Sách
(Bài giảng mùa Phật Đản PL. 2537-1983)
Trong ánh hào quang của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni tỏa sáng đến người con Phật khắp năm châu cùng mừng ngày Khánh Đản, Tăng Ni và tín đồ Phật giáo Việt Nam chúng ta vô cùng hân hoan tổ chức lễ Phật Đản trang nghiêm, long trọng. Đây là kỷ niệm lễ Phật Đản lần thứ hai sau hơn một năm thống nhất Phật giáo cả nước.
Đặc biệt năm nay, năm đầu tiên toàn thể Phật tử hai miền Nam Bắc cùng đón mừng lễ Phật Đản vào ngày rằm tháng tư, ngày trăng tròn tỏa sáng hiền hòa trên quê hương thân yêu. Sự kiện thiết thực này thể hiện tinh thần "Hòa hợp chúng yên vui – Đoàn kết thống nhất” của Phật giáo Việt Nam, chúng ta xin dâng lên cúng dường Phật Đản PL. 2537.
Với ý nghĩa trang trọng, chứa chan niềm thiêng liêng, hãy cùng nhau tìm ánh sáng chánh pháp trong nền giáo lý của Đức Phật. Như chúng ta đã biết, suốt cuộc đời của Đức Phật, từ Đản sinh đến khi xuất gia tu hành, thành đạo và 49 năm hoằng hóa độ sinh (theo Phật giáo Nam tông là 45 năm), ngài đã là tấm gương sáng, là bậc toàn thiện của nhân loại. Đối với chúng ta, ngài là vị Đạo sư xuất chúng, bậc Thiên nhơn sư. Cuộc đời của Đức Phật thể hiện biểu tượng an vui vĩnh cửu. Giáo đoàn do ngài lãnh đạo, tỏa rộng ánh sáng chánh pháp và rực rỡ tinh thần Lục Hòa. Trên bước đường giáo hóa độ sinh, Đức Phật cùng Thánh chúng đã mang an lạc, giải thoát và hạnh phúc đến mọi nơi, xóa bỏ sự bóc lột, tà kiến, lập lại sự bình đẳng giữa con người với nhau trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.
Hôm nay, nhân ngày Khánh Đản, chúng ta ôn lại giáo lý Lục Hòa, để thể nghiệm vào đời sống hàng ngày. Đức Phật dạy chúng ta đi vào cuộc đời, sống với mọi người bằng sáu pháp hòa kỉnh. Trước tiên, Đức Phật đã giáo huấn Tăng đoàn phải chung sống hòa hợp. Hàng thiện nam, tín nữ cần biết rõ tinh thần Lục Hòa để noi gương tu tập theo giáo pháp và thể hiện trong sinh hoạt đời sống hằng ngày. Vì chúng ta có cùng chung tín ngưỡng, tôn kính chân lý và giáo pháp của Đức Phật. Nếu không hòa hợp, không đoàn kết với nhau, chúng ta tự tách mình ra ngoài giáo pháp của Đức Phật.
Với tinh thần từ bi và trí tuệ của người con Phật, chúng ta phải biết THÂN HÒA với cảnh giới đang sống. Thực tế là quê hương của chúng ta, đất nước này, sông núi này, cỏ cây này, đồng bào quyến thuộc này … Cảnh giới và tình thương đạo nghĩa này đã là nhân duyên tác thành sự hiện hữu của chúng ta. Làm sao có thể quên và tách rời, mà không biết hội nhập vào cảnh giới mình đang sinh hoạt.
Hơn thế nữa, muốn được mọi người chấp nhận, chúng ta phải hòa mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy mỗi người làm một việc khác nhau, nhưng một này trở thành tất cả và tất cả là một, là sự nghiệp chung, sự nghiệp của chính ta vậy.
Trong các kinh điển, không ít hình ảnh chư vị Bồ tát trải qua vô số kiếp hòa thân với chúng sinh, tu tạo muôn ngàn hạnh lành khác nhau, để hình thành Phật độ. Và chính Đức Phật, với trí tuệ giác ngộ, Đản Sanh vào thế giới Ta Bà, thân hòa vào trong hoàng cung xứ Ấn Độ, làm Đông cung thái tử Sĩ Đạt Ta, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia.
Ngài tiếp tục thân hòa, hội nhập mọi phong tục tập quán của hoàng cung với cương vị là thái tử. Lúc nhỏ tuổi, ngài siêng năng học hành, tìm cầu hiểu biết, thấu suốt các môn văn võ đương thời. Lớn lên, ngài vâng lệnh phụ hoàng lập gia thất với công chúa Gia Du Đà La. Sau khi thắng các cuộc tranh tài văn võ với các hoàng tử khác cùng lứa tuổi, ngài không bị lôi cuốn vào cuộc sống nhung lụa vàng son.
Ngài thường suy niệm về những niềm vui, nỗi sầu của nhân thế. Những cảnh già, bệnh, chết, của con người được ngài quán sát, tìm hiểu từng chi tiết. Hình ảnh đạo đức trầm mặc của vị Sa môn đã khiến ngài quyết chí tìm lối thoát cho chúng sinh. Vượt bỏ hoàng cung, từ biệt đời sống đế vương, ngài dấn thân vào núi rừng sương tuyết.
Trên bước đường tìm chân lý, ngài thân hòa với các đạo sĩ khổ hạnh, thân hòa với cát bụi phong trần. Và khi thành đạo, ngài trở lại thân hòa với chúng sinh, với xã hội và khai sáng nếp sống cao thượng của Tăng đoàn, được mọi người tôn kính.
Từ đó, Tăng đoàn hòa hợp ngày càng được hưởng ứng, ca ngợi, phát triển liên tục. Cho đến trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật của chúng ta đã khẳng định rằng : "Này các Tỳ kheo, ngày nào chư đệ tử còn hội họp, chung sống trong tinh thần đoàn kết, làm Phật sự trong tinh thần đoàn kết và giải tán trong tinh thần đoàn kết, thì nhất định giáo pháp không thể suy đồi, mà trái lại, còn phồn thịnh hơn trước”.
Tinh thần Thân Hòa của Đức Phật cao tột đến độ ngày nay ngài vắng bóng trên cuộc đời; nhưng khắp năm châu, người người còn nhớ nghĩ đến ngài, tiếp tục bước chân hành đạo của ngài. Nói cách khác, thân Phật đã hòa tan trong mọi người, hiện hữu tất cả mọi nơi, mà kinh Hoa Nghiêm diễn tả là Hư Không Thân.
Khi Phật tử chúng ta đã hoan hỷ vâng lời Phật dạy, an trú đời sống thân hòa với người cùng tín ngưỡng, với đồng bào xã hội, với vạn loại chúng sinh, thì phương pháp tu tập thứ hai phải là KHẨU HÒA, miệng không tranh đua cãi nhau.
Lời nói thể hiện tư cách, tâm trạng của con người trong mối quan hệ với nhau. Gần gũi thân thiện, hay xa lìa oán hận nhau, thường do lời nói.
Đời sống của Đức Phật khi còn là thái tử, đến khi thành đạo và nhập Niết bàn, bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, thuận hay nghịch, khen hay chê, khổ hay vui, ca ngợi hay phỉ báng chỉ trích, v.v… Ngài đều chủ động một tư thái trầm tĩnh, biết mình, biết người.
Có khi Đức Phật im lặng, ngài im lặng như chánh pháp. Khi nói, ngài nói năng như chánh pháp. Lời nói của ngài luôn ôn tồn, hiền hòa, chứa chan sức cảm hóa. Một hôm trên đường hành đạo đến Kosambi, Đức Phật và Tăng chúng bị đám người đón chửi một cách thậm tệ. Đến nỗi đại đức A Nan Đà không chịu được, đã thưa với Đức Phật rời đi nơi khác. Đức Phật ôn tồn bảo : "Đi nơi khác bị người ta chửi mình nữa, thì phải làm sao hả A Nan ?”. Đại đức A Nan thưa : "Bạch Thế Tôn, mình đi nơi khác nữa”. Đức Phật nhân đó dạy rằng : "Này A Nan, không nên đi nơi nào khác, phiền não phát sinh ở đâu phải được diệt trừ tận gốc ở nơi ấy”.
Là đệ tử Phật, cần nhớ trong bất cứ tình huống nào, ngôn ngữ của chúng ta vẫn phải ôn hòa, từ ái, để cảm hóa người. Cố gắng không tranh cãi, châm biếm hay nói lời hung ác, tỵ hiềm.
Thân và miệng là phần biểu hiện của sắc tướng và âm thanh bên ngoài. Sự tu tập đưa đến thân hòa, miệng hòa, phải thật sự phát xuất từ ý thức hòa hợp mới đúng như pháp và được kết quả an vui. Trong ý thức, nếu chúng ta chưa cùng một quan điểm, một nhận thức, một ý hướng, mà còn chứa đựng lòng ganh tỵ, thù ghét, thì thân hay miệng hòa chỉ là biểu hiện của sự giả dối, không chân thật.
Ý là phần vi tế, khó kiểm soát, đóng vai trò quan trọng trong sự điều động thân nghiệp và khẩu nghiệp. Trong buổi họp, nếu tâm ý sai khác của mỗi cá nhân được người chủ tọa điều hòa một cách khéo léo, để cùng nhau vui vẻ chấp nhận ý chung, là đã sử dụng được pháp Ý HÒA.
Tâm ý của tha nhân mà ta hài hòa được nhiều hay ít tùy theo công đức tu tập. Tâm ý của chúng sinh dầy đặc phiền não, vô minh, chấp nặng tà kiến; nên khó cảm thông nhau, hòa nhau. Đức Phật với tâm ý hoàn toàn thanh tịnh. Vì thế, chẳng những được Phật tử quy ngưỡng, mà ngài còn cảm hóa cả sáu loài chúng sinh.
Ngoài thân, khẩu, ý hòa hợp, thanh tịnh, Đức Phật còn dạy chúng ta thực hiện GIỚI HÒA ĐỒNG TU. Trước khi vào Niết bàn, Đức Phật phú chúc cho các Tỳ kheo : "Sau khi ta nhập diệt, các ông phải tôn trọng giới luật làm Thầy. Giới luật còn cũng như ta còn ở đời, không khác vậy … Vì thế, các Tỳ kheo phải giữ giới trong sạch, đừng hủy phạm. Người giữ giới trong sạch thì thường được pháp lành. Người chẳng giữ giới thì công đức không thể nào sinh được. Vậy phải biết giới là chỗ trụ an ổn nhất cho các công đức nhân Thiên”.
Thật vậy, đệ tử Phật muốn được ba nghiệp thân, khẩu, ý thuần tịnh trong chánh pháp, phải cùng nhau giữ vững giới luật như thập giới Sa di và giới Cụ Túc của hàng xuất gia. Tam quy, ngũ giới, hay Bát Quan Trai giới dành cho hàng Phật tử tại gia.
Điều quan trọng cần ý thức rằng giới không phải là sợi dây thừng ràng buộc, mà chính là phương tiện ngăn ngừa phiền não, để đưa chúng ta đến bờ giải thoát. Vì thế, chúng ta tu hành, an vui trong giới luật. Giữ gìn giới luật, từng sát na trong tâm thức luôn luôn tĩnh giác, sáng suốt trong mọi việc làm hằng ngày; không phải khép nép, câu nệ, mê chấp, ràng buộc. Bất cứ lúc nào, ở đâu, lời nói và việc làm cũng thể hiện giới hạnh thanh tịnh của người tu.
Thực hiện giới hòa đồng tu nghĩa là giới đức hay sự trong sạch, không lỗi lầm; không phải hạn hẹp trong khuôn khổ giới điều. Những điều xã hội không chấp nhận, chúng ta không làm. Và hơn nữa, đối với luật lệ chung, chúng ta phải tôn trọng. Không được phá vỡ nguyên tắc chung, vì giới luật hay luật lệ này nhằm bảo vệ cho chính mình và cho tổ chức tồn tại.
Cuộc đời Đức Phật thể hiện rõ nét ngài sống với giới luật đến mức toàn thiện. Với đời sống khuôn phép, kỷ cương, đạo hạnh, trong suốt 49 năm giáo hóa, ngài không phạm lỗi lầm nào, thấy rõ việc đáng làm và việc không nên làm. Từ đó, ngài đã thực hiện kiến hòa đồng giải.
KIẾN HÒA ĐỒNG GIẢI nghĩa là sự kiến giải đúng như thật, hợp lý, hợp tình và hợp ý mọi người. Theo pháp Yết Ma của Phật, nếu còn một người chưa hòa hợp, hay chưa chấp nhận, thì việc cũng không thành.
Trong sự quan hệ trao đổi hiểu biết với nhau, nếu người Phật tử có tri kiến như thật, thì việc tiếp thu hay phát biểu ý kiến mới phù hợp với chân lý của cuộc sống.
Khi Đức Phật chưa hiện hữu, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, v.v… theo ngoại đạo, chấp chặt giáo điều của môn phái; họ thường tranh cãi nhau. Nhưng sau khi theo Phật, nghe pháp và sống với tinh thần kiến hòa đồng giải, họ cởi bỏ được chủ nghĩa giáo điều, bệnh chủ quan, óc bè phái. Họ đã biết chấp nhận ý kiến đúng, tùy hỷ được mọi việc tốt của người khác trong Tăng đoàn. Nhờ đó, lần lần trí tuệ vô lậu phát sinh, sự thấy biết không bị chướng ngại; họ trở thành bậc lục thông La Hán, xứng đáng được Trời người cung kính cúng dường.
Cũng trên tinh thần kiến hòa đồng giải, ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thật sự hòa hợp mọi quyết định, cùng xây dựng Hiến Chương. Trên nền tảng này, chúng ta tiếp tục phát huy tinh thần kiến hòa đồng giải với mọi người trong xã hội. Làm như vậy, chúng ta sẽ tạo được sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng ý thức hòa hợp dân tộc và kiến tạo thế giới an lành.
Thân khẩu ý hòa hợp, giới đức hòa hợp, thấy biết (tri kiến) hòa hợp, thì sự lợi lạc đương nhiên cũng hòa hợp. Vì tất cả năm sự hòa hợp trước chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chung của tổ chức. Trong Tăng đoàn, quyền lợi thường được chia đồng với nhau.
Dù vậy, khi nói đến vấn đề thọ nhận tài vật, Đức Phật có dạy : "Hãy thừa tự chánh pháp hơn là thừa tự tài vật”. Vì thế, đối với người con Phật, nên xem quyền lợi tài vật như là phương tiện cho cuộc sống. Nếu ta không ý thức, cảnh giác, thì phương tiện này thường đưa đến sự tranh chấp, làm mất an vui.
Giáo lý xả kỷ, Lợi Hòa được Đức Phật giảng dạy trong Tăng đoàn, làm gương sáng cho mọi người. Xã hội thời Đức Phật đã chia ra bốn giai cấp là Bà la môn, Sát đế lợi, Phệ xá và Thủ đà la. Mọi đặc quyền đều dành cho giới Bà la môn và Sát đế lợi. Đức Phật chủ trương xóa bỏ sự phân chia giai cấp và phân biệt đối xử.
Chúng xuất gia của Phật là đoàn thể điển hình thể hiện đầy đủ pháp Lục Hòa, thiểu dục tri túc. Hàng đệ tử của ngài kết hợp đủ các thành phần xã hội, từ những hoàng tử vương quyền cho đến hàng cùng đinh, mà không hề gây xáo trộn. Với sự hướng dẫn giáo hóa của Đức Phật, mọi dấu vết giai cấp được xóa bỏ. Mỗi người đều phát huy sự trong sáng của giáo đoàn và chung sống hài hòa với nhau. Dưới uy đức của ngài, tinh thần lợi hòa cùng hưởng bình đẳng, tự nhiên mọi người không còn nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Mọi Phật sự đều được thực hiện với tâm niệm lợi tha, để phục vụ con người, xây dựng xã hội thuần thiện, an vui.
Qua pháp Lục Hòa của Đức Phật, chúng ta nhận thấy đó là chất keo tốt nhất gắn bó sự đoàn kết hòa hợp, an vui của Tăng đoàn thời bấy giờ. Ngoài ra, đó còn là mô hình kiểu mẫu cho bất cứ đoàn thể, tổ chức nào ngày nay muốn tồn tại, phát triển sinh hoạt, tất nhiên phải thực hiện quy luật đoàn kết theo Lục Hòa.
Chúng tôi mong rằng Tăng Ni và tín đồ Phật giáo Việt Nam sẽ thắp sáng mãi ngọn đèn Lục Hòa của Đức Phật, thể hiện sâu sắc tinh thần hòa hợp, đoàn kết, thống nhất trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Thành tựu như vậy, chẳng những chúng ta xương minh đạo pháp, mà còn góp phần tô điểm cho đất nước, dân tộc ngày thêm phồn vinh, hạnh phúc.
Tất cả những thành quả này là hành động thiết thực, là đóa hoa tươi thắm mà chúng ta kính dâng lên cúng dường Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni và mười phương chư Phật, kỷ niệm ngày Phật Đản PL. 2527.