Sách
(Bài giảng trong khóa Tập huấn Giảng sư năm 1991)
Đạo Phật là đạo giải thoát. Tu sĩ chúng ta lúc nào cũng cần thể hiện sự an lạc, giải thoát trong cuộc sống tu hành ở mọi lãnh vực, mọi tình huống.
Như vậy, chúng ta tu giải thoát bất cần luật pháp chăng ? Nếu không thì ngược lại, chúng ta cũng bị luật pháp ràng buộc chặt chẽ y hệt như mọi người thế gian hay chăng ?
Trả lời câu hỏi này chính là xây dựng một mô hình sống kiểu mẫu của tu sĩ hiểu luật pháp. Và sống như thế nào mà hàng rào luật pháp thế gian không bao giờ có thể làm vướng bận việc hành đạo của chúng ta, cũng như không thể nào làm rách nát tâm hồn giải thoát của chúng ta.
Điều cần khẳng định rằng tu sĩ nhìn về luật pháp, hiểu luật pháp và sống đúng luật pháp, chắc chắn khác với cách nhìn, hiểu và sống của người không tu.
Thật vậy, cổ nhân có nói : "Đọc binh thơ cụ chiến, đọc luật thơ cụ hình, đọc Phật thơ chiến hình vô cụ”. Đây là cách nhìn về luật của người tu. Nếu chúng ta đọc binh thơ, nghiên cứu binh pháp, biết rõ phương cách dàn trận, chiến lược, tấn công, v.v… Nói đơn giản là làm thế nào giết được đối phương càng nhiều càng tốt. Nếu chúng ta đọc sách luật thế gian, nghiên cứu về luật, chúng ta sẽ nhồi vào trí óc những tội danh, tội phạm, mức độ nặng nhẹ của hành vi phạm tội như thế nào, v.v… Tất cả những gì xấu xa tội lỗi, nhơ bẩn ở trên cuộc đời này, không sót một thứ gì từ thấp đến cao, chúng ta đem nó trọn vẹn vào tim óc, khi để tâm nghiên cứu luật pháp, chiến tranh. Tất nhiên càng nghiên cứu lâu, tâm hồn chúng ta càng huân tập kỹ lưỡng thêm gươm đao, sát phạt, âm mưu, thủ đoạn, thù hận, tù tội, v.v…
Trái lại, đọc sách Phật, nghiên cứu lời Phật dạy, chắc chắn thế giới tội lỗi nói trên không thể tác hại tâm hồn. Càng trầm mình trong giáo lý Phật Đà, đời sống và tâm hồn ta càng thăng hoa theo những lời dạy chân thiện mỹ của Đức Thế Tôn. Việc mà chúng ta để tâm không phải là vật lộn với cuộc sống, để kiếm miếng cơm manh áo giống như người thế gian.
Công việc chính của người tu hành như cổ nhân đã dạy : "Canh Võ điền ưu thủy, canh Thang điền ưu hạn, canh tâm điền thủy hạn hà ưu”. Người tu "canh tâm điền”, lo săn sóc, điều chỉnh mảnh ruộng tâm của chúng ta cho thanh tịnh, trong sáng. Mọi việc do tâm trong sáng chỉ đạo, ắt hẳn phải thành tựu tốt đẹp; không còn sai trái mà phải lo sợ, kể cả hạn hán, lụt lội. Nói chung, hoàn cảnh thiên nhiên bên ngoài cũng không chi phối được tinh thần người tu.
Nếu không "canh tâm điền”, mà nỗ lực làm việc theo cách của người thế gian, thì chúng ta cũng đành bó tay, trước những khắc nghiệt của thiên nhiên như lụt lội, hạn hán. Vì dù cho nhà nông sống ở thời vua Võ, vua Thang nổi tiếng hiền lương, ấm no, thái bình; nhưng họ vẫn nơm nớp lo sợ mất mùa vì thiên tai, úng thủy, hoặc khô cháy. Kết quả tốt đẹp của người tu là thể hiện đúng nghĩa việc "canh tâm điền”. Vì có bao giờ chúng ta bắt gặp các vị cao Tăng thạc đức lâm vào cảnh đói khổ hay không?
Ngày nay, trên bước đường tu, nếu còn bị nhiều khó khăn vật chất bao vây, bức ngặt, chúng ta cần tự xét lại xem mình đã "canh tâm điền” đúng pháp hay chưa. Tâm điền chưa trong sạch, làm thế nào là phước điền cho chúng sinh nương tựa.
Tuy nhiên, đọc kinh Phật, canh tâm điền, để rồi chúng ta không ta liên hệ gì đến cuộc đời, không biết gì đến luật pháp và không lưu tâm đến chiến tranh hay sao ?
Chắc chắn không phải như vậy. Cần ý thức rằng nếu không quan tâm đến luật pháp, đến chiến tranh, nói chung không biết những diễn biến của cuộc đời, chúng ta sẽ trở thành những tu sĩ ngờ nghệch. Và kẻ ngờ nghệch tất nhiên không thể sống an lành trên thế gian nhiều cạm bẫy này. Trái lại, quan tâm đến mọi thứ, để lao đầu vào cuộc đời giống y mọi người không tu. Như vậy, chúng ta đã đánh mất tư cách của người tu.
Đọc kinh Phật, canh tâm điền, để đạo đức chúng ta trong sáng, hiểu biết đúng đắn, chính xác. Và ứng dụng nghĩa lý kinh vào cuộc sống, giúp cho mình và người cùng thăng hoa, an lành; không còn sợ chiến tranh, tù tội. Nói cách khác, chiến tranh và phạm pháp không bao giờ xảy ra trong đoàn thể Tăng chúng.
Lời Phật dạy là chân thiện mỹ vượt ra ngoài quy luật thế gian. Và người tu sống đúng lời Phật dạy, sống với những quy luật vượt hơn thế gian. Vì thế, người tu thể hiện mẫu người trí tuệ, đạo đức; luật pháp thế gian không còn tác động gì đối với họ.
Từ góc độ của người đọc kinh Phật, "canh tâm điền”, đạt được giải thoát, chúng ta mở rộng tầm nhìn theo chiều dài lịch sử, để có khái niệm về luật và lý do hiện hữu luật. Điều hiển nhiên cho thấy khi loài người biết tập họp, quây quần sống chung với nhau, thì nhiều vấn đề do chung đụng mới nảy sinh. Từ đó, để giải quyết mối tranh chấp bất đồng trong đời sống tập thể, luật bắt đầu xuất hiện.
Mặc dù trong thời thượng cổ, con người sống dưới hình thái bộ lạc, chưa có khả năng soạn những bộ luật thành văn; nhưng họ cũng có một số quy tắc sống chung phải tuân thủ. Đó là khái niệm về luật, hay những nguyên tắc đơn sơ được hình thành ở giai đoạn khởi thủy.
Sau đó, tùy theo yêu cầu của từng bộ lạc, từng vùng khác nhau, trong thời kỳ khác nhau, mà luật từ từ phát triển và tăng bổ thêm. Chúng ta tuần tự theo dõi sự tiến hóa của luật, sẽ thấy rõ có ba thời kỳ.
Thời kỳ thứ nhất, luật đặt trên căn bản đức trị, nghĩa là dùng đức hạnh cảm hóa người. Ở giai đoạn một, khi con người còn bản chất thuần phát tốt thật sự, họ lấy đức hạnh làm tiêu chuẩn sống. Tiêu biểu như ở Trung Hoa có vua Nghiêu, vua Thuấn nổi tiếng thương dân. Trong nước do các ông lãnh đạo, dân chúng sung sướng, hưởng cảnh ấm no, thái bình, an vui; đến độ ngày nay nhiều người còn ước mơ được quay trở về sống dưới thời Nghiêu Thuấn.
Theo tôi, chúng ta đang sống ở thế kỷ 20, sao lại mong ước sống thụt lùi trở lại thời lạc hậu. Chúng ta học những gì tốt đẹp của họ là học tính thuần phát của thời đó, học tính đạo đức của họ mà thôi.
Trong lịch sử ghi rằng vua Nghiêu nhận thấy người con của ông không xứng đáng, ông mới tìm người đạo đức để trao ngôi vua. Gặp Hứa Do là người đạo đức, ông mời về để truyền ngôi. Hứa Do vội vàng chạy xuống sông để rửa tai, vì sợ tai mình dơ bẩn khi nghe hai tiếng lợi danh. Lúc đó, Sào Vũ không dám cho con trâu của ông uống nước sông, vì sợ nước sông đã bị lợi danh mà Hứa Do vứt bỏ xuống đó, sẽ làm bẩn lây con trâu của ông.
Vua Nghiêu, vua Thuấn, Hứa Do, Sào Vũ là những mẫu người tiêu biểu cho đạo đức. Chúng ta có thể cho rằng họ sống không đúng luật hay chăng ? Không, chắc chắn là không; mà còn hơn thế nữa. Họ hiện hữu nơi nào cũng xây dựng điều tốt đẹp, hạnh phúc cho người. Nguyên tắc sống của họ, hay luật của họ, không ghi thành văn bản. Nhưng luật đạo đức ở giai đoạn một là luật cao nhất cảm hóa người một cách nhẹ nhàng và dễ dàng. Như cổ nhân đã nói : "Mỹ mạc mỹ hồ đức, duy hữu đức bất trị dân tùng”.
Câu chuyện Hứa Do, Sào Vũ đã gợi cho chúng ta suy nghĩ về hạnh xuất thế trên bước đường tu. Tuy đã ra khỏi nhà thế tục, nhưng có những lúc ta vẫn còn nghe văng vẳng tiếng gọi của lợi danh; lòng chúng ta vẫn còn phân vân trước sự mời mọc của danh lợi. Bấy giờ chúng ta đã phạm luật thứ nhất của thế gian là luật đạo đức.
Sau thời kỳ luật pháp đặt căn bản trên đức trị, tiến đến thời kỳ thứ hai, xã hội ngày một phát triển rộng lớn thêm. Từ bộ lạc, hay một nước nhỏ, tiến đến hình thành một quốc gia quy mô, sinh hoạt mở rộng trên nhiều lãnh vực. Vì thế, vấn đề phải có luật và tuân thủ luật trở thành quan trọng cần thiết. Đây là thời kỳ Hiến pháp, luật pháp thành văn ra đời.
Như vậy, khởi đầu với mẫu luật dùng đức trị, được thay đổi thành pháp trị, ở thời kỳ thứ hai với những quy định rõ ràng từng điều khoản cho các bộ luật khác nhau. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội, thích ứng với những hoàn cảnh sống mới.
Sau đó, đời sống quốc gia càng phát triển văn minh, sự quan hệ giữa các quốc gia càng mở rộng, thì luật càng được đặt ra nhiều hơn, chi tiết hơn. Thí dụ khi chưa có phi cơ, tàu bè, hay hoạt động của hai ngành hàng không và hàng hải chưa thông dụng, thì làm gì cần phải có những bộ luật hàng không, hàng hải. Hoặc khi sự quan hệ hỗ tương giữa các quốc gia trở nên cần thiết cho sự phát triển sống còn của nhau, thì vấn đề luật bang giao quốc tế, công pháp quốc tế mới được đặt ra.
Tựu trung, có thể nói rằng luật là thỏa ước quy định giữa những người sống trong xã hội, hay điều ước giữa các quốc gia. Tuy nhiên, đến giai đoạn ba, khi luật đặt trên căn bản pháp định không được tôn trọng, thì lúc ấy sẽ đưa đến việc sử dụng luật dựa trên sức mạnh, tức dùng chiến tranh để giải quyết.
Trở lại lãnh vực giáo lý để tìm hiểu xem Đức Phật có khái niệm như thế nào về luật và ngài sử dụng luật ra sao. Như chúng ta đã biết, khi Đức Phật thành đạo, ngài thuyết kinh Hoa Nghiêm. Ở Hoa Tạng giới, Pháp thân Tỳ Lô Giá Na thuyết kinh Hoa Nghiêm và nói tam tụ tịnh giới cho Bồ tát vi trần nghe; nhưng chúng ta hoàn toàn không biết.
Tuy nhiên, chắc chắn Đức Phật phải sử dụng một luật tắc như thế nào mới điều động được các Bồ tát vi trần mười phương đến nghe pháp. Luật tắc mà Đức Phật sử dụng, hay sợi dây đạo đức vô hình nối liền, truyền thông giữa ngài và các Bồ tát, tạo thành cảnh giới sống vượt ngoài tầm quan sát của mắt phàm. Đó là luật đạo đức của người đã chứng Vô thượng Bồ đề, mà chúng ta không thể thấy và hiểu được bằng căn, trần, thức. Và chỉ có thể dùng luật này để điều động Bồ tát mười phương. Luật tắc đó là thỏa ước dành riêng cho trình độ tu chứng tâm linh ở mức độ siêu đẳng.
Từ Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật sử dụng luật đạo đức siêu hình, chi phối các Bồ tát siêu hình, vượt ngoài nhận thức của ngũ uẩn thân; Đức Phật trở lại cuộc đời bằng sanh thân. Ngài đến vườn Lộc Uyển giáo hóa con người hữu hình là năm anh em Kiều Trần Như.
Các ông này thường nghĩ rằng Đức Phật thoái chuyển, bỏ cuộc, không tu nổi. Nghĩa là Phật đã vi phạm luật tu hành, nên họ bàn với nhau sẽ không tiếp đón Phật. Nhưng bấy giờ, Đức Phật đã đạt đến đỉnh cao của luật đạo đức, hoàn toàn vượt xa luật thực tế bình thường thế gian. Vì vậy, trong vô hình, đạo đức của Phật đã tác động vào tư duy của họ. Năm ông này nhìn thấy Phật, trong niệm tâm trước khích bác khinh thường ngài, liền niệm tâm sau đã trở thành đệ tử phục tùng ngài tuyệt đối.
Luật mà Phật sử dụng là luật của người đã chứng Vô thượng Bồ đề. Luật này không có điều khoản 1, 2, 3, 4 …, nhưng đã tạo nên một lực tác động giáo hóa người không thể tính lường được.
Ngày nay, chúng ta bước theo lộ trình Phật dạy, học luật là học mẫu tác động đạo đức của Phật đối với Bồ tát siêu hình, cũng như đối với người hữu hình là Kiều Trần Như.
Ở thời kỳ thứ hai, Đức Phật bắt đầu cuộc đời giáo hóa, ngài đến với năm anh em Kiều Trần Như là những người chưa đạt được mẫu đạo đức xuất thế của ngài. Nhưng các ông là những nhà hiền triết kiểu mẫu, tiêu biểu cho mẫu đạo đức thế gian, không phạm luật thế gian; nên được an lành tu niệm.
Đối với năm anh em Kiều Trần Như không phải là Bồ tát vi trần trong thế giới Thật Báo, luật mà Đức Phật giảng dạy tất nhiên phải khác, phải là những quy tắc cho con người hữu hình hiểu được, áp dụng được. Tuy nhiên, luật Phật đưa ra cho năm vị này hay các Thánh Tăng đạo đức rất giản dị, nhưng cũng rất cao tột; chỉ có ba điều là trí tuệ (Phật Bảo), chân lý (Pháp Bảo), hòa hợp (Tăng Bảo), hay đó là Tam Bảo.
Qua kinh điển, chúng ta nhận thấy rõ sinh hoạt của Thánh chúng ở giai đoạn đầu không nằm ngoài ba nguyên tắc căn bản này. Các ngài đều phát huy trí tuệ vượt hơn người bình thường, đắc quả La hán và sống cuộc đời thánh thiện, hòa hợp, an vui, mang an lạc giải thoát cho người. Vì vậy, không ai dám chê trách mà còn tôn kính, cúng dường. Ngày nay, nếu Tăng Ni chúng ta không sống với khuôn mẫu Tam Bảo, chắc chắn khó an lành giải thoát, khó giữ được phẩm chất của người xuất gia.
Từ mô hình sinh hoạt Tăng đoàn đầu tiên giữa Phật và năm vị Tỳ kheo ở Lộc Uyển được xây dựng trên luật căn bản Tam Bảo, tạo thành cảnh giới hòa hợp, an lành; thu hút mọi người từ từ đến kính ngưỡng xin gia nhập. Những người muốn đến nương tựa bóng mát an lành của Phật và Thánh chúng, tất nhiên họ phải là những người không an lành. Để tránh tình trạng những người không an lành, chưa đắc đạo, còn đầy đủ tham sân phiền não mà tập họp lại sống chung với đoàn thể; họ sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề, làm lây lan phiền não nhiễm ô cho đại chúng. Đức Phật mới quy định thêm tám điều luật phải tuân theo, gọi là Bát Chánh Đạo.
Bát Chánh Đạo hay tám nguyên tắc sống hướng dẫn mọi người phát huy thiện nghiệp của thân khẩu ý, hoàn thiện giới định huệ của người xuất gia. Sống lệch ra ngoài Bát Chánh Đạo, chúng ta sẽ không giữ được bản chất sáng suốt thánh thiện, không còn thành trì nương tựa cho cuộc sống giải thoát.
Ngoài Bát Chánh Đạo, Đức Phật còn dạy thêm pháp Lục Hòa. Vì trong Tăng đoàn có đầy đủ thành phần xuất thân ở các giai cấp khác nhau, sống chung với nhau, dễ nảy sinh những bất đồng. Bấy giờ, Đức Phật lại đưa ra sáu quy tắc sống chung. Sinh hoạt trong tinh thần của sáu pháp hòa kỉnh, mọi người tôn trọng lẫn nhau, làm việc vì lợi ích chung, luôn luôn có tâm hồn cởi mở. Vì thế, giáo đoàn của Phật dung hợp được mọi thành phần khác nhau trong xã hội cùng chung sống thuận hòa. Điều này trước kia đẳng cấp Bà la môn không bao giờ cho phép họ được trông thấy nhau, huống là chung sống bình đẳng với nhau.
Tuy nhiên, khi giáo đoàn càng mở rộng, vấn đề nảy sinh càng nhiều. Và vấn đề càng nhiều, càng cần có luật để giải quyết. Sau Phật Niết bàn, mỗi quốc gia lại quy định những luật lệ riêng để điều hành sinh hoạt của Tăng chúng ở nơi đó. Thí dụ như tu sĩ Việt Nam phải sinh hoạt trong khuôn khổ Hiến chương và Nội quy Tăng sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tóm lại, đi theo lộ trình đạo đức, trí tuệ, giải thoát của Đức Phật, Tăng Ni chúng ta học luật, hiểu luật, sống đúng theo luật, không gì khác hơn là sống đúng tinh thần khuôn mẫu của Đức Phật đề ra. Giữ đủ các giới cấm của Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, cho đến thể hiện đầy đủ nếp sống Lục Hòa, Bát Chánh Đạo và nâng cao hơn nữa tiêu biểu thật sự cho mô hình Tam Bảo trên cuộc đời. Tròn giới hạnh như vậy, chúng ta chẳng những vượt hơn người bình thường thế gian, mà còn là người đức hạnh sáng suốt, chỉ đạo cho sinh hoạt thế gian, gỡ rối những gút mắc cho cuộc đời.
Với tư cách này, không có luật nào của thế gian mà chúng ta phải quan tâm; nhưng chẳng có điều luật nào mà chúng ta vi phạm. Vì vậy, còn vi phạm luật pháp thế gian, e rằng chưa đủ tư cách của người bình thường trên cuộc đời, huống gì làm đệ tử xuất gia của Phật.
Thực tế cho thấy các vị Tổ sư hành đạo hoàn toàn tự tại giải thoát. Vì các ngài nắm giữ, vận dụng luật tắc nằm trên luật bình thường của thế gian, thì làm thế nào luật thế gian có thể chi phối các ngài được. Bước chân hành đạo của những bậc xuất trần thượng sĩ như áng mây nổi giữa hư không. Những đặt để tính toán của con người ở trên cuộc đời làm gì ràng buộc, cản ngăn các ngài được nhỉ !