Sách
Thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức là khẩu hiệu chung cho Tăng Ni tu trong ba tháng An cư. Chúng ta có thể ứng dụng tinh thần này trong việc tu tập bằng cách phân ra pháp tu cho từng tháng để đạt kết quả lợi ích. Tháng thứ nhất, chúng ta thúc liễm thân tâm, nhưng không khéo thì dễ sanh bệnh. Vì vậy, cần điều chỉnh để thân không bệnh và thích hợp với môi trường tu mà chúng ta mới hội nhập. Tập ăn, ngủ ít và sinh hoạt theo lối sống Thiền môn. Sau khi điều chỉnh cơ thể quen với cuộc sống tu tập quy củ và tâm hồn bình ổn, tháng thứ nhì dành thì giờ tu Thiền quán. Chúng ta đọc kinh điển, tìm thấy ý tưởng nào của Phật dạy khả dĩ áp dụng thì dùng nó làm đề tài suy nghĩ. Tuy nhiên, dù chọn đề tài nào để quán sát cũng phải tương ưng với trình độ hiểu biết và phước đức của chúng ta. Vì Đức Phật dạy việc tu hành phải căn cứ trên phước đức và nhân duyên. Phước báo và đức hạnh của từng người khác nhau và nhân duyên là mối quan hệ của ta với đoàn thể, với xã hội. Quán sát phước hữu lậu, vô lậu có đủ thì đức mới sanh.
Về phước hữu lậu, căn bản nhất Phật dạy là tâm an vui. Người tâm an vui, ít buồn phiền là người có hạnh phúc. Hàng Thánh đệ tử tu hành, lấy tâm giải thoát làm chính. Chúng ta tự kiểm xem có phần phước này hay chưa, tức tâm chúng ta an lạc, hoan hỷ, mở rộng, dung chứa được người hay không. Thiếu tâm này, không thể hành đạo. Cần khẳng định phước của người tu phải căn cứ trên tâm. Không có tâm an lạc, phước báo sẽ mất dễ dàng. Thực tế, người có tâm hoan hỷ, ai cũng muốn gần gũi họ. Đạo Phật dùng tâm để cảm hóa người, không dùng vật chất để mua chuộc. Chúng ta phải tu cho được tâm thanh thản, rộng lớn, dung được người. Với tâm cao thượng ấy, mới khả dĩ làm các Phật sự khác. Còn buồn, giận là biết tâm còn nhỏ hẹp.
Trên bước đường tu, chúng ta tạo được phước là mở rộng tâm. Tâm mở đến đâu, người theo ta đến đó. Thí dụ tâm tôi rộng đến Củ Chi, thì quý Thầy ở đây thương mến và chấp nhận tôi. Bằng tâm từ bi, chúng ta đến với người để giúp đỡ, mang an lạc cho họ. Còn nghĩ họ giàu, đến để nhờ vả, xin cúng là ác ma. Thiết nghĩ giữ được tâm vị tha thực sự, người sẽ thương mến chúng ta ngay. Kế đến, Đức Phật dạy chúng ta tu tâm hỷ xả đối với người cố ý hay vô tình làm khổ ta. Người dễ quên việc không vừa lòng thì dễ tiến gần đến giải thoát. Mới tu, tâm còn tham lam, chấp trước, sân hận, nên ai làm phiền, ta nhớ đời, nhưng làm lợi, chúng ta không nhớ. Là đệ tử Phật, thực tu, ai làm điều tốt, dù nhỏ nhất, ta cũng phải nhớ mãi. Ai làm ác, ta quên ngay để đỡ khổ cho ta. Bản thân tôi, thuở nhỏ nghèo, nên quý tiền, cho bạn mượn, cứ nhớ hoài, sau tôi nhận ra đó là tâm ngạ quỷ, coi miếng ăn lớn, nên loại bỏ ngay. Chuyển sang giai đoạn hai, tôi theo pháp bất thọ bất thí, tức không nhận của ai và cũng không cho ai mượn tiền nữa. Thà vậy yên tâm, còn nhớ nợ hoài, tu sao được. Nhưng qua một thời gian, tôi thấy pháp tu này cũng không được, vì nói không có để không cho mượn là phạm tội nói láo. Bỏn sẻn và nói láo đều có tội, không thể tiếp tục làm như vậy.
Theo Phật dạy, chúng ta nghèo là do tâm tham lam, bỏn sẻn, nên bố thí để độ xan tham. Từ đó, tôi chuyển sang pháp thứ ba, theo đó tôi nhận được những gì của người cho, tôi dùng đó để giúp người khác. Làm như vậy, khỏi nói láo, cũng khỏi tội keo kiết, tâm thanh thản hơn mà cuộc sống vẫn dư dả và giúp được người. Mang tâm này vào đời là phước đức của đạo Phật. Có phước mới tạo thêm đức độ, tức được người kính trọng. Cố gắng giảm nhu cầu càng nhiều càng tốt để dồn vào việc phát huy năng lực giúp đỡ người, tạo thành đức hạnh. Có thi ân mới có đức hạnh và đức độ lớn mới làm Tổ, làm thạch trụ tòng lâm cho người nương tựa. Như vậy, có thể thấy tuy cùng một việc, nhưng người này làm trở thành đức độ, người khác làm lại thành ác. Chính sự khác biệt từ trong tâm mà tạo thành tội hay phước. Thí dụ ta giúp người với ý định họ thành tài làm lợi cho ta. Tuy có giúp, nhưng hành động này không tốt vì phát xuất từ lòng tham. Vì vậy, khi họ thành tài, mà không biết ơn, không phục vụ cho ta, thì ta cảm thấy bị thua thiệt, mất mát, nên sân hận, tìm cách nói xấu, phá họ, là tâm ác ta đã sanh ra. Hoặc giúp người với lòng bực tức, khinh rẻ, nên người không kính trọng ta, không thể tạo thành đức hạnh.
Cách giúp tốt nhất là thi ân bất cầu báo. Nếu cầu báo thì đừng thi ân. Tu tạo đức hạnh theo Phật, vì lòng từ bi, chúng ta giúp, không nghĩ đến quá khứ, tương lai. Trước mắt thấy người khổ thì giúp, dù trước kia họ đã từng hại ta, theo như Phật dạy trong kinh Bát Đại Nhân Giác: "Quên điều lỗi cũ, thương phần khổ đau". Theo kinh nghiệm tu hành của riêng tôi, sử dụng được tâm này trong cuộc sống rất có lợi. Người thường chống phá, khinh khi tôi lúc còn khó khăn, nhưng tôi học thành tài, tạo được đạo nghiệp thì họ lại sa cơ thất thế. Tôi vẫn giúp đỡ họ một cách vô tư, không nhớ chuyện cũ. Họ tự nhắc lại lỗi lầm cũ và cảm thấy hối hận. Thiết nghĩ chỉ có tâm tốt thực sự mới có khả năng cảm hóa người, tạo thành đức hạnh. Trên bước đường tu, nhớ việc ác của người, chúng ta khổ trước. Phải quên hẳn quá khứ, với tâm xả ly, mới dễ thương người và hành bố thí. Ngoài ra, ta giúp để người phát tâm Bồ đề. Vì ta biết khổ đau của họ là do ác nghiệp quá khứ. Không ai muốn xấu, nhưng vì nghiệp và hoàn cảnh. Nhìn xa thấy nghiệp ác của chúng sanh, mới phát được tâm đại bi cứu vớt, còn nhìn trước mắt, chúng ta thấy bực. Mở rộng tâm để thấy người đáng thương và giúp, khơi dậy tâm Bồ đề cho họ thăng hoa.
Có thể nói phước lớn nhất là tâm luôn an vui, lý giải được tất cả hoàn cảnh để tìm lẽ sống có ý nghĩa, không cục bộ. Vì cố chấp, hẹp hòi, không chấp nhận người, đẩy họ vào thế thù nghịch ta, chẳng ích lợi gì. Mở rộng tâm, vào đời độ sanh, giúp người cũng là thăng hoa đức hạnh của chính ta. Không có tâm này, hành đạo dễ thọ quả báo. Phước thứ hai là thân khỏe mạnh. Khỏe, ít bệnh hoạn mới hành Bồ tát đạo và làm được nhiều việc. Phước thứ ba, có ngoại hình dễ mến, phát xuất từ tâm từ bi. Phước thứ tư, bạn bè thương mến và hợp tác với ta, Phật sự mới thành. Quyến thuộc rất quan trọng, nhưng phải tu ba yếu tố trước. Tâm tốt sẽ có bạn tốt. Nếu có ý lợi dụng, người sẽ lợi dụng ta trước. Nhìn người đến với ta là biết tâm ta tốt hay không, vì giữa người thiện và người ác không thể sống chung. Họ còn sống chung được với ta, phải tự biết ác tâm ta còn. Chúng ta còn ở Ta bà, ở biên địa hạ tiện, còn gặp khó khăn là vì ác nghiệp nặng, phải ở để trả. Hết ác nghiệp, không thể nào ở cảnh giới này. Vì vậy, Đức Phật dạy ái bất trọng, bất sanh Ta bà. Còn thương ghét, buồn giận, bảo đảm ở đây vĩnh kiếp. Tâm như như bất động, thông với Bồ tát mười phương, chắc chắn chẳng ai làm gì được ta. Nhìn cách đối xử của người mà biết tâm ta.
Tu tháng thứ hai, chúng ta kiểm tâm bằng cách quan sát ngoại vật, xem Bồ tát hay ác ma đến với ta. Bạn bè toàn là người tốt, Hiền Thánh, mọi Phật sự đều thành tựu dễ dàng. Bước qua tháng thứ ba, thấy được người đến là Bồ tát hay ác ma, Thiên long Bát bộ, thì ta định hướng cho việc làm của chúng ta. Nếu người hằng tâm hằng sản tìm đến, ta hướng dẫn họ bố thí, cúng dường. Tháng cuối mùa An cư, cũng trùng vô ngày Thương binh-Liệt sĩ, chúng ta nhớ ơn những người có công với đất nước đang gặp khó khăn, nên khởi tâm đại bi giúp đỡ họ được an vui.
Tu hành Thiền quán, đối với người sống, chúng ta chỉ dạy cách sống hiểu biết, đạo đức, tốt đẹp hơn và sử dụng phương tiện vật chất để làm công tác từ thiện, lợi người, ích đời. Ngoài ra, việc làm của chúng ta trong tháng 7 là dùng tâm đại bi an ủi, vỗ về người khổ đau ở thế giới âm. Muốn siêu độ cho họ chỉ có tấm lòng từ bi của ta mới thực hiện được. Thế giới âm hay thế giới cô hồn, tức những người chết oan ức, thành quỷ đói. Chùa là nơi tập trung họ, vì họ không ở đâu được, chỉ còn cách tới với Phật, với Thầy tràn đầy Từ tâm. Dùng Từ tâm và gia trì thần chú, nhắc nhở oan hồn những lời dạy của Phật, tất cả những pháp này có năng lực giải khổ cho oan hồn thoát kiếp khổ để đi đầu thai.
Tóm lại, tiến tu đúng pháp trong ba tháng An cư kiết hạ, thì thân được khỏe mạnh, tâm an vui, giải thoát. Trí tuệ vô lậu và đạo đức thánh thiện đều được tăng trưởng, làm phước điền cho chúng sanh nương nhờ, làm cho âm siêu dương thới. Thành tựu như vậy, báo đáp được công ơn giáo dưỡng của Thầy Tổ và không phụ ơn đàn na tín thí.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Phước Quang, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, 1998)