữu tình. Theo tinh thần Đại thừa Bồ tát giới, đạo tục thông hành; nói cách khác là xuất gia và tại gia đều như nhau, đều phải làm lợi ích cho chư Thiên và loài người, đều không còn não phiền.
Dù tu pháp nào và tu bao lâu, nhưng còn giữ não phiền thì kể như không tu. Phiền là sự âm ỉ đốt cháy tất cả đức hạnh của chúng ta. Người tu không khéo hay giữ phiền trong lòng, phiền việc này, phiền người kia. Bị người làm phiền là bị họ đốt mất công đức của mình. Người tu chất chứa buồn phiền không phải là Sa môn, dù mặc áo tu. Ý thức như vậy, chúng ta nhất định mùa Hạ năm nay còn buồn phiền thì Hạ sang năm phải hết, tháng đầu của mùa An cư còn buồn phiền, tháng sau phải dứt. Nhìn khuôn mặt, ánh mắt, cử chỉ, hành động của người là nhận ra được họ còn buồn phiền hay không.
Vì vậy, khởi tu là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Trước nhất, giữ cho tâm thanh thanh thản; chưa được như vậy thì tu gì cũng chuốc họa vào thân và tu càng lâu thì họa càng lớn. Phiền não đoạn rồi thì tu ít được phước ít, tu nhiều được phước nhiều. Tôi thường cân nhắc ý này để sửa mình, càng làm lớn càng dễ buồn phiền. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy rõ như vậy. Vì tôi làm Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, nên phải lắng nghe tất cả buồn phiền của các Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện toàn thành phố, tất cả sự bực bội của các chùa trong thành phố và của hàng triệu tín đồ đưa đến cho tôi. Có Thầy thưa với tôi rằng "Con sợ quá, vì phiền quá, muốn cất cốc trên núi tu, làm sao người cũng không vừa lòng”.
Chúng ta tự xét lại, theo tôi là đức bất cập, tức chúng ta tu vụng về, nên phải gánh quả này. Người thấy ta tu lâu mới giao trách nhiệm, dở thì không nói đã đành, nhưng người giỏi cũng phiền. Nếu tu riêng lẻ, chắc chắn không phiền gì cả. Tôi thấm thía câu "Cây càng cao, gió càng mạnh”. Vì đứng trên cao nên tất cả cặp mắt soi mói tìm sơ hở của ta. Không có cách gì khác là phải hạ thấp mình xuống đến Niết bàn. Đối với tôi, Niết bàn là thấp nhất, tự hạ mình đến thấp nhất là hết chuyện. Tôi nghiệm ra rằng chúng ta sống ngang tầm với phước đức thì bình thường, sống trên phước đức là tai họa giáng xuống ta và sống dưới mức phước đức của mình thì được an lành. Đại chúng không chấp nhận ta vì ta không hơn họ, phải tự trách mình thiếu đức, thiếu tài, thiếu phước. Người không làm được, nhưng chúng ta dư sức giải quyết, mới tài. Người lãnh đạo phải hơn người ở đức hạnh và tài năng. Trau dồi giới đức là phải gánh vác được việc cho đại chúng, cho xã hội. Làm được nhiều việc cho chúng thì chúng kính nể, làm nhiều việc cho xã hội thì được người thương quý.
Đạo đức của người tu là tâm đức hay tấm lòng của chúng ta đối với đại chúng. Hòa thượng Thiện Hòa ít nói, nhưng ngài thương đại chúng hết lòng, vì đại chúng. Đời sống vật chất tuy hẩm hiu, Thầy trò vẫn hòa hợp cùng tu. Khởi đầu tu của chúng ta là phải xây dựng cho được tấm lòng lo cho chúng sanh hay thương tưởng cho đời. Được đời nghĩ đến là thành tựu tâm đức. Nhưng có tấm lòng rồi, chúng ta không làm được gì cho ai vì thiếu hiểu biết, thiếu khả năng. Tu hạnh Bồ tát, phải trang bị cho mình sự hiểu biết sâu rộng, tức tuệ đức. Nhiều giai đoạn lịch sử Phật giáo suy đồi vì lãnh đạo thiếu hiểu biết, phạm sai lầm. Tuệ đức rất quan trọng là vậy và nhất là theo Phật, người tu lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Phải thấy xa hiểu rộng, thấy toàn bộ xã hội là thấy rộng, thấy xa là thấy tận thâm tâm các loài hữu tình chúng sanh. Trên bước đường hành đạo, chúng ta phải thấy được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của Tăng Ni, Phật tử, tùy theo đó mà đáp ứng, mới thành tựu Phật sự. Hiểu lòng nhau, cho đến bằng lòng nhau là điều cần thiết. Theo tôi, cấp bằng cao nhất trong nhà Phật là bằng lòng. Ta sống như thế nào để người bằng lòng. Hàng lãnh đạo không được tín nhiệm vì làm mất lòng người.
Chúng ta tu giới, định, tuệ, kết hợp ba điểm này, nhìn thẳng vào lòng người, xem ta làm được gì, tùy theo đó mà làm. Riêng tôi, quán sát thấy yêu cầu của họ không đáp ứng được, tôi không đến. Đức Phật cũng chỉ độ được người có duyên; nói cách khác, là Phật chỉ đến để giải quyết khó khăn cho người, không phải nơi nào Ngài cũng đến. Biết yêu cầu của họ lớn, nhưng năng lực ta yếu, là không đủ duyên để làm. Trường hợp này, kinh Pháp Hoa đã dạy rằng nên hẹn lại lúc khác, không phải việc gì cũng làm được ngay, gọi là thệ nguyện an lạc. Ngoài thệ nguyện an lạc, còn có thân, khẩu, ý an lạc. Thân an lạc hay có chỗ nương thân, còn bị xua đuổi hoài làm sao an mà tu được. Nhưng đối với người tu, mảnh đất tâm là chính, không phải kiếm đất cất am cốc riêng để được an thân. Nhiều người xây dựng am cốc xong, không dám ở vì sợ trộm cướp. Thân muốn an phải đem đặt đúng chỗ. Vua Lý Thánh Tông cũng từng nói với Ỷ Lan thứ phi rằng đặt thân ở chỗ an thì nó an, đặt ở chỗ nguy thì nó nguy. Ta ở bất cứ chỗ nào mà đại chúng chấp nhận, không ai tranh chấp thì không có vấn đề. Đại chúng sắp đặt ở đâu, ta ở đó. Thậm chí ở càng hẩm hiu càng hạnh phúc, vì ta làm được nhiều việc mà ở chỗ đơn sơ, ai cũng phải thương.
Theo tôi, hạ mức cầu của chúng ta xuống thấp hơn mức cung là an liền. Có thể nói thực chất của người tu hành là tự giảm lần tối đa những đòi hỏi để cơ thể có sức chịu đựng, không lệ thuộc vật chất, mới an. Ý này được Phật dạy rằng tri túc tâm thường lạc. Sống dưới mức cung, đóng góp nhiều, hưởng ít để phước sanh, người thương quý ta, chắc chắn được an. Làm ít, hưởng nhiều, người sẽ soi mói, không thể an ổn được. Đối với tôi, dù được cúng dường nhiều, vẫn tiêu dùng ít để luyện tập cho thân có sức chịu đựng. Bây giờ có phước lạc, nhưng mai kia hết thì sao. Phải rèn luyện cơ thể khỏe mạnh, ăn ít, để khi rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn, chúng ta vẫn chịu đựng được. Ăn ít, tốn kém ít và còn nhiều thì giờ để tu hành. Người đời thường chê bai việc người tu ăn mặc nhiều. Chúng ta giảm thiểu việc ăn uống, họ hết chỉ trích được. Muốn đi theo Hiền Thánh, cần tập không ăn cũng không sao, vì Thánh thì không cần ăn. Điển hình như Tổ Long Cốc ở núi Thị Vãi, ngài hành đạo từ núi này sang núi Dinh, núi Chứa Chan, rất cực khổ mà vẫn chịu đựng được. Ăn uống giảm thiểu cũng giúp cơ thể bớt bệnh hoạn.
Ngoài ra, yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng xấu đến mạng sống của chúng ta là tham sân, phiền não. Nó làm cho cơ thể chúng ta bạc nhược. Chúng ta thấy rõ người dễ nóng giận, hay gây gổ thường bị đau bao tử, dễ buồn thì bị đau gan. Hoặc người bị suy tim vì có nhiều khủng hoảng làm nhịp tim không bình thường. Nói chung, tâm lý không ổn, buồn, giận, khổ, lo, sợ, v.v... tác động khiến ngũ tạng chúng ta bị hư. Phật dạy người tu giữ cho thân an và tâm thanh thản. Ở đúng vị trí của mình, không lo đối phó thì thân tâm đều thanh thản, từ đó tiến tu được. Thanh thản vì biết được việc chúng ta làm như vậy là đủ, không ráng cho được nhiều hơn. Và giữ thệ nguyện an lạc, đối với những việc vượt ngoài khả năng của chúng ta thì để đó, hẹn dịp khác sẽ làm; thậm chí phải đợi đến thành Phật mới giải quyết được, chúng ta vẫn đợi. Việc nào giải quyết được liền thì làm ngay. Mỗi người tùy theo khả năng, phước đức mà đóng góp cho xã hội, cho đạo pháp, dù ít hay nhiều, theo tôi đều đáng trân trọng. Con đường Phật đạo dài xa, quan trọng là chúng ta nương theo pháp Phật để giữ cho thân an, tâm tịnh, từng bước đi lên quả vị giải thoát.
Cầu nguyện cho chư Ni sống trong chánh pháp của Đức Phật, gạn bỏ phiền não trần lao để thâm nhập thế giới Phật.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Dược Sư, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, năm 2001)
Theo tôi, chúng ta cần lưu tâm và giữ gìn Bồ tát giới vì kết hợp được việc tu hành của người xuất gia và tại gia, Phật pháp mới được trường tồn. Thật vậy, khi giới xuất gia có nhiều người tu thoát ly, chỉ hướng tâm về Niết bàn, không còn nghĩ đến sự sống; từ đó, sự quan hệ giữa người tu và cuộc đời phai nhạt dần cho đến mất luôn. Trái lại, giới tại gia phát triển mạnh, dẫn đến việc thế tục hóa đạo Phật thì cũng sai. Phật giáo phải tồn tại theo tinh thần Nhị đế dung thông, nghĩa là làm thế nào để giới tại gia và xuất gia hay Chân đế và Tục đế kết hợp sâu sắc và có lợi ích cho chúng hữu tình. Theo tinh thần Đại thừa Bồ tát giới, đạo tục thông hành; nói cách khác là xuất gia và tại gia đều như nhau, đều phải làm lợi ích cho chư Thiên và loài người, đều không còn não phiền.
Dù tu pháp nào và tu bao lâu, nhưng còn giữ não phiền thì kể như không tu. Phiền là sự âm ỉ đốt cháy tất cả đức hạnh của chúng ta. Người tu không khéo hay giữ phiền trong lòng, phiền việc này, phiền người kia. Bị người làm phiền là bị họ đốt mất công đức của mình. Người tu chất chứa buồn phiền không phải là Sa môn, dù mặc áo tu. Ý thức như vậy, chúng ta nhất định mùa Hạ năm nay còn buồn phiền thì Hạ sang năm phải hết, tháng đầu của mùa An cư còn buồn phiền, tháng sau phải dứt. Nhìn khuôn mặt, ánh mắt, cử chỉ, hành động của người là nhận ra được họ còn buồn phiền hay không.
Vì vậy, khởi tu là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Trước nhất, giữ cho tâm thanh thanh thản; chưa được như vậy thì tu gì cũng chuốc họa vào thân và tu càng lâu thì họa càng lớn. Phiền não đoạn rồi thì tu ít được phước ít, tu nhiều được phước nhiều. Tôi thường cân nhắc ý này để sửa mình, càng làm lớn càng dễ buồn phiền. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy rõ như vậy. Vì tôi làm Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, nên phải lắng nghe tất cả buồn phiền của các Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện toàn thành phố, tất cả sự bực bội của các chùa trong thành phố và của hàng triệu tín đồ đưa đến cho tôi. Có Thầy thưa với tôi rằng "Con sợ quá, vì phiền quá, muốn cất cốc trên núi tu, làm sao người cũng không vừa lòng”.
Chúng ta tự xét lại, theo tôi là đức bất cập, tức chúng ta tu vụng về, nên phải gánh quả này. Người thấy ta tu lâu mới giao trách nhiệm, dở thì không nói đã đành, nhưng người giỏi cũng phiền. Nếu tu riêng lẻ, chắc chắn không phiền gì cả. Tôi thấm thía câu "Cây càng cao, gió càng mạnh”. Vì đứng trên cao nên tất cả cặp mắt soi mói tìm sơ hở của ta. Không có cách gì khác là phải hạ thấp mình xuống đến Niết bàn. Đối với tôi, Niết bàn là thấp nhất, tự hạ mình đến thấp nhất là hết chuyện. Tôi nghiệm ra rằng chúng ta sống ngang tầm với phước đức thì bình thường, sống trên phước đức là tai họa giáng xuống ta và sống dưới mức phước đức của mình thì được an lành. Đại chúng không chấp nhận ta vì ta không hơn họ, phải tự trách mình thiếu đức, thiếu tài, thiếu phước. Người không làm được, nhưng chúng ta dư sức giải quyết, mới tài. Người lãnh đạo phải hơn người ở đức hạnh và tài năng. Trau dồi giới đức là phải gánh vác được việc cho đại chúng, cho xã hội. Làm được nhiều việc cho chúng thì chúng kính nể, làm nhiều việc cho xã hội thì được người thương quý.
Đạo đức của người tu là tâm đức hay tấm lòng của chúng ta đối với đại chúng. Hòa thượng Thiện Hòa ít nói, nhưng ngài thương đại chúng hết lòng, vì đại chúng. Đời sống vật chất tuy hẩm hiu, Thầy trò vẫn hòa hợp cùng tu. Khởi đầu tu của chúng ta là phải xây dựng cho được tấm lòng lo cho chúng sanh hay thương tưởng cho đời. Được đời nghĩ đến là thành tựu tâm đức. Nhưng có tấm lòng rồi, chúng ta không làm được gì cho ai vì thiếu hiểu biết, thiếu khả năng. Tu hạnh Bồ tát, phải trang bị cho mình sự hiểu biết sâu rộng, tức tuệ đức. Nhiều giai đoạn lịch sử Phật giáo suy đồi vì lãnh đạo thiếu hiểu biết, phạm sai lầm. Tuệ đức rất quan trọng là vậy và nhất là theo Phật, người tu lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Phải thấy xa hiểu rộng, thấy toàn bộ xã hội là thấy rộng, thấy xa là thấy tận thâm tâm các loài hữu tình chúng sanh. Trên bước đường hành đạo, chúng ta phải thấy được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của Tăng Ni, Phật tử, tùy theo đó mà đáp ứng, mới thành tựu Phật sự. Hiểu lòng nhau, cho đến bằng lòng nhau là điều cần thiết. Theo tôi, cấp bằng cao nhất trong nhà Phật là bằng lòng. Ta sống như thế nào để người bằng lòng. Hàng lãnh đạo không được tín nhiệm vì làm mất lòng người.
Chúng ta tu giới, định, tuệ, kết hợp ba điểm này, nhìn thẳng vào lòng người, xem ta làm được gì, tùy theo đó mà làm. Riêng tôi, quán sát thấy yêu cầu của họ không đáp ứng được, tôi không đến. Đức Phật cũng chỉ độ được người có duyên; nói cách khác, là Phật chỉ đến để giải quyết khó khăn cho người, không phải nơi nào Ngài cũng đến. Biết yêu cầu của họ lớn, nhưng năng lực ta yếu, là không đủ duyên để làm. Trường hợp này, kinh Pháp Hoa đã dạy rằng nên hẹn lại lúc khác, không phải việc gì cũng làm được ngay, gọi là thệ nguyện an lạc. Ngoài thệ nguyện an lạc, còn có thân, khẩu, ý an lạc. Thân an lạc hay có chỗ nương thân, còn bị xua đuổi hoài làm sao an mà tu được. Nhưng đối với người tu, mảnh đất tâm là chính, không phải kiếm đất cất am cốc riêng để được an thân. Nhiều người xây dựng am cốc xong, không dám ở vì sợ trộm cướp. Thân muốn an phải đem đặt đúng chỗ. Vua Lý Thánh Tông cũng từng nói với Ỷ Lan thứ phi rằng đặt thân ở chỗ an thì nó an, đặt ở chỗ nguy thì nó nguy. Ta ở bất cứ chỗ nào mà đại chúng chấp nhận, không ai tranh chấp thì không có vấn đề. Đại chúng sắp đặt ở đâu, ta ở đó. Thậm chí ở càng hẩm hiu càng hạnh phúc, vì ta làm được nhiều việc mà ở chỗ đơn sơ, ai cũng phải thương.
Theo tôi, hạ mức cầu của chúng ta xuống thấp hơn mức cung là an liền. Có thể nói thực chất của người tu hành là tự giảm lần tối đa những đòi hỏi để cơ thể có sức chịu đựng, không lệ thuộc vật chất, mới an. Ý này được Phật dạy rằng tri túc tâm thường lạc. Sống dưới mức cung, đóng góp nhiều, hưởng ít để phước sanh, người thương quý ta, chắc chắn được an. Làm ít, hưởng nhiều, người sẽ soi mói, không thể an ổn được. Đối với tôi, dù được cúng dường nhiều, vẫn tiêu dùng ít để luyện tập cho thân có sức chịu đựng. Bây giờ có phước lạc, nhưng mai kia hết thì sao. Phải rèn luyện cơ thể khỏe mạnh, ăn ít, để khi rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn, chúng ta vẫn chịu đựng được. Ăn ít, tốn kém ít và còn nhiều thì giờ để tu hành. Người đời thường chê bai việc người tu ăn mặc nhiều. Chúng ta giảm thiểu việc ăn uống, họ hết chỉ trích được. Muốn đi theo Hiền Thánh, cần tập không ăn cũng không sao, vì Thánh thì không cần ăn. Điển hình như Tổ Long Cốc ở núi Thị Vãi, ngài hành đạo từ núi này sang núi Dinh, núi Chứa Chan, rất cực khổ mà vẫn chịu đựng được. Ăn uống giảm thiểu cũng giúp cơ thể bớt bệnh hoạn.
Ngoài ra, yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng xấu đến mạng sống của chúng ta là tham sân, phiền não. Nó làm cho cơ thể chúng ta bạc nhược. Chúng ta thấy rõ người dễ nóng giận, hay gây gổ thường bị đau bao tử, dễ buồn thì bị đau gan. Hoặc người bị suy tim vì có nhiều khủng hoảng làm nhịp tim không bình thường. Nói chung, tâm lý không ổn, buồn, giận, khổ, lo, sợ, v.v... tác động khiến ngũ tạng chúng ta bị hư. Phật dạy người tu giữ cho thân an và tâm thanh thản. Ở đúng vị trí của mình, không lo đối phó thì thân tâm đều thanh thản, từ đó tiến tu được. Thanh thản vì biết được việc chúng ta làm như vậy là đủ, không ráng cho được nhiều hơn. Và giữ thệ nguyện an lạc, đối với những việc vượt ngoài khả năng của chúng ta thì để đó, hẹn dịp khác sẽ làm; thậm chí phải đợi đến thành Phật mới giải quyết được, chúng ta vẫn đợi. Việc nào giải quyết được liền thì làm ngay. Mỗi người tùy theo khả năng, phước đức mà đóng góp cho xã hội, cho đạo pháp, dù ít hay nhiều, theo tôi đều đáng trân trọng. Con đường Phật đạo dài xa, quan trọng là chúng ta nương theo pháp Phật để giữ cho thân an, tâm tịnh, từng bước đi lên quả vị giải thoát.
Cầu nguyện cho chư Ni sống trong chánh pháp của Đức Phật, gạn bỏ phiền não trần lao để thâm nhập thế giới Phật.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Dược Sư, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, năm 2001)