Sách
Tu hành muốn có kết quả tốt phải thực hành đúng như pháp Phật dạy; nếu không, chúng ta sẽ rớt qua tà giáo, ngoại đạo, phiền não không hết, nghiệp chướng lại tăng. Pháp của Phật dạy rất nhiều thường được tiêu biểu bằng con số tám mươi bốn ngàn pháp môn tu ứng với tám mươi bốn ngàn phiền não trần lao của chúng sanh. Tuy nhiên, các pháp phương tiện này, tựu trung lại chia thành Tam thừa giáo là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Tùy theo căn cơ trình độ của chúng ta thích hợp với pháp nào thì theo đó mà tu. Không phải ai cũng tu giống nhau. Thật vậy, người căn tánh thông minh có khả năng ứng xử nhạy bén mà bỏ việc lớn làm việc nhỏ thì uổng. Trái lại, không giỏi, không khỏe, mà muốn làm việc lớn là tự chuốc họa vô thân. Và đối với người muốn xuất gia cũng cần hội đủ điều kiện mới có thể tu hành đắc đạo. Vì vậy, vấn đề là phải biết rõ đến lúc nào mới nên xuất gia. Nếu chưa đủ điều kiện chúng ta phải gieo trồng hạt nhân xuất gia. Không chuẩn bị trước mà xuất gia sẽ gặp nhiều chướng ngại cho đến thọ quả báo. Cần phải ý thức rằng người xuất gia làm nên đạo nghiệp là người đã dứt sạch oan trái thế gian, nghĩa là mối quan hệ tình cảm, luyến ái, nợ nần, ham thích ngũ dục, v.v… không còn đeo đẳng. Họ đã vượt qua cách sống của người thường.
Chúng ta có thể phân ra ba hạng người xuất gia. Hạng đồng chơn nhập đạo đi tu từ thuở nhỏ, miệt mài sống với pháp Phật, hết lòng phụng sự Tam Bảo. Cuộc đời của họ từ nhỏ đến lớn hiến dâng trọn vẹn cho đạo pháp và họ là người đóng vai trò quan trọng, giữ gìn giềng mối của đạo pháp. Vì vậy, chúng ta thường thấy những người đi tu thuộc hàng đồng chơn nhập đạo có nhiều phước đức, thường được kính trọng, nhờ họ đã trồng căn lành đời trước nên đời này oan nghiệp không có. Đối với xã hội, họ đã hoàn tất nghĩa vụ và không vi phạm luật pháp thế gian, có thể xuất gia hợp pháp. Đối với gia đình cũng bằng lòng cho xuất gia, vì thấy họ có căn tu, từ nhỏ đã biết ăn chay, thích đi chùa, tụng niệm lễ bái. Những người này tuy chưa xuất gia, nhưng tâm đã chí đạo là biết đời trước họ đã tu.
Riêng bản thân tôi, 6 tuổi đã ý thức được vô thường khi thấy người thân lìa đời. Nhìn tấm hình Phật trên bao nhang mà hình dung ra thế giới tâm linh đã từng sống, thôi thúc tôi phát tâm đi tu lúc 12 tuổi. Vào chùa, chỉ nghe tụng kinh là thuộc, chưa học mà đã cảm nhận được ý nghĩa kinh. Đối với tôi, tụng niệm lễ bái là nguồn vui, làm việc cho Tam Bảo bằng tất cả tấm lòng hân hoan, nên không đợi Thầy bắt hay biểu mới tu. Đọc tiểu sử các vị danh Tăng, chúng ta thấy cuộc đời tu hành của các ngài cũng được thôi thúc từ những căn lành như vậy, nên các ngài mới làm nên đạo nghiệp lớn lao. Không có căn lành đời trước, mà chỉ đầy ắp nợ nần oan gia, tất nhiên phải trả sạch nghiệp rồi mới có thể xuất gia được.
Hạng người thứ hai thuộc trung niên xuất gia đã hoàn tất nghĩa vụ quân sự, hay nói chung đối với xã hội không còn bị ràng buộc gì và cũng đã tròn bổn phận với gia đình. Họ không ham thích chuyện đời nữa, mới lựa chọn con đường tu.
Hạng thứ ba là bán thế xuất gia đã lập gia đình, tạo dựng được sự nghiệp và lo cho con cái trưởng thành rồi mới xuất gia.
Ba hạng người này tu đều có kết quả khác nhau. Hạng thứ nhất sạch nghiệp đi tu từ nhỏ đến lớn, trở thành Pháp sư hay nhà truyền giáo trí thức, đạo đức, nên được quần chúng kính trọng hơn. Trí Giả đại Sư ví những người đồng chơn nhập đạo như chiếc áo sạch, tâm hồn trong trắng, không vẩn đục bợn nhơ, nên tiếp thu yếu nghĩa kinh nhanh chóng. Họ thâm nhập đạo dễ dàng, hành xử lời Phật dạy trong cuộc sống đạt được thanh tịnh, giải thoát, trở thành những bậc cao Tăng thạc đức mô phạm của đạo pháp.
Người trung niên xuất gia tuy độc thân, nhưng vẫn gặp nhiều chướng ngại trên bước đường tu, vì lớn tuổi rồi mới tu, nên đã ít nhiều tiêm nhiễm vinh nhục của cuộc đời. Vì vậy, ngài Trí Giả ví hạng người này như chiếc áo đã bị lấm dơ; nói cách khác, họ đã tiếp xúc, quan hệ nhiều với cuộc sống trần gian, có nhiều ràng buộc tình cảm với gia đình làm cho tâm hồn hoen ố bụi trần, không trong sáng như người đồng chơn nhập đạo. Vì vậy, họ phải lạy sám hối cho đến khi quan hệ gia đình, xã hội hoàn toàn biến mất trong lòng, tâm chỉ nghĩ đến Phật, Bồ tát. Sám hối cho tiêu nghiệp, lúc ấy ở chốn trần ai, nhưng không thấy chúng sanh, chỉ thấy Phật, Bồ tát mới tu được. Còn ngồi yên mà nhớ đủ thứ, trong lòng hiện ra hơn thua phải trái là đã đem đời vào đạo, không thể tiến tu. Trên bước đường tu, người trung niên xuất gia phải lo thanh tịnh hóa tâm, không để vinh nhục cuộc đời tác động giống như giặt tẩy cho sạch chiếc áo dơ. Tùy theo mức độ hoen ố nhiều ít, tức nghiệp nặng nhẹ mà có cách tu để tẩy xóa khác nhau. Tâm hồn chúng ta phải hoàn toàn lắng yên như người đồng chơn nhập đạo. Khi ngồi yên, xem cái gì khởi lên trong lòng thì biết cái đó là tâm dơ bẩn. Nghiệp khởi ở đâu thì sám hối ngay đó. Tâm hồn trong sạch, lắng yên, Phật, Bồ tát mới ảnh hiện và từ đó mới khởi tu được.
Theo kinh nghiệm riêng tôi, người đồng chơn nhập đạo sống chung với nhau dễ tu hơn. Vì khi tu chung với những người trung niên hay bán thế xuất gia, họ thường mang chuyện đời từng trải kể cho nghe, dễ làm hư tâm chúng ta. Từ nhỏ cho đến khoảng 30 tuổi, tôi rất ngại tiếp xúc với Phật tử đến chùa, vì sợ họ đem đặt vào lòng ta những ô uế của thế gian, làm ta xa đạo. Nghĩ như vậy, nên tôi cố sống cách ly, không tiếp xúc với họ. Tuy cuộc sống có phần thanh đạm, nhưng dễ tu và tôi nỗ lực thân cận các bậc chân tu để học những điều thiện mỹ, làm sao lắng lòng, xóa tan phiền não.
Hàng trung niên xuất gia tuy khó tu, nhưng biết nương theo đức hạnh của minh sư cũng có thể đạt kết quả lợi lạc. Ngược lại, không may gặp Thầy tà bạn ác thì dư nghiệp lại tăng trưởng thêm.
Hàng bán thế xuất gia tức đã lập gia đình rồi mới tu, hoặc lo xong sự nghiệp cho con cái, hoặc về hưu rảnh rang mới tu. Trong ba hạng người xuất gia thì những người này khó tu nhất, vì sống lâu với đời có nhiều kinh nghiệm, tâm hồn đau khổ, rách nát, nên rất khó quên, khó xóa. Ngài Trí Giả ví như chiếc áo vừa dơ lại vừa rách. Hạng này gia công tu, giặt sạch được thì áo chỉ còn là miếng vải rách thôi. Với tỳ vết nghiệp nhiều như thế, nên chỉ còn cách tu sám hối cho thật lòng, nguyện đời sau tái sanh nhớ rõ những chướng nhơ quá khứ ấy mà xuất gia từ thuở nhỏ.
Trong ba hạng người vừa kể, chúng ta thấy rõ thắng duyên tu hành của người đồng chơn nhập đạo nhờ đã gieo trồng căn lành với Phật pháp từ đời trước. Chính vì có hạt giống lành, nên tái sanh, họ không giống những người khác. Từ bé đã không ham vui việc thế gian, hướng tâm về đạo, tâm tánh hiền lành, biết thương người, khác với những đứa trẻ còn nhỏ mà đã biết gian dối. Căn lành đời trước đã trồng, nên đời này tu dễ. Người đã trồng căn lành nhiều đời, trải vô lượng kiếp tu hành, tiêu biểu là Đức Phật, nên hiện thân đời này, Ngài đã có ba mươi hai tướng tốt, cơ thể mạnh nhất và trí thông minh tuyệt vời, 16 tuổi, văn võ toàn tài. Đó là những điều kiện thành Phật đã đầy đủ từ bên trong đến hình tướng bên ngoài. Quan trọng hơn nữa là tâm đại bi bao la của Ngài. Đề Bà và Đức Phật đều có sức mạnh và thông minh phi thường, nhưng chỉ khác nhau ở điểm tâm đại bi. Đức Phật trải tình thương đến tất cả chúng sanh, còn Đề Bà thì chỉ có tâm sát hại, nên thấy chim muông thì khởi tâm ưa thích bắn giết. Đức Phật thấy chim bị nạn thì động bi tâm, săn sóc cho lành mạnh rồi thả nó tự do về với bầu trời. Nhìn đức hạnh của Phật rồi quán sát lại mình, nếu còn ưa sân hại, dễ giận, dễ bực là biết chúng ta còn cách xa đạo. Tánh nóng giận dẫn chúng ta vào thế giới A tu la, không thể khác. Ý thức như vậy, người tu phải nỗ lực phát triển Phật tâm.
Người đã tu nhiều đời tái sanh trong hiện đời được nhiều người thương yêu, kính mến, quý trọng. Nhìn thành quả hiện tại tốt xấu mà chúng ta biết được căn lành của chúng ta sâu hay cạn, tu bồi nhiều hay ít. Ngày nay, chúng ta đang hưởng quả tốt, tự biết đời trước đã tu, nên tiếp tục phát huy. Nếu gặp nhiều khó khăn trở ngại, ta biết mình chưa trồng căn lành thì phải cố gắng gieo trồng hạt giống lành. Không trồng căn lành mà tu giống như người nấu cát muốn thành cơm.
Trồng căn lành bằng cách tìm thiện tri thức và thân cận họ. Tôi tâm đắc điều này, từ thuở bé, nghe có người học rộng tài cao là tôi tìm đến để cầu học. Nghe, thấy người dữ là tôi tránh ngay. Muốn tiến tu, phải biết nương thiện tri thức, không phải bạn nào cũng chơi, ở đâu cũng đến. Gần gũi người đức hạnh, theo học với người giỏi, ít nhiều ta cũng ảnh hưởng, học được những điều cao quý. Tổ Quy Sơn cũng dạy thân cận thiện hữu tri thức như ta đi trong sương sớm, cũng thấm được tươi mát trong lành. Ngoài ra, chúng ta tụng kinh, lạy Phật, nghe pháp để trồng căn lành. Lạy Phật đem hình ảnh cao thượng của Ngài vào tâm, xóa đi những hình ảnh xấu ác của thế gian và để tâm từ bi Phật thâm nhập, tác động cho nghiệp chúng ta tiêu. Tụng kinh nghe pháp để tâm trí ta chứa đựng những lời hay ý đẹp của Phật, Bồ tát cùng những việc làm cao quý của các Ngài. Nhờ tư tưởng thánh thiện ấy thâm nhập vào tâm, rọi sáng tâm, chỉ đạo cho ta thể hiện trong cuộc sống, tạo thành việc làm mang an vui cho ta và người.
Trên bước đường tu, chỉ trồng căn lành, đừng gieo hạt giống ác, không kết thân với người ác xấu; vì chúng ta biết rõ gần họ tạo cho ta tánh ác, lúc đó, nghiệp ác dễ lôi kéo chúng ta vào đường tội lỗi, nhận chúng ta trầm luân trong sanh tử. Có trồng căn lành, Phật và Bồ tát mới đến với chúng ta, gia bị cho chúng ta được. Riêng tôi, cảm nhận sâu sắc rằng tôi tu học được và vượt qua mọi gian nan, hành đạo an lành trong Nhà lửa tam giới này là nhờ Phật hộ niệm, bổ xứ và các Bồ tát đồng hạnh nguyện hỗ trợ. Cảm nhận lực gia trì của Phật và chư Bồ tát, tôi tâm đắc hình ảnh cùng tử trong kinh Pháp Hoa, tuy nghèo nhưng không tham, không giống những người làm công hèn hạ khác. Muốn làm con Phật phải vì đạo không tiếc thân mạng, không kể công, không đòi hỏi. Người hèn hạ làm ít thích hưởng nhiều. Người thực tu làm nhiều hưởng ít, hay không hưởng, không vì lợi gì cho cá nhân mình. Có căn lành như vậy, Phật mới chọn ta, hộ niệm, che chở ta. Và Phật hộ niệm thì ta thành tựu được những việc làm bất khả tư nghì, ngoài sức tính toán của con người.
Giữ lòng thanh tịnh, lắng yên và chuyên tâm nghĩ đến Phật pháp thì Phật hộ niệm. Mặc dù cuộc sống vật chất đạm bạc, nhưng sức khỏe tự tốt hơn, sức chịu đựng mạnh hơn, tướng hảo tự trang nghiêm, trí ta tự sáng ra, biết việc chính xác, giải quyết việc lợi cho đạo, đẹp cho đời.
Cầu nguyện cho người đã xuất gia, người đang hướng tâm đến con đường xuất gia trong hiện tại cũng như trong muôn kiếp về sau, đều được thăng hoa trên con đường tri thức, đạo đức của đấng Từ Tôn.