Sách
(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 86 tại chùa Phổ Quang ngày 1-11 -2009)
Trong Phật giáo có hai con đường là Thanh văn đạo và Bồ tát đạo. Thanh văn đạo gọi là Tiểu thừa, Bồ tát đạo được coi là Đại thừa. Tại sao? Vì Thanh văn đạo là người tu hạnh viễn ly xuất thế, tìm giải thoát cho riêng mình. Bồ tát đạo tìm đường giải thoát cho chính mình trong việc cứu độ chúng sinh, tức con đường xuất thế của Bồ tát ra khỏi sinh tử mà còn cứu độ được người khác cùng ra khỏi sinh tử.
Theo kinh Pháp Hoa, Thanh văn đạo là phương tiện của Phật, Bồ tát đạo mới là pháp chân thật. Xưa kia, người ta khó hiểu rõ điều này, nhưng ngày nay chúng ta có điều kiện hiểu rõ pháp chân thật của Bồ tát và phương tiện của Thanh văn.
Đức Phật cho biết đối với người sợ sinh tử, có tâm tìm đường thoát ly nỗi khổ sinh tử, vì họ đã từng chịu đau khổ của kiếp người, nên Ngài nói pháp tu Thanh văn giải thoát. Trước thời Phật tại thế, ở Ấn Độ đã có 94 loại đạo đều hướng người ra ngoài sinh tử. Họ cảm thấy thân phận con người nhỏ bé trước thế lực của thần linh bao vây, nên chỉ cầu thần linh che chở, cứu độ. Vì nhân duyên đó, Phật mới nói tứ Thánh đế là pháp ra khỏi sinh tử. So sánh với ngoại đạo, pháp của Phật thù thắng hơn và rất thiết thực; vìngoại đạo chủ trương sử dụng niềm tin, nhưng không có căn cứ thật sự. Có người tin Phạm Thiên là cha đẻ sanh ra vạn vật. Phật hỏi họ có thấy Trời Phạm Thiên hay không. Họ trả lời rằng họ tin có Trời Phạm Thiên, vì Thầy của họ nói vậy. Phật hỏi Thầy của ông có thấy Phạm Thiên chưa. Họ trả lời không thấy, nhưng Tổ nói. Phật hỏi Tổ thấy Phạm Thiên không, thì họ đáp Tổ cũng không thấy Phạm Thiên. Phật kết luận rằng những người này giống như một đoàn người mù được một người mù dẫn đường đi đến nơi vô định, cứ nhắm mắt đi theo mà thôi, không biết gì hết.
Đức Phật đưa ra pháp tứ Thánh đế là Ngài nói pháp thật trên cuộc đời và lời Phật dạy có căn cứ, thực tập sẽ được kết quả tốt đẹp, cho nên pháp Phật thù thắng hơn. Pháp tứ Thánh đế dùng để chữa bệnh mù tâm của chúng ta, nhờ nương tứ Thánh đế chữa được con mắt tâm sáng thì thấy được chân lý, thấy Trời Phạm Thiên, Trời Đế Thích, thấy Như Lai trong Pháp giới. Đó là pháp Phật dạy cho người tu Thanh văn đạo, vì những người này yếu đuối, bệnh hoạn, không có trí sáng suốt, chưa giải thoát, thì làm sao cứu vớt người khác. Pháp môn này gọi là tự độ, tự giác. Vì vậy, tất cả chúng ta, ai chưa giác ngộ, chưa hết khổ đau thì phải từ bỏ tất cả và thực tập Thiền quán để được trí tuệ giải thoát mới cứu chúng sinh được. Phật dạy rằng nếu người chứng A la hán đã giải thoát, sáng mắt rồi, nhưng không thấy chân lý thì đó là hàng tăng thượng mạn, không phải là A la hán thật. Người tăng thượng mạn học hết pháp Thanh văn, nhưng chưa thực hành, giống như người giới thiệu thức ăn, nhưng chưa ăn nên vẫn đói khát; phải ăn và phải biết dinh dưỡng của thức ăn để tạo được sự sống khỏe mạnh. Phải biết để tu và tu là chính.
Xưa kia phải chứng A la hán mới phát tâm Bồ đề, tu Bồ tát đạo; nhưng nay khác, chúng ta chưa chứng A la hán nhưng phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo được, bằng cách nào? Khi có Phật ra đời, có Đạo sư, có Bồ tát lớn xuất hiện, chúng ta nương theo hạnh đức của các Ngài để tu hành, đương nhiên chúng ta đạt được kết quả, mặc dù chúng ta chưa đắc đạo, nhưng vẫn có thể hướng dẫn người khác tu. Thật vậy, trong kinh Vô Lượng Nghĩa nói rằng người chưa ra khỏi sinh tử có thể giúp người khác ra khỏi sinh tử. Kinh Pháp Hoa dạy rằng người chưa đắc đạo, nhưng có thể làm người khác đắc đạo. Ví dụ, tôi không có trí tuệ, không có đức hạnh, nên tôi nói người khác không nghe; nhưng tôi nhờ nương theo Đạo sư có đức hạnh, có trí tuệ, thì tôi nói Thầy tôi dạy như vậy, vì Thầy tôi là Thánh A la hán, cho nên quý vị nghe theo. Vì vậy, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy rằng người thứ nhất nghe được pháp truyền cho người thứ hai và người này truyền cho người thứ ba, cứ như vậy mà pháp được truyền đến người thứ 50 mà công đức cũng đã vô lượng vô biên.Nghĩa là chúng ta làm công việc truyền bá chánh pháp của Phật cho người khác tu thì mới tìm được sự giải thoát thật.
Do đó, Phật nói rằng Thanh văn đạo là giải thoát tạm thời, hay Hóa thành, vì chúng nhân mệt mỏi, nên Như Lai phải sử dụng Niết bàn tạm cho họ nghỉ ngơi, tức chúng ta tạm quên cuộc đời, quên nhà cửa, quên vợ con, quên tất cả vui buồn vinh nhục thì tâm chúng ta được yên, đó là giải thoát tạm mà thôi, vì nghiệp của chúng ta còn nguyên, cha mẹ chúng ta, nhà cửa, anh em, xã hội vẫn còn đó. Chúng ta bịt mắt lại để không thấy, bịt tai lại để không nghe, nhưng mở mắt ra, mở tai ra, tất cả mọi thứ đó vẫn còn nguyên vẹn.
Niết bàn giả tạm ví như giấc mộng lúc ngủ mơ thấy Phật, nghe pháp, hoặc làm Trời giàu có, nhưng tỉnh dậy thì mọi việc tốt đẹp này chấm dứt, Niết bàn giả tạm của hàng Thanh văn, hay Hóa thành là nghĩa như vậy. Vì vậy, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói Ngài diệt Hóa thành để hàng Thanh văn tiếp tục đi tới Bảo sở, nghĩa là tiếp tục tiến tu Bồ tát đạo để đi tới Phật quả.
Niết bàn thật của chúng ta phải kết hợp được tâm và vật, trong khi Niết bàn tạm chỉ có tâm, nên phải cách ly, nghĩa là phải nhắm mắt để không thấy, bịt tai để không nghe thì mới được giải thoát. Còn hành Bồ tát đạo vẫn mở mắt thấy, mở tai nghe, nhưng ta biết thanh lọc, nên được giải thoát thật do tâm và vật kết hợp được. Giải thoát ảo, không thật thì chúng ta tưởng tượng được, nhưng mở mắt ra là mất hết. Nếu là giải thoát thật thì phải biến đổi được cuộc sống thành thiên đường thật, Niết bàn thật. Vì vậy, đạo Bồ tát là pháp chân thật, đạo Thanh văn là phương tiện, vì chỉ giải thoát được trong Thiền định mà thôi. Trong khi Bồ tát phải sống thật và cải tạo được cuộc sống tốt đẹp thật.
Học Bồ tát đạo, Phật đưa ra mô hình xây dựng thế giới của Bồ tát, của Như Lai trong mười phương. Căn cứ vào đó, chúng ta học và chọn lựa mô hình nào thích hợp với ta và sử dụng thích hợp với từng hoàn cảnh, từng giai đoạn, để cải tạo tâm chúng ta và cả cuộc sống chúng ta mới giải thoát thật. Cải tạo bằng cách nào ? Đức Phật dạy rõ điều này trong kinh Đại thừa rằng chúng ta tạo nên lầu các, hay thiên đường, Cực Lạc đều được, vì kinh Hoa Nghiêm nói nhứt thiết duy tâm tạo. Chúng ta có khả năng tạo cảnh giới an lạc cho mình, nhưng vì vô minh nên chúng ta tạo hoàn cảnh đau khổ. Kinh Pháp Hoa nói chúng ta thật sự không có khổ đau, nhưng vì dại khờ mà tạo ra khổ đau. Không có gì ràng buộc ta, tự ta ràng buộc ta mà thôi.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy rằng trước kia Đức Phật Di Đà cũng là một người đau khổ như chúng ta. Nhờ Phật Di Đà gặp được Bảo Tạng Như Lai là kho báu, hay gặp pháp bảo của Phật, gặp bí tạng Đại thừa, mà kinh Pháp Hoa gọi là tháp Đa Bảo, nghĩa là Ngài tìm được phương thức xây dựng thế giới cực kỳ an vui, tìm được chìa khóa mở cánh cửa Đại thừa thấy được kho báu, tức phương pháp tạo nên Cực lạc của các Đức Phật.
Đọc kinh Đại thừa thấy rõ Đức Phật Thích Ca giới thiệu Phật Di Đà hay Phật Dược Sư tu hạnh Bồ tát như thế nào để thành Phật. 12 nguyện của Phật Dược Sư ứng vô hoàn cảnh sống y như chúng ta, lần lần Ngài mới tháo gỡ. Phật Dược Sư tu Bồ tát đạo, phát tâm chuyển hóa tâm mình thanh tịnh và tâm người thanh tịnh, mới kết thành quyến thuộc Bồ đề. Tu hành có Thầy hiền bạn tốt là yếu tố tạo nên sự an lạc. Thật vậy, người Thầy thông minh có phương cách tốtcó thể hướng dẫn người học trò trung thực và cần cù xây dựng được cuộc sống tốt đẹp.
Phật Di Đà cũng thế, đầu tiên Ngài tìm một mảnh đất tâm cách xa Ta bà đến 10 muôn ức thế giới, nghĩa là nơi đó không có phiền não, nghiệp chướng, trần lao, hay không có người xấu người tà. Lúc ban đầu ở đó chỉ có Phật Di Đà và hai vị Bồ tát là Quan Âm và Đại Thế Chí thị tùng cùng với Phật Di Đà xây dựng thế giới Cực lạc. Phật Di Đà là bậc Vô lượng quang, Vô lượng thọ và Vô lượng công đức, tức Ngài là bậc Thầy lãnh đạo có tầm nhìn sáng suốt nhất, có công đức viên mãn và có thọ mạng vô cùng. Bên cạnh Ngài có hai đệ tử tuyệt vời về công hạnh và trí giác. Cả ba Thầy trò sống với nhau ở một thế giới nhỏ gọi là An Dưỡng Quốc để nghỉ ngơi và luôn được an lạc, vì Thầy trò luôn hiểu nhau, truyền cho nhau phước đức và trí tuệ, tạo thành một tiểu quốc. Từ tiểu quốc này lần lần phát triển lên gọi là đất lành chim đậu. Ở đó không có tranh chấp hơn thua phải trái mà chỉ có cuộc sống cực kỳ an vui, gọi là Cực lạc. Vì vậy, những người muốn được an lạc phải tìm về thế giới Cực lạc của Phật Di Đà. Và muốn được về đó thì phải có điều kiện nhập tịch, đó là sự tuyển chọn người về đây phải bỏ tất cả phiền não trần lao mới được thâm nhập vào thế giới Cực lạc.
Theo kinh Di Đà, chư Bồ tát hoặc chúng sinh ở Ta bà hay ở mười phương đến thế giới Cực lạc chỉ làm một việc là mỗi sáng lượm hoa rồi dùng thần thông bay đi khắp mười phương cúng dường xong, trở về Cực lạc thọ thực, kinh hành. Đọc đến đó, tôi có suy nghĩ khác, tại sao ở đó làm công việc đơn giản quá vậy, giống như quý vị tu ở đạo tràng Phổ Quang này. Học kinh Di Đà, chúng ta mở tầm nhìn rộng để suy nghĩ xem hoa này là gì, có phải là hoa rơi hay không và Phật có cần hoa này không. Người chấp pháp lo hái hoa cúng Phật, siêng năng làm việc này, nhưng không đạt được kết quả gì thì lại mất niềm tin.
Hoa mà Đức Phật muốn nói phải hiểu là hoa Trời; nói cách khác, Thiên hoa nhằm gợi cho chúng ta có tầm nhìn vượt khỏi thế giới vật chất, không thấy bằng mắt được. Hoa Trời có hai nghĩa, một là an vui, tức tâm người tu phải hoàn toàn an vui và nghĩa thứ hai là trong sạch, tức tâm người tu phải thanh tịnh. Chúng ta ở thế giới Cực lạc nghe Phật Di Đà thuyết pháp và tâm Ngài an vui thanh tịnh truyền sangtâm chúng ta, làm cho tâm chúng ta cũng được an vui thanh tịnh theo. Nhặt được hoa Trời rồi, chúng ta mới mang được hoa này đi mười phương thế giới. Vì đi bằng tâm và mang hoa bằng tâm, chúng ta mới mang được pháp an lạc và thanh tịnh bay đi mười phương rồi trở về Cực lạc vẫn còn kịp thọ thực, kinh hành.
Hành Bồ tát đạo, chúng ta nhận thấy ba đời mười phương Phật luôn gắn liền với Phật quá khứ đã Niết bàn không cần ăn. Hiểu như vậy, nên trên nóc chùa Huê Nghiêm 2, tôi cho đặt bình bát úp xuống tiêu biểu cho Phật Thích Ca đã Niết bàn, không cần thọ dụng, nhưng trên bình bát, tôi để cái chuông tiêu biểu cho âm thanh, tức Phật Niết bàn, nhưng pháp Ngài còn để lại, nếu lắng lòng thanh tịnh, chúng ta nhận được pháp âm của Phật.
Phật quá khứ đã thanh tịnh và giải thoát, cho nên chúng ta không cần mang pháp thanh tịnh giải thoát cho các Ngài; chư Phật mười phương cũng vậy. Vì thế, điều quan trọng là các Đức Phật vị lai, tức tất cả quý vị ngồi trước mặt tôi đây. Phật nói Ngài là Phật đã thành và các ngươi là Phật sẽ thành. Trong kinh Pháp Hoa, Phật thọ ký cho tất cả Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, thiên long bát bộ, người cầu Thanh văn, người cầu Bồ tát, hay cầu Phật đạo mà ở trước Phật nghe kinh Pháp Hoa một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ, Ngài đều thọ ký Vô thượng Bồ đề. Mà đã được Phật thọ ký, ấn chứng rằng họ sẽ thành Phật trong tương lai, thì ta tạo điều kiện cho họ thành Phật. Sở dĩ họ chưa thành Phật, vì thiếu pháp thanh tịnh an lạc, mà tôi đã nhận được pháp trong sạch và an lạc của Phật, tôi truyền cho các Phật tử. Quý vị nhờ nghe pháp Phật, tâm được thanh tịnh an vui, từng bước được giải thoát; đó là việc chính yếu của Bồ tát.
Chư Bồ tát chỉ nghe được pháp thanh tịnh an lạc của Như Lai và tác động cho chúng sinh an lạc thanh tịnh theo và tất cả mọi người đều được thanh tịnh an vui thì đây là Niết bàn, đây là Cực lạc. Ở đạo tràng này, chư Tăng Ni giảng sư tu được pháp an lạc nào của Phật, mặc dù chúng tôi chưa giải thoát hoàn toàn, nhưng sẵn lòng mang những sở đắc của mình tặng cho quý vị, nhờ vậy từng bước đạo tràng chúng ta cũng được thanh tịnh trang nghiêm, thì chính sự an lạc thanh tịnh của quý vị là sự thanh tịnh an lạc của chúng tôi. Còn một mình tôi an lạc, nhưng tất cả quý vị tham lam, ích kỷ, hung dữ, liệu tôi có thể giải thoát hay không. Chính vì yếu nghĩa như vậy, sự nỗ lực dấn thân hành đạo, mang những gì học được ở Phật, Bồ tát, Thánh Tăng truyền trao cho người để tất cả đều an lạc giải thoát, thế giới này mới trở thành Cực lạc, thiên đường.
Tóm lại, người tu Pháp Hoa học pháp môn an lạc của thế giới Cực lạc theo Phật Di Đà, chúng ta trở về Ta bà xây dựng cuộc sống an lạc là thế giới an lạc được mở rộng thêm, cho đến không có người ác, người tà nữa, thì nơi đó trở thành thế giới Cực lạc.