Trong phẩm Phổ Hiền Bồ tát thứ 28 của kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy rằng hành giả nương theo lực của Phổ Hiền Bồ tát mà tu hành, thì sẽ được những công đức bất khả tư nghì. Nghe Phật dạy như vậy, tôi thường suy nghĩ về yếu nghĩa tiềm ẩn trong phẩm Phổ Hiền để ứng dụng vào cuộc sống tu hành; không phải tụng suông mà không được gì. Cái được mà tôi muốn nói là sở đắc tu chứng được, không phải tài sản vật chất; vì gồng gánh vật chất nhiều thì càng nặng lòng, khổ công nhọc sức, khó tu. Cái được quan trọng theo Phật dạy là được giải thoát. Người tu phải đạt cho được quả vị thấp nhất là không buồn, giận, lo, sợ. Từ tâm thanh tịnh, giải thoát, chúng ta mới quán sát thật tướng các pháp; nghĩa là thấy xa, hiểu rộng. Và điều thứ ba, chúng ta được công đức, hay Thánh tài vô tận. Đức Phật cho biết rất nhiều Bồ tát được ba thành quả này. Ngày nay, bước theo dấu chân Phật, chúng ta cần nỗ lực phát huy ba việc chính là giải thoát, trí tuệ và năng lực tu chứng. Tu thế nào để được ba sở đắc như vậy.
Mở đầu phẩm 28, Phật giới thiệu Phổ Hiền Bồ tát dùng sức thần thông tự tại, oai đức vô song cùng chúng Bồ tát, Bát bộ Thiên long, vượt qua các cõi, đến Kỳ Xà Quật, ra mắt Thích Tôn và bạch Phật… Thế lực của Phổ Hiền tuyệt vời như vậy. Vì thế, Đức Phật khuyên chúng ta nên tụng phẩm Phổ Hiền, hiểu hạnh Phổ Hiền, nương tựa lực Phổ Hiền, để thực hiện hạnh Phổ Hiền trên bước đường tu. Thật vậy, tu hành ở Ta bà là môi trường tràn đầy khó khăn, nguy hiểm, dễ sợ. Chúng ta cần có người nương tựa để tu, nhất là Ni giới. Phật dạy chúng ta nên nương theo Phổ Hiền, một vị Bồ tát có oai đức lực vô song, thì sẽ vượt qua các chướng ngại, hiểm nguy và còn được nhiều công đức nữa.
Tuy nhiên, có ba hình ảnh Phổ Hiền khác nhau. Một là Phổ Hiền Bồ tát trong kinh Quán Phổ Hiền có năng lực vô cùng tận. Hai là lực giải thoát bất tư nghì của Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm. Và ba là Phổ Hiền trong kinh Pháp Hoa. Kết hợp được ba lực của Bồ tát Phổ Hiền ở ba bộ kinh nói trên, nhất định nương được Phổ Hiền lực trên nhân gian, đạt kết quả mỹ mãn.
Nương vào lực Phổ Hiền trên nhân gian nghĩa là chúng ta nương với người có thế, có lực để tu. Thí dụ chùa của chư Ni không cách xa chùa của chư Tăng; vì quý vị cần nương theo trí tuệ, đức hạnh và sự chỉ bảo, giúp đỡ của chư Tăng để được an lành mà tiến tu. Ngoài ra, sinh hoạt của chùa chúng ta được chính quyền sở tại giúp đỡ, bảo đảm an ninh là sự thuận lợi cho việc hành đạo. Và chúng ta tu hành cũng cần nương vào đàn việt tín tâm. Nhờ Phật tử quý mến, nhiệt tình ủng hộ, chúng ta được an ổn để hành đạo. Chúng ta kết hợp được ba lực Phổ Hiền trên nhân gian như vậy mới tạo thế ổn định và phát triển đạo pháp. Không phải chỉ nghĩ đến Phổ Hiền của kinh Quán Phổ Hiền và kinh Hoa Nghiêm mà quên mất Phổ Hiền trên thực tế, cũng không làm được ba việc như trên. Ba lực Phổ Hiền trên nhân gian quyện vào nhau, giúp chúng ta dễ tạo công đức.
Từ nguồn lực vô biên của Phổ Hiền Bồ tát ở dạng siêu hình đưa vào thực tế, kinh qua việc tu hành của chúng ta, mới có được bất tư nghì giải thoát cảnh giới. Thật vậy, Phổ Hiền nhắc chúng ta phải tu mười hạnh nguyện Phổ Hiền. Các chùa sau mỗi thời kinh đều đọc mười đại nguyện này. Thiết nghĩ lực vô tận của kinh Quán Phổ Hiền thì quý vị chưa vói tới. Vì vậy, mỗi ngày đọc mười hạnh Phổ Hiền để hiểu, để nhớ, để tu, sẽ tiếp nhận được ba thế lực nhân gian là chư Tăng, quần chúng và chính quyền ủng hộ. Nếu chỉ đọc suông mười hạnh Phổ Hiền mà không tu, không thực hiện mười hạnh này trong cuộc sống, thì không thể có công đức. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, nhờ tu mười hạnh Phổ Hiền, nhận được lực Phổ Hiền trên nhân gian, mới thành tựu được nhiều Phật sự. Lời Phật dạy rất thực, rất đúng. Vì chúng ta không hiểu, không áp dụng đúng, nên kết quả không tốt.
Phật dạy rằng làm được trọn vẹn mười hạnh Phổ Hiền, sẽ thấy Phật hiện tiền, không nhập diệt. Tất yếu chúng ta cần suy nghĩ và làm cho được mười hạnh Phổ Hiền.
Chúng ta bắt đầu thực hiện từng việc một theo Phổ Hiền là tu hạnh Phổ Hiền. Tôi xin nói sơ về hạnh Hồi hướng Pháp giới chúng sinh, nghĩa là khắp các loài hữu tình, hoặc những người mà chúng ta tiếp xúc, quen biết, đều hồi hướng cho họ. Trong cuộc sống, ai cũng có người thương và người ghét; đó là chuyện bình thường. Người ủng hộ chúng ta ngày nay là người bạn đồng hành, đồng sự với chúng ta trong quá khứ. Tôi tin chắc như vậy. Tôi có nhiều đệ tử, vì họ cùng tu Pháp Hoa với tôi trong quá khứ, tái sanh lại đời này, họ tu học theo tôi. Đối với người cùng chung chí hướng, hạnh nguyện, chúng ta trân trọng, hồi hướng cho họ; nghĩa là nuôi dạy, giúp họ thăng hoa, đừng đỏi hỏi gì ở họ. Quý Ni phải nhớ ý này, đừng phạm sai lầm.
Có người cúng dường một số tiền lớn để chúng ta xây chùa. Không nên nghĩ rằng chúng ta may mắn, sung sướng. Phải quán tưởng xem số tiền này đi từ đâu đến. Phật, Bồ tát ban cho chúng ta, hay người này mắc nợ chúng ta trong quá khứ, nay mang trả. Tôi thường quán sát như vậy. Nếu Phật sai họ mang đến để làm việc gì, thì làm đúng việc đó, không làm khác. Thí dụ tôi thăm hai trường hạ ở Hóc Môn, nên Phật khiến người tín tâm đem tiền đến cúng dường để tôi cúng trường hạ. Thấy rõ và làm đúng việc này, tôi được một công đức nhỏ là công đức chuyển giao. Hoặc người thiếu nợ chúng ta trong quá khứ, nay họ cúng dường. Nói đơn giản, chúng ta đã thọ hưởng phước báo đã tạo đời trước. Còn nhận tiền cúng, rồi giữ riêng, không phải đệ tử Phật. Người này cũng nhờ phước có sẵn, người mới tin thì mới gạt được họ. Nhưng khi đã làm việc xấu, mất uy tín, có kêu gọi, người ta cũng không tin nữa.
Đối với người phỉ báng, gây trở ngại, chúng ta cũng quán sát để biết rõ mà xử sự. Một là người làm trở ngại việc tu hành mà chúng ta trân trọng nhất là Bồ tát nghịch hạnh, hay gặp hoàn cảnh khó, trí chúng ta mới sáng ra. Theo tôi, Bồ tát lớn hiện thân ác ma để thử thách, rèn luyện cho chúng ta đủ năng lực vượt qua nghịch duyên. Thực tu thì đe dọa không sợ, cám dỗ cũng không vấp ngã. Hòa thượng Thiện Hoa thường dạy rằng vì có người dữ mà người lành mới nên. Người xử sự tệ, nhưng chúng ta vẫn tốt được, thì chúng ta là đệ tử chân chánh của Phật. Trên bước đường tu, tôi trưởng thành vì gặp quá nhiều thử thách trong cuộc sống. Ngoài ra, đối với người thường phá hại, chúng ta cũng biết đó là túc nghiệp quá khứ mà chúng ta đã tạo ra. Thí dụ Hòa thượng Hồng Pháp cho biết ngài nhập Định thấy bị một người Miên giết chết, vì đời trước ngài là viên tướng đã giết nhiều người. Thực tế cũng xảy ra đúng như ngài báo trước. Một người thường mang thức ăn đến cúng dường Hòa thượng đã nói rằng hắn ta phải giết Hòa thượng, vì quá thương ngài; nếu để người khác giết ngài thì uổng! Tất cả mọi việc xảy ra trên cuộc đời này không có gì ở ngoài lý nhân quả.
Tu hạnh Hồi hướng theo Phổ Hiền, đối với người thuận theo, cùng hợp tác, chúng ta trân trọng, hồi hướng cho họ; nhưng với người nghịch lại, thích chống phá, chúng ta càng trân trọng hơn để trả oan nghiệp đời trước. Trả dứt món nợ, tái sanh không gặp trở ngại này nữa và điều tốt lành tự đến. Thực hiện tinh thần Phật dạy, thành tựu được hạnh Phổ Hiền, sẽ nhận được lực Phổ Hiền là những người đạo đức, trí thức, người có thế lực và quần chúng trên nhân gian ủng hộ, trợ giúp chúng ta thành công mọi việc. Mong quý vị tụng Pháp Hoa hiểu ý nghĩa sâu xa, ứng dụng, đạt kết quả tốt đẹp trong cuộc sống.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Pháp Đạt, Củ Chi, ngày 1-7-2004)