Sách
Phật giáo có mặt tại Việt Nam trên hai ngàn năm, trước tiên được truyền vào phía Bắc, dần dần phát triển vào miền Trung và Nam nước ta. Nhưng vì trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đất nước chúng ta bị phân chia thành hai phần. Bấy giờ, Phật giáo phía Bắc được thống nhất thành Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Phía Nam có Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1964 thì có sự thay đổi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, nhưng cũng chỉ có một số hệ phái cùng chung sinh hoạt; vì ngoài ra còn có chín tập đoàn khác của Phật giáo do chính phủ cho thành lập cùng hoạt động song song. Vì thế, vào thời điểm ấy, sinh hoạt Phật giáo ở phía Nam không được đoàn kết, gắn bó vì sự phân chia như vậy.
May mắn đến năm 1975, đất nước chúng ta được thống nhất, độc lập. Nhờ đó, năm 1981, chính phủ cho phép Phật giáo tổ chức Đại hội, thành lập một tổ chức Phật giáo chung cho cả nước là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, sinh hoạt của chúng ta vẫn chia thành hai khu vực riêng là khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam, với hai văn phòng làm việc riêng rẽ là văn phòng I tại chùa Quán Sứ và Văn phòng II tại Thiền viện Quảng Đức. Đây là lần đầu tiên, văn phòng Trung ương Giáo hội tổ chức đoàn đại diện Giáo hội kết hợp với Ban Hoằng pháp đi thăm các tỉnh thành cả nước. Tôi nghĩ rằng sau này, Giáo hội cũng nên lần lượt phân công hàng giáo phẩm thăm viếng tất cả các tỉnh thành để Tăng Ni ở khắp mọi miền đất nước có điều kiện hiểu nhau, cảm thông với nhau hơn và giúp đỡ nhau cùng phát triển việc tu học. Thiết nghĩ mỗi nơi có sinh hoạt khác nhau, nhưng chúng ta đều cùng một mục tiêu vì đất nước và dân tộc, cũng như vì đạo pháp hưng thạnh, để tạo thành sức mạnh thực sự đoàn kết Phật giáo. Đó chính là hướng đi đúng đắn của Giáo hội chúng ta.
Có thể nói kể từ khi sinh hoạt của Phật giáo được thống nhất đến nay, các tỉnh thành có nhiều điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni xuất gia, thọ giới, tu học đúng chánh pháp. Thật vậy, những nơi có điều kiện tốt đẹp đều tổ chức An cư kiết hạ hàng năm đúng theo luật định. Từ đó đến nay, mọi sinh hoạt của chúng ta đã từng bước đi vào nề nếp; nhờ đó, uy tín Phật giáo được tăng lên ở nhiều lãnh vực, kể cả về mặt đối ngoại. Trong năm nay, tôi được Giáo hội đề cử tham dự các hội nghị lớn của các tổ chức tôn giáo thế giới. Tôi nhận thấy họ đã đánh giá cao vai trò của Phật giáo Việt Nam. Khi được nhiều người đề cao, chúng ta cần phát huy đạo lực của mình, làm tốt hơn nữa để hoàn thành trách nhiệm của sứ giả Như Lai.
Chúng ta phải làm tốt hơn những việc gì? Hòa thượng Chủ tịch nhắc nhở rằng chúng ta nên tăng cường đạo lực. Phật giáo cần sử dụng đạo đức, đạo lực, đạo tâm mà đến với quần chúng. Có đạo tâm là thương yêu, quý mến, bảo vệ tất cả hữu tình chúng sanh, những người đến với chúng ta, nương tựa chúng ta, để họ giải trừ được tội chướng, tội căn, để chúng ta và họ cùng tiến bước trên con đường giải thoát. Nếu không có đạo tâm, không có lòng thương tưởng cho đời, chắc chắn người ta không thể đến với Phật giáo. Là tu sĩ bước theo dấu chân Phật, chúng ta không thể sử dụng gì khác ngoài tâm từ bi để đến với đời. Làm được như vậy là tăng trưởng đạo lực của hàng đệ tử Phật. Và lòng từ bi được thể hiện bằng những hành động cụ thể qua các việc làm từ thiện xã hội. Những việc làm từ thiện của người con Phật phát xuất từ tấm lòng thương yêu, chăm sóc mọi người, chúng ta chia sẻ những gì chúng ta có cho người thiếu kém hơn chúng ta. Đặc biệt Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh được nhân dân và chính quyền trân trọng vì đã phát huy tích cực nhiều hoạt động từ thiện xã hội trong cả nước. Với thành quả rất tốt đẹp như vậy, Phật giáo mới phát triển được; đó chính là đạo lực của chúng ta.
Ngoài ra, Phật cũng dạy phải phát huy trí tuệ; vì đạo Phật là đạo của trí tuệ, trí tuệ là sự nghiệp của Tăng già. Với nền tảng quý báu này, việc An cư của chúng ta phải phát triển được tuệ học bằng con đường văn, tư, tu, thâm nhập trí tuệ vô lậu. Tăng Ni cần siêng năng đọc tụng, suy nghĩ kinh điển. Vì có thực hành lời Phật dạy, tinh ba Phật pháp mới thấm vào tim óc của chúng ta và thể hiện thành lời nói, việc làm của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Nói cách khác, có được trí tuệ Phật đối chiếu vào thực tế cuộc sống thì chúng ta sẽ hiểu được mọi việc chính xác. Sự vật, hoàn cảnh xảy đến như thế nào, chúng ta đều nhận biết đúng đắn và giải quyết tốt đẹp.
Hiểu rõ quốc độ, phong tục, tập quán, thời đại, thì áp dụng giáo lý phù hợp với thời đại, đất nước, giúp dân tộc chúng ta thăng hoa cuộc sống. Xưa kia, đạo Phật hiện hữu trên thế gian cũng nhờ Đức Phật ứng hiện trên đất Ấn Độ. Ngài đã đi khắp miền ngũ hà nước Ấn để truyền bá giáo pháp thích hợp với từng nơi, từng thành phần xã hội khác nhau, giúp cho mọi người thời đó phát triển tri thức, đạo đức. Và từ đó bánh xe pháp được chuyển vận qua các nước trên thế giới. Nhưng các nước tiếp thu đạo Phật cũng đều tùy theo hoàn cảnh, phong tục, tập quán của họ mà linh động tiếp nhận giáo lý thích nghi một cách khác nhau. Nơi nào biết chọn lọc giáo lý thích hợp với dân tộc thì nơi đó Phật giáo phát triển. Điển hình là dân tộc Việt Nam cũng đã tiếp nhận giáo lý từ nước Ấn truyền sang. Tổ tiên chúng ta đã biết sử dụng Phật pháp thích hợp cho từng giai đoạn khác nhau, làm cho Phật giáo hưng thạnh. Nhưng cũng có lúc vắng bóng Thiền sư đắc đạo, người tu không nhìn đúng sự thật, chỉ áp dụng lý thuyết, theo hình thức nặng về từ chương, khiến cho Phật giáo bị suy yếu thì lại càng bị tư tưởng ngoại bang và các thế lực của tôn giáo khác tác hại, làm cho suy yếu thêm nữa. Thí dụ các vị Tổ sư thường dạy rằng Phật trong nhà không thờ, nhưng thờ Phật Thích Ca ngoài đồng. Câu này của Thiền sư đắc đạo dạy chúng ta việc quan trọng là Phật ở tâm chúng ta. Nếu tâm chúng ta trong sáng sẽ làm cho phiền não trần lao bị xóa mờ, thì thân chúng ta sẽ được khỏe mạnh; chúng ta sẽ đóng góp được cho xã hội, cho đất nước này nhiều điều tốt đẹp. Nhưng kẻ xấu đã lợi dụng câu nói này để diễn dịch ý nghĩa một cách sai lệch, trở thành tiêu cực. Họ thường giải thích tổ tiên ông bà chúng ta là Phật trong nhà, còn Phật Thích Ca ngoài đồng là Phật của Ấn Độ, không dính líu gì đến cuộc sống của chúng ta. Nếu hiểu như vậy, chúng ta vô tình bài xích Phật đạo theo kẻ xấu, làm cho Phật giáo suy yếu.
Khởi đầu, tổ tiên chúng ta tiếp thu tư tưởng Thiền học và gắn liền cuộc sống tu hành với tinh ba Thiền học. Thiền dạy chúng ta tâm trong sáng, thanh tịnh, ý chí dũng mãnh, thân khỏe mạnh. Nhưng khi Thiền phái suy yếu, đa số người tu lại đưa Thiền học về thâm sơn cùng cốc, cách ly với sinh hoạt của mọi người, làm cho Phật giáo bị lu mờ. Đến đời Trần, một lời dạy của Phù Vân Quốc sư đã giúp cho vua Trần Thái Tông thức tỉnh. Ngài dạy rằng Phật không có trong núi, nhưng ở trong lòng người. Nếu bệ hạ biết sống vì dân, vì nước là đã theo Phật. Nhà vua tỉnh ngộ, mới chịu từ giã Yên Tử, lên ngôi lãnh đạo, đánh đuổi được đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất thời ấy là quân Mông Nguyên. Điều này cho thấy rõ tinh thần Thiền học Việt Nam mang tính nhập thế tích cực, vì nước vì dân. Tu học để phục vụ nhân dân, tổ tiên chúng ta đã chọn hướng đi này và ứng dụng hoàn toàn tốt đẹp, viết nên trang sử vàng cho Phật giáo Việt Nam. Nhưng có lúc Phật giáo suy đồi. Trung Hoa muốn xâm lược đất nước chúng ta, truyền sang tư tưởng Tịnh độ để chúng ta chỉ nghĩ đến thế giới xa xăm khác. Họ làm cho người tu lệch hướng đi, không nghĩ đến nước, đến dân nữa. Theo hướng đi này, thì giặc đến, làm sao giữ nước, giúp dân; đó chính là tư tưởng Tịnh độ yếm thế.
May mắn thay, tinh thần Tịnh độ của ông cha chúng ta không đi theo con đường tiêu cực này. Thật vậy, tổ tiên chúng ta đã vận dụng trí tuệ, tiếp thu giáo lý có chuyển đổi cho thích hợp với hoàn cảnh đất nước chúng ta. Tinh thần Tịnh độ của Phật giáo Việt Nam là cầu vãng sanh Tịnh độ để học hạnh của Phật Di Đà là vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức. Đó là ba việc quan trọng mà Phật Di Đà đã tu chứng, thực hiện được để xây dựng thế giới Cực Lạc. Vì vậy, người Việt Nam học Tịnh độ là học tinh thần của Phật Di Đà, tu Bồ tát đạo. Vì Ngài cũng từng là người đau khổ, nhưng biết phát huy trí tuệ ở tầng cao, nên vận dụng được sự hiểu biết siêu tuyệt và năng lực vô cùng để chuyển đổi hoàn cảnh khổ đau thành an lành và sung sướng cùng cực là Tây phương Tịnh độ, hay thế giới Cực Lạc.
Ngày nay, thâm nhập tinh thần này, chúng ta tu hành để xây dựng Tịnh độ ở Ta bà, hay còn được diễn tả là vãng sanh Tây phương Tịnh độ rồi hội nhập Ta bà, mang Tịnh độ về Ta bà, làm cho nhân dân chúng ta cũng được sung sướng như ở Tịnh độ. Đó là nét đặc thù của tư tưởng Tịnh độ Việt Nam. Có thể khẳng định rằng ông cha chúng ta đã học hỏi tinh thần văn minh của thế giới để trau dồi khả năng, hành Bồ tát đạo, phục vụ cho số đông nhân dân Việt Nam. Đó chính là hai tư tưởng Đại thừa đã được ông cha chúng ta biết kế thừa có chọn lọc, đóng góp cho đất nước đi lên.
Chúng tôi mong Tăng Ni trong trụ xứ này là nơi có nhiều danh Tăng xuất hiện, gần đây nhất là Đức Đệ nhất Pháp chủ của Giáo hội chúng ta. Ngài cũng xuất thân từ Tổ đình Kim Liên, thuộc tỉnh Ninh Bình. Tôi còn nhớ rõ khi ngài được suy tôn làm Pháp chủ, ngài đã cương quyết xin chính phủ cho thành lập ba trường Đại học Phật giáo cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Vì ngài ý thức sâu sắc rằng Tăng Ni dù có nhiều bao nhiêu, nhưng không được học hiểu giáo lý, cũng không ích lợi gì. Tôi cảm động nhất là lúc ngài nói lời yêu cầu này nếu không được đáp ứng thì ngài không ngồi xuống. Ngài đã đứng cho đến lúc vị đại diện Nhà nước đồng ý cho mở ba trường Đại học. Và đến nhiệm kỳ II, Tăng Ni lại tiếp tục suy tôn ngài làm Pháp chủ. Lần này, ngài lại yêu cầu cho Tăng Ni được xuất gia hợp pháp và xin được mở trường Cơ bản Phật học trong cả nước để đào tạo người sơ tâm học đạo. Lời yêu cầu này cũng đã được chính phủ chấp nhận.
Chúng ta rất may mắn có được một bậc cao đức khai sanh Giáo hội, vị lãnh đạo đầu tiên rất sáng suốt đã phát khởi hướng đi hoàn toàn đúng đắn khi đặt vấn đề tu học của Tăng Ni lên hàng đầu. Nhờ nương theo công đức của Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ mà ngày nay Tăng Ni được phát triển học vấn. Lúc mới thành lập Giáo hội, chỉ có vài vị Pháp sư có học vị, nhưng nay đã có đến hàng trăm Tăng Ni đang theo học, hoặc đã tốt nghiệp học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ.
Tôi mong rằng Tăng Ni tỉnh nhà nỗ lực tinh tấn phát huy đạo lực, thấu hiểu giáo lý một cách sâu sắc, thấy mọi diễn tiến trong xã hội đúng như thật, để giúp cho đạo pháp phát triển và xây dựng xã hội tốt đẹp. Thành tựu được như vậy, mới xứng đáng kế thừa sự nghiệp của tiền nhân để lại và xứng đáng mặc áo xuất gia, làm lợi ích cho số đông. Cầu nguyện chư Phật gia hộ quý vị luôn an lành trong chánh pháp.
(Bài giảng tại các trường hạ tỉnh Ninh Bình, khu vực phía Bắc, ngày 10-8-2004)