Sách
Quận 12 mới tách ra từ quận Hóc Môn, nhưng có hướng phát triển tương đối mạnh. Tôi thấy tụ điểm An cư nơi đây từ khởi đầu cho đến nay, mỗi năm, số lượng chư Tăng nhập hạ đông hơn, tu nghiêm túc hơn và mặt bằng cơ sở cũng được phát triển. Điều này cho thấy trong tương lai, hoạt động của quận nhà sẽ phát triển hơn nữa. Cầu mong chư Tăng theo đà phát triển này cùng với sự đi lên của xã hội để thăng hoa đạo đức và tâm linh, xứng đáng là người lãnh đạo của Phật giáo.
Theo truyền thống Phật giáo, mùa mưa chúng ta cấm túc An cư ba tháng. Khẩu hiệu của Giáo hội đề ra là siêng tu tam vô lậu học, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Thúc liễm thân tâm là hạn chế vọng tâm, hay điên đảo vọng tưởng, tức dừng tâm lại, không cho nó suy nghĩ những việc không đúng sự thật. Tuy nhiên, không phải chúng ta dừng tâm suông, không suy nghĩ gì, nhưng dừng tâm để nghĩ về chánh pháp, về xã hội. Có thể nói chúng ta buộc tâm lại, không cho nó nghĩ những thứ không cần thiết, để hướng đến những cái cần thiết, ích lợi cho cuộc sống tu hành. Nếu không nghĩ gì cả thì không biết việc xảy ra trong xã hội, chúng ta sẽ trở thành gỗ đá hoặc không biết giáo pháp thì càng nguy hơn.
Thúc liễm thân tâm, đừng nghĩ sai trái, tâm được yên, chúng ta mới duyên với Phật pháp. Theo tôi, việc chính là suy nghĩ về thường trú Tam Bảo, làm thế nào để Tam Bảo còn hiện hữu về hình thức lẫn nội dung để làm lợi ích cho chúng hữu tình. Trong Tam Bảo, về chư Tăng thì có phàm Tăng, Hiền Tăng, Thánh Tăng. Bên ngoài hình thức, ba hàng tu sĩ này giống nhau, nhưng về tu chứng, sở học, sở đắc, đức hạnh… chắc chắn khác nhau. Còn hạng tu sĩ giả thì không cần nói đến, vì họ chỉ mượn chiếc áo Phật để xin ăn, có thể coi đó là một tệ nạn xã hội cần bài trừ.
Hàng phàm Tăng mới tu, Phật pháp chưa thấm vào lòng và chưa thể hiện thành hành động, nhưng ít nhất họ cũng có niềm tin và đang phấn đấu đi lên, phấn đấu đối với tôi là thâm nhập Phật huệ. Thật vậy, mới tu, chúng ta chưa học được bao nhiêu, phải đem Phật pháp vào lòng càng nhiều càng tốt. Mùa An cư, chúng ta hạn chế sinh hoạt bên ngoài để đưa Phật pháp vào tâm trí. Nhiều năm trước kia, tôi không bao giờ đi ra ngoài trong lúc An cư; nhưng nay phải đi để chăm sóc quý Tăng Ni. Phải nói nhờ mấy chục năm trước tôi đã nỗ lực chăm sóc bản thân mình, mới có được trí tuệ và nghị lực như ngày nay.
Tôi nhắc nhở các Tỳ kheo sơ tâm niềm tin còn yếu, tuệ giác chưa sanh, phải lo củng cố niềm tin cho vững. Ý chí vững vàng, thì cách nhìn đạo mới chính xác hơn và mới giữ chúng ta được sống trong nhà đạo lâu dài. Quý vị nên dành thì giờ suy nghĩ kinh điển để làm chuẩn mực trong cuộc sống của chính mình. Xưa kia, đối với kinh điển Đại thừa, tôi thường đọc tụng ba bộ kinh Bát Nhã, Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, khi đọc tụng kinh điển với tấm lòng chân thành, pháp Phật có công năng tẩy sạch phiền não trần lao cho ta. Thực sự tiếp xúc hàng ngày với người và việc bên ngoài, chúng ta khó lòng chịu đựng nổi những vui buồn vinh nhục của cuộc đời. Muốn nhẫn được, phải lấy pháp Phật rửa sạch lòng trần của chúng ta. Bị người hủy nhục, chống phá, nhờ đọc kinh, chúng ta biết được cách đối phó của chư Phật, Bồ tát đối với hoàn cảnh ấy như thế nào. Chúng ta mới theo đó mà mỉm cười nhẹ nhàng, nhìn đời và chấp nhận những thứ mà thiên hạ đổ lên ta với tinh thần nhẫn nhục, vô úy. Tôi gặp chướng duyên nhiều, nhưng nhờ sử dụng được pháp đã huân tu vào tâm, nên nhẹ nhàng lướt qua mọi sóng gió hiểm nguy. Người tu mà thiếu pháp, chỉ sử dụng khôn dại của thế gian để đối phó với người đời, chắc chắn sẽ thua hoàn toàn. Mưu mô khôn dại là sở trường của người đời, nhưng nó là sở đoản của người tu. Chúng ta dại dột lấy sở đoản của mình để đọ sức với người, chắc chắn ta phải tự rước lấy tai họa.
Sở trường của người tu là thâm nhập chánh pháp của Đức Phật. Theo Phật, trên thế gian có ba hạng người mạnh nhất, đứng đầu là Sa môn. Mới nghe điều này thấy lạ vì nhìn bề ngoài, người tu không có gì khỏe mạnh cả. Tuy nhiên, quan sát về tâm linh mới thấy được sức mạnh của người tu ở nội lực. Những nhà Sư siêng tu đạt được sở đắc nào đó trong pháp của Phật đều tạo được cho mình một nội lực siêu nhiên có tác dụng đánh bật thế lực ác ma với điều kiện họ không hề có ý đối phó, dù chỉ là một khởi niệm. Theo kinh nghiệm, trên bước đường tu, tôi thường thấy người nào có ý đối phó thì bị cuộc đời nhận chìm. Trái lại, Thầy nào có ý thoát tục, hướng thiện thì đi lên dễ dàng. Có thể khẳng định sức mạnh của Thầy tu là sức mạnh của nhẫn nhục và xả ly; cái gì chúng ta cũng vứt bỏ được, kể cả mạng sống thì còn ai làm gì được ta. Chúng ta còn ham muốn, muốn ăn ngon, muốn chùa lớn, muốn địa vị, muốn tiếng tăm…, thì họ còn lợi dụng cái ham muốn ấy để bắt chẹt ta. Tôi nghĩ dù sống thêm cũng chẳng có gì, chết cũng chẳng sao, coi như xong chuyện; xem cái chết nhẹ nhàng nên không ai bắt bí được ta. Họ nói gì, ta cũng mỉm cười vì không thấy mình có quyền lợi nào cả và tất nhiên không có quyền lợi thì không có buồn giận.
Chỉ có pháp Phật trang nghiêm thân tâm là thế mạnh của chúng ta. Tỳ kheo sân si là yếu nhất. Một vị Tăng hoan hỷ, kiên nhẫn, thanh thản là hình bóng đúng nghĩa của Tỳ kheo khiến cho người nể sợ. Tỳ kheo giận hờn, buồn phiền, gây gổ khó thành tựu được đạo nghiệp. Tôi nghiệm thấy rõ nhiều Thầy sống đơn sơ, đức hạnh, không hơn thua phải trái, nhưng họ tiêu biểu cho thạch trụ tòng lâm, chống đỡ được ngôi nhà Phật pháp tồn tại. Những Thầy sử dụng thủ đoạn thế gian, sớm muộn gì cũng suy sụp. Đi theo dấu chân Phật, chúng ta vững niềm tin nơi chánh pháp, nơi nếp sống đạo hạnh, thiên ma chắc chắn phải lùi bước. Chúng ta trụ trong chánh pháp tu hành, chẳng ai phá hại được, còn xách gậy gộc ra đường thì phải thua cuộc liền.
Chắc chắn rằng thiên ma phải sợ đức nhẫn của người tu, chúng ta càng cấm túc An cư, ma càng sợ, vì nội lực chúng ta vững mạnh. Tôi mong chúng Tăng cố gắng đem pháp vào lòng để người nhìn thấy ta là thấy pháp Phật, nghĩ ta là đệ tử Phật. Được như vậy, chúng ta từ phàm Tăng tiến lên Hiền Tăng. Hiền vị là người ít nhất cũng cắt được phiền não thô bên ngoài gọi là kiến hoặc, thực tế là không còn bị chướng tai gai mắt làm khổ tâm. Trên bước đường tu, giai đoạn một, chúng ta cho rằng cần phải nói mới giải quyết được. Nhưng tiến tu sang giai đoạn hai, không cần nói, chúng ta trụ được tâm, nên không có chướng tai nữa hay đúng hơn, chướng cũng thành thông.
Thật vậy, nhận chân được nghiệp thức, căn tánh của con người như vậy thì họ phải nói như vậy, hành động như vậy…, nên chúng ta không thấy chướng tai, gai mắt. Nhà chính trị, người kinh doanh, người công nhân… đều có suy nghĩ và biểu lộ ngôn ngữ riêng của họ. Ta không thể bắt họ nói năng, hành động như Thầy tu. Và ngược lại, chúng ta cũng không thể nói năng như người đời hay tệ hơn nữa dùng ngôn ngữ thô bạo của hạng người xấu ác trong xã hội.
Thầy tu có ngôn ngữ của Nhị thừa, Bồ tát và Phật. Đó là ngôn ngữ phát xuất từ bản tâm thanh tịnh, nghe được từ thế giới Phật chuyển sang cho người phát tâm Bồ đề. Hàng Hiền vị có ngôn ngữ như vậy và từ tư cách của Hiền giả, từng bước người tu thần thánh hóa mình, tức trong sạch hóa thân tâm.
Thần hay thần thông, chúng ta tiến tu dần dần thể hiện Ngũ thông hay Lục thông trong cuộc sống, theo tôi đầu tiên cho chúng ta cái nhìn chính xác. Người đến với ta, ta biết được họ từ đâu tới, có yêu cầu gì và sẽ làm được gì. Biết rõ như vậy, chẳng những ta không bị người dối gạt, mà còn độ được người, không sai lầm. Thực tế các vị Thánh Tăng đều đạt được Thiên nhãn thông, họ được kính nể vì thấy biết chính xác và hướng dẫn người tu có kết quả tốt. Từ hiểu biết tương đối đúng, từ từ nâng lên, thấy rõ nhân quả ba đời thì mọi việc làm thành tựu dễ dàng. Kế đến là tu hành đạt được Thần túc thông, đối với tôi, đó là việc làm luôn ảnh hưởng tốt cho người và xã hội. Không được như vậy, chúng ta thường làm sai, thọ quả báo khiến cho ta và người cùng khổ.
Thánh Tăng có chánh mạng và chánh nghiệp, dồn lại thành Thần túc thông, nên sự hiện hữu của các ngài luôn luôn mang lại lợi ích cho đời ở mọi lãnh vực. Chúng ta chưa được bằng các ngài, cũng nỗ lực hướng tâm để thực hiện từng phần trong Bát chánh đạo. Đến khi hoàn thiện tư cách của Thánh vị, thành tựu trọn vẹn Bát chánh đạo, thì không có gì trên thế gian này có khả năng làm chúng ta khiếp sợ và nhiễu hại được.
Tôi khuyên quý vị cố gắng tu học, từ sơ tâm tiến lên Hiền Thánh quả, xứng đáng là trưởng tử Như Lai hiện hữu lợi ích cho mọi loài hữu tình.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Quảng Đức, quận 12, TP. Hồ Chí Minh, ngày 1-7-2000)