Sách
Vì vậy, con người từ thuở bé cho đến tuổi trưởng thành, việc quan trọng nhất là phải nỗ lực học để phát triển trí tuệ. Học được càng nhiều càng tốt, học ở Thầy, học ở bạn, học ở cuộc đời, học ở những người đi trước. Có thể nói việc khởi nghiệp của người Phật tử là phải học, cho đến khi chúng ta có ít nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, thì sử dụng trí tuệ sáng suốt ấy để soi rọi vào mối quan hệ giữa ta với mọi người trong cuộc sống này, quan sát biết được người nào ta nên gần gũi, người nào không nên kết bạn, người nào ta nên hợp tác, người nào không nên hợp tác.
Có thể khẳng định rằng với người có đạo đức, ta mới nên gần gũi và với người trung thực, ta mới nên hợp tác; vì người đạo đức và người trung thực mới giúp chúng ta xây dựng được sự nghiệp lâu dài. Trong kinh Duy Ma cũng nhấn mạnh đến ba đức tính quan trọng của Bồ tát là trực tâm, thâm tâm và Bồ đề tâm. Trực tâm chính là tánh trung thực, trung thực với chính mình và trung thực với mọi người. Thâm tâm là lòng thương người, một người có đạo đức thì luôn thể hiện tình thương đối với người khác, chứ không ích kỷ nghĩ đến lợi riêng của mình và Bồ đề tâm là trí sáng suốt luôn hướng đến quả vị giác ngộ cao tột là sự hiểu biết tối thượng của Phật.
Ở xã hội Nhật Bản, một nước nổi tiếng phát triển trên thế giới về đời sống văn minh vật chất, nhưng họ vẫn giữ gìn được nếp sống đạo đức. Thật vậy, có không ít các công ty của Nhật từ lúc sáng nghiệp cho đến nay, tồn tại kéo dài từ 100 năm cho đến 700 năm, là nhờ họ giữ được uy tín trong lãnh vực kinh doanh, thể hiện tính chất đạo đức của con người qua việc sản xuất hàng hóa có chất lượng mỗi ngày mỗi tốt hơn, mới duy trì được công việc làm ăn lâu dài và giữ vững được uy tín trên thương trường. Còn những người vô đạo đức thì làm ăn chụp giựt, không trung thực, chỉ biết thu lợi nhuận về thật nhiều, thường quảng cáo hàng mẫu tốt mà hàng bán ra thì xấu, hàng sản xuất lần đầu tốt, lần thứ nhì kém chất lượng hơn và mỗi ngày mỗi xấu hơn khiến cho người mua bực mình cho đến mất lòng tin nơi họ. Người vô đạo đức như vậy thì sớm muộn gì, công việc làm ăn của họ cũng kết thúc thảm hại.
Mặc dù mỗi người có cuộc sống vật chất cao hay thấp là tùy thuộc ở phước báu riêng của từng người trong hiện đời cũng như của những kiếp quá khứ dẫn đến cái quả tốt đẹp ít hay nhiều trong hiện tại. Tuy nhiên, sống theo Phật, muốn công việc được tồn tại và phát triển lâu dài, điều căn bản quan trọng là Phật tử phải phát huy trí tuệ để có cái nhìn sáng suốt không bị lòng tham và sự mê muội dẫn dắt đến những việc sai lầm khiến bị phá sản, hoặc bị tù tội. Bên cạnh sự hiểu biết đúng đắn, người Phật tử cũng cần có tánh trung thực trong việc giao tế và hợp tác với người. Và chính đức tánh trung thực đó thể hiện mẫu người đạo đức mà ai cũng quý mến, tin tưởng và muốn làm bạn với mình, muốn hợp tác với mình trong mọi công việc đời cũng như đạo, giúp cho mình gầy dựng được uy tín và sự nghiệp lớn lao, lâu dài, cũng như mang lại cuộc sống hạnh phúc và danh thơm cho bản thân, cho gia đình và cho cả dòng họ.