Sách
Ở thời kỳ mà thần quyền đang ngự trị, giáo lý của Đức Phật như ngọn đuốc rực sáng xua tan mọi kiến thức mê lầm của con người tin vào đấng thần linh nắm vận mạng của mọi loài. Đức Phật là vị Thầy duy nhất khẳng định con người là tối ưu hơn cả trong các loài, vì chỉ con người mới có điều kiện phát huy trí tuệ đến tột đỉnh, chi phối được muôn sự, muôn vật. Chính ý tưởng con người phải là chủ nhân của chính mình đã nung nấu tâm tư Đức Phật và thúc đẩy Ngài từ bỏ cuộc sống giàu sang, uy quyền mà mọi người đều ham muốn. Ngài rời bỏ những sự ràng buộc vật chất để phát huy năng lực siêu nhiên của con người.
Trên bước đường đi tìm đáp án cho vấn đề sanh tử trầm luân của kiếp người, Đức Phật đã trải qua năm năm tìm đạo, sáu năm tự thân thể nghiệm các pháp tu ở chốn núi rừng và thêm hai mươi mốt ngày tham Thiền nhập Định dưới cội Bồ đề, Ngài đã đạt đến trí tuệ Vô thượng. Với quá trình dốc toàn sức lực và tinh thần đến tột đỉnh như vậy cho việc thăng hoa tri thức, Ngài đã thành đạo, sử dụng được năng lực siêu nhiên của con người ở đỉnh cao nhất, từ đó làm chủ được thân ngũ uẩn, chinh phục được thiên nhiên và xã hội.
Theo Phật, chinh phục thiên nhiên không có nghĩa là khai thác, phá hủy mà phải sống hài hòa để thiên nhiên và ta cùng tồn tại song hành một cách tốt tươi, khỏe mạnh. Cuộc đời của Đức Phật thể hiện rõ nét tinh thần này. Trên bước đường vân du giáo hóa, Ngài thường sống trong các khu vườn, thuyết pháp, kinh hành, Thiền định. Ngài gắn bó nhiều với thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên đến mức độ cao, kể cả cọng cỏ cũng được che chở, loài côn trùng nhỏ nhất cũng được Ngài thương yêu.
Đối với xã hội, bằng trí tuệ tu chứng của bậc Toàn giác, Đức Phật thấy biết rõ nhược điểm và ưu điểm của người. Vì vậy, ai có duyên gần gũi, nhận sự giáo dưỡng của Ngài, họ đều khắc phục được tánh xấu và phát huy mặt tốt. Thật vậy, hàng ngoại đạo trước kia cố chấp giới điều, tự làm khổ thân. Khi trở về sống với Đức Phật, cởi bỏ được những sự ràng buộc vô lý và phát triển nếp sống thiện mỹ, họ đã trở thành các vị Thánh La hán giải thoát, đáng kính trọng. Cho đến những nhà chinh lược khét tiếng thời ấy như vua A Xà Thế hay Ba Tư Nặc cũng được Đức Phật khai ngộ, nhận ra con đường sát phạt của họ chỉ dẫn đến khổ đau, oán thù ngập trời và không có lối thoát. Theo Phật, việc trị nước an dân của họ có phần nhẹ nhàng hơn và mang lại hạnh phúc, thịnh vượng cho dân, cho nước hơn trước kia. Có thể khẳng định rằng với trí tuệ của bậc Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Đức Phật đã xây dựng được xã hội lành mạnh trong thời kỳ Ngài tại thế. Và đặc biệt, thể hiện được tinh ba Phật dạy trong cuộc sống chính là hình ảnh Tăng đoàn. Điểm nổi bật ưu việt của Tăng đoàn là sống hài hòa, hài hòa trong cộng đồng pháp lữ, hài hòa với xã hội và với thiên nhiên.
Tinh thần hài hòa ấy được Đức Phật thu gọn lại thành pháp Lục hòa, dùng đó làm kim chỉ nam hướng dẫn sinh hoạt của chư Tăng cùng sống. Hàng đệ tử nối gót Phật thể hiện thân hòa đồng trụ, nghĩa là cách sống trong đoàn thể phải ảnh hưởng tốt cho nhau, không làm phiền, không tác hại người, nhưng sống lợi ích cho nhiều người. Đức Phật là mẫu người tiêu biểu nhất của thân hòa tuyệt đỉnh. Thật vậy, Ngài vắng bóng trên cuộc đời hơn hai mươi lăm thế kỷ mà hình ảnh thánh thiện và tư tưởng trọn lành của Ngài vẫn còn chỉ đạo cho cuộc sống của loài người ở khắp năm châu. Tinh thần hòa hợp của chân thân Phật trong khắp Pháp giới được kinh Hoa Nghiêm diễn tả là Hư không thân.
Đức Phật không chủ trương tranh cãi, chỉ dùng hạnh đức, tâm đức để cảm hóa người. Thể hiện tinh thần ấy, Ngài dạy Tăng chúng "khẩu hòa”, tức tìm lời hay ý đẹp mà truyền cho nhau. Lời nói hòa nhã phát xuất từ trái tim từ bi, từ tấm lòng chân thật, không phải là lời nói giả dối trên đầu môi chót lưỡi.
Thân hòa, khẩu hòa đều bắt nguồn từ ý tưởng hòa hợp. Ý hòa, tức tư duy của mỗi người trong tập thể cần thống nhất được với nhau, đó là điều không đơn giản. Thực tế, có những điều mới nghe, chúng ta cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, nỗ lực thực hiện ý hòa theo Phật dạy, chúng ta cần cân nhắc, hiểu được suy nghĩ của người, để từ đó tạo được mẫu số chung khả dĩ chấp nhận, giúp cho tập thể phát triển.
Kế đến là thực hiện giới hòa đồng tu và kiến hòa đồng giải. Theo tinh thần Đại thừa chủ trương giới luật không hạn hẹp theo giới điều, cứng nhắc. Chúng ta giữ giới nhưng phải hòa, nghĩa là sống chung trong đoàn thể, chúng ta cùng trao đổi để đặt ra những quy tắc, luật lệ cùng tuân thủ cho sinh hoạt có nề nếp, kỷ cương tốt đẹp. Tuy nhiên, nguyên tắc hợp lý, hợp tình cũng phải được mọi người trong tập thể chấp nhận, còn một người không tán thành cũng không thể áp dụng. Thiết nghĩ, chúng ta làm tốt, người thấy đúng, thấy hay, họ tự theo, không có sự áp đặt nào bền vững cả. Khi sống chung với nhau mà thân, khẩu, ý hòa hợp và cùng sinh hoạt hài hòa theo cương lĩnh tập thể đề ra, sự thấy biết của mọi người cùng thống nhất, thì năm việc hòa hợp này tất yếu sẽ dẫn đến việc chia sẻ quyền lợi đồng đều, bình đẳng và giữ gìn quyền lợi chung của tập thể.
Nếp sống của Tăng đoàn từ thời Đức Phật còn tại thế đã hình thành rõ nét tinh thần hài hòa với người, với xã hội, với thiên nhiên. Và trải qua hàng ngàn năm, tinh thần ấy vẫn được phát huy, mang lại những kết quả thực tốt đẹp.
Ngày nay, ở thời hiện đại, chúng ta càng thấy rõ sự quan trọng và cần thiết của việc thực hiện tinh thần hòa hợp theo như Phật dạy để giữ gìn trái đất này còn trong lành, mọi người trên thế giới còn được sống trong hòa bình, an lạc. Thật vậy, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là môi trường sống của con người đã trở nên tồi tệ. Một số các nước giàu nắm quyền bá chủ đã khai thác cạn kiệt của cải của nhân loại, họ thụ hưởng nhiều nhất và cũng thải ra nhiều nhất các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Họ cũng không ngần ngại tặng hay bán cho các nước nghèo những thiết bị cũ gây nhiều ô nhiễm. Ngoài ra, vấn đề nghèo đói, bệnh tật và biết bao cuộc chiến tranh vô nghĩa đang tiếp diễn gây ra vô số cảnh tang thương đau khổ. Thật là một nghịch lý của thế giới văn minh hiện đại.
Đức Phật và đệ tử Ngài đã thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho cuộc sống của họ, cho xã hội và cho môi trường thiên nhiên. Tại sao chúng ta ở thời đại văn minh hơn mà lại đi vào con đường bế tắc, khổ đau mà biết bao biện pháp báo động về các khủng hoảng nói trên vẫn không giải quyết được.
Chúng tôi kỳ vọng rằng trong hiện tại và hướng đi tương lai tươi sáng, theo tinh thần Đại thừa cần có không những một Đức Phật hiện hữu mà phải có nhiều người thực hành tinh ba của Đức Phật dạy trong cuộc sống. Nói cách khác, sự đóng góp công sức và trí tuệ của nhiều người mang tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha, luôn san sẻ, thương yêu, đùm bọc người kém hơn, luôn sống hài hòa với người, với thiên nhiên. Có như vậy mới khả dĩ tháo gỡ những vướng mắc nghịch lý của thời đại và mang lại hòa bình, an vui cho mọi người, mang lại sự sống cho mọi loài, cho trái đất này được tốt tươi.