Sách
Sau Đại hội Phật giáo thống nhất ở Hà Nội năm 1981, tôi được giao chức vụ Trưởng ban Hoằng pháp và Hòa thượng Giác Nhu được suy cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, mùa Hạ năm ấy, tôi đến viếng thăm Hòa thượng tại Trung Tâm tịnh xá trong lúc chùa còn đang xây cất. Qua lần gặp gỡ đầu tiên, hầu chuyện với ngài, tôi nhận thấy có những điều trùng hợp ngẫu nhiên và sau này càng thấy cảm mến đức hạnh của ngài.
Hòa thượng cùng tuổi với thân mẫu của tôi (Quý Sửu) và ngài sanh nhằm ngày rằm tháng 11 giống tôi và xuất gia cũng nhằm ngày rằm như tôi. Cuộc đời hành đạo của ngài cũng có điểm trùng hợp với tôi là thích vân du trải gót hoằng hóa ở hắp mọi nơi. Có lẽ những điểm giống nhau ấy đã làm tôi nghĩ nhiều đến Hòa thượng và bắt đầu nảy sanh tình cảm tốt đẹp đối với ngài. Từ đó, mỗi lần lên giảng pháp tại Trung Tâm tịnh xá, tôi lại có dịp trao đổi với ngài về Phật giáo Khất sĩ. Qua ngài, tôi hiểu rõ thêm về sinh hoạt của phái Khất sĩ và những nét đẹp của hệ phái này đã tạo ấn tượng thân thương sâu sắc trong tôi.
Khi được tin Hòa thượng bệnh nặng, e rằng ngài không còn hiện hữu bên cạnh chúng ta nữa, nên tôi thu xếp công việc để đến hầu thăm ngài. Điều kỳ diệu là dù bệnh nặng, ngài vẫn tiếp chuyện tôi một cách tự nhiên và vẫn còn quan tâm đến việc đạo. Bằng chân tình, ngài còn bày tỏ với tôi làm cách nào để xây dựng Giáo hội vững mạnh và mở rộng hoằng pháp đến tận mọi miền địa đầu của đất nước. Hòa thượng tâm sự rằng ngài rất hoan hỷ trong việc tôi đã thăm viếng và thuyết giảng tại các tịnh xá của phái Khất sĩ. Ngài hy vọng tôi sẽ phát triển sinh hoạt này nhiều hơn nữa để tạo mối quan hệ mật thiết giữa các hệ phái, giúp cho ngôi nhà chung của Giáo hội được trường tồn tốt đẹp. Ngài cùng tôi bàn chuyện đạo pháp trong niềm hỷ lạc, có ngờ đâu đó là lời tâm huyết cuối cùng! Tôi vẫn còn nhớ nét tự tại của ngài lúc ấy, thản nhiên như chẳng bệnh hoạn gì, thật quý biết bao! Nếu ngài không là hiện thân của Bồ tát để xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ở cuối thế kỷ XX, thì trên bước đường tu, ngài cũng đạt được sở đắc nhất định nào đó, mới có được tâm hồn thanh thản, tỏa ra ánh mắt dịu hiền, lời nói ôn tồn lo xây dựng đạo pháp, trong khi căn bệnh ung thư ở thời kỳ cuối cùng đang hành hạ xác thân ngài đau đớn vô cùng.
Nhìn thấy tâm tư của ngài lo cho đạo, việc làm vì đạo và cuộc sống của ngài trước khi từ giã cõi đời, càng làm cho tôi vững niềm tin hơn trên bước đường hoằng pháp lợi sanh của chính mình.
Thành kính cầu nguyện giác linh Hòa thượng trở lại thế giới Ta bà để gia hộ cho chư tôn Thiền đức, những người đang nối chí ngài xây dựng một Giáo hội vững mạnh, ngõ hầu đáp ứng được nguyện vọng của Tăng Ni Phật tử Việt Nam trong thế kỷ tới.
Khể thủ
(Báo GN số 184, ngày 09-10-1999)