Sách
Triết học Ấn Độ đặt ra vấn đề đại ngã và tiểu ngã, theo đó, con người sanh trên cuộc đời có thân tướng hữu hình và linh hồn. Thân xác và linh hồn của mỗi người là tiểu ngã, có được là do đại ngã sanh ra. Đến khi chết, tiểu ngã, tức linh hồn riêng biệt của từng người trở về với đại ngã.
Nhưng tư tưởng của các thuyết theo nhứt thần giáo thì quan niệm khác. Theo họ, đấng tạo hóa sanh ra con người và khi chết, linh hồn có hai hướng đi. Nếu hồn ngoan đạo thì được trở về với Thượng đế. Còn hồn chống lại Thượng đế sẽ bị đọa đày trong hỏa ngục.
Như vậy, thuyết thứ nhất chủ trương linh hồn mất hẳn khi hòa nhập vào đại ngã. Ngược lại, thuyết nhứt thần giáo thì cho rằng linh hồn bất tử, dù lên thiên đường hay xuống hỏa ngục.
Về quan niệm của Phật giáo, trong các kinh điển, đức Phật không nói linh hồn bắt đầu từ đâu, ai sanh ra nó và nó kết thúc ở đâu.
Đức Phật chỉ nói những điều tương tự có tính cách gợi ý như khi thành đạo, Ngài tìm được người chủ xây ngôi nhà và từ đây nó không còn xây nhà cho Ngài được nữa.
Vậy người chủ xây nhà là ai và ngôi nhà là gì ?
Sắc thân hay ngũ ấm thân của con người, được Phật ví như ngôi nhà, nên kinh gọi là ngũ ấm xá. Phật đắc đạo, nhận ra người thợ xây nhà ngũ ấm là nghiệp thức hay tâm thức của mỗi người.
Ngài khẳng định thân ngũ uẩn tốt hay xấu đều do chính bản thân mỗi người tự tạo nên. Trong kinh Hoa Nghiêm diễn tả ý này là "Nhứt thiết duy tâm tạo”
Nhận thức như vậy, chúng ta có hai hướng : hướng thượng thì tạo nên con người và thế giới con người tốt đẹp và hướng thứ hai là hướng hạ thì tạo con người và thế giới con người thành xấu.
Nói theo kinh điển, con đường hướng hạ là khổ và nguyên nhân của khổ (Khổ đế, tập đế), con đường hướng thượng là chấm dứt khổ đau và việc dẫn đến giải thoát (Diệt đế, đạo đế).
Bốn chân lý nói trên, tức tứ Thánh đế, tựu trung lại chỉ có hai vấn đề khổ và giải thoát, đó là giáo lý căn bản mà tất cả kinh điển Phật giáo đều đề cập đến.
Thiết nghĩ vấn đề khổ thì ai cũng biết, không cần giải thích.
Riêng về con đường dẫn đến giải thoát thực sự , có hai tư tưởng lớn trong Đại thừa Phật giáo đề cập đến. Thứ nhất là theo kinh Hoa Nghiêm, pháp dạy về Bồ tát đạo vẽ ra con đường từ chúng sanh thân đi tới Phật thân, trải qua 52 quả vị tu chứng. Nghĩa là quá trình xây dựng con ngườivà thế giới con người từ dở xấu, khổ đau tiến đến con người thánh thiện, sáng suốt, an vui.
Có thể nói quá trình tu chuyển biến từ phần thập hồi hướng, chính yếu là vận dụng tâm thức để xây dựng vô thượng bồ đề, pháp giới chúng sanh và chơn như thật tướng. Nói cách khác, chúng ta nỗ lực đầu tư về trí tuệ vô lậu. Hiểu biết theo thế gian trí chỉ là bước ban đầu tạm dùng để chúng ta bước vào thế giới nội tâm, đạt được hiểu biết theo trực giác, không theo khuôn mẫu hay kinh nghiệm. Việc đến thì có giải pháp tương ưng thích hợp, nên thành công một cách nhẹ nhàng. Chúng ta cần phát triển tri thức ở dạng này, nếu không thì nhà truyền giáo chẳng khác gì người đời.
Khi được Vô thượng bồ đề, kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta dùng trí giác để độ chúng sanh. Vì nếu không tiếp xúc với đời, hiểu biết chỉ thuần lý thuyết. Nhờ dấn thân hành đạo, ta mới phát triển trí khôn và khả năng giáo hóa. Có học mới dạy được người và hướng dẫn người, giúp ta tăng thêm hiểu biết.
Đạt được trí tuệ vô thượng và giáo hóa chúng sanh thành công, chúng ta hồi hướng chơn như thật tướng, nghĩa là không chấp vào thành quả. Tâm hoàn toàn thanh thản, tùy việc mà giải quyết tốt đẹp, tùy yêu cầu của người mà ta cứu giúp, tác động cho họ phát tâm bồ đề.
Hoàn tất phần tu hồi hướng, đã cải tạo được tâm thức có cái nhìn trong sáng, chính xác, thanh tịnh. Kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta bước vào hàng lãnh đạo, từng bước thể nghiệm pháp tu của Bồ tát thập địa.
Khởi đầu quy định Bồ tát sơ địa hiện thân làm tiểu vương. Mới bắt đầu nhận trách nhiệm lãnh đạo một vùng, điều hành công việc gặp khó khăn, nhưng vẫn phải bình tỉnh, sáng suốt, vui vẻ. Đó là đức tính cần thiết dẫn đến sự thành công của Bồ tát Hoan hỷ địa.
Như vậy, muốn trở thành lãnh đạo ở cấp bậc thấp nhất là sơ địa, cũng đòi hỏi chúng ta phải chủ động được tâm thức của chính mình. Điều phục tâm ta cho hoan hỷ, trí ta sáng suốt và đức tánh bình tỉnh trước mọi chống đối, hiểm nguy. Chủ động được trạng thái tâm trí mình tốt đẹp như vậy, mới có thể tính đến việc tác động vào tâm thức của người khác an vui, không chống đối ta nữa và còn hợp tác, làm theo ý ta. Làm được như vậy, là thế giới an lạc của Hoan hỷ địa Bồ tát thành hình.
Tuần tự tiến tu, đạt đến giai đoạn cuối cùng, đệ thập địa hay Bồ tát Pháp Vân địa, viên mãn quả bồ đề, sử dụng được Như Lai lực, ở trạng thái tâm như như bất động mà vẫn cứu độ chúng sanh trong khắp pháp giới.
Ngoài pháp tu hoàn thiện tâm trí theo kinh Hoa Nghiêm, hướng thứ hai theo Pháp tướng Duy Thức học. Đây là hệ thống tư tưởng do Thế Thân Bồ tát tu chứng, đưa ra phương cách tu giúp chúng ta phân biệt tâm tốt xấu, để loại bỏ tâm xấu và phát huy tâm tốt.
Theo Ngài Thế Thân, mảnh đất tâm của chúng ta có thiện ác lẫn lộn, tổng cộng là 100 pháp. Nhưng phần thiện tâm sở chỉ có 11 chống lại ác tâm có đến 26.
Phân loại rõ ràng tâm xấu nhiều hơn tốt, chúng ta nỗ lực phát huy 11 thiện tâm sở ( Tín, tinh tấn, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, khinh an, bất phóng dật, bất tổn hại và hành xả ), mới có thể thay đổi tâm thức ta từ 8 thức của phàm phu thành 4 trí của Hiền thánh.
Thành tựu 4 trí của bậc Hiền thánh giác ngộ, giải thoát, hoặc Như Lai huệ, thấy được nguyên nhân cấu tạo con người tội lỗi trong địa ngục cho đến con người toàn giác của Như Lai, đó là quá trình tu của Bồ tát, là thế giới quan của người đắc đạo, vượt ra ngoài sanh tử khổ đau.
Còn thân phận chúng ta đang bị ràng buộc vớisinh hoạt của con người tràn đầy phiền não trong thế giới nhiễm ô, thì làm sao diễn tả cho đúng thế giới thanh tịnh của Hiền thánh. Ý này thường được Phật nhắc là ai uống nước thì người đó tự biết mùi vị của nước.
Qua việc làm của Phật, Thánh hiền, chúng ta thấy các Ngài tuy sống đơn sơ, nhưng thật cao cả biết bao. Thiết nghĩ dùng ngôn từ và hiểu biết giới hạn của chúng ta khó diễn tả cho đúng sinh hoạt tâm linh của những bậc đắc đạo.
Chỉ khi nào chúng ta đạt đến quả vị toàn giác như các Ngài mới có thể nói được thế giới chân thật. Điều này được Kinh Pháp Hoa khẳng định rằng : "Duy Phật dữ Phật nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng”
Tóm lại, Phật giáo Đại thừa triển khai giáo lý căn bản tứ Thánh đế theo hai hướng pháp tánh và pháp tướng, để chúng ta gạn lọc phần tâm ý xấu ác và huân tu phần tâm thánh thiện.
Từ đó nhận thức của chúng ta thay đổi, có tầm nhìn sáng suốt, đúng đắn, thể hiện ra lời nói, hành động, việc làm vô ngã, vị tha mang an vui, hiểu biết, lợi lạc cho người. Và những việc làm thánh thiện ấy được chất chứa trở lại vào kho a lại da thức của chúng ta. Cứ như vậy, theo tháng năm, những ý tưởng và việc làm thánh thiện của chúng ta tăng trưởng, lấn dần những hạt giống xấu ác trong tâm thức.
Cho đến khi mãn duyên đời này, tâm thức ấy là hành trang gắn liền với chúng ta, dẫn chúng ta đi tái sanh trong sáu nẻo luân hồi. Và nếu gặp đủ duyên, những hạt giống thánh thiện ấy lại sống dậy thúc đẩy chúng ta tiếp tục lộ trình Bồ tát đạo.