Sách
Trong pháp hội này, Đức Phật dạy chúng ta phải có cách nhìn đời theo Phật, Bồ tát và Thánh Hiền, không nên nhìn theo cách của tà giáo hay của người còn ở trong sanh tử luân hồi. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật cũng dạy rằng muốn giải thoát, phải có cái nhìn của người ở trong tam giới đã ra khỏi tam giới, nghĩa là không còn bị thiên nhiên và xã hội chi phối. Thật vậy, chúng sanh ở trong ba cõi không có sanh tử, nhưng họ nhận lầm có sanh tử và trôi lăn trong sanh tử, nhận lầm có khổ đau và sống với khổ đau. Đức Phật thương xót chúng ta, Ngài mới xuất hiện trên cuộc đời để chỉ dạy cho chúng ta nhận chân được sự thật như vậy. Ngày nay, bước theo dấu chân Phật, chúng ta thực sự có nhận ra điều này hay chưa. Nếu đã nhận ra ý Phật dạy mà vẫn thấy buồn phiền, vẫn than thân trách phận, chúng ta còn đứng ở vị trí chúng sanh, chưa thấy giống Phật, không giải thoát.
Đức Phật chia ra ngũ nhãn hay năm cách thấy khác nhau. Thấy theo phàm phu là thấy theo tham vọng. Ngoại đạo thấy theo sự hơn thua, phải trái. Hai cách thấy này khiến cho họ ở mãi trong sanh tử. Đức Phật gợi nhắc ý này trong kinh Pháp Hoa rằng các loài hung hãn sát hại nhau, nhưng chúng cũng không được lợi lạc gì. Thấy theo Nhị thừa không có gì an ổn trên cuộc đời này, nên họ chán sợ, muốn thoát ly. Pháp nhãn của Bồ tát cao hơn, thấy sanh tử không thực, chỉ là ảo giác. Bồ tát giáo hóa chúng sanh, giúp họ thấy đúng và thoát khỏi sanh tử như Bồ tát. Và Phật nhãn hay cái thấy theo chư Phật mười phương thấu suốt ngọn nguồn và diễn tiến của muôn pháp trong vũ trụ. Vì vậy, không có gì trở ngại được chư Phật. Điển hình là Đức Phật Thích Ca hiện hữu trên thế gian như bao người, nhưng tất cả ngoại đạo và người ác thời bấy giờ không thể hại được Ngài. Đức Phật quả là một bậc toàn giác và toàn năng.
Tên của pháp hội là Hư không mục nói lên ý Đức Phật muốn dạy chúng ta cách thấy xuất thế gian của người đắc đạo là thấy như hư không. Hư không bao gồm những gì vĩnh hằng hay chân lý. Chúng ta tu hành cũng để từng bước đạt đến thấy biết chân lý tuyệt đối. Mở đầu pháp hội, Đức Phật ngự ở Đại bảo phường đình nằm giữa cõi Dục và cõi Sắc, hay giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình. Thông thường, chúng ta thường phân ra thế giới hữu vi, vô vi, hữu tình, vô tình, hữu hình, vô hình. Đó là nhận thức của con người thường phân chia thành hai thế giới đối đãi nhau.
Thế giới chúng ta đang sống là hữu hình. Thế giới hữu hình không hằng hữu, nó luôn biến chuyển từng sát na, không dừng. Từ lúc chào đời đến khi từ giã cuộc đời, thân tâm của con người thay đổi theo từng hơi thở và vạn vật bên ngoài cũng luôn thay đổi. Nhưng người ta thường tưởng lầm là mọi thứ trên thế gian này hằng hữu. Thí dụ một dòng sông chảy liên tục là do nguyên tử này kết liền với nguyên tử kia, nhưng người đời tưởng là sông đứng yên hay muôn đời không thay đổi. Hoặc những người nghe pháp trong giảng đường ngày hôm qua đã vắng bóng ngày hôm nay. Người ta cũng như muôn sự, muôn vật tuần tự đổi thay trong cuộc sống. Với bản chất của vạn vật luôn thay đổi, Đức Phật dạy tướng sanh diệt, biến đổi, vô thường. Chỉ có sự đổi thay là không thay đổi, tức không có gì hằng hữu để phá bỏ sự chấp thường của chúng ta.
Muốn chỉ chân lý, Đức Phật phải đưa chúng hội vào thế giới nằm giữa hữu và vô, ở đây gọi là giữa Dục giới và Sắc giới, hay giữa chân và tục. Phật giáo không phải Chân đế, không phải Tục đế, nhưng là Nhị đế dung thông. Thật vậy, nếu chúng ta đi vào con đường xuất thế, không dính líu đến cuộc đời, không làm lợi ích cho người, thì bị xã hội ghép vào tội ăn bám và Phật giáo cũng không thể tồn tại. Nhưng nếu lăn xả vào đời, làm tất cả việc và từ đó tham sân nổi dậy, đánh mất đạo hạnh, thì Phật giáo cũng bị tiêu diệt. Không có trí tuệ, dễ ngộ nhận từ sai lầm này đến sai lầm khác. Đức Phật muốn nhắc các Tỳ kheo tinh thần Trung đạo đệ nhất nghĩa, chấp vào pháp nào cũng không đúng. Phải tùy duyên hành đạo, giáo hóa chúng sanh để đạt được phước đức và trí tuệ cho mình và người.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy thêm một ý nữa mà Đức Phật muốn đưa chúng hội vào thế giới ở giữa cõi Dục và Sắc. Nhớ lại sau khi Phật lập giáo khai tông ở Lộc Uyển, đạo Phật bắt đầu thành hình. Tuy lúc bấy giờ chỉ có năm anh em Kiều Trần Như, nhưng họ đều đạt quả vị Hiền Thánh, Đức Phật mới bắt đầu truyền đạo. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng phải đắc đạo mới có đạo để truyền bá lợi ích cho người. Đắc đạo thì làm gì cũng là đạo; chưa đắc đạo, nói nhiều cũng không ai nghe. Quý Thầy ngày nay cẩn thận, đừng để lạc vào một trong hai thái cực là chỉ theo đuổi bằng cấp hoặc từ bỏ học vấn, theo con đường vô vi trở thành gỗ đá, cả hai cách tu này đều không có đạo.
Trong pháp hội này nói về một số ngoại đạo quay trở lại theo Phật đạo, họ gồm đủ thành phần xã hội. Họ không đắc đạo, không có trí tuệ, vì chỉ tu tập tùy theo cảm tính của con người, theo truyền thống sai lầm. Trí Giả gọi cách tu hành ấy là cuồng hoa vô quả, tức tu đông, nhưng không ai thăng hoa được tri thức và đạo đức. Từ ngoại đạo quay về Phật đạo, họ còn mang theo quán tính sai lầm. Thí dụ tu Thiền theo Phật, nhưng chỉ được một lúc họ cũng rơi vô pháp Yoga cũ hay trở thành củi mục than nguội. Hoặc người ở phái lý luận thì thường so sánh ngoại đạo với Phật đạo, thấy cái hơn thua là đã rơi vào vọng thức, không thể đắc đạo. Có thể nói hàng tà định, tà đạo khó đi vào Phật đạo là vậy. Kinh nghiệm của riêng tôi đã thấy rõ ý này. Xưa kia, ở Phật học đường Nam Việt, có những người gốc là thầy cúng hay đồng bóng, bói toán.
Một khoảng thời gian sau, họ cũng chuyên xem sao, coi bói; còn việc tu học, thâm nhập giáo lý để đạt quả vị theo Phật, họ không thể làm nổi. Hòa thượng Thiện Hòa đành giao cho họ đi cúng. Đi cúng thì có tiền và xài tiền, nên họ cũng không thể học và tu. Hoặc có Thầy coi tay, coi tướng, kiếm được nhiều tiền và về sau họ hoàn tục, làm thầy bói, không tu nữa. Ngoại trừ những người có căn lành mới đi sâu vào giáo nghĩa, mới gặp Phật, Bồ tát, Thánh Tăng, không phải gặp tà ma quỷ quái. Có được sự tương giao ở thế giới tâm linh như vậy, mới nhận được lực gia bị của Phật, Bồ tát, Thánh Hiền và tâm trí mới sáng ra, thấy biết việc đúng đắn và làm đúng. Nhưng số người đi đúng hướng này rất ít, mà rơi vào tà ma thì nhiều, chúng ta cần phải cân nhắc.
Thời Đức Phật tại thế, Ngài là bậc đại trí, biết rõ tâm trí của hàng ngoại đạo theo Ngài. Vì vậy, Phật căn cứ vào tâm lý chuyển biến của đệ tử mà thay đổi pháp tu tương ưng cho họ, hướng dẫn trực tiếp tâm linh, giúp họ xóa bỏ thói quen sai lầm của ngoại đạo và thăng hoa theo Phật đạo. Nhưng ở thời kỳ của chúng ta, không có bậc đắc đạo, nên chân lý dễ bị mờ tối. Thật vậy, có người học lại bị kẹt trong sách vở nhiều hơn, không nắm bắt được chân lý; vì chân lý thì phải đi thẳng từ bản tâm của Thầy qua bản tâm ta. Họ không mở được tâm linh là lý do đó. Học thì kẹt sách và nhìn thân giáo sư, thì cũng không thấy giải thoát, nên họ rơi vô lý thuyết suông. Theo tôi, tinh ba của Đức Phật truyền trao không phải là những gì mà chúng ta nắm bắt được bằng suy luận, hiểu biết theo vọng thức. Vì vậy, điều quan trọng của người tu hành là phải xả bỏ vọng tưởng điên đảo. Từ đó, việc sử dụng ngữ ngôn, văn tự chỉ là phương tiện tạm mượn để dạy đạo; đạo chỉ có khi có sự tu chứng. Qua ngôn ngữ, chúng ta nhận ra hình tướng của Phật, của Tổ sư và sự thực chứng của các Ngài.
Đối với tôi, kinh là pháp sở hành, tức nương theo kinh để tu hành, ta có được sở đắc thiết thực, nhờ đó, ta mới cảm hóa được người, giúp họ an vui giải thoát. Sở đắc về kinh theo Phật đạo như vậy khác với việc các đại luận sư theo truyền thống Bà la môn đăng đàn thuyết pháp để tranh cãi. Điển hình như Xá Lợi Phất trước khi theo Phật đã từng là luận sư bậc nhất ở Ma Kiệt Đà. Mặc dù có tài hùng biện bẻ gẫy được mọi lý luận của các luận sư khác, nhưng sao lòng ngài vẫn cảm thấy bất an. Điều này dễ hiểu, vì chính những lý luận, dữ kiện tràn đầy trong tim óc đã dằn vặt ông phải khổ đau. Tuy nhiên, với tiềm thức chứa đầy phiền não như vậy, bất chợt gặp được Mã Thắng Tỳ kheo không nói một lời, Xá Lợi Phất lại cảm nhận được sức thuyết phục kỳ diệu. Đạo chính là chỗ đó. Mã Thắng đã đắc La hán, với tâm trong sạch, trọn lành của một bậc Thánh mới tác động cho tâm phân biệt, phải trái của Xá Lợi Phất dừng lại.
Trong công việc giáo hóa độ sanh, Đức Phật muốn hàng phục tâm vọng động của những người đã quen theo tà giáo, Ngài phải thay đổi tâm của họ bằng cách đưa họ lên Đại bảo phường đình là thế giới không thuộc thế tục, cũng không phải vô vi để thành gỗ đá như ngoại đạo.
Trên bước đường tu, áp dụng tinh thần này, quý Thầy nên tập cho đệ tử quên hẳn các thói quen cũ để không còn bị dính líu với ảnh hưởng xấu. Thí dụ cách ly họ với tà giáo bằng cách không cho họ đồng bóng, bói toán. Nếu thả lỏng, họ vẫn tiếp tục theo con đường tà, không thể tiến tu theo Phật đạo. Ở đây, Đức Phật dạy rằng các Tỳ kheo tất yếu phải đi trên lộ trình giải thoát. Và muốn được giải thoát, phải từ bỏ mọi thứ của thế tục bằng cách dùng phương tiện của Phật. Có rất nhiều phương tiện, nhưng theo tôi phương tiện quan trọng nhất là tập trung tư tưởng một chỗ, đừng nghĩ chuyện này chuyện khác, đừng ngó qua ngó lại. Thánh đệ tử thì không lăng xăng cả thân và tâm, ngồi yên và tập trung. Phật dạy chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện; nghĩa là tập trung được thì việc gì chúng ta cũng biết và giải được.
Trong Phật pháp có nhiều cách để dừng vọng tâm điên đảo. Một trong những phương tiện thường được áp dụng để tập trung là cột tâm trên hơi thở hay còn gọi là sổ tức quán, đếm hơi thở. Hơi thở ra, chúng ta biết thở ra, hơi thở vô, chúng ta biết thở vô. Hơi thở thô, chúng ta biết nó thô và làm cho nó thành nhẹ và dài. Theo kinh nghiệm của tôi, tu pháp này giúp tôi chữa được thân bệnh. Điều hòa được nhịp tim, hơi thở, ăn uống, ngủ nghỉ thì bệnh tật tự mất. Không phải đếm hơi thở khơi khơi mà đắc đạo. Phật dạy sổ tức quán, nhưng phải kèm theo giác, quán, hỷ, lạc và định; đó là quá trình tâm chuyển biến như vậy theo pháp tu. Khi hơi thở ra vào, chúng ta biết rõ hơi thở ra vào, nghĩa là đã tập trung được, đó là giác. Sau đó dùng lực tập trung để quán thân tứ đại, ngũ ấm và thế giới bên ngoài, xem sự tương quan tương duyên tồn tại của chúng. Nói cách khác, chúng ta có đề tài và bắt đầu suy nghĩ thì việc mới sáng ra là quán. Đến trạng thái tiếp theo là hỷ. Nhờ biết được nguyên nhân đau khổ và nguyên nhân hỷ lạc, biết tại sao người gây sự, tại sao người cúng dường, v.v..., nói chung biết được diễn tiến của mọi việc chung quanh ta, trong đoàn thể chúng ta đang sinh hoạt..., ta cảm thấy sung sướng là hỷ. Lúc nào tâm cũng vui. Nguồn vui ấy kéo dài trong tiềm thức là lạc, thể hiện ra nét mặt và ánh mắt như luôn mỉm cười. Đạt đến sở đắc này, tâm không bao giờ dao động trước mọi vinh nhục, được mất của cuộc đời, lòng luôn thanh thản tự tại. Đó là thành quả tu chứng của người đắc sơ Thiền.
Là đệ tử Phật, điều quan trọng mà Đức Phật muốn nhắc nhở hàng xuất gia chúng ta rằng tối thiểu phải đắc được Sơ quả, tức dự vào dòng Thánh, thì từ đây về sau, đời nào cũng gặp Phật pháp. Đức Phật đã từng khẳng định rằng người đắc Sơ quả thì chỉ cần bảy đời nữa tu hành sẽ tiến đến Thánh quả, tái sanh ở nơi nào cũng gặp thiện tri thức khai ngộ, không sợ bị đọa.
Ngoài ra, trong pháp hội Hư Không Mục, Đức Phật cũng dạy chúng ta chủ yếu là pháp hành. Thật vậy, vì các Tỳ kheo từ hàng Ba la môn chuyển sang Phật đạo, họ quen nói mà không làm. Phật thường rày tánh ưa nói của họ giống như người đếm tiền giùm người khác, không được gì còn bị mang tiếng. Tu hành của đạo Phật khác với Bà la môn ở điểm đó. Nói và làm phải đi đôi hay theo Đại thừa, làm thay cho nói. Tỳ kheo theo Phật dạy tu đúng như vậy thì tiến xa được.
Tu sĩ xuất thân Bà la môn ưa nói nhiều, thường bị mọi việc hay người bên ngoài chi phối. Trong khi Tỳ kheo thực nghĩa là thanh tịnh hay tĩnh mặc, tức Mâu Ni. Tỳ kheo lắng yên được việc bên ngoài, phát huy đúng nghĩa phần nội tâm; còn nói thì phải quan sát thấy cái bằng lòng và không bằng lòng, chẳng lẽ nói mà không thấy, từ đó tâm họ bị sự vật lôi cuốn. Hễ nói là bị sáu trần chi phối, tác động sáu căn, tội lỗi nhân đây mà phát sanh, trở thành ác Tỳ kheo, lục quần Tỳ kheo, nghiệp chướng Tỳ kheo. Thanh tịnh Tỳ kheo thường lo phát huy nội tâm nhiều hơn.
Chính vì vậy, khởi đầu tu của chúng ta là cách ly sáu trần. Trong sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chúng ta quán sát cái nào dễ bỏ, chúng ta thực hành trước. Thí dụ trong sáu trần, xúc là cảm giác sanh ra do tiếp xúc của thân chúng ta, gần chúng ta nhất. Muốn tu thanh tịnh, các Thầy vào thâm sơn cùng cốc, sự vật không có, sống cách ly với mọi vật, mọi việc, mọi người. Nhờ ẩn cư, tiếp xúc ít, nên mắt thấy, tai nghe cũng ít, nên sắc và thanh trần cũng dễ cách ly, bên ngoài tác động vào tâm nhẹ nhàng. Vì sự lợi ích như vậy, Phật dạy Tỳ kheo nên ẩn cư, sống ở núi rừng hay cách làng xóm ít nhất năm cây số. Đi vào làng khất thực hay đi về tinh xá đều đi trên đoạn đường vắng khá dài, mắt nhìn xuống đất mà đi là cách ly được làng xóm, cũng có nghĩa là cách ly được nhãn, nhĩ căn với sắc, thanh trần. Về vị căn thì người tu coi nhẹ việc ăn uống, có ăn hay không cũng được. Tỳ kheo thấy, nghe, nói nhiều thì tồn tại trong đầu pháp trần. Vì khi khất thực, có tiếp xúc, trở về núi, những điều này còn tồn đọng trong lòng là pháp trần làm cho tâm khó thanh tịnh. Điều này dễ hiểu, thực tế chúng ta thấy những gì mình không thích mà trông thấy hoặc nghe được, khi ẩn tu sẽ hiện ra ngay.
Thực hiện được pháp tu cách ly, không tiếp xúc với bên ngoài thì sẽ đạt đến hướng nội bên trong cùng tột, trần duyên không còn tác động được ta, dù là thuận hay nghịch cũng không thiết, chúng ta chứng được pháp Tịnh Mục, tức có cái nhìn sáng suốt, trong sạch. Tỳ kheo tu sao cho cái nhìn thanh tịnh, tức sáu trần không tác động được là thực nghĩa Tỳ kheo. Giỏi dở chưa biết, nhưng nhìn như người gỗ ngắm chim vẽ là Tịnh Mục, mắt đã thanh tịnh, không bị bên ngoài tác động. Nghĩa này cũng được kinh diễn tả là súc bình cho sạch. Vì nhiều đời thường tiếp xúc với vật bên ngoài, nay tu cách ly, không tiếp xúc, nhưng nó vẫn còn ảnh hưởng ta. Phải năng sám hối để đạt tâm thanh tịnh là Tịnh Mục không thấy theo ham muốn, bực tức. Ham muốn những cái mình ưa thích và bực tức những cái không ưa sẽ dẫn đến cái thấy trên căn bản phiền não. Người thế gian tham giận là bình thường, nhưng người tu mà còn như vậy là đáng xấu hổ. Trên bước đường tu, bằng mọi cách giữ được tâm thanh tịnh mới là Tịnh Mục Tỳ kheo. Riêng tôi, khi thấy điều gì bực bội thì tôi tự xấu hổ vô cùng, vì nghĩ mình chưa xứng đáng là Tỳ kheo đệ tử Phật.
Tịnh Mục Tỳ kheo quán sát bên ngoài vắng lặng, không để hoàn cảnh chi phối và được nội tâm thanh tịnh rồi thì vào Tăng đoàn coi nhà ngũ uẩn có thanh tịnh hay không. Kinh A Hàm diễn tả ý này rằng chạy đến xóm trống không. Nhà ngũ uẩn trống không là Tỳ kheo thanh tịnh và Tỳ kheo thanh tịnh thì ở tinh xá. Chúng ta ở tinh xá mà còn bất hòa là xấu hổ và người không trong sạch thì phải ra đi, dù không đuổi. Muốn ở tinh xá phải tịnh tâm, tịnh hạnh trước là bước đầu, "tịnh” quan trọng.
Tịnh Mục nhìn sự vật hay tiếp xúc cách nào đó mà tâm dửng dưng. Tôi diễn tả là trần duyên thuận nghịch, tâm không thiết. Có Thầy nói với tôi rằng luôn nghĩ đến chết thì họ cũng không quan tâm đến sự vật, bỏ nó dễ. Thí dụ các Thầy xây được chùa, phải gìn giữ, tìm người thừa kế…, nói chung phải lo lắng đủ thứ, nhưng sự việc lại không theo ý ta muốn. Phật dạy chúng ta phải thấy theo nhân duyên. Kinh nghiệm tôi thấy cái gì muốn là không được. Cắt bỏ cái muốn, tùy nhân duyên làm đạo, được nhẹ nhàng. Thuận nghịch, tốt xấu cũng là duyên, nhân đó chúng ta luyện không thiết tha với nó, dù tốt xấu chúng ta đều khổ.
Bước đầu, Tỳ kheo phải đạt được tâm thanh tịnh; chưa được phải sám hối cho thanh tịnh rồi mới đem pháp Phật vào lòng, chúng ta sẽ được pháp thứ hai là Pháp mục. Tịnh Mục sanh Pháp Mục, tức nhìn sự vật theo pháp Phật lần lần mới nhận chân thật tướng các pháp, không thấy theo giả tướng hay tham vọng. Thâm nhập Phật pháp, thấy sự vật diễn ra theo đúng cái thấy của chúng ta thì lần chứng từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền.
Phật pháp căn bản của Phật dạy là Tứ Thánh đế, chúng ta phải thâm nhập pháp là chính. Ý thức cuộc đời là khổ, chúng ta cắt đứt nguyên nhân khổ, thì việc không tác động được. Muốn cắt đứt nghiệp nhân, phải tu Đạo đế. Đó là căn bản Phật dạy phải luôn sống trong ba mươi bảy Trợ đạo phẩm. Nói cách khác là chúng ta vui với đạo pháp, nên không thấy sự vật bên ngoài, chỉ thấy pháp Phật. Vui được với pháp Phật thì lòng chúng ta lúc nào cũng vui. Tôi thấy nét mặt của các bậc chân tu lúc nào cũng như mỉm cười. Từng việc thể nghiệm trong cuộc sống thấy lời Phật dạy chí lý, áp dụng rất hay. Áp dụng được, ta thấy đây là lẽ sống, nên vui và sống với pháp, thấy theo Phật, giải theo Phật, không giải theo nhận thức của ta hay theo đời. Mới nhìn kiểu đời thấy vô lý, nhưng hiểu đạo thấy điều vô lý trước kia thực là có lý; thấy theo đời thì trả quả báo không lường. Tỳ kheo thấy sự vật theo đời, đáng xấu hổ.
Phật dạy thấy cuộc đời là khổ, đương nhiên ta có ý thoát ly. Kế đến là tìm ra nguyên nhân khổ mới tránh né. Nguyên nhân khổ là tham, sân, si hay vô minh. Nó là nguồn gốc tội lỗi. Ta si mê, nên khác với Phật, Ngài thấy đúng. Thấy theo Phật là thấy người nói xấu ta cũng đúng, tại sao họ lại nói xấu ta mà không nói xấu người khác. Thấy vậy để ta sửa lần cho đến khi họ không chỉ trích được là tu. Trong đời này, nghiệm cho cùng ta không có lỗi, nhưng đời trước, ta và họ đã có vấn đề. Phật dạy phải quán ba đời nhân quả. Phật cho biết không phải đời này Đề Bà Đạt Đa mới chống Ngài; nhưng từ khi Phật phát tâm Bồ đề cho đến thành Phật, trải qua vô số kiếp, đời nào ông cũng chống đối Phật. Kiếp nào cũng chống là biết rõ ân oán, phân ra hai thái cực là Phật và ma. Thiết nghĩ hai Pháp sư cũng chỏi nhau, vì pháp tu khác nhau, thấy khác nhau. Từ cái thấy không đồng và tệ hại hơn nữa có tâm ganh tỵ thù hiềm, nên thù oán không bao giờ hết. Phật và ma không cùng tận là vậy.
Tỳ kheo thanh tịnh tìm cách vô hiệu hóa sự chống phá của ác ma bằng cách làm ngược lại. Nó nói chúng ta tham thì chúng ta hành bố thí là vô hiệu hóa được. Cứ như vậy thay đổi cuộc sống ta và theo Phật, cuối cùng để họ tự trả lời, ta không bao giờ đính chính, ta tự sửa mình thì vô hiệu hóa được sự bịa đặt của ác ma. Quý Thầy đừng hơn thua trên lời nói, hơn trên lời nói, nhưng phiền não còn là tự hại mình. Vì từ vô minh khởi tham vọng, mới có tham, sân, si. Ta không tham vọng thì không sân, việc cũng dễ. Thuở nhỏ nhà tôi nghèo, nên tôi rất ghét nhà giàu, nghĩ họ xấu, bóc lột. Từ tâm ác này, có ý thức chống đối, nên quả báo không lường, vì nghèo mà chống giàu thì khổ lắm. Thay đổi cái nhìn theo Phật pháp là biết đời trước chúng ta không có phước, ăn nhiều làm ít. Thay đổi cái nhìn như vậy, tôi thay đổi cuộc sống, cố làm nhiều, ăn ít để còn thặng dư phước là thực tế phải vậy. Như vậy, nhìn kiểu Phật, tâm oán hận không sanh. Nhìn theo thế gian, dễ oán tức. Lúc còn trẻ, tôi hay bực tức, nhưng phát hiện thấy mình là ác Tỳ kheo, không dám nữa. Sanh tâm ganh tỵ là mình hôi dơ, xấu xí, nhưng thích làm việc sang trọng. Trong Phật học đường, khi cử chúng thường lựa Thầy có ngoại hình dễ coi, vui vẻ, tiếp xúc bặt thiệp để giao việc tiếp khách; làm sao lựa người có bộ mặt gây gổ được. Không được chọn, mình lại sanh ý ác là họ nịnh bợ; bần khổ đa oán là nghĩa này. Người có phước mới làm được. Việc chọn người làm thị giả cũng vậy, Hòa thượng lựa người hiền lành, dễ thương, siêng năng, biết việc; mình cục mịch, thô lỗ, hầu Thầy coi sao được. Thấy họ hầu Thầy, được đủ thứ, nên mình sanh tâm ganh ghét và nói xấu họ.
Tôi luôn nhớ hai chữ "Túc nghiệp” để tự sửa mình. Sanh trên cuộc đời này, chúng ta nghèo đói, bệnh hoạn, ngu dốt, nên không dùng vô đâu được, không có chỗ nào ta dung thân được. Thực chất tu là tìm chỗ dung thân, tìm việc làm, không có việc gì làm để đại chúng chấp nhận thì giống như thây ma trong bể Phật pháp. Không làm mà hưởng của Tăng thì ta tổn phước lần, chắc chắn sau này không trở lại được. Tôi thương xót những Thầy ra đời, họ hơn ta, nhưng vô tình làm ác Tỳ kheo, phải ra khỏi biển Phật pháp. Kinh nghiệm tôi ở đâu cũng phải đóng góp việc làm và việc càng tốt, lợi ích, đại chúng càng thương.
Phải có tư cách thanh tịnh Tỳ kheo là Tịnh Mục, không hơn thua phải trái. Và từ Tịnh Mục trở thành Pháp Mục Tỳ kheo, nhìn theo Phật, sống theo pháp, thể hiện đầy đủ trong cuộc sống những gì Phật nói trong kinh. Người thấy ta, nghĩ đến ta là nhớ đến Phật, đến pháp, thấy sự cao đẹp của đạo. Pháp Mục Tỳ kheo sống trong pháp Phật lâu ngày, có cái nhìn chính xác, biết rõ mọi việc và làm vô số việc hữu ích cho người, được người kính quý là trở thành Thánh Mục Tỳ kheo. Thánh Mục Tỳ kheo chỉ cho Phật. Kiều Trần Như chỉ cho Tịnh Mục Tỳ kheo không nói, chỉ chuyên tu pháp hành, thành tựu đức hạnh đệ nhất, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh.
Từ pháp hội Hư Không Mục chỉ cho Phật và Thánh chúng ở Ta bà tệ ác, nhưng nhờ các Ngài có được Ngũ nhãn, Tam minh, Tứ trí, Lục thông, v.v… nên trở thành chỗ nương tựa của Bồ tát mười phương. Kinh nói Bồ tát tập hợp về học pháp Hư Không Mục và chư Phật mười phương đều đem Tịnh Mục, Pháp Mục Đà la ni, Thánh Mục Đà la ni dâng tặng cho Phật. Tất cả Đà la ni mà Bồ tát sở đắc do tu hành đạo Bồ tát tiêu biểu cho trí tuệ áp dụng đúng đắn trong cuộc sống.
Cầu mong trong mùa An cư, Tăng Ni nỗ lực thăng hoa theo pháp Phật để sớm được dự vào dòng Thánh, trở thành nơi nương tựa an lành cho người người trong Nhà lửa tam giới đầy bất trắc này.
(Bài giảng tại trường hạ tịnh xá Trung Tâm và Ngọc Phương, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, ngày 14-6-2001)