Sách
Niên học 1996-1997 vừa khai giảng với gần hai mươi triệu học sinh đến trường. Nếu chỉ nhìn vào con số theo báo cáo, có thể lạc quan. Nhưng quan sát thực trạng trẻ em đến trường và trường lớp còn khá nhiều khó khăn, vì tình trạng học ca ba, ca bốn chưa được giải quyết, thậm chí có nơi dự tính học ca đêm. Ngoài ra, trẻ em các tỉnh phía Bắc còn đang gánh chịu thêm nhiều khó khăn hơn với trường lớp sụp đổ, hư hỏng nặng. Dù khó khăn, nhưng bằng mọi cách, phải đầu tư công sức, tiền của cho vấn đề giáo dục. Thật vậy, trong tương lai, đất nước chúng ta phồn thịnh hay không tùy thuộc rất nhiều vào sự nghiệp trồng người hôm nay.
Để đất nước khỏi bị tụt hậu và đáp ứng đà phát triển trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường, phải có những biện pháp đặc biệt để giáo dục có bước tăng tốc phát triển. Vì vậy, hướng giáo dục-đào tạo như thế nào cho thế hệ trẻ đầy đủ vốn liếng kiến thức và kỹ năng phù hợp với thời đại, mới có thể đưa đất nước tiến lên cùng nhịp với các nước bạn trong khu vực. Song song với việc trang bị cho giới trẻ tầm hiểu biết cần thiết, thiết nghĩ chất liệu tình thương cũng không kém quan trọng trong việc xây dựng con người tốt đẹp. Thực tế cho thấy, những xã hội chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển tri thức, họ trang bị đầy đủ phương tiện giáo dục hiện đại, giúp cho kiến thức con người tăng rất nhanh. Tuy nhiên, kèm theo đó là biết bao tệ nạn mà các thanh thiếu niên phạm phải, một vấn đề đau đầu của phương cách giáo dục ở các nước văn minh vẫn tồn đọng, chưa có đáp số. Phải chăng tình thương, lòng nhân ái, ý thức mang an vui cho người chưa được quan tâm, un đúc cho lớp trẻ.
Theo tinh thần Phật giáo, từ bi và trí tuệ là hành trang của những tâm hồn đạo đức. Người có trí tuệ và lòng từ bi hiện hữu ở nơi nào, nơi đó trở thành sung túc, ấm no, hạnh phúc. Điều này thể hiện rõ nét trong cách điều hành việc nước của cha ông chúng ta. Lịch sử còn vang danh những vị vua đời Lý tài giỏi, giữ yên bờ cõi và hơn thế nữa, nổi tiếng vì đức độ nhân hậu, thương dân như thương con đẻ. Những năm mất mùa, vua Lý Thánh Tông giảm một nửa thuế cho dân hoặc đối xử nhân đạo với tù nhân, giải phóng cho các cung nữ. Thậm chí xuất kho để chuộc những phụ nữ nghèo khổ phải mang thân thế nợ, cho họ tự do trở về sinh sống... Ngoài ra, tâm từ của các minh quân đời Lý được thể hiện qua việc vua Lý Thái Tông tha Nùng Trí Cao và Lý Thánh Tông cho vua Chế Củ bại trận được trở về nước. Có thể nói đó là cách giải quyết chính trị khéo léo, nhưng nếu không có Từ tâm thì cũng khó mà nghĩ đến sự khoan hồng cho kẻ thù. Tinh ba của đạo Phật đã un đúc nên những minh quân lãnh đạo đức độ, sáng suốt, được cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhận xét: Đời Lý có thể coi là thời đại thuần từ nhất của nước ta, nhờ ảnh hưởng của Phật giáo.
Thiết nghĩ qua việc làm tốt đẹp, ích nước lợi dân của các vua đời Lý, chúng ta có thể rút ra mô hình giáo dục; theo đó, xây dựng lớp trẻ phát triển trí tuệ, cùng với thăng hoa tình thương yêu gia đình, bè bạn, đồng bào, nhân loại, đối xử nhân ái, lợi lạc cho người và cả muôn loài. Chúng ta kỳ vọng ở lớp trẻ được giáo dưỡng theo tinh thần từ bi, trí tuệ, gieo mầm cho sự hình thành một xã hội thuần từ, tươi sáng mai sau.
(Báo GN số 25, ngày 21-9-1996)