Sách
(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 88 tại chùa Phổ Quang ngày 15-11 -2009)
Mười phương ba đời chư Phật và chư Bồ tát đều có nguyện riêng và việc làm cũng khác nhau, như phương Tây có Đức Phật Di Đà có hạnh nguyện qua 48 lời nguyện để xây dựng thế giới Cực lạc, ở phương Đông có Đức Phật Dược Sư nguyện xây dựng thế giới trong sạch là Tịnh Lưu ly. Bồ tát Quan Âm cũng có 12 hạnh nguyện ở thế giới Ta bà và Bồ tát Phổ Hiền có 10 đại nguyện để gần gũi, hướng dẫn tất cả mọi người trên bước đường tu nhân giải thoát, giác ngộ.
Hôm nay chúng ta học về hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư rất gần gũi với chúng ta. Từ đâu giúp chúng ta biết Phật Dược Sư. Căn cứ vào kinh Dược Sư, chúng ta thấy Đức Phật Thích Ca và chư Tăng cùng đi du hóa và tạm dừng chân ở nước Bạt Kỳ, thành Tỳ Dà Ly (tức thành Quảng Nghiêm) và các Ngài ngồi dưới cây Tiếng Nhạc (chữ Hán gọi là Nhạc âm thọ hạ). "Nhạc âm thọ ha” chúng ta hiểu là gì? Tôi có cảm giác đây là rừng thông hay rừng phi lao, nghe tiếng vi vu, nếu tâm hồn lắng yên, chúng ta nghe thành nhạc, hay nhạc Trời không ai tấu tự vang.
Trong khung cảnh thanh tịnh ấy có bát bộ Thiên long và chư Bồ tát. Đây là điều quan trọng của Phật tử tu hành cảm nhận được. Nếu tâm không thanh tịnh, chúng ta ở cảnh nào thì chỉ thấy hạn hẹp ở thế giới vật chất đó mà thôi; nhưng nội tâm thanh tịnh sẽ có thế giới nội tâm và thế giới vô hình hiện ra, hai thế giới này luôn gắn liền mật thiết với nhau. Tôi thường trải nghiệm điều này. Khi ngồi yên một mình, những gì trong tâm thức liền xuất hiện, bắt đầu là trần lao nghiệp chướng hiện ra trước, vì nhiều đời chúng ta sống ở Ta bà nên tất cả việc xấu ác hễ ngồi yên là xuất hiện. Thật vậy, khi lòng chúng ta còn phiền não, nghiệp chướng, trần lao thì ngồi yên hay ngủ mê, tất cả những thứ này hiện ra ngay. Ai cũng thế, đó là thế giới nội tâm của phàm phu. Nhưng nếu chúng ta may mắn gặp Phật pháp và tu hành từng bước đem Phật pháp vào lòng. Đem Phật vào thì Phật xuất hiện trong tâm ta sẽ loại bỏ được hình ảnh ác ma; đem pháp vào thì pháp xuất hiện sẽ loại trừ được một phần phiền não, trần lao.
Vì các Tỳ kheo Thiền quán, nên tâm lắng yên, tàng thức trong sạch nên trần lao không hiện, mà thế giới không có trần lao hiện, đó là thế giới của Phật, của Bồ tát đầu tiên hiện ra trong tâm chúng ta, nên tâm chúng ta mở rộng lần, đó là sự kỳ diệu. Thật vậy, ban đầu tâm chúng ta nhỏ đến độ không thấy tâm đâu, nhưng đưa Phật pháp vào thì có bao nhiêu pháp Phật tâm đều dung chứa đầy đủ; nói cách khác, tâm chúng ta bao la bao được đại chúng và tam thiên đại thiên thế giới, bao cả thái hư. Nghe Phật nói đến thế giới Cực lạc thì tâm chúng ta liền có cảnh Cực lạc, nghe Phật chỉ thế giới Tịnh Lưu ly, tâm chúng ta cũng bao cả thế giới này. Tâm chúng ta đã bao dung qua tận phương Tây, phương Đông, đó là thế giới tâm hiện hữu theo tinh thần Đại thừa.
Vì vậy, từ tiếng thông reo mà nghe thành tiếng Thiên nhạc và tất cả Bồ tát cùng bát bộ chúng xuất hiện. Mới đầu có Tỳ kheo cho đến vua chúa, rồi đến Thiên long bát bộ và chư vị Bồ tát hiện hữu, quan trọng là Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, kinh Dược Sư gọi là Mạn Thù Thất Lợi đồng tử. Bồ tát Văn Thù được coi là đồng tử, tức người trẻ. Trẻ này nghĩa là tất cả những người không lập gia đình được gọi là trẻ. Phong tục của người phương Tây cũng vậy, người phụ nữ sống độc thân tới 70 tuổi cũng gọi là cô, không gọi là bà. Mới sang phương Tây, tôi thấy điều này lạ, không biết phương Tây chịu ảnh hưởng Phật giáo từ khi nào.
Văn Thù Sư Lợi theo kinh Đại thừa xuất hiện từ thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh. Ngài có tư cách của một vị Bồ tát lớn và dạy đệ tử nhỏ nhất thành Phật Nhiên Đăng, mà Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Đức Thích Ca 90 kiếp sau thành Phật. Từ thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, Văn Thù Sư Lợi xuất hiện là đồng tử thể hiện hạnh Bồ tát, trong đó có anh nhi hạnh, nghĩa là Bồ tát bao nhiêu tuổi cũng trẻ, không già, hay đó là Pháp thân Bồ tát như thế.
Văn Thù Sư Lợi quán sát đại chúng ba đời, tức Ngài thông suốt cả quá khứ đến hiện tại và tận vị lai kiếp. Ngài thấy chúng sinh cách Phật xa thì không tin, không hiểu pháp Phật, nên khởi tâm tăng thượng mạn. Vì vậy, Ngài thỉnh Phật Thích Ca nói về hành trạng của chư Phật để tất cả chúng hữu tình đời sau, tức chúng ta bây giờ biết được phương hướng tu hành. Trong kinh nói, thời tượng pháp, Ngài Văn Thù đã thay mặt chúng ta hỏi Phật Thích Ca từ mấy ngàn năm trước để nay chúng ta tu hành cho đúng pháp.
Phật Thích Ca mới quan sát xem Phật nào có nhân duyên với chúng sinh đời sau ở Ta bà. Ngài thấy Phật Dược Sư rất quan trọng đối với chúng sinh đời sau, nên Ngài bắt đầu nói kinh Dược Sư rằng từ đây hướng đến phương Đông, cách mười muôn ức cõi nước chư Phật có một thế giới tên là Tịnh Lưu ly, giáo chủ cõi này là Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai. Ở phương Tây thì có Phật Di Đà, như vậy, chúng ta ở giữa hai thế giới này.
Khi còn tu hạnh Bồ tát, Phật Dược Sư có phát 12 đại nguyện. Điều này gợi nhắc chúng ta tu hành phải có nguyện là có định hướng hay mục tiêu phấn đấu đi lên. Nếu định hướng đúng thì chúng ta tu đúng. Phật Dược Sư có định hướng như vậy nên cần Phật xem định hướng của Ngài có đúng hay không. Phật Di Đà cũng vậy, Ngài tham khảo tất cả Tịnh độ của chư Phật rồi mới có định hướng xây dựng Cực lạc bằng 48 lời nguyện. Ngài mới trình lên Phật Bảo Tạng xem định hướng đó có đúng hay không. Phật Bảo Tạng ấn chứng rằng định hướng như vậy rất tốt, chỉ cần tu đúng thì thế giới Cực lạc sẽ tốt hơn tất cả thế giới khác, vì con người luôn tiến bộ, mà Phật Di Đà tổng hợp tất cả mô hình Tịnh độ để xây dựng mô hình mới thì phải tốt hơn. Ngài không bắt chước y khuôn, nhưng tham khảo để xây dựng mô hình mới. Điều này cho thấy chư Phật có trí tuệ không làm y như người trước, nhưng cũng không phế bỏ những điều tốt đẹp có sẵn. Phật Dược Sư cũng vậy, xây dựng thế giới của Ngài bằng 12 lời nguyện, nếu nguyện này thành tựu thì thế giới của Ngài thành hình. Ngài hành Bồ tát đạo có mục tiêu và theo đó phấn đấu cho đạt được cứu cánh.
Ngày nay, chúng ta tu hành, thấy trong 12 đại nguyện của Phật Dược Sư, chúng ta có học được hay không, làm theo được hay không. Riêng tôi, đọc kinh Đại thừa, thấy Phật giới thiệu các Tịnh độ thì xem điều nào thích hợp, tôi làm. Tu Bồ tát đạo là từng bước chúng ta thực hiện mục tiêu theo Phật. Điều đơn giản nhất mà quý vị làm được là người tu tuyệt đối không làm mất lòng người khác. 50 năm trước, tôi nghe ý này, ráng áp dụng trong đời tu của mình, tôi cố tránh tối đa không làm mất lòng người khác, giúp ai được việc gì thì mình sẵn lòng; nếu không làm như vậy, không phải là Sa môn, không phải là con nhà họ Thích.
Nguyện thứ nhất của Phật Dược Sư là người phát Bồ đề tâm tu hành, làm sao nâng hiểu biết lên cao nhất, không có gì không biết, cho nên phải nỗ lực học từ kiếp này đến kiếp khác, có điều gì chưa hiểu rõ thì vẫn phải học. Học này là trí tuệ của Phật Dược Sư được tiêu biểu bằng ánh hào quang chiếu suốt tam thiên đại thiên thế giới, tức ở chỗ nào trí tuệ hay hào quang của Ngài cũng soi sáng đến, cũng biết, biết từng ý nghĩ của con người, không sót. Tại sao Ngài làm như vậy? Vì khi quyết định không làm mất lòng ai, nhưng điều này có dễ thực hiện hay không? Thực tế cho thấy ta làm vừa lòng được bao nhiêu người, thậm chí làm vừa lòng người này thì lại làm mất lòng người kia.
Vì vậy, Phật dạy chúng ta làm vừa lòng số đông, nghĩa là vì lợi ích của số đông, đương nhiên chúng ta phải chấp nhận phản ứng phụ là số ít không hài lòng. Theo tôi, làm một việc mà 60% chấp nhận, 40% chống là đã được quá bán thì cũng giỏi rồi. Như vậy, tôi cũng tranh thủ được 60% đồng tình, nên trong suốt cuộc đời tu hành của tôi cho đến bây giờ, tôi còn có thể làm đạo. Cố gắng tranh thủ được tối đa sự ủng hộ, chứ không phải được tuyệt đối đồng tình.
Nhưng Đức Phật Dược Sư thì phải làm được tuyệt đối, Ngài mới làm Phật được, vì Ngài biết rõ chúng sinh nghĩ gì, muốn gì, làm được gì, Ngài mới dạy họ thành công được. Nói cách khác, Phật Dược Sư thấy rõ từ diễn biến bên ngoài cho đến nội tâm và năng lực thật sự của chúng sinh. Vì vậy, Phật Dược Sư đạt được khả năng siêu việt như vậy thì chúng hữu tình thấy ánh quang của Ngài, thân tâm liền được thanh tịnh, nghĩa là nghe Phật Dược Sư thuyết pháp, pháp âm của Ngài làm cho thân tâm của người nghe thanh tịnh, vì pháp âm Ngài đi thẳng vào lòng người và hóa giải được khổ đau của chúng sinh. Như vậy, Đức Phật Dược Sư thuyết bằng trí tuệ, bằng hào quang, không thuyết bằng ngôn ngữ. Thuyết bằng ngôn ngữ, người nghe được thì khen, người không nghe được thì chán bỏ.
Phật Dược Sư thuyết bằng hào quang, bằng trí tuệ, cho nên tâm Ngài, hay hào quang của Ngài tới đâu tác động cho người nghe thanh tịnh. Tuy nhiên, Phật dạy rằng những người có duyên mới tới được; không có duyên thì ngồi trước mặt cũng không nghe được. Có người thưa với tôi rằng con nghe Thầy giảng là con ngủ gục, họ nói thực lòng. Người có duyên nghe pháp bằng tâm, cảm thấy như pháp rót thẳng vào tâm họ, nên họ có cảm giác như tôi nói riêng cho họ. Họ nghe bằng tâm và tôi cũng thuyết bằng tâm. Vì vậy, những người ở Mỹ, Pháp, Úc, hay Tiệp Khắc, v.v... chưa bao giờ thấy mặt tôi, chỉ nghe qua đĩa CD, họ cũng phát tâm, cảm được pháp; đó là họ có duyên với tôi, có duyên với kinh. Trong khi những người ngồi trước mặt tôi nghe pháp hay bạn đồng tu mà cũng hiểu trái ý tôi.
Thuyết pháp bằng tâm, bằng hào quang thì không chống trái, ai tiếp nhận được là tùy tâm họ tương ưng mà thôi. Vì vậy, Đức Phật Dược Sư nguyện làm sao thuyết bằng tâm để đi thẳng vào lòngngười và Ngài muốn thân tâm họ theo đó được thanh tịnh.
Tu theo kinh Dược Sư, ta đem Phật Dược Sư vào tâm mình, đem hạnh nguyện hay pháp hành của Ngài vào tâm mình thì chúng ta thâm nhập được thế giới Tịnh Lưu ly. Tu Đại thừa khó là như vậy, làm sao đem thế giới Tịnh Lưu ly đặt vào tâm ta, hay làm sao chúng ta vào thế giới đó được. Bồ tát Phổ Hiền dạy rằng trong một niệm tâm dung nhiếp cả ba đời chư Phật và cả chúng hội đạo tràng. Ví dụ tôi đang thuyết pháp cho Phật tử nghe ở đây, nhưng có người ở Mỹ qua mạng Internet cũng nghe được bài pháp này và nhìn vào màn hình vi tính, họ cũng thấy được chúng hội đạo tràng ở Việt Nam. Chúng hội đạo tràng sẽ đi vào cái nhìn, cái nghe, cái tâm của họ. Chúng hội đạo tràng của chúng ta đều chui vào máy quay phim và kỳ diệu là vô máy rồi thì âm thanh và hình ảnh được truyền đi khắp thế giới, chỗ nào có nối mạng là xem được, nghe được. Chúng ta nhờ nối mạng mà có thể hiểu được ý nghĩa một Phật thông được với mười phương Phật. Nhưng thời Phật tại thế không có dụng cụ này để chứng minh nên khó hiểu hơn. Ngày nay chúng ta dễ hiểu, chẳng hạn tất cả hình ảnh và âm thanh có thể nhốt vô ổ cứng nhỏ xíu, điều này giúp chúng ta hiểu được tâm bao la của Phật và Bồ tát dung nhiếp được muôn loài. Tuy nhiên, chúng sinh hữu duyên, tức có căn lành mới nhận được lực tác động của các Ngài, cũng giống như phải có máy nối mạng thì mới xem được hình ảnh và nghe được âm thanh giảng pháp ở đây.
Tôi có duyên với Đức Phật Dược Sư, khi tụng kinh này, tôi nghĩ ngay đến Phật Dược Sư thì nhận được ánh quang của Ngài gia bị cho tôi. Kinh Dược Sư mà quý vị tụng được tôi biên dịch chỉ trong một tiếng đồng hồ lúc tôi tụng cuốn kinh Dược Sư lớn để cầu an cho mẹ tôi.
Chúng ta hướng tâm đến Phật Dược Sư, nhờ có căn lành, nên Phật Dược Sư xuất hiện trong tâm ta và ta xuất hiện trong thế giới của Phật Dược Sư; đó là sự nhiệm mầu. Nếu không có tâm đó, không có hạnh đó thì không thể hiểu kinh Đại thừa. Đức Phật Dược Sư phóng quang đến ta và ta nương theo ánh quang đó mà về được thế giới của Ngài. Phật Di Đà cũng vậy. Phật Thích Ca nói rằng điều này khó tin và khó làm, nhưng có thực. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta hiểu được. Với mạng truyền thông toàn cầu Internet mà chúng ta đã kết nối với máy vi tính, hoặc với máy điện thoại di động, thì có thể xem được những thông tin, những dữ liệu có trên mạng. Vì vậy, chúng ta không có căn lành trong tâm cũng ví như không có máy thì không thể tiếp nhận được lực gia bị của Phật. Người có căn lành mới tu được, vì căn tu để giúp chúng ta thấy Phật, tin Phật, hiểu Phật. Không có căn tu thì hoàn toàn tuyệt phần, không thể nào tin Phật, không thể nào hiểu Phật, nói chi là thấy Phật.
Nguyện thứ nhất, Đức Dược Sư nguyện khi thành Phật thì hào quang của Ngài chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới, nếu tâm chúng ta tiếp nhận được ánh quang này thì khi mãn duyên ở Ta bà, chúng ta sẽ sanh vào thế giới Tịnh Lưu ly của Ngài. Đó là người có nhân duyên với Phật Dược Sư, có độ cảm cao với Ngài, nên chúng ta nương được ánh quang của Ngài về đó, nghĩa là còn sống chúng ta đã ra vào thế giới của Ngài, nên lúc chết, chúng ta về được với Ngài là điều đương nhiên.
Tu Tịnh độ cũng vậy, nếu trong một niệm tâm thấy Phật Di Đà phóng quang, thì ta thâm nhập được Tịnh độ và từ Tịnh độ này trở về Ta bà. Như vậy, cuộc đời ta đã tiếp nhận được lực gia bị của thế giới Cực lạc, nên về Ta bà ít nhất chúng ta cũng có được một phần ngàn sự thanh tịnh, hay một phần ngàn hảo tướng của Cực lạc; cho nên chỉ một thời gian sau, tai dài ra, mặt sáng ra giống Phật, giống Bồ tát, là biết tu đúng pháp. Trái lại, lúc nào cũng lần chuỗi, nhưng mặt dữ tợn là biết người này có tu, nhưng không chứng được, vì không có căn lành, là nấu cát muốn thành cơm, mài ngói muốn thành gương. Tu Thiền gọi cách tu không đạt hiệu quả là sống ngồi chết nằm.
Người có căn lành tu hành, chỉ một niệm tâm là thay đổi cả cuộc đời, cả vận mạng của họ. Chẳng hạn rơi vô tình trạng khó khăn không có lối thoát, nhưng nhờ có căn lành, nhớ đến Phật, nghĩ đến Phật và nhận được ánh quang Phật, tự động thấy tâm thanh thản, thoát được bế tắc, mọi việc đâu vào đó. Lúc sơn cùng thủy tận, ai có căn lành thì Phật, pháp hiện lên trong tâm giúp họ vượt qua khó khăn. Nếu leo lên đỉnh cao mà buông tay rớt xuống Ta bà thì nát thây, nhưng rớt qua Tịnh độ thì an toàn. Lúc đó, nếu sợ chết sẽ không nhiếp tâm được; không sợ chết mới nhiếp tâm nghĩ đến Phật, tin Phật, thấy hào quang Phật Dược Sư chiếu tới, đương nhiên thoát nạn. Còn tin nửa vời thì không thoát được.
Nguyện thứ hai của Phật Dược Sư là: Ta nguyện đời sau khi chứng Vô thượng Bồ đề, thân ta như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, hào quang rực rỡ chiếu khắp mười phương, các chúng hữu tình ở nơi tăm tối cũng thấy thân ta và được an lành, tùy tâm mãn nguyện.
Tâm Phật Dược Sư đã thanh tịnh hoàn toàn mà thân của Ngài cũng thế. Tất cả hữu tình thấy được thân của Phật Dược Sư trong suốt tự nhiên, họ cũng sạch nghiệp theo. Vì vậy, khi chúng ta thấy được Báo thân Phật thì không cần tu cũng được nhiều lợi lạc. Tu cả đời mà không được, nhưng trong một chớp mắt được tất cả, gọi là tu nhất kiếp ngộ nhất thời, nghĩa là trong một niệm tâm liền thấy được thân Phật Dược Sư thì cuộc đời chúng ta hoàn toàn thay đổi một cách tốt đẹp.
Tóm lại, chúng ta xuất hiện trên cuộc đời trong loài người, nhưng vì thiếu căn lành và tâm không thanh tịnh, nên chúng ta không nhận ra được Phật, Bồ tát. Trên bước đường tu, bằng cách nương vào pháp Phật để tâm thanh tịnh, chúng ta mới tương thông được với Phật, mới nhận được ánh quang của Phật, nhận được lực Phật gia bị cho ta, để từ đó thăng hoa đời sống tâm linh và phước báu của mình cũng như làm cho mọi người đều được như giải thoát an lạc trong cuộc sống này, tạo thành hữu dư y Niết bàn, tạo thành thế giới Tịnh Lưu ly trên thế gian này.