Sách
Thay mặt cho Thường trực Trung ương Giáo hội, tôi vấn an chư tôn đức Ni an cư kiết hạ tại chùa Phổ Đức. Tôi có một số suy nghĩ muốn nhắc nhở quý vị trên bước đường tu học.
Trong Phật pháp, Đức Phật chia ra bốn chúng, hai chúng xuất gia và hai chúng tại gia. Tuy nhiên, dù chia như vậy, nhưng tinh thần Đại thừa căn cứ trên tâm niệm và năng lực của con người để sắp xếp khác. Đại thừa chia theo cấp bậc thứ tự từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, đến Thập hồi hướng thuộc vào hàng tam Hiền và từ Bồ tát Thập địa trở lên là thập Thánh, khác với Nhị thừa xếp Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm là tam Hiền và A la hán là Thánh.
Theo Phật có hai con đường vào đạo, một là dùng trí tuệ, hai là dùng niềm tin. Phần lớn kinh Nguyên thủy nhắc lại lời Phật dạy là phải dùng trí tuệ, đừng dùng niềm tin. Phật dạy rằng đừng vội tin những lời của người truyền từ xưa đến nay, hay đừng tin vào những gì người khác nói hoặc đừng tin theo tập tục, truyền thuyết đã có sẵn. Cần phải xét xem những điều đó có đúng không, có còn thích hợp với chúng ta ngày nay không. Nếu thích hợp và có kết quả tốt, chúng ta mới nương theo. Điều này dễ hiểu vì ở thời kỳ Phật tại thế có gần cả trăm thứ dị kiến ngoại đạo, cũng tương tự như miền đồng bằng sông Cửu Long ở nước ta trước năm 1975, có nhiều đạo do các ông đạo tu ở núi rừng như đạo dừa, đạo ớt, đạo nước lạnh, đạo sờ... Phần lớn những người này đưa ra những cách tu mê tín để mê hoặc dụ dỗ người theo nhằm thỏa mãn mưu đồ riêng tư.
Chính vì sự hiện hữu của tà giáo ngoại đạo quá nhiều làm não loạn tâm lý mọi người, Đức Phật mới đưa ra lời dạy đừng vội tin theo thuyết này, người nọ, phải xét lại việc họ làm có đúng như lời nói hay không. Họ tự khoe khoang có thần thông bay được mà thực tế còn phải lê đôi chân trần thì không thể nào tin họ được. Từ đó, Đức Phật giáo hóa người rất thực tế, những gì Ngài nói đều thể hiện đúng như vậy trong cuộc sống của Ngài và Đức Phật dùng thành quả đúng đắn ấy mà dạy người. Đó là điểm căn bản quan trọng của đạo Phật, gọi là giáo hóa trên quả môn, tức dùng thành quả tu được để dạy người.
Giáo hóa người bằng thành quả, Đức Phật có tam chuyển pháp luân là thân chuyển, khẩu chuyển và ý chuyển. Trong tam chuyển pháp luân của Đức Phật, đầu tiên ý chuyển hay tâm chuyển là quan trọng, nghĩa là phải có tấm lòng với đối tượng muốn giáo hóa. Thật vậy, thực tế cho thấy việc giáo hóa chúng sanh hay dạy dỗ con cái, nuôi dạy đệ tử với tất cả tấm lòng mình là quan trọng; không thương, không hết lòng thì không dạy được. Đức Phật thể hiện trọn vẹn, sâu sắc tình thương yêu dìu dắt mọi loài chúng sanh, nên loài người trải qua hàng ngàn năm vẫn còn nghĩ đến Ngài. Nhưng muốn giáo hóa chúng sanh bằng tâm, phải tu cho được bốn tâm vô lượng thì giáo hóa người dễ dàng, dù họ có mặt hay không.
Đức Phật dạy người bằng tâm Từ vô lượng nên người nghĩ Phật là đấng cha lành của họ. Phật giáo hóa bằng tâm Bi, nên ai cũng nghĩ Phật che chở cho riêng họ. Kinh nghiệm tôi cũng vậy, luôn thấy Phật thương mình nên tu được. Phật thành tựu tâm Hỷ, nên người làm được những việc gì tốt đẹp nhất đều dâng lên cho Phật. Tôi sơ tâm học đạo gặp nhiều chướng duyên, bạn không thuận với mình, thậm chí cả Thầy cũng không hiểu mình. Tôi nghĩ chỉ có Phật hiểu mình là đủ, nhờ niềm tin vững ở Phật như vậy mà tôi nhận được Phật lực gia bị và vượt qua nhiều chướng duyên, an trú trong chánh pháp. Điều đó có nghĩa là tôi đã nhận được tâm tùy hỷ của Đức Phật và tôi cũng sử dụng tâm tùy hỷ của mình đối với mọi người. Ai làm được điều gì tốt, ta cũng phải tùy hỷ, thì Phật gia bị đến ta, tâm ta liền biến thành tâm Phật; mà Phật luôn nghĩ đến chúng sanh, nên tâm ta cũng nghĩ đến chúng sanh, kết quả là vô số chúng sanh đi theo ta. Thực tế như tôi không thể đi giáo hóa khắp mọi nơi, nhưng khi đến các tỉnh từ Nam ra Bắc, Phật tử đã hiểu tôi và xin quy y, thọ pháp với tôi. Điều này phát xuất từ tâm tùy hỷ của Phật, tâm tùy hỷ của tôi đối với Phật, tôi đã xây dựng được đạo tràng vô tướng. Và sau cùng trong tứ vô lượng tâm, Phật có Xả tâm, không có buồn phiền hay việc gì không vừa ý dính mắc vào lòng Phật, "Tâm Thế Tôn mảy trần không bợn”. Tu theo Xả tâm của Phật, ai làm gì mất lòng chúng ta dù cố ý hay vô tình, cũng đừng giữ tâm buồn bực quá năm phút; vì nếu giữ lâu tâm buồn chán sẽ làm tiêu mất nghiệp lành của chúng ta, về sau không tu được nữa. Tôi kinh nghiệm điều này, ai làm tôi buồn và giữ nỗi buồn này lâu, tôi cảm thấy tim mình bị nhói. Trái tim vô hình mới quan trọng vì khi nó chất chứa buồn giận, chán ghét, mình sẽ muốn bỏ tu.
Bước theo dấu chân Phật, cái gì qua thì cho qua luôn, ta tìm việc mới để làm. Mỗi ngày cố gắng làm một ít công đức. Và công đức giáo hóa chúng sanh bằng tâm là khi ta bắt được nhịp cầu giữa tâm ta và tâm Phật thì tâm vô lượng của chúng ta hướng đến đâu, chúng ta sẽ giáo hóa được đến đó; Mật giáo gọi là tức thân thành Phật hay thành Phật liền tức thì. Thật vậy, khi lạy Phật, niệm Phật hay Thiền định, chỉ có một niệm tâm nghĩ đến Phật, thì Phật lực gia bị cho ta, nên tướng Phật hiện trong thân ta. Chúng sanh nhìn thấy liền cung kính, phát tâm là ta đã giáo hóa được họ. Nhưng vì trần lao nghiệp chướng của ta còn nhiều, nên một niệm sau không còn thanh tịnh, không nhận được Phật lực gia bị, thì phiền não trần lao nổi dậy liền. Lúc ấy, chúng ta hoàn trở lại cốt chúng sanh, họ thấy chúng ta rõ là chúng sanh đáng khinh chê, ghét bỏ. Tôi có cảm giác giống như mở công tắc điện, dòng điện đi vào bóng đèn tâm, khiến tâm sáng lên, làm người nghĩ ta là Phật. Nhưng khi chúng ta ngưng lạy Phật, không niệm Phật, ví như tắt điện, tâm chúng ta không duyên với Phật nữa. Lúc ấy, có hai trường hợp xảy ra. Một là tâm chúng ta duyên với trống không, thì ta thành gỗ đá, sự hiện hữu của chúng ta cũng như không có, ta vô tâm, vô tình, thì người cũng hết nghĩ đến ta. Hai là tâm chúng ta tách rời Phật và mở cửa sanh tử của chúng sanh. Có thể ví thân ta như cái nhà kính có hai cửa, cửa mở qua thế giới Phật thì thấy Phật và cửa mở ra thế giới chúng sanh, chúng sanh sẽ hiện vào tâm ta. Trong lúc tụng kinh, ngồi Thiền, lạy Phật, tôi để ý thấy người lạy Phật và tâm nghĩ đến Phật, trông họ dễ thương lạ. Nhưng cũng lạy Phật mà nghĩ đến chúng sanh là nghiệp khởi và tâm ta nghĩ cái gì, cái đó sẽ hiện lên thân tướng ta. Những người bị bắt buộc kinh hành, tôi thấy rõ trên nét mặt họ hiện ra cơm nước, tiền bạc, vật tư xây dựng, rau cải, v.v...
Theo kinh nghiệm tôi và các bạn đồng tu, khi giữ được tâm niệm Phật, được Phật lực gia bị, hiện tướng cao quý khiến người kính mến vô điều kiện. Riêng tôi, nghĩ đến Phật, không cần gì thì gần như được tất cả; nhờ đó tôi hiểu được ý Phật dạy rằng bỏ tất cả, được tất cả. Ta không cần tiếng khen, lợi dưỡng, chỉ có Phật là quan trọng đối với ta thì cánh cửa Phật mở ra cho ta bước vào, đó là Tỳ Lô Giá Na lâu các hay Thường Tịch Quang chơn cảnh. Trụ ở thế giới vĩnh hằng ấy, tất nhiên không còn thiết tha gì thế giới sanh tử này, nên họ hiện Phật thân. Nhưng chúng ta đóng kín cửa Phật, mở cửa tham vọng, sân si thì mọi việc xảy ra thực phiền toái, nào là tiền bạc, thợ thuyền, vật tư, địa vị, quyền lợi, v.v..., đưa đẩy chúng ta trở ra trần tục. Cần người giỏi, hiền, giàu có, mà họ vẫn bặt tăm, chỉ có toàn người ác đến. Tham vọng khởi lên, mọi việc sẽ diễn biến hoàn toàn trái ngược. Tôi tự kiểm tâm mình, muốn tốt thì việc xấu thêm; nhưng buông bỏ, không cần, tốt tự tới, không cần tiền thì người đến cúng, cần thì người lại đến xin ta.
Quyết lòng đóng cửa trần lao để mở cánh cửa giải thoát. Quý cô nên áp dụng pháp này, đừng vào trần lao, tức đừng chạy theo địa vị, danh vọng, tiền của..., chẳng được gì, chỉ được khổ chồng thêm khổ. Chúng ta nỗ lực làm cho nhiều tiền, chùa lớn, đệ tử đông, người kính trọng; nhưng cuối cùng ta mất nhiều hơn là được và mất mát quan trọng nhất đối với người tu là đi lạc vào trần lao, chắc chắn mất bản tâm, theo kinh Pháp Hoa, là điều đáng sợ nhất. Mất bản tâm thì quan hệ với Phật không còn, ta không nhận được lực Phật gia bị nữa, nên không nghĩ đến Phật, không tin Phật, dù có làm gì cũng thất bại; càng bố thí, cúng dường càng nghèo khổ. Và khi mất niềm tin, trở lại cuộc đời, sống với khôn dại của chúng sanh, ta thua xa. Còn tu, hiền lành vậy mà cũng được ít nhiều. Hoàn tục, sử dụng toàn là khôn ngoan thủ đoạn, đọ với người, ta khôn một thì người khôn mười, làm ăn, buôn bán, sinh sống đều thua họ; đó là sự thật.
Nương với Phật, mọi việc được dễ dàng, nhưng mất bản tâm, lao vào nghiệp chướng, hết nghiệp chướng này sanh nghiệp chướng khác và sống với khôn dại này mà tiếp tục mặc áo tu, ở chùa thì buồn phiền, khổ đau xảy ra cho chúng ta thực đáng sợ. Tưởng được chùa tốt, nhưng phước hết mà ôm chùa lớn là tai họa. Chùa xuống cấp, không tiền sửa chữa, chùa hết gạo mà không ai cúng, chúng không nuôi nổi và họ cũng không nghe lời ta, bỏ đi. Ba việc không lành này xảy ra cho trụ trì, khổ vô cùng. Lúc ấy, tâm giải thoát biến mất, tâm khổ đau trần thế sanh ra, phá hủy thân họ thành bệnh hoạn. Trên bước đường tu, thân bệnh, tâm buồn, phước căn bản mất, thì càng tu càng đọa, khổ. Tâm buồn, thân bệnh thì nhất định việc thứ ba phải đến là quyến thuộc bỏ đi. Bỏ đi còn may, họ không đi còn ở lại chống đối ta thì mệt nữa. Tôi thấy có nhiều trụ trì đuổi đệ tử, họ không đi còn ở lại kêu thêm người chống phá. Khởi từ tâm buồn, thân bệnh, người thân phá hại là tiến triển theo trình tự tất yếu phải như vậy. Riêng tôi, thấy buồn là kiết thất, tụng kinh Pháp Hoa cho tiêu nghiệp, vì nghiệp hiện, Phật không gia bị, nhất định quả báo phải tới. Tôi nhắc các cô khi buồn thì nên ngưng các Phật sự, vì buồn mà làm là biến Phật sự thành ma sự. Tâm thương người, hoan hỷ sanh là Phật sự; nhưng tâm buồn bực là ma, tuy cũng cùng một việc. Cũng cùng một Thầy kinh hành, niệm Phật, quả đường với tâm hoan hỷ, ta thấy dễ thương. Nhưng khi Thầy này cũng làm việc đó mà tâm buồn khổ, ta thấy dễ sợ. Càng làm càng lún sâu trần lao nghiệp chướng. Gặp phiền phức, tôi ngưng việc, vì tự biết rằng mất bản tâm, không tu được, không gặp Phật. Thà hư việc còn hơn hư tâm. Phật dạy phải tự tịnh kỳ ý, nghĩa là đừng cho tâm mất, để giữ mối liên hệ với Phật. Bản tâm thanh tịnh cũng ví như radio nghe được đài. Mất bản tâm, ta không nghe được lời Phật mười phương khuyên bảo.
Tôi làm được đạo đến ngày nay cũng nhờ nắm giữ cốt lõi này. Chư vị Tổ sư cũng vậy, có lúc ẩn tu có lúc xuất hiện làm đạo. Ẩn tu, ngưng Phật sự, để giữ tâm thanh tịnh; ráng làm thì bệnh sanh, tâm phiền muộn và không có sức khỏe, có làm cũng không được. Khi lực đã bất tòng tâm mà còn cố gắng nữa là chết liền và đọa địa ngục. Kinh nghiệm tôi năm 1963 hết lòng vì đạo, nhưng năm 1965 Phật giáo thành công, tôi thấy phiền não nổi dậy với biết bao nhiêu chuyện tranh chấp. Tôi bỏ mọi việc, sang Nhật tu học, là thời ẩn cư tám năm, tôi không biết gì về sinh hoạt của Giáo hội nước nhà. Ở yên tám năm suy nghĩ, tu hành, tôi trở lại bản tâm mình và được Phật gia bị, mới làm đạo đến nay. Nếu không ẩn cư trong tình hình phức tạp ấy, e rằng khó tránh khỏi bị lôi cuốn vào phiền não xoay vòng đến chóng mặt, như một số bạn tôi làm đạo từ năm 1965 đến 1975, gần như thân tàn ma dại. Tu hành mà không ngăn chặn phiền não, để nó hiện ra thân và miệng, chắc chắn phải đọa. Thân bệnh, tâm buồn thì người thân lánh xa, cho oán thù đến với ta. Trước kia người thân hết lòng, nhưng nay họ bỏ đi cho kẻ thù đến quậy phá, chúng ta lo chống đỡ thì chết sớm. Người đến với ta vì danh lợi, vì ăn uống, vì đủ thứ đòi hỏi, làm sao chúng ta tồn tại nổi. Chỉ có người giải thoát cùng tu chung mới mong điều hành yên ổn.
Tôi ở tu viện, Phật học viện nhiều năm thấy chúng Hiền Thánh đến, trụ trì không cần ràng buộc, kỷ luật, việc cũng tự tốt vì ai cũng siêng học, siêng tu, người nào việc nấy. Nhưng từ năm 1965 đến 1975, phong trào Phật giáo tranh đấu nổi dậy, chùa Ấn Quang đã trở thành trung tâm oán thù. Hòa thượng Thanh Từ coi Phật học viện Huệ Nghiêm, ngài nói với tôi rằng đưa chúng Tăng ra Ấn Quang ở một tháng rồi về là họ hết tu, vì lòng họ đầy ắp thù hận, đáng sợ. Người thân không tới, mà người thù ở chung, đúng như Phật dạy là "oán tắng hội khổ và ái biệt ly khổ”. Ở với ma, làm bạn lữ với ma, chẳng những không tu được, còn chết nữa. Bước đầu ma cũng giúp ta được vài việc, vì ma không tốt, ví như bọn xì ke, buôn lậu... Khi làm ăn phi pháp có tiền nhiều, nó có thể cho chúng ta xài sướng, nhưng khi nó bị bắt thì ta cũng ở tù theo. Kết bạn với người xấu ác rồi, không bao giờ nó buông tha ta, cuối cùng ta cũng vào cảnh tù đày, địa ngục như nó.
Người tu nên đóng bít cánh cửa sanh tử, đi vào Niết bàn để nhận sự gia bị của Phật; tuyệt đối đừng để tâm buồn, thân bệnh, không tránh xa Hiền Thánh và đừng cho ác ma kéo đến gần. Tôi nhớ Hòa thượng Trí Thủ có nói rằng một số người trẻ xúi ngài làm điều sai quấy. Hòa thượng trả lời là ngài đã 75 tuổi, không thể nghe lời xúi bậy và chỉ lo tụng kinh Hoa Nghiêm. Kinh nghiệm cho thấy những lúc khó khăn, tâm chúng ta đang dao động, nên tránh những kẻ xấu ác thường lợi dụng hoàn cảnh khó đến hiến kế cho chúng ta. Thực tế, khi ta sa cơ thất thế, người đến xúi bậy không ít. Theo tôi, lúc ấy nên khóa cửa tam giới, chỉ còn một hướng giải thoát là tốt nhất. Ngay như hiện tại, còn làm nhiều việc quan trọng, tôi cũng đã không tha thiết, chẳng qua là gặp duyên thì làm. Điều chính yếu đối với tôi là chết phải dứt khoát theo Phật, vì ở đây chỉ là cõi tạm bợ thôi. Luôn luôn mở sẳn cánh cửa Niết bàn để đi tới. Niết bàn là tâm an lạc, việc nào an thì chúng ta làm, không an thì tránh. Còn buồn phiền dấn thân càng xa càng khổ.
Cầu mong chư Ni trong một tháng An cư còn lại, nỗ lực dẹp sạch phiền não, tâm an vui giải thoát, thân khỏe mạnh, được người thương quý. Đó là tư lương cho cảnh hữu dư y Niết bàn tại thế và là hành trang đưa chúng ta đi về thế giới vĩnh hằng của chư Phật trong tương lai.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Phổ Đức, tỉnh Tiền Giang, ngày 12-8-2001)
Trong Phật pháp, Đức Phật chia ra bốn chúng, hai chúng xuất gia và hai chúng tại gia. Tuy nhiên, dù chia như vậy, nhưng tinh thần Đại thừa căn cứ trên tâm niệm và năng lực của con người để sắp xếp khác. Đại thừa chia theo cấp bậc thứ tự từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, đến Thập hồi hướng thuộc vào hàng tam Hiền và từ Bồ tát Thập địa trở lên là thập Thánh, khác với Nhị thừa xếp Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm là tam Hiền và A la hán là Thánh.
Theo Phật có hai con đường vào đạo, một là dùng trí tuệ, hai là dùng niềm tin. Phần lớn kinh Nguyên thủy nhắc lại lời Phật dạy là phải dùng trí tuệ, đừng dùng niềm tin. Phật dạy rằng đừng vội tin những lời của người truyền từ xưa đến nay, hay đừng tin vào những gì người khác nói hoặc đừng tin theo tập tục, truyền thuyết đã có sẵn. Cần phải xét xem những điều đó có đúng không, có còn thích hợp với chúng ta ngày nay không. Nếu thích hợp và có kết quả tốt, chúng ta mới nương theo. Điều này dễ hiểu vì ở thời kỳ Phật tại thế có gần cả trăm thứ dị kiến ngoại đạo, cũng tương tự như miền đồng bằng sông Cửu Long ở nước ta trước năm 1975, có nhiều đạo do các ông đạo tu ở núi rừng như đạo dừa, đạo ớt, đạo nước lạnh, đạo sờ... Phần lớn những người này đưa ra những cách tu mê tín để mê hoặc dụ dỗ người theo nhằm thỏa mãn mưu đồ riêng tư.
Chính vì sự hiện hữu của tà giáo ngoại đạo quá nhiều làm não loạn tâm lý mọi người, Đức Phật mới đưa ra lời dạy đừng vội tin theo thuyết này, người nọ, phải xét lại việc họ làm có đúng như lời nói hay không. Họ tự khoe khoang có thần thông bay được mà thực tế còn phải lê đôi chân trần thì không thể nào tin họ được. Từ đó, Đức Phật giáo hóa người rất thực tế, những gì Ngài nói đều thể hiện đúng như vậy trong cuộc sống của Ngài và Đức Phật dùng thành quả đúng đắn ấy mà dạy người. Đó là điểm căn bản quan trọng của đạo Phật, gọi là giáo hóa trên quả môn, tức dùng thành quả tu được để dạy người.
Giáo hóa người bằng thành quả, Đức Phật có tam chuyển pháp luân là thân chuyển, khẩu chuyển và ý chuyển. Trong tam chuyển pháp luân của Đức Phật, đầu tiên ý chuyển hay tâm chuyển là quan trọng, nghĩa là phải có tấm lòng với đối tượng muốn giáo hóa. Thật vậy, thực tế cho thấy việc giáo hóa chúng sanh hay dạy dỗ con cái, nuôi dạy đệ tử với tất cả tấm lòng mình là quan trọng; không thương, không hết lòng thì không dạy được. Đức Phật thể hiện trọn vẹn, sâu sắc tình thương yêu dìu dắt mọi loài chúng sanh, nên loài người trải qua hàng ngàn năm vẫn còn nghĩ đến Ngài. Nhưng muốn giáo hóa chúng sanh bằng tâm, phải tu cho được bốn tâm vô lượng thì giáo hóa người dễ dàng, dù họ có mặt hay không.
Đức Phật dạy người bằng tâm Từ vô lượng nên người nghĩ Phật là đấng cha lành của họ. Phật giáo hóa bằng tâm Bi, nên ai cũng nghĩ Phật che chở cho riêng họ. Kinh nghiệm tôi cũng vậy, luôn thấy Phật thương mình nên tu được. Phật thành tựu tâm Hỷ, nên người làm được những việc gì tốt đẹp nhất đều dâng lên cho Phật. Tôi sơ tâm học đạo gặp nhiều chướng duyên, bạn không thuận với mình, thậm chí cả Thầy cũng không hiểu mình. Tôi nghĩ chỉ có Phật hiểu mình là đủ, nhờ niềm tin vững ở Phật như vậy mà tôi nhận được Phật lực gia bị và vượt qua nhiều chướng duyên, an trú trong chánh pháp. Điều đó có nghĩa là tôi đã nhận được tâm tùy hỷ của Đức Phật và tôi cũng sử dụng tâm tùy hỷ của mình đối với mọi người. Ai làm được điều gì tốt, ta cũng phải tùy hỷ, thì Phật gia bị đến ta, tâm ta liền biến thành tâm Phật; mà Phật luôn nghĩ đến chúng sanh, nên tâm ta cũng nghĩ đến chúng sanh, kết quả là vô số chúng sanh đi theo ta. Thực tế như tôi không thể đi giáo hóa khắp mọi nơi, nhưng khi đến các tỉnh từ Nam ra Bắc, Phật tử đã hiểu tôi và xin quy y, thọ pháp với tôi. Điều này phát xuất từ tâm tùy hỷ của Phật, tâm tùy hỷ của tôi đối với Phật, tôi đã xây dựng được đạo tràng vô tướng. Và sau cùng trong tứ vô lượng tâm, Phật có Xả tâm, không có buồn phiền hay việc gì không vừa ý dính mắc vào lòng Phật, "Tâm Thế Tôn mảy trần không bợn”. Tu theo Xả tâm của Phật, ai làm gì mất lòng chúng ta dù cố ý hay vô tình, cũng đừng giữ tâm buồn bực quá năm phút; vì nếu giữ lâu tâm buồn chán sẽ làm tiêu mất nghiệp lành của chúng ta, về sau không tu được nữa. Tôi kinh nghiệm điều này, ai làm tôi buồn và giữ nỗi buồn này lâu, tôi cảm thấy tim mình bị nhói. Trái tim vô hình mới quan trọng vì khi nó chất chứa buồn giận, chán ghét, mình sẽ muốn bỏ tu.
Bước theo dấu chân Phật, cái gì qua thì cho qua luôn, ta tìm việc mới để làm. Mỗi ngày cố gắng làm một ít công đức. Và công đức giáo hóa chúng sanh bằng tâm là khi ta bắt được nhịp cầu giữa tâm ta và tâm Phật thì tâm vô lượng của chúng ta hướng đến đâu, chúng ta sẽ giáo hóa được đến đó; Mật giáo gọi là tức thân thành Phật hay thành Phật liền tức thì. Thật vậy, khi lạy Phật, niệm Phật hay Thiền định, chỉ có một niệm tâm nghĩ đến Phật, thì Phật lực gia bị cho ta, nên tướng Phật hiện trong thân ta. Chúng sanh nhìn thấy liền cung kính, phát tâm là ta đã giáo hóa được họ. Nhưng vì trần lao nghiệp chướng của ta còn nhiều, nên một niệm sau không còn thanh tịnh, không nhận được Phật lực gia bị, thì phiền não trần lao nổi dậy liền. Lúc ấy, chúng ta hoàn trở lại cốt chúng sanh, họ thấy chúng ta rõ là chúng sanh đáng khinh chê, ghét bỏ. Tôi có cảm giác giống như mở công tắc điện, dòng điện đi vào bóng đèn tâm, khiến tâm sáng lên, làm người nghĩ ta là Phật. Nhưng khi chúng ta ngưng lạy Phật, không niệm Phật, ví như tắt điện, tâm chúng ta không duyên với Phật nữa. Lúc ấy, có hai trường hợp xảy ra. Một là tâm chúng ta duyên với trống không, thì ta thành gỗ đá, sự hiện hữu của chúng ta cũng như không có, ta vô tâm, vô tình, thì người cũng hết nghĩ đến ta. Hai là tâm chúng ta tách rời Phật và mở cửa sanh tử của chúng sanh. Có thể ví thân ta như cái nhà kính có hai cửa, cửa mở qua thế giới Phật thì thấy Phật và cửa mở ra thế giới chúng sanh, chúng sanh sẽ hiện vào tâm ta. Trong lúc tụng kinh, ngồi Thiền, lạy Phật, tôi để ý thấy người lạy Phật và tâm nghĩ đến Phật, trông họ dễ thương lạ. Nhưng cũng lạy Phật mà nghĩ đến chúng sanh là nghiệp khởi và tâm ta nghĩ cái gì, cái đó sẽ hiện lên thân tướng ta. Những người bị bắt buộc kinh hành, tôi thấy rõ trên nét mặt họ hiện ra cơm nước, tiền bạc, vật tư xây dựng, rau cải, v.v...
Theo kinh nghiệm tôi và các bạn đồng tu, khi giữ được tâm niệm Phật, được Phật lực gia bị, hiện tướng cao quý khiến người kính mến vô điều kiện. Riêng tôi, nghĩ đến Phật, không cần gì thì gần như được tất cả; nhờ đó tôi hiểu được ý Phật dạy rằng bỏ tất cả, được tất cả. Ta không cần tiếng khen, lợi dưỡng, chỉ có Phật là quan trọng đối với ta thì cánh cửa Phật mở ra cho ta bước vào, đó là Tỳ Lô Giá Na lâu các hay Thường Tịch Quang chơn cảnh. Trụ ở thế giới vĩnh hằng ấy, tất nhiên không còn thiết tha gì thế giới sanh tử này, nên họ hiện Phật thân. Nhưng chúng ta đóng kín cửa Phật, mở cửa tham vọng, sân si thì mọi việc xảy ra thực phiền toái, nào là tiền bạc, thợ thuyền, vật tư, địa vị, quyền lợi, v.v..., đưa đẩy chúng ta trở ra trần tục. Cần người giỏi, hiền, giàu có, mà họ vẫn bặt tăm, chỉ có toàn người ác đến. Tham vọng khởi lên, mọi việc sẽ diễn biến hoàn toàn trái ngược. Tôi tự kiểm tâm mình, muốn tốt thì việc xấu thêm; nhưng buông bỏ, không cần, tốt tự tới, không cần tiền thì người đến cúng, cần thì người lại đến xin ta.
Quyết lòng đóng cửa trần lao để mở cánh cửa giải thoát. Quý cô nên áp dụng pháp này, đừng vào trần lao, tức đừng chạy theo địa vị, danh vọng, tiền của..., chẳng được gì, chỉ được khổ chồng thêm khổ. Chúng ta nỗ lực làm cho nhiều tiền, chùa lớn, đệ tử đông, người kính trọng; nhưng cuối cùng ta mất nhiều hơn là được và mất mát quan trọng nhất đối với người tu là đi lạc vào trần lao, chắc chắn mất bản tâm, theo kinh Pháp Hoa, là điều đáng sợ nhất. Mất bản tâm thì quan hệ với Phật không còn, ta không nhận được lực Phật gia bị nữa, nên không nghĩ đến Phật, không tin Phật, dù có làm gì cũng thất bại; càng bố thí, cúng dường càng nghèo khổ. Và khi mất niềm tin, trở lại cuộc đời, sống với khôn dại của chúng sanh, ta thua xa. Còn tu, hiền lành vậy mà cũng được ít nhiều. Hoàn tục, sử dụng toàn là khôn ngoan thủ đoạn, đọ với người, ta khôn một thì người khôn mười, làm ăn, buôn bán, sinh sống đều thua họ; đó là sự thật.
Nương với Phật, mọi việc được dễ dàng, nhưng mất bản tâm, lao vào nghiệp chướng, hết nghiệp chướng này sanh nghiệp chướng khác và sống với khôn dại này mà tiếp tục mặc áo tu, ở chùa thì buồn phiền, khổ đau xảy ra cho chúng ta thực đáng sợ. Tưởng được chùa tốt, nhưng phước hết mà ôm chùa lớn là tai họa. Chùa xuống cấp, không tiền sửa chữa, chùa hết gạo mà không ai cúng, chúng không nuôi nổi và họ cũng không nghe lời ta, bỏ đi. Ba việc không lành này xảy ra cho trụ trì, khổ vô cùng. Lúc ấy, tâm giải thoát biến mất, tâm khổ đau trần thế sanh ra, phá hủy thân họ thành bệnh hoạn. Trên bước đường tu, thân bệnh, tâm buồn, phước căn bản mất, thì càng tu càng đọa, khổ. Tâm buồn, thân bệnh thì nhất định việc thứ ba phải đến là quyến thuộc bỏ đi. Bỏ đi còn may, họ không đi còn ở lại chống đối ta thì mệt nữa. Tôi thấy có nhiều trụ trì đuổi đệ tử, họ không đi còn ở lại kêu thêm người chống phá. Khởi từ tâm buồn, thân bệnh, người thân phá hại là tiến triển theo trình tự tất yếu phải như vậy. Riêng tôi, thấy buồn là kiết thất, tụng kinh Pháp Hoa cho tiêu nghiệp, vì nghiệp hiện, Phật không gia bị, nhất định quả báo phải tới. Tôi nhắc các cô khi buồn thì nên ngưng các Phật sự, vì buồn mà làm là biến Phật sự thành ma sự. Tâm thương người, hoan hỷ sanh là Phật sự; nhưng tâm buồn bực là ma, tuy cũng cùng một việc. Cũng cùng một Thầy kinh hành, niệm Phật, quả đường với tâm hoan hỷ, ta thấy dễ thương. Nhưng khi Thầy này cũng làm việc đó mà tâm buồn khổ, ta thấy dễ sợ. Càng làm càng lún sâu trần lao nghiệp chướng. Gặp phiền phức, tôi ngưng việc, vì tự biết rằng mất bản tâm, không tu được, không gặp Phật. Thà hư việc còn hơn hư tâm. Phật dạy phải tự tịnh kỳ ý, nghĩa là đừng cho tâm mất, để giữ mối liên hệ với Phật. Bản tâm thanh tịnh cũng ví như radio nghe được đài. Mất bản tâm, ta không nghe được lời Phật mười phương khuyên bảo.
Tôi làm được đạo đến ngày nay cũng nhờ nắm giữ cốt lõi này. Chư vị Tổ sư cũng vậy, có lúc ẩn tu có lúc xuất hiện làm đạo. Ẩn tu, ngưng Phật sự, để giữ tâm thanh tịnh; ráng làm thì bệnh sanh, tâm phiền muộn và không có sức khỏe, có làm cũng không được. Khi lực đã bất tòng tâm mà còn cố gắng nữa là chết liền và đọa địa ngục. Kinh nghiệm tôi năm 1963 hết lòng vì đạo, nhưng năm 1965 Phật giáo thành công, tôi thấy phiền não nổi dậy với biết bao nhiêu chuyện tranh chấp. Tôi bỏ mọi việc, sang Nhật tu học, là thời ẩn cư tám năm, tôi không biết gì về sinh hoạt của Giáo hội nước nhà. Ở yên tám năm suy nghĩ, tu hành, tôi trở lại bản tâm mình và được Phật gia bị, mới làm đạo đến nay. Nếu không ẩn cư trong tình hình phức tạp ấy, e rằng khó tránh khỏi bị lôi cuốn vào phiền não xoay vòng đến chóng mặt, như một số bạn tôi làm đạo từ năm 1965 đến 1975, gần như thân tàn ma dại. Tu hành mà không ngăn chặn phiền não, để nó hiện ra thân và miệng, chắc chắn phải đọa. Thân bệnh, tâm buồn thì người thân lánh xa, cho oán thù đến với ta. Trước kia người thân hết lòng, nhưng nay họ bỏ đi cho kẻ thù đến quậy phá, chúng ta lo chống đỡ thì chết sớm. Người đến với ta vì danh lợi, vì ăn uống, vì đủ thứ đòi hỏi, làm sao chúng ta tồn tại nổi. Chỉ có người giải thoát cùng tu chung mới mong điều hành yên ổn.
Tôi ở tu viện, Phật học viện nhiều năm thấy chúng Hiền Thánh đến, trụ trì không cần ràng buộc, kỷ luật, việc cũng tự tốt vì ai cũng siêng học, siêng tu, người nào việc nấy. Nhưng từ năm 1965 đến 1975, phong trào Phật giáo tranh đấu nổi dậy, chùa Ấn Quang đã trở thành trung tâm oán thù. Hòa thượng Thanh Từ coi Phật học viện Huệ Nghiêm, ngài nói với tôi rằng đưa chúng Tăng ra Ấn Quang ở một tháng rồi về là họ hết tu, vì lòng họ đầy ắp thù hận, đáng sợ. Người thân không tới, mà người thù ở chung, đúng như Phật dạy là "oán tắng hội khổ và ái biệt ly khổ”. Ở với ma, làm bạn lữ với ma, chẳng những không tu được, còn chết nữa. Bước đầu ma cũng giúp ta được vài việc, vì ma không tốt, ví như bọn xì ke, buôn lậu... Khi làm ăn phi pháp có tiền nhiều, nó có thể cho chúng ta xài sướng, nhưng khi nó bị bắt thì ta cũng ở tù theo. Kết bạn với người xấu ác rồi, không bao giờ nó buông tha ta, cuối cùng ta cũng vào cảnh tù đày, địa ngục như nó.
Người tu nên đóng bít cánh cửa sanh tử, đi vào Niết bàn để nhận sự gia bị của Phật; tuyệt đối đừng để tâm buồn, thân bệnh, không tránh xa Hiền Thánh và đừng cho ác ma kéo đến gần. Tôi nhớ Hòa thượng Trí Thủ có nói rằng một số người trẻ xúi ngài làm điều sai quấy. Hòa thượng trả lời là ngài đã 75 tuổi, không thể nghe lời xúi bậy và chỉ lo tụng kinh Hoa Nghiêm. Kinh nghiệm cho thấy những lúc khó khăn, tâm chúng ta đang dao động, nên tránh những kẻ xấu ác thường lợi dụng hoàn cảnh khó đến hiến kế cho chúng ta. Thực tế, khi ta sa cơ thất thế, người đến xúi bậy không ít. Theo tôi, lúc ấy nên khóa cửa tam giới, chỉ còn một hướng giải thoát là tốt nhất. Ngay như hiện tại, còn làm nhiều việc quan trọng, tôi cũng đã không tha thiết, chẳng qua là gặp duyên thì làm. Điều chính yếu đối với tôi là chết phải dứt khoát theo Phật, vì ở đây chỉ là cõi tạm bợ thôi. Luôn luôn mở sẳn cánh cửa Niết bàn để đi tới. Niết bàn là tâm an lạc, việc nào an thì chúng ta làm, không an thì tránh. Còn buồn phiền dấn thân càng xa càng khổ.
Cầu mong chư Ni trong một tháng An cư còn lại, nỗ lực dẹp sạch phiền não, tâm an vui giải thoát, thân khỏe mạnh, được người thương quý. Đó là tư lương cho cảnh hữu dư y Niết bàn tại thế và là hành trang đưa chúng ta đi về thế giới vĩnh hằng của chư Phật trong tương lai.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Phổ Đức, tỉnh Tiền Giang, ngày 12-8-2001)