Sách
Theo tiên đoán về sự phát triển thế giới, nhiều người dự báo rằng thế kỷ 21 là thế kỷ châu Á Thái Bình Dương, trong đó khu vực Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng.
Có thể nói từ thời xa xưa, các nước thuộc Đông Nam Á đã có quan hệ mật thiết, đã từng là thuộc địa của các đế quốc, phải cùng nhau đối phó với sự xâm lược của thực dân.
Và hiện tại, đứng trước chiến lược toàn cầu của các nước lớn, các nước trong khu vực cần phải liên kết để đối phó với sự cạnh tranh gay gắt và bảo vệ những quyền lợi chung. Điều tất yếu này đã dẫn đến sự thành lập tổ chức ASEAN năm 1967, tức hiệp hội hợp tác hữu nghị của 10 nước thuộc vùng Đông Nam Á.
Nếu xét một cách khách quan, khu vực Đông Nam Á còn dồi dào tiềm năng quý giá chưa khai thác nhiều. Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa lý thuận lợi cho sự phát triển nhiều mặt, hoặc năng lực của con người, v.v…, các nước trong khu vực Đông Nam Á nhận thấy rằng họ có thể hợp tác để khai thác những yếu tố thuận lợiấy để cùng hưởng lợi, cùng tự giải quyết những vấn đề mà không bị các nước lớn bắt chẹt và có thể cạnh tranh với các nước công nghiệp mạnh.
Ngoài những yếu tố kể trên, điểm nổi bật không kém phần quan trọng, đó là điểm đồng nhất về sự hiện diện mạnh mẽ của Phật giáo ở đa phần các nước thuộc vùng Đông Nam Á.
Thật vậy, khối ASEAN gồm 10 nước, ngoại trừ Brunei theo Hồi giáo và Philippines theo Thiên Chúa giáo, trong 8 nước còn lại, thì 5 nước chịu ảnh hưởng Phật giáo sâu đậm, đó là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Lào. Và 3 nước Indonesia, Malaysia, Singapore thuộc nhóm đa tôn giáo, trong đó Phật giáo cũng có phần ảnh hưởng nhất định.
Có thể khẳng định, Phật giáo hiện hữu sống động và đóng vai trò quan trọng đối với các nước nói trên. Theo sử liệu, từ thời kỳ sơ khai, Phật giáo đã được truyền vào các nước vùng Đông Nam Á trước các tôn giáo khác. Và trong công cuộc du nhập của Phật giáo, hệ phái Nam tông đã có mặt trước tiên.
Theo bước chân truyền đạo của các vị Tổ sư, đạo Phật đến các vùng thuộc 4 nước : Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, đã kết hợp với tánh thuần phát của các dân tộc này, tạo thành sinh hoạt phù hợp với tinh thần Phật giáo nguyên thủy. Theo đó, chư Tăng chủ yếu nghiêm trì giới luật, tu tập thiền định, gội rửa tâm hồn trong sáng và sống thanh đạm. Phật tử thì đặt trọn niềm tin ở Tam Bảo, hết lòng phụng đạo. Ngoài ra, họ ít thích tích lũy của cải, vì ý thức cuộc đời mong manh, vô thường, lại thêm tin tưởng mãnh liệt ở phước báo cúng dường. Vì vậy, khi được mùa (phần lớn dân sống về nghề nông), họ thường dốc cả tài sản để xây chùa, đúc tượng Phật bằng vàng bạc.
Từ đó, chúng ta nhận thấy rõ đời sống của người dân ở 4 nước này thực sự không giàu có, nhưng chùa chiền thì thật nguy nga, đồ sộ, với vô số tượng Phật bằng vàng khối hay ngọc quý.
Chư Tăng ở các nước này tu hành trong cảnh quang rộng lớn, thanh tịnh của các khu rừng Thiền. Vì vậy, có nhiều điểm thuận lợi để họ thực hiện nếp sống an lạc, giải thoát. Các khu rừng Thiền của Phật giáo ở 4 nước này dễ dàng phát triển, vì Phật giáo được coi là quốc giáo. Ngày nay, những khu rừng Thiền này là mô hình kiểu mẫu được thế giới ngưỡng mộ, không phải chỉ vì nó lợi ích cho việc tu hành, mà chính yếu vì đó là biểu tượng cho lá phổi trong sạch của trái đất chúng ta, một điều vô cùng cần thiết trong việc bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tốt của sinh hoạt Phật giáo ở 4 nước vừa nói, còn có điều không kém quan trọng khiến chúng ta cần suy nghĩ. Thật vậy, đối với nền văn minh tiến bộ vượt bực hiện nay, nếu Phật giáo trong 4 quốc gia này không tiếp thu được lợi ích tốt đẹp của nó, để phát huy truyền thống Phật giáo thăng hoa đồng bộ với văn minh thời đại, thì e rằng Phật giáo sẽ bị đẩy lùi vào bóng tối hay chỉ còn hiện hữu như một điều lỗi thời.
Nếu Phật giáo hướng dẫn Phật tử sống hiền lành, thì điều đó cũng dễ thương vậy. Nhưng thử nghĩ nếu Phật giáo không giúp được cho đời sống vật chất của người dân tăng trưởng, mà chỉ làm cho họ tiếp tục cuộc sống nghèo cùng, lạc hậu. Chắc chắn, sẽ có lúc người dân bị sức mạnh vật chất của Tây phương lôi cuốn, làm cho họ bị choáng ngợp và lao đầu theo một cách mù quáng.
Thực tế cho thấy ở 4 nước nói trên, tình trạng dân chúng, nhất là giới trẻ đã từ bỏ đời sống nghèo nàn ở nông thôn để ra thành thị, chạy theo lối sống vật chất, nghĩ rằng họ sẽ được sung sướng hơn. Nhưng trái lại, họ bị hư hỏng, sa đọa vì thiếu trình độ nhận thức về những tác hại của nếp sống không lành mạnh. Thậm chí, bị đưa đẩy vào con đường tội lỗi, mại dâm, nghiện ngập ma túy và mắc phải căn bịnh trầm kha của thời đại, bịnh Sida. Số người đáng thương hại như vậy càng ngày càng nhiều và tăng nhanh nhất ở Thái Lan và các nước nói trên. Chẳng lẽ giới Phật giáo không có trách nhiệm gì trong vấn đề này ?
Ngoài ra, khi giới Phật giáo bị suy yếu, không còn là điểm tựa của người dân, dẫn đến thực tế đã xảy ra tình trạng một số tổ chức tự xưng tôn giáo này nọ, đã dùng quyền lợi vật chất để cám dỗ thanh thiếu niên mất niềm tin, mất đạo đức đi theo họ, làm công việc tội lỗi.
Nếu không sáng suốt trong việc điều hành sinh hoạt cho thích hợp với hoàn cảnh hiện nay, mang lại cuộc sống an lạc, ấm no cho Phật tử, không khéo giới Phật giáo đi vào con đường suy vi như vừa trình bày.
Riêng về phần sinh hoạt Phật giáo ở Nhật Bản, chúng ta thấy rõ chiều hướng tiến triển tốt đẹp từ nghìn xưa cho đến ngày nay. Sở dĩ Phật giáo Nhật không bị tắt nghẽn vào ngõ cụt, vì họ biết tiếp thu những lợi ích của tiến bộ hiện đại song song với việc giữ gìn truyền thống đạo đức của Phật giáo. Chính vì vậy, so với các nước văn minh Âu châu, nước Nhật chẳng những không hề thua kém, mà còn có phần vượt trội ở một số lãnh vực. Và nhất là họ không bị khủng hoảng vì nếp sống văn minh vật chất như các nước Âu châu là nhờ ở sự tồn tại vững chắc của truyền thống đạo đức, tạo nên thế quân bằng cho nếp sống vật chất và tinh thần của người dân.
Có thể nói Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Việt Nam hoặc Phật giáo ở tiểu vương quốc Java đã có thời kỳ cực thịnh, từng đánh bại đội quân khét tiếng Mông Nguyên. Rõ ràng Phật giáo ở cả 3 nước này trong thời kỳ đó đã chịu ảnh hưởng tinh thần Đại thừa một cách cao độ.
Tinh thần vô ngã vị tha theo Phật giáo Đại thừa chủ trương sẵn sàng hy sinh bản thân để làm lợi ích cho nhiều người và lấy trí tuệ chỉ đạo thân, khẩu, ý, không chấp vào giới điều.
Riêng Phật giáo Việt Nam từng có một quá trình lịch sử gắn bó mật thiết với đất nước và dân tộc từ thời kỳ dựng nước cho đến ngày nay. Lịch sử đời Trần đã chứng minh rõ nét hình ảnh các vị Thiền sư Việt Nam hiền lành, thanh thản, coi ngôi vua như chiếc giày rách, vứt bỏ dễ dàng, nhưng khi gặp việc nghĩa, thì các Ngài hy sinh không tiếc thân mạng. Phật giáo đời Trần lưu danh thơm trên những trang sử vàng son, đã từng đánh bại quân Mông Nguyên, chính là thể hiện sâu sắc tinh thần giải thoát của Đại thừa, giải thoát cho mọi người, trong đó có mình.
Đặc biệt là Phật giáo Việt Nam ngày nay lại mang một sắc thái đặc thù, theo đó mọi sinh hoạt Phật giáo, không phân biệt hệ phái, đều được thống nhất trong một Giáo hội. Yếu tố thuận lợi này tạo thành sức mạnh cho Phật giáo Việt Nam trong việc xây dựng đất nước và phát triển đạo pháp.
Hoặc Phật giáo Nhật Bản ở thời đại Kamakura cũng vậy, thắng được quân Mông Nguyên cũng nhờ dòng họ Bắc Điều (Hojo) nhiếp chánh. Dòng họ này rất sáng suốt, khi nắm quyền điều hành đất nước, họ không xưng vương tước gì, chỉ lo cho dân, làm lợi cho nước, nên được dân chúng quý trọng, ủng hộ. Đa số người trong dòng họ này đều xuất thân là tu sĩ Phật giáo. Lúc đất nước lâm nguy, cần đến họ, như Bắc Điều Thời Lại đang tu ở chùa Viên Giác, được triều đình thỉnh về. Ngài sẵn sàng xả thân cho đại nghĩa. Chính tinh thần hy sinh cao cả cho lợi ích chung của các bậc chân tu như vậy, đã tạo được sự đoàn kết của toàn dân Nhật, hợp thành ý chí và sức mạnh đánh thắng quân Mông Nguyên.
Hoặc vua của tiểu vương quốc Java (triều Singosari) cũng đánh thắng quân Mông Nguyên. Ông được kính trọng như Phật. Nói cách khác, Phật nghĩa là sáng suốt, thấy được căn tánh, hành nghiệp của chúng sanh, hay thực tế là thấy được lòng dân muốn gì, nghĩ gì, cần gì, làm được gì. Và đáp ứng được những điều đó, nhất định dân chúng phải hết lòng ủng hộ.
Tóm lại, trong quá trình hội nhập rộng lớn vô cùng trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, các nước Đông Nam Á nếu biết giữ gìn, tự khẳng định giá trị cao cả của bản sắc Phật giáo của dân tộc mình và phát huy những ưu thế quan trọng sẵn có ấy, đồng thời kết hợp thế mạnh của Phật giáo với văn minh thời đại. Từ đó, hướng dẫn Phật tử vừa có đời sống vật chất cao, vừa có nếp sống đạo đức theo Phật dạy.
Thiết nghĩ làm được như vậy, Phật giáo vùng Đông Nam Á, trong đó có giới Phật giáo Việt Nam chúng ta, sẽ đóng góp sức người, sức của thật lớn lao, chẳng những ổn định được mà còn đưa các nước trong vùng Đông Nam Á ngang tầm với các nước lớn trong những thập kỷ kế tiếp.
Mong rằng xu thế phát triển của Phật giáo trong các nước khu vực Đông Nam Á theo tinh thần trên, với sự phối hợp có tổ chức, sẽ khai thác hữu hiệu các thế mạnh của nhau, cùng nhau trở thành những con rồng Đông Nam Á, góp phần xây dựng cõi tịnh lạc cho mọi người trên hành tinh này.