Sách
Ngày 23/11/1999 tôi cùng Thượng tọa Thiện Tánh, Thiện Phụng, Ni sư Như Ngọc, Như Hải và 20 Phật tử đã làm một cuộc hành trình về miền đất Phật lần đầu tiên trong cuộc đời xuất gia của tôi. Chuyến đi kéo dài 12 ngày với 2 đêm ở tại Thái Lan, 1 đêm ở tại Kathmandu, 1 đêm ở Lumbini, Nepal và 7 đêm tại An Độ.
Sau chặng dừng chân chuyển tiếp tại Thái Lan, chúng tôi đến trọng tâm đầu tiên là Lumbini, nơi Phật đản sanh. Thượng tọa Huyền Diệu, trụ trì Việt Nam Phật Quốc Tự tại Lumbini đã hướng dẫn chúng tôi ra một khoảng đất trống rộng lớn, tại đó có một cột đá cao khoảng 4m được vua A Dục dựng lên vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để đánh dấu nơi Bậc Thầy vĩ đại nhất của nhân loại đã ra đời để giáo hóa chúng sanh. Một thời gian sau khi Đức Phật nhập diệt, những di tích của Ngài đã bị quân Hồi tàn phá, tiêu hủy, đốt rụi với hy vọng xóa bỏ giáo lý của Đức Phật mãi mãi. Nhưng vua A Dục, vị vua có công lớn nhất đối với Phật giáo, đã cho xây dựng nhiều bảo tháp và cột đá làm chứng tích tại các nơi đã mang dấu chân hành đạo của Đức Thế Tôn. Nhờ vậy hơn 2500 năm sau, tại Lumbini vẫn còn đứng sừng sững một cột đá với những dòng chữ lên tiếng cho nhân loại biết rằng đích xác nơi đây Đức Thích Ca đã sinh ra đời.Tôi cùng đoàn chiêm bái đã cung kính quỳ lạy nơi cột đá này để ngưỡng vọng về Đức Từ Phụ. Lòng chúng tôi vô cùng xúc động bởi sau cùng chúng tôi đã được đặt chân lên Đất Phật. Làm người con Phật còn hạnh phúc nào hơn là có một ngày hôm nay được quỳ gối đảnh lễ chính nơi Đức Ân Sư ra đời. Buổi chiều đang xuống tại Lumbini rất bao la và yên tĩnh. Ngắm nhìn ao nước nơi Hoàng hậu Maya đã tắm trước khi sinh Đức Thích Ca và khu đất rộng mênh mông vây quanh, tôi lại như được nhìn thấy hình ảnh một bậc đế vương, một bậc Thiên Nhân Sư ra đời giữa đoàn tùy tùng ngựa xe hùng tráng. Vậy mà nay phong cảnh đìu hiu hoang vắng quá. Lòng tôi không khỏi đau xót và thầm ao ước thấy một Lumbini được khôi phục lại cho xứng danh miền đất đã có phước báu được nâng đón bảy bước trên hoa sen của Đức Đạo Sư.
Thầy Huyền Diệu cũng chia sẻ cùng một cảm nghĩ như tôi. Thầy kể rằng ngày trước vùng này còn là một khu rừng và đầm lầy ngập nước. Thầy cũng đã đau lòng ứa nước mắt khi nhìn thấy đất Phật hoang vu như thế. Thầy đã phát nguyện xây dựng một ngôi chùa Việt Nam tại Lumbini. Chỉ có 40 đô la để bắt đầu tâm nguyện của mình, thế nhưng rất nhiều mầu nhiệm đã xảy ra giúp cho Thầy thực hiện được ước nguyện đó. Cả đoàn thích thú nghe Thầy kể bằng cách nào Thầy đã "mời” được cả bộ tộc rắn cha rắn mẹ rắn cô rắn chú, phần đông là rắn hổ mang cực độc, đi khỏi miếng đất dự định xây chùa. Có người bày cho Thày đốt cỏ để giết rắn nhưng tâm từ không cho phép Thầy làm điều đó. Thầy chỉ đơn giản thắp 3 cây nhang khấn Đức Quan Am và yêu cầu "các cô chú bác rắn đi định cư nơi khác để Thầy xây chùa thờ Phật”.Thầy hạn cho "họ” một tuần để di tản còn nếu không thì Thầy sẽ đi nơi khác. Vậy mà chỉ trong vòng một tuần đã không còn một con rắn nào. Không chỉ xây chùa Việt Nam, Thầy còn có công rất lớn trong việc vận động được nhiều nước đến Lumbini xây dựng chùa tháp để biến nơi đây thành một khu vực của Phật giáo thế giới. Hiện nay có 11 quốc gia đã hiện diện hay đã mua đất để xây chùa tại Lumbini.Chúng tôi đã đi viếng chùa Myanmar hình tháp vàng rất to lớn và lộng lẫy với đỉnh tháp dát vàng và kim cương, chùa Trung quốc kiến trúc theo đúng nguyên bản của Thiếu Lâm Tự tuyệt đẹp, chùa Nhật Bổn trang nghiêm thanh thoát, chùa Thái Lan, do vua Thái và dân chúng đóng góp dựng nên, rất to lớn với đường nét mềm mại uyển chuyển và còn nhiều chùa khác đang hoặc sẽ xây dựng nữa. Các ngôi chùa kể trên đều ở một khu gần nhau. Như vậy chỉ cần đến Lumbini bạn như đã được đi thăm viếng nhiều quốc gia trên thế giới với đủ các kiểu kiến trúc chùa tháp đặc trưng của từng nước.Việt nam Phật quốc tự chưa hoàn thành xong nhưng đã có nhiều phòng ốc rất tiện nghi để đón tiếp các phái đoàn tăng ni phật tử sang hành hương. Chùa không to lớn nguy nga như những ngôi chùa các nước khác nhưng đạo tâm và công đức của một vị sư Việt Nam, Thầy Huyền Diệu, trong việc khởi đầu và vận động cho sự khôi phục lại sức sống của Lumbini ắt hẳn đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong thế giới tâm linh của Lumbini. Thầy Huyền Diệu cho biết một số phật tử người Au tây sau khi đã tìm được sự an lạc trong giáo lý của đạo Phật đã phát tâm cúng dường cho chùa 108 phòng tương trưng cho 108 vị Phật. Hiện nay khoảng hơn 80 phòng đã hoàn thành. Không chỉ trùng tuyên Phật pháp, Thầy Huyền Diệu còn tích cực hoạt động xã hội.Thầy đã quyên góp xây được một chiếc cầu dài hơn 30m để cho dân chúng trong vùng không phải lội qua một con sông dữ trong vùng mà đã cuốn trôi nhiều mạng người trong mùa lũ lụt. Cũng như khi bắt đầu xây chùa, cây cầu của Thầy chỉ được khởi đầu bằng một số tiền nhỏ nhoi là 100 đô la nhưng với một tâm nguyện từ bi to lớn, điều mầu nhiệm đã xảy ra và không những Thầy hoàn thành được cây cầu mà còn xây thêm được 2 gian nhà có mái che ở hai đầu cầu để dân chúng có chỗ trú mưa gió. Hạnh bồ tát của Thầy Huyền Diệu khiến cho chúng tôi rất cảm phục.At hẳn là Thầy phải được rất nhiều sự hộ niệm của Đức Quan Am và Ngài Trì Địa Bồ Tát để hoàn thành công cuộc xây dựng của Thầy. Tôi rất mừng là Thầy Huyền Diệu đã kể những điều mầu nhiệm này cho các Phật tử nghe.Tôi hy vọng mọi người sẽ tăng thêm tín tâm vào sự gia bị của chư Phật và chư Bồ Tát trên bước đường tu học.
Đêm xuống, Lumbini rất lạnh và yên tĩnh lạ thường.Xa xa chúng tôi nghe tiếng trống trầm hùng và tiếng chuông ấm áp ngân dài của các ngôi chùa chung quanh. Bình minh đến, trên sân thượng của Việt nam Phật quốc tự, chúng tôi được ngắm cảnh mặt trời mọc tuyệt đẹp. Lumbini mờ trong sương khói với những dãi lụa bằng sương lơ lửng nhẹ nhàng vắt ngang những ngọn cây xanh và những mái chùa thấp thoáng xa xa.Mặt trời bỗng xuất hiện đỏ rực ấm áp.Một vài tiếng hạc buông rơi trong không khí tinh khiết ban mai. Thầy Huyền Diệu kể rằng có một số hồng hạc, loại hạc đang có nguy cơ tuyệt chủng, bỗng xuất hiện tại Lumbini và còn đáp xuống vườn chùa. Thầy đã làm việc cùng những nhà bảo vệ môi trường để đánh dấu số hạc (hiện có 24 con) và tạo môi trường để chúng có thể sinh sống an lành nơi đất Phật. Đây cũng là một trong những điềm lành khiến tôi tin rằng Lâm Tỳ Ni đang hồi sinh và một ngày không xa nơi đây sẽ là một trong những trung tâm hoạt động tâm linh nổi tiếng của Phật giáo thế giới.
Từ vườn Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật Đản sanh thuộc xứ Bhairwa của Nepal, chúng tôi đã dùng xe bao sang An Độ và đi viếng ba trọng tâm khác trong chuyến hành hương nơi Đức Phật Thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết bàn.
Tại Bodh Gaya, hay còn gọi tiếng Việt là Bồ đề đạo tràng, chúng tôi đã viếng thăm tháp Bồ đề do các vị vua nhiều đời khác nhau xây dựng, tu bổ và được giữ gìn cho đến ngày nay. Tháp to cao với kiến trúc cổ xưa của An Độ trông rất trang nghiêm to đẹp. Nhưng trọng tâm thu hút sự chú ý của mọi khách hành hương chính là cây Bồ đề nơi Đức Phật đã Thành đạo sau bốn mươi chín ngày Thiền định. Cây Bồ đề nguyên thủy đã bị đốt phá, nhưng sau đó hột giống của nó đã được mang trồng lại đúng chỗ cũ. Tương truyền rằng vua A Dục đã tận tay ngày đêm chăm sóc cây Bồ đề này, tưới tẩm chăm bón cho nó bằng sữa và cho lính canh giữ cây ngày đêm, vì sợ hoàng hậu ghen tức với cây có thể cho người đốn bỏ đi. Cây đã bị chặt phá nhiều lần, nhưng thật mầu nhiệm là cây vẫn vươn cao lớn mạnh để ngày nay đã trở thành một cổ thụ da xù xì gốc vô cùng to lớn. Gốc cây được các đệ tử của Phật cung kính bọc vải vàng chung quanh. Cả đoàn hành hương đã thắp hương lễ lạy tại gốc cây và cùng lắng lòng chiêm nghiệm về sự mầu nhiệm đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm khi ánh sáng giác ngộ của Đức Thích Ca bừng lên xua tan bóng tối vô minh. Anh sáng rực rỡ đó cho đến ngày nay vẫn là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta trong đêm dài tăm tối. Tối ngày hôm đó, một lần nữa chúng tôi lại được tiếp đón tại chùa Việt Nam Phật Quốc tự thứ hai của Thầy Huyền Diệu tại Bồ đề đạo tràng. Chùa đã hoàn thành xong gần tám mươi phần trăm và luôn luôn nồng nhiệt đón tiếp các đoàn hành hương từ Việt Nam sang. Phái đoàn đã được ăn một bữa cơm chay rất ngon và các Phật tử còn được đãi cả món chè Việt Nam trên đất An Độ.
Ngày 2/12, chúng tôi đến viếng thăm Sarnath, nơi Đức Thế Tôn chuyển pháp luân giảng đạo cho năm anh em Kiều Trần Như. Đây là nơi được gọi là vườn Lộc Uyển. Chúng tôi đến viếng tháp do vua A Dục xây vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch để đánh dấu nơi Đức Phật chuyển pháp luân. Tháp rất lớn, cao 33m và đường kính hơn 28m. Chung quanh tháp còn di tích nhiều nền chùa đã được xây dựng qua các triều đại. Ngoài tháp còn có cột đá cũng do vua A Dục dựng nên. Vườn Lộc Uyển rộng lớn và tuyệt đẹp với những bóng cây râm mát với sân cỏ bao la, với tiếng chim ríu rít vang lên trong khung cảnh thanh tịnh hiền hòa. Vườn Lộc Uyển còn gọi là vườn Nai, vì nơi đây đã có rất nhiều hươu nai. Chúng tôi ngồi nghỉ trên một nền tháp còn lại và ngắm nhìn hai con nai dễ thương đang thơ thẩn đàng xa. Không khí trong vườn yên lành quá như còn vương lại đâu đây âm ba vi diệu những lời thuyết giảng nhiệm mầu của Đức Thế Tôn. Vườn Lộc Uyển không phải chỉ đón nhận bánh xe chánh pháp của Đức Thích Ca mà còn có ba vị Phật khác trong quá khứ cũng đã chọn vườn Lộc Uyển làm nơi chuyển bánh xe chánh pháp. Đó là các Đức Phật Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm và Ca Diếp. Những phiến đã to đen, di tích còn lại của những chùa tháp đã là chứng nhân lịch sử hùng hồn của một nền minh triết tâm linh vĩ đại của nhân loại. Tôi rất thích khung cảnh thanh tịnh tại nơi đây và dự định mùa Thành đạo sang năm nếu không có gì trở ngại sẽ kêu gọi Tăng Ni, Phật tử trở lại đây cúng dường, lễ lạy, chiêm nghiệm về hành trình tâm linh mà chư Phật đã đi qua. Dấu chân của các Ngài sẽ là những hướng dẫn an toàn cho chúng ta trên bước đường hành đạo.
Trong các trọng tâm đã đi qua, Kushinagar, nơi Đức Phật nhập Niết bàn, là trọng tâm gây nhiều xúc động nhất trong lòng các Tăng Ni, Phật tử. Chứng tôi đã được nhìn thấy hai cây Sa la nơi Đức Phật nằm quay mặt về hướng Đông nhập diệt. Một kiến trúc vòm tháp tròn được xây lên và trong đó là tượng Đức Thích Ca trong tư thế nằm nhập Niết bàn. Tượng to lớn thếp vàng và trên mình Phật có phủ những tấm y do các đoàn hành hương cúng dường. Từ ngoài xe, tôi nhắc cho các Phật tử giữ lòng thanh tịnh tưởng nhớ công ơn của chư Phật. Ngài đã bỏ thân huyễn hóa này, nhưng Pháp thân thường hằng của Ngài vẫn còn chiếu sáng những ánh hào quang gia bị đến cho chúng ta. Dù vậy lòng tôi vẫn không cầm được xúc động khi nhìn nhìn thấy bức tượng Ngài nằm đó thanh tịnh và hiền hòa biết bao. Chúng tôi đã phủ y vàng lên mình Ngài và đi nhiễu chung quanh để tỏ lòng thành kính. Tất cả Tăng Ni, Phật tử đều không cầm được nước mắt. Tôi chỉ thầm tự an ủi rằng ngày hôm nay được đến nơi miền đất Phật, được đắm mình trong những Thánh tích thấm đẫm năng lượng siêu việt của bậc Đạo sư vĩ đại và Thánh chúng thời nào, tôi hẳn là may mắn đã tạo được nhiều duyên lành trong quá khứ với Phật pháp. Tất cả những công đức mà tôi đã có được trong chuyến đi này, tôi nguyện hồi hướng cho Pháp giới chúng sanh.
Chuyến đi hành hương tại Ấn Độ đã đem lại cho đoàn Tăng Ni, Phật tử nhiều ấn tượng khó quên. Anh Long, Giám đốc Công ty Atlas đã đích thân tổ chức chu đáo chuyến đi này. Tôi tin rằng việc được tận mắt nhìn thấy nơi vị Cha lành của chúng ta sanh ra, hoằng truyền chánh pháp và nhập diệt đã đem lại nhiều cảm nhận sâu sắc và làm mạnh mẽ thêm tín tâm của các Phật tử. Tôi cảm thấy rằng mình sẽ còn trở lại miền đất Phật nhiều lần nữa để chiêm bái và Thiền quán.