Sách
(Bài giảng tại chùa Thiên Tôn)
Hôm nay chùa Thiên Tôn kỷ niệm ngày thành lập đạo tràng tu Bát quan trai được ba mươi năm gợi nhắc chúng tôi nhớ lại thời gian ba mươi năm trước, khi đất nước mới được thống nhất. Cuộc sống lúc đó còn rất nhiều khó khăn và đạo tràng tu học Phật pháp cũng rất hiếm có. Riêng tôi, lúc đó cũng đã thành lập đạo tràng Bát quan trai ở chùa Ấn Quang. Có những Phật tử tham dự một ngày tu, không có một đồng để đóng tiền cơm. Có những Phật tử mang theo một lon gạo, hay khoai lang, hoặc bo bo để đóng góp. Phải nói thời kỳ đó đời sống muôn vàn khó khăn; nhưng chùa Thiên Tôn đã mở được đạo tràng tu Bát quan trai. Tôi tin rằng đó là nhờ sự mầu nhiệm của Phật pháp và sự gia bị của Tổ Thiên Thai, của Hòa thượng Minh Đức. Ngoài ra, cũng nhờ công lao cống hiến rất nhiều cho đất nước của Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Thiện Hào, mới giúp cho chùa chúng ta có sinh hoạt tu học tương đối dễ dàng.
Lúc Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Thiện Hào còn sanh tiền, các ngài đã tham gia cách mạng và cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng từng ẩn náu tại chùa Thiên Tôn. Vì thế, việc tổ chức tu Bát quan trai ở nơi đây vào thời kỳ đó được thuận lợi; trong khi các chùa khác trong thành phố Hồ Chí Minh vẫn bị hạn chế sinh hoạt. Lúc đó, tôi khuyên hai Thầy Lệ Tập và Lệ Hoa tổ chức tu học, thì cần cố gắng, đừng để những việc không hay xảy ra. Tuy hai Thầy này còn rất trẻ, nhưng ý chí tu hành rất tốt, nên đã được Hòa thượng Minh Nguyệt và Hòa thượng Thiện Hào đỡ đầu. Và Thầy Lệ Hoa đã tốt nghiệp khóa Giảng sư do tôi tổ chức, nên có đủ tư cách và khả năng để giảng dạy giáo lý cho Phật tử tu hành.
Những điều khó, chúng ta đã vượt qua. Đạo tràng Bát quan trai nơi đây đã trải qua ba mươi năm sinh hoạt và hôm nay, những người đã từng tu học trong đạo tràng, còn hiện diện chỉ năm, mười người. Tôi biết những Phật tử là đệ tử của Hòa thượng Minh Đức hầu hết đã đi theo Hòa thượng rồi. Còn những Phật tử là hạt giống của đạo tràng ba mươi năm trước đang hiện diện trong khóa tu hôm nay rất đáng trân trọng; vì họ đã nỗ lực tu hành trong thời kỳ nhiều khó khăn và cố gắng duy trì cho đến ngày nay.
Vào thời kỳ đất nước được thống nhất, đạo tràng Pháp Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh do tôi tổ chức lúc mới thành lập cũng chỉ có khoảng năm mươi người; nhưng nay, chỉ riêng miền Bắc đã có trên hai vạn Phật tử. Chúng ta luôn trân trọng những người đi trước đã cùng chung xây dựng sinh hoạt đạo pháp, mới có được thành quả ngày hôm nay. Nhân dịp này, tôi gợi một số ý để quý vị rút kinh nghiệm mà đi đúng con đường của Đức Phật và chư vị Tổ sư đã mở ra.
Đương nhiên thế giới thanh tịnh của Phật chắc chắn khác với thế giới chúng ta đang sống. Thế giới thanh tịnh của Phật gọi là Tịnh độ, hay Niết bàn. Với tấm lòng thương tưởng tất cả chúng sanh không vào thế giới đó được, vì không thấy, không hiểu thế giới đó thì làm sao vào được; cho nên Đức Phật Thích Ca mới hiện thân lại cuộc đời này để cứu độ chúng sanh. Người phàm phu không biết, nên tưởng là Phật mới thành Phật ở thế giới Ta bà này. Theo kinh điển Đại thừa, Đức Phật đã thành quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác từ vô lượng kiếp, nhưng thương nhân gian mà Ngài sanh lại trong loài người. Vì nếu chúng ta không thấy Phật bằng con người hữu hình như chúng ta và không thấy Ngài tu hành đắc đạo, thì chúng ta không thể nào tu theo được. Đức Phật phải mang thân người và dùng ngôn ngữ loài người để dìu dắt mọi người đi vào thế giới Phật là thế giới chân thật vĩnh hằng.
Thế giới chúng ta gọi là Ta bà, nghĩa là có đủ thứ chuyện. Vì thế, người nào thích đi lung tung và làm đủ thứ chuyện mà chẳng được gì, thường bị gọi là người Ta bà. Thế giới chúng ta sống có đủ việc thiện ác, tốt xấu, nên Phật gọi là Thánh phàm đồng cư độ, tức Thánh, hay phàm và cả ma quỷ nữa cũng xuất hiện ở thế giới tạp cư này. Thế giới Phật chỉ thuần có Phật, Bồ tát, La hán. Thế giới Ta bà có đủ thứ thành phần, nên mới có đủ thứ vấn đề xảy ra. Nhưng người có nhân duyên với Phật, có trồng căn lành ở kiếp quá khứ với Phật thì sẽ có cách nhìn đời khác. Kinh Pháp Hoa khẳng định rằng người đã trồng căn lành ở Phật quá khứ mới tu được ở đời này. Người chưa trồng căn lành, không tu được trong hiện đời.
Căn lành là hạt giống Bồ đề, hạt giống trí tuệ chúng ta đã gieo trong kiếp quá khứ, nên ngày nay chúng ta mới có độ cảm với Phật, tạo thành mối liên hệ vô hình thì Phật mới gia hộ cho chúng ta được. Thật vậy, Phật ở thế giới tịch tĩnh. Chúng ta sống trong thế giới loạn động; nhưng chúng ta nghĩ đến Phật, hướng tâm đến Phật, sẽ tiếp nhận được Phật lực, thì tu hành mới có kết quả tốt đẹp. Người tu không kết quả tốt, vì không có căn lành, nên niềm tin không vững, mới "đi Ta bà”, ở đâu cũng tới, pháp nào cũng tu. Trí Giả gọi là cuồng hoa vô quả, tức tu đủ thứ pháp môn, nhưng không gặt hái được thành quả nào cả. Vì không có căn lành, không có hạt giống Bồ đề, nhưng có phiền não trần lao nghiệp chướng, mà tưới nước, bón phân, thì đương nhiên toàn là cỏ dại mọc lên. Trong thâm tâm đầy ắp phiền não trần lao nghiệp chướng thì càng tu, nghiệp chướng càng sâu dày, phiền não càng nhiều.
Chúng ta kiểm lại sẽ thấy rõ người tu bằng hạt nhân phiền não, nhận lấy kết quả không tốt. Có căn lành thì tu đơn giản, nhưng phước vô cùng; thậm chí tu Bát quan trai chỉ một ngày mà được phước vô lượng, nếu tu đúng. Để tu đúng, hạt giống Bồ đề là chính yếu và nếu hạt giống Bồ đề chúng ta có sẵn trong tâm, thì trông thấy chùa tháp, hay tượng Phật, tự nhiên chúng ta khởi tâm tôn kính và có cảm giác những hình ảnh đó rất thân quen như từng gặp trong quá khứ. Riêng tôi, tu được đến ngày nay nhờ có căn lành sâu dày với Phật pháp. Thật vậy, tôi sanh trong thời chiến tranh khốc liệt ở vùng đất thép Củ Chi; vào lúc đó và ở nơi đó không có chùa, không có người tu. Nhưng căn lành đời trước đã khiến tôi chỉ trông thấy hình Phật trên bao nhang mà hình dung ra Đức Phật thật và phát tâm đi tìm Phật. Đó là động cơ thúc đẩy tôi đi tu lúc 9,10 tuổi. Trong khi người không có căn lành, thấy tượng Phật cũng dửng dưng, thấy tháp Phật coi như không có; thậm chí khi Phật tại thế, có người thấy Phật mà vẫn không có thiện cảm. Và tôi đã bỏ nhà, đi lang thang khắp nơi tìm Phật, đến nơi nào cảm thấy không phải đúng chỗ mình muốn tìm, lại đi nơi khác. Đó là quá trình tầm sư học đạo của tôi, nghe ở đâu có danh Tăng là cố đi tìm; chính căn lành thúc giục tôi đi.
Trên bước đường học đạo, tôi gặp Hòa thượng Trí Đức là học trò của Tổ Huệ Đăng. Tôi hỏi Tổ đã truyền cho Hòa thượng cái gì. Hòa thượng nói Tổ dạy tụng kinh Pháp Hoa, nhưng tụng quyển thứ bảy thôi và trì chú Chuẩn đề, lạy ngũ hối. Nghe vậy, tôi cũng tụng quyển bảy kinh Pháp Hoa và trì chú Chuẩn đề. Nhưng sau đó, Hòa thượng Trí Đức khuyên tôi đừng trì chú này, mặc dù Hòa thượng trì chú có được sự linh nghiệm kỳ lạ. Người bị bệnh tâm thần nặng, Hòa thượng chỉ nhìn, là họ khỏi bệnh. Vì vậy, lúc đó, chùa Huê Nghiêm có nhiều người bệnh này đến ở. Hòa thượng dạy rằng tôi còn trẻ, nên theo Hiển giáo, phải nghiên cứu giáo nghĩa kinh điển một cách chín chắn và nên đến Hòa thượng Trí Tịnh nghe giảng dạy kinh Pháp Hoa.
Hòa thượng Trí Tịnh tâm đắc nhất quyển thứ nhất kinh Pháp Hoa và khuyên tôi nên tụng phẩm Phương Tiện thứ hai. Tôi nhận thấy mỗi vị danh Tăng đều có sở đắc riêng và chúng ta cầu học các ngài pháp đó. Tôinghe kể Hòa thượng Trí Tịnh lúc còn bé lên núi Cấm, đã được Tổ Vạn Linh cho biết đời trước ngài từng làm Hòa thượng rồi và đời này cũng sẽ là Hòa thượng. Nhờ Tổ khai ngộ như vậy, Hòa thượng Trí Tịnh liền xuất gia tu ở đó và ngài học đạo cũng khác với chúng. Tổ đã cho Hòa thượng ở riêng một am tranh. Tôi học kinh với Hòa thượng Trí Tịnh, thấy ngài tụng thuộc lòng bộ kinh Pháp Hoa, đúng như lời Tổ dạy ngài đã tu ở đời trước, nên ngài nghe kinh là nhớ không sót. Tôi may mắn được học với Hòa thượng lúc tuổi trẻ và trong hiện tại, trải qua hai mươi lăm năm lãnh đạo Giáo hội, tôi thấy đức hạnh của Hòa thượng đã giúp cho sinh hoạt Phật giáo chúng ta thực sự bình an và phát triển. Tôi học được pháp này từ Hòa thượng, trên bước đường tu, thấy rõ nhiều người càng khôn ngoan tính toán thì phải gánh tai họa càng lớn. Chúng ta chỉ thực lòng thực dạ tu hành, tai họa sẽ tự tránh. Tôi tâm đắc ý nghĩa mà Hòa thượng dịch trong kinh Pháp Hoa: Tà ma ngoại đạo theo hơi gió lánh xa. Ta không cần đối phó.
Chúng ta cầu học với các bậc cao Tăng và ứng dụng pháp hành của các ngài. Đối với bộ kinh Pháp Hoa, Tổ Huệ Đăng dạy tụng quyển bảy, Hòa thượng Trí Tịnh dạy tụng quyển một và Nhật Liên Thánh nhân dạy chỉ tụng phẩm 15 Tùng Địa Dũng Xuất, phẩm 16 Như Lai Thọ Lượng và phẩm 17 Phân Biệt Công Đức. Trải qua một thời gian hành trì theo các ngài, mỗi ngày yếu nghĩa Pháp Hoa sáng lần trong tâm tôi và tôi biên soạn Bổn môn Pháp Hoa. Thuộc lòng Bổn môn Pháp Hoa, nên bất cứ lúc nào và đi hành đạo ở đâu, tôi cũng tụng bộ kinh này. Có căn lành, mới gặp cao Tăng, Thánh Tăng dìu dắt, mới đi đúng tuyến và gặt hái được thành quả tốt đẹp. Và tôi được Giáo hội giao trách nhiệm hoằng pháp trong giai đoạn vô cùng khó khăn.
Năm 1981, Hòa thượng Minh Nguyệt bảo tôi cứ nhận nhiệm vụ hoằng pháp. Tôi thưa rằng việc đi lại trong nước của người dân còn khó khăn, hoằng pháp mà không cho phép đi thì làm sao giảng dạy được. Nhưng Hòa thượng bảo rằng không đi cũng được! Tôi đã nhận ra không đi bằng chân, nhưng đi bằng tâm; không giảng bằng miệng thì giảng bằng tâm. Tu Pháp Hoa, có căn lành và gặp người khai ngộ giúp chúng ta sáng ra, tu hành, thuyết pháp, hành đạo đều bằng tâm; tâm là chính yếu. Với kinh nghiệm của chính bản thân, sau này tôi cũng nhắc nhở các Giảng sư nên chú ý đến việc dạy bằng tâm. Người tu phải có sở đắc là tâm Phật; còn giữ nghiệp, phiền não, trần lao, tu hành không đạt được kết quả tốt.
Tổ Thiên Thai dạy rằng có ba hạng người tu. Thứ nhất là người đã trồng căn lành ở đời quá khứ, nên tâm họ đã thanh tịnh, thì gặp Phật pháp là tự động phát lên, hạt Bồ đề có sẵn, gặp nước tự lớn. Các vị Bồ tát cũng mang thân người, nhưng bên trong tâm họ là Bồ đề, nên tu hành là làm Phật, làm Tổ. Tổ Thiên Thai ví những người này như chiếc áo sạch, tức phiền não nghiệp chướng trần lao không có. Vì thế, bước chân vào đạo, họ chỉ có một màu đạo, nên tu hành họ không biết giận buồn, lo sợ tính toan, lúc nào cũng thanh thản. Còn chúng ta có nghiệp thì phải có phản ứng của nghiệp, nghĩa là nghiệp sẽ đụng với nghiệp. Nghiệp thứ nhất là nghiệp ham muốn của chúng ta. Có bất cứ ham muốn nào cũng bị phản ứng; vì trên đời này có ai chấp nhận ham muốn của ta đâu. Không ham muốn thì ai làm gì mình cũng không bận lòng. Thực tế, thấy người làm gì, chúng ta thường khởi ý không bằng lòng, hoặc ưa thích. Không bằng lòng sẽ sanh buồn phiền; ưa thích sẽ sanh ra chấp thủ; cả hai đều là nghiệp. Và người tu thường bằng mặt mà không bằng lòng. Tu Bát quan trai, phải cắn răng chịu, bực lắm. Không vô chùa tu thì không chịu được, nhưng vô chùa gặp người mình không ưa cũng bực, là hai nghiệp đụng nhau. Nếu chúng ta có nghiệp mà may mắn gặp người không có nghiệp, chắc chắn sẽ không có vấn đề xảy ra. Vì họ không đòi hỏi ta điều gì, nên ta làm gì, họ cũng không có phản ứng.
Người không có nghiệp không quan tâm đến việc người khác, chỉ lo thanh tịnh hóa bản thân họ; đó là thực hiện hạnh Tiểu thừa. Khi còn là học Tăng ở Phật học đường Nam Việt, các học Tăng thường không bằng lòng nhau. Hòa thượng Thiện Hoa mới kể câu chuyện mà tôi ngộ ra. Có ba thầy trò ông đồ Nho, thầy tên Tương, một anh học trò tên Kỳ và một anh tên Hề. Anh Hề là người ưa chọc phá người, anh Kỳ là người kỳ cục, rắc rối; cho nên kỳ cục và chọc phá mà gặp nhau thì phiền vô cùng; nhất là một anh thi đỗ làm quan, còn một anh thi rớt, không phải học dở, nhưng vì phạm húy. Mùng ba Tết, hai anh này phải về thăm Thầy. Ba Thầy trò gặp nhau để khai bút. Rõ ràng là oan gia phải gặp nhau thôi, nhân duyên quá khứ hai anh này đã từng ghét nhau, dẫn đến phải gặp lại để nghiệp chướng sanh ra.
Tôi nhận thấy rõ những gì chúng ta không bằng lòng, thường luôn gặp trong cuộc sống mình. Biết như vậy, trên bước đường tu, tôi không cho sanh khởi tâm khó chịu với bất cứ việc gì, bất cứ người nào trên cuộc đời này. Quý vị hãy nghiệm xem, cái gì không ưa sẽ tự tìm đến, dù mình cố tránh né. Tôi có một người dì rất ghét ông cậu của tôi thường uống rượu, về nhà say rượu gây gổ với vợ con; nên bà nói thà ở giá, không lấy chồng uống rượu. Bà lấy ông chồng siêng năng làm lụng và không biết uống rượu. Nhưng khi trở thành chồng rồi, ông mới tập tành uống rượu và cũng say bí tỉ y như ông cậu mà bà ghét vậy. Nhìn bề trái của một việc sẽ nhận ra nghiệp dẫn tới như thế nào.
Đa số chúng ta có nghiệp và phiền não. Phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, tà kiến…, nên thấy biết không chính xác, không thấy đúng theo luật nhân quả. Phải thấy hiện tại mà biết được quá khứ và tương lai thì chúng ta mới thanh thản trước mọi sự biến động xảy ra trong cuộc đời. Người tu hạnh Thanh văn sạch nghiệp, nên không đụng độ với ai. Trên bước đường tu, từ khi xuất gia cho đến ngày nay, trải qua sáu mươi năm, tôi luôn nhường nhịn, nên không có vấn đề phiền phức đến với tôi. Hàng Thanh văn sạch nghiệp ví như chiếc áo trắng nhuộm màu đạo là ăn liền. Tu Bát quan trai một ngày mà được công đức vô lượng là nghĩa này. Còn tu trầy trật, cực khổ, mà chẳng được gì, ví như đốn củi ba năm, nhưng một giờ thiêu rụi tất cả. Và khi có mầu đạo in trên thân tâm chúng ta rồi, người trông thấy nghĩ rằng chúng ta thực tu. Có người chưa tu, nhưng được đánh giá rằng không tu mà cũng như người tu, hay chưa tu mà còn hơn người tu, làm được những việc mà người tu không làm được; đó là Bồ tát. Điển hình như Bồ tát Quan Âm hiện thân phụ nữ, nhưng là vị Bồ tát mà tất cả mọi người ở khắp năm châu đều tôn thờ, lễ lạy và cầu xin ngài cứu giúp. Quan Âm không cạo tóc và đeo chuỗi anh lạc, nhưng ngài hơn người ở việc cứu nhân độ thế, làm được nhiều việc người tu không làm được. Hoặc những người cư sĩ tuy sống với gia đình, nhưng tâm đã chí đạo, không bị phiền não quấy rầy như người xuất gia, cũng là mẫu Bồ tát hiện hữu trong đời. Điển hình là cư sĩ Duy Ma Cật: Cư tài chi sĩ, cư gia chi sĩ, tại gia chí Phật đạo giả. Người có căn lành ví như chiếc áo trắng sạch sẽ, dễ dàng nhuộm thắm màu đạo. Họ tu hành, gặt hái thành quả rất nhanh, làm được đạo nghiệp lớn lao, dù mới xuất gia.
Hạng người thứ hai có nghiệp và phiền não, muốn tu phải xóa nghiệp, phiền não, ví như áo bị dơ muốn nhuộm màu phải giặt áo cho sạch. Phật dạy rằng mọi người có mười nghiệp chính của thân khẩu ý. Thân nghiệp phạm ba tội là sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Khẩu nghiệp phạm bốn tội là nói láo, nói lời độc ác, nói thêu dệt, nói đòn xóc. Ý nghiệp có ba tội là tham lam, sân hận và si mê.
Chúng ta thường trang bị thân khẩu ý bằng mười nghiệp ác này. Muốn tu hành đạt được kết quả tốt, cần phải lạy sám hối cho tiêu nghiệp; đến khi tâm không buồn, không giận, không sợ, không lo, mới nhuộm màu đạo. Trong pháp sám hối, Tổ Thiên Thai khuyên chúng ta nên tu ngũ hối nghi gồm có nguyện hương, lễ Phật, sám hối, phát nguyện và hồi hướng. Ngày nào chúng ta cũng thực hành pháp sám hối này, giống như tẩy rửa tâm cho sạch và sám hối đến bao giờ có hảo tướng mới được. Có hảo tướng nghĩa là chúng ta không thấy chúng sanh, chúng sanh nghiệp và chúng sanh phiền não, chúng ta chỉ thấy Phật và Bồ tát, Thánh chúng.
Áp dụng pháp sám hối này, khi xã hội bất an, lòng tôi không thấy những việc bất công đáng buồn, nên tâm tôi vẫn được yên tĩnh, là sám hối được hảo tướng. Và lạy Phật, quán tưởng Phật lâu năm, đối với người nhục mạ, ta không thấy họ mà thấy Phật. Mỗi ngày chú tâm nhìn tượng Phật, lòng chúng ta nghĩ đến Phật, nên lúc nào Phật cũng ngự trị trong tâm ta, nên phiền não không thể tác động được. Tổ Thiên Thai dạy rằng có điều gì xảy ra làm tâm chúng ta dậy sóng, nên nhiếp tâm niệm Phật; đừng để bận lòng với mọi việc bên ngoài. Có nghiệp, phải sám hối cho được hảo tướng và Phật luôn hiện diện trong tâm ta thì chúng sanh thấy ta, họ được an lành. Được như vậy là biết mình nhẹ nghiệp, sạch nghiệp, mới tu được, mới nhuộm ăn màu đạo. Còn bề ngoài mặc áo tu, nhưng bên trong chưa là Thầy tu, vì nghiệp chưa xóa, tham sân phiền não còn nguyên, mà đem Phật pháp vào, bị người chê cười, rồi lại nổi tự ái nữa, phiền não thêm nữa; giống như chiếc áo dơ, nhuộm màu sẽ bị lấm lem, xấu xí. Chưa tu thì chán đời, khổ đau, nay tu lại chán đạo thì càng khổ hơn, vì cái chấp mình tu lâu, chấp mình giỏi, chẳng thể nghe lời khuyên đúng đắn của ai cả. Thiết nghĩ, muốn tu được, không có cách gì khác hơn là phải sám hối cho sạch nghiệp chướng, phiền não, trần lao.
Hạng người thứ ba lại càng khó tu nữa. Tổ Thiên Thai ví những người này như chiếc áo vừa dơ vừa rách, có đầy đủ nghiệp và phiền não, trần lao. Có đầy đủ nghiệp và phiền não, trần lao, nói cụ thể là bệnh hoạn, xấu xí, nghèo đói, ngu dốt, giống như áo màu đen, nhuộm màu gì cũng không được. Vì thế, trước tiên phải sám hối cho sạch nghiệp, hay giặt áo cho sạch và sau đó, vá áo rách cho lành lại, mới nhuộm màu đạo được. Tất nhiên trải qua hai giai đoạn giặt sạch áo và vá áo không đơn giản chút nào. Điển hình như Vô Não tu hành đắc quả vị A la hán rồi, thân tâm rất tốt, nhưng túc nghiệp sát sanh vẫn còn; cho nên mặc dù đã khoác áo Sa môn, khi đi khất thực, vẫn bị người ta đánh đuổi. Ngài vui vẻ chấp nhận túc nghiệp đã tạo và không đánh trả. Thực tế mang thân bệnh hoạn, xấu xí, ngu dốt, nghèo đói đi vào đạo, cần cố gắng học Phật pháp để tự hoàn thiện bản thân mình, chứ không thể dạy người khác, không thể làm người khác phát tâm được. Phải nỗ lực tu đúng pháp trọn hết đời này là giặt sạch áo để tái sanh đời sau được tướng hảo quang minh tự trang nghiêm và có trí huệ.
Tóm lại, đời trước đã tu hành sạch nghiệp, thì đời này đi thẳng vào cửa đạo, đầy đủ phước đức, trí tuệ, thành tựu đạo nghiệp dễ dàng. Đó là các vị Bồ tát, hay chư vị Tổ sư hiện thân lại cuộc đời này nhằm cứu khổ độ sanh.
Hạng người mặc áo dơ, cũng ráng giặt sạch, nghĩa là trải qua quá trình tu hành miên mật năm, mười năm cũng xóa được nghiệp và xây dựng được phước đức, trí tuệ, cũng làm được việc đạo.
Hạng người kém nhất phải khoác áo vừa dơ vừa rách, tức còn đầy ắp phiền não, trần lao, nghiệp chướng, thì an phận nghèo quy củ tu hành để gieo trồng hạt nhân tốt cho đời sau tiếp tục tu hành. Bài sám Quy Mạng thể hiện ý này mà tôi rất thấm thía từ thuở mới bước chân vào đạo và lấy đó làm kim chỉ nam để nhắc nhở mình nỗ lực tu hành cho đời này và đời sau được tốt đẹp hơn: Thử thế phước cơ mạng vị, các nguyện xương long, lai sanh trí chủng linh miêu, đồng hy tăng tú, sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư, chánh tín xuất gia, đồng chơn nhập đạo, lục căn thông lợi, tam nghiệp thuần hòa, bất nhiễm thế duyên, thường tu phạm hạnh… Đoạn này nói lên ước nguyện của người gặp Phật pháp quá muộn, hoặc lâm vào hoàn cảnh quá khó khăn, đầy nghiệp chướng, thì đành hẹn lại kiếp sau được tái sanh vào nơi có Như Lai, Bồ tát, Thánh Tăng và được chánh tín xuất gia, tức hạt giống Bồ đề kiếp này có sẵn, mong kiếp sau có đủ duyên để được xuất gia từ thuở nhỏ, được gặp minh sư. Và sáu căn được thông lợi, ba nghiệp thuần hòa… Vì trong hiện đời, lớn tuổi rồi mới được tu, nên Thầy dạy mười điều, mình chỉ nhớ nổi một, hai, thậm chí không nhớ gì cả! Cho nên, ước mong đời sau, sáu căn đều thông lợi để có thể hành trì pháp của Bồ tát.
Mong rằng tất cả Phật tử trong đời này thành tựu được một số công đức làm hạt nhân cho kiếp sau tiến tu tốt hơn và đời đời kiếp kiếp được sống trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, cho đến ngày viên mãn quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.