Sách
(Bài giảng kỷ niệm lần thứ 15 ngày viên tịch của HT. Thích Thiện Tường, tại chùa Giác Nguyên, Q.4)
Hôm nay, kỷ niệm lần thứ 15 ngày viên tịch của Hòa thượng Thiện Tường, tôi nhắc lại vài nét đẹp trong sinh hoạt của ngài. Tăng Ni, Phật tử đều biết ngôi chùa Giác Nguyên này do bốn vị Hòa thượng có công xây dựng. Nhưng cách nay khoảng hơn bốn mươi năm, tôi về đây, chỉ được tiếp xúc với hai vị là Hòa thượng Hành Trụ làm Giáo thọ sư và Hòa thượng Thiện Tường.
Đối với hai vị này, tôi đều tôn kính. Hòa thượng Hành Trụ là vị đại diện cho giới trí thức Phật giáo. Ngài sưu tầm kinh, luật, luận và giảng dạy Tăng Ni tu hành. Thuở nhỏ, thọ giới Sa di, tôi được ngài dạy Luật Sa di và sau đó ngài cũng dạy tôi Luật Tứ phần.
Riêng Hòa thượng Thiện Tường có công hạnh rất đặc biệt, ngài nuôi Tăng chúng. Sau này về Ấn Quang tu học, tôi lại gặp hai vị giống như vậy. Chúng tôi cũng được dạy dỗ bởi một vị Giáo thọ sư là Hòa thượng Thiện Hoa và được một vị ân sư nuôi dưỡng là Hòa thượng Thiện Hòa. Trên bước đường tu, nếu không gặp danh Tăng, thì không thể học, hiểu giáo lý và nếu không được Hòa thượng ra ơn nuôi dưỡng, cũng không thể tiếp tục cuộc sống tu hành. Thiết nghĩ công ơn nuôi dưỡng và dạy dỗ đều ngang nhau.
Đối với Hòa thượng Thiện Tường, tôi có duyên gần gũi trong lúc làm việc ở Viện Hóa đạo cũng như ở Giáo hội sau này, ngài là Thành viên Hội đồng Chứng minh. Nhờ làm việc chung, những lúc có khó khăn, nguy hiểm, tôi được Hòa thượng động viên và kể cho tôi nghe cuộc đời hành đạo của ngài. Công việc hoằng pháp của tôi ít trở ngại, nhờ những bài học kinh nghiệm mà ngài truyền trao. Hòa thượng tâm sự nhiều điều đặc biệt, đáng cho chúng ta suy nghĩ, tu tập. Ngài cho biết trong khoảng thời gian còn là Sa di theo hầu Hòa thượng Lê Phước Chí, gần như ai đến lễ Phật, cúng dường chư Tăng, đều cúng dường riêng cho ngài. Điều này cũng khá đặc biệt, vì chỉ mới là Sa di mà đã được người tìm đến cúng dường. Và còn đặc biệt hơn nữa là ngài không biết xài tiền cũng không thích tiền. Bản tánh này thể hiện rõ nét Hòa thượng là người hảo tâm xuất gia. Lập chí tu hành, chúng ta cần phát hiện tấm gương cao cả đó để học theo.
Vì không thích xài tiền, không biết xài tiền, nên số tiền mà ngài được cúng dường trong suốt thời gian tu cho đến lúc Hòa thượng Lê Phước Chí viên tịch, ngài dùng để lo tang lễ cho vị Hòa thượng ân sư này. Sa di mà biết xài tiền và cần tiền, chắc chắn khó đi xa trên đường đạo. Đó là điều mà tôi học được ở Hòa thượng. Và tôi thưa với ngài rằng tôi cũng không biết xài tiền và không cần tiền, mặc dù lúc học đạo rất gian nan, tôi coi như Phật thử sức. Có thể nói rằng tiền giúp chúng ta sống tiện nghi, nhưng cũng thường làm ta sa đọa. Thiết nghĩ với nếp sống nghèo, chúng ta dễ phát huy Bồ đề tâm và ép mình trong khuôn khổ tu hành. Điều chính yếu là chúng ta cần pháp của Như Lai để nuôi lớn giới thân huệ mạng, cần công đức của Bồ tát để trang nghiêm Pháp thân mình. Tu hành mà cần tiền và dùng tiền để tiến thân là rơi vào đường tà của thế tục. Theo tôi, học ít hay nhiều không đáng kể. Quan trọng là biết dùng Phật pháp nuôi lớn Pháp thân mình, dùng công đức trang nghiêm cuộc sống mình, trở thành người có công với đạo, với đại chúng. Pháp thân và thân đạo đức của chúng ta mỗi ngày một tăng trưởng, sau này trở thành trụ cột tòng lâm.
Tôi nhận ra nơi Hòa thượng từ thời niên thiếu, ngài chỉ cần phước đức, trí tuệ để truyền bá chánh pháp. Muốn học đạo, thành Tổ, thành Phật, phải nhớ không cần tiền, xài tiền càng ít càng tốt, thậm chí không xài tiền càng hay hơn. Có như vậy, chúng ta không bị lệ thuộc tiền, thì không lệ thuộc người khác, mới tiến tu đạo nghiệp được. Tu cao, từng bước phải khắc phục ba việc là cơm ăn, áo mặc, chỗ ở. Không lệ thuộc ba thứ này, sẽ đi vào cửa Thánh. Còn kẹt nó, chúng ta ở trong thế giới phàm phu, hay tệ hơn nữa, rơi xuống địa ngục, ngạ quỷ. Kinh nghiệm tôi thấy những người cần thì không được, không cần lại có nhiều.
Thuở nhỏ, tôi xuống thành phố, đến chùa Giác Nguyên. Vào khoảng trước năm 1950, vùng này rất hôi dơ, đường từ hãng phân đi vô chùa không dễ. Tôi nhớ rõ mình đi trên bờ đất nhỏ hẹp, hai bên toàn dừa nước, không khéo dễ rớt xuống sông. Trong lúc các Tổ đình lớn như Giác Lâm, Giác Viên có hàng trăm năm, không có người đến. Còn chùa Giác Nguyên lúc đó không phải là Tổ đình, cũng chưa thành trường lớp; nhưng chúng Tăng bốn phương kéo đến vùng sình lầy này, dường như có gì linh thiêng khiến họ muốn tới. Tôi không biết sức thu hút nào mà tôi cũng đến đây và muốn cầu học.
Hòa thượng kể rằng có điều lạ, khó hiểu là ở chỗ thực nghèo nàn như vậy mà Tăng chúng đến đông thì lấy gì để nuôi chúng và chỗ đâu để ở. Nhưng Hòa thượng cho biết có bao nhiêu người đến thì cơm gạo theo đó nhiều thêm và chỗ ở cũng cứ theo đó rộng thêm ra, đáp ứng đầy đủ cho chúng Tăng tu học. Theo tôi, chúng ta cần phát hiện điều mầu nhiệm và tu hành theo sự mầu nhiệm này. Đừng nghĩ mọi việc tự mình tính toán, quyên góp, xếp đặt mà được. Hòa thượng dạy rằng chỗ nào có người tu hành chân chánh, chắc chắn có Hộ pháp Long thiên hộ trì, khỏi bận tâm. Không biết Tăng Ni tin như vậy hay không, vì thế hệ trẻ ngày nay thường nghĩ rằng phải dùng tính toán khôn dại để sống. Tuy nhiên, đi theo hướng này, coi chừng lạc vào con đường sa đọa lúc nào không hay.
Hòa thượng tin vào sức mạnh của Hộ pháp Long thiên và đức của chúng. Ngài nói rằng không có Tăng chúng tu thì chùa hẹp, nhưng có chư Tăng đến, tự nhiên có Phật tử cúng dường. Nhưng theo ngài, cần phân biệt chư Tăng chân chánh và không chân chánh. Thời của chúng tôi tu, những người đến với đạo đều phát tâm vì đạo, không vì miếng ăn. Thật vậy, đối với nhà Sư lúc ấy bị khó khăn mọi mặt, chẳng những không có quyền lợi gì, mà còn bị tù đày, chết chóc luôn đe dọa. Vì vậy, ý chí của người tu hành rất cao, không cần cơm áo, kể cả mạng sống và chính Hòa thượng có niềm tin mãnh liệt như vậy. Nhưng ngài cho biết thêm rằng, đến năm 1964, khi tôi đi Nhật Bản du học, thì tình trạng người tu lại đổi khác. Bấy giờ, đa số tu để trốn lính. Chúng ta có thể phân ra trốn nợ đi tu hay phát Bồ đề tâm đi tu. Phát Bồ đề tâm là người có chí lớn, mới được Hộ pháp Long thiên hộ trì. Tu hành quan trọng ở điểm phát Bồ đề tâm, phải đem sinh mạng đánh đổi Phật pháp thì xứng đáng cho thiên nhơn cúng dường.
Hòa thượng cũng dạy tôi nên quán xét mình có xứng đáng nhận sự cúng dường của đàn na tín thí hay không. Riêng ngài, giảm thiểu việc ăn mặc và ra sức phục vụ chúng Tăng cũng là nét nổi bật trong việc hành đạo của ngài. Ngài nhận được tiền và vải do Phật tử cúng dường rất nhiều, nhưng lại không dùng. Ngài mang san sẻ cho chúng Tăng, còn ngài thì quanh năm mặc y vải rẻ tiền. Thậm chí, có lúc đến thăm ngài, tôi nhận không ra Ngài là Tổng vụ trưởng Tài chánh, mặc áo rách và dọn dẹp đám rau muống trước chùa. Thực sự ngài sống rất giản dị, khiêm tốn. Ngài mặc áo rách, làm việc vất vả, càng làm tôi kính trọng ngài hơn. Có lẽ vì tôi cảm được hạnh đức của Hòa thượng và kính phục ngài, nên ngài thường tâm sự và truyền trao kinh nghiệm của người đi trước cho tôi.
Khi về chùa Vạn Thọ, tôi cũng không nhận ra ngài. Là Hòa thượng Viện chủ mà tôi thấy ngài lặn dưới sông trước chùa để đắp đất. Còn chúng Tăng thì ở trên, học hành, chẳng đụng đến móng tay. Tôi thấy xót ruột, hỏi sao ngài không để cho Tăng chúng làm. Ngài trả lời thật dễ thương: "Để cho họ học!”.
Hòa thượng dốc hết tâm sức phục vụ chúng Tăng. Phải nói người nào đã từng sống ở chùa Giác Nguyên hay Vạn Thọ, không ai không cảm đức độ của ngài. Tôi không gần gũi Hòa thượng nhiều, nhưng may mắn học được nơi ngài những điều cao quý. Đối với tôi, cuộc đời ngài là tấm gương cao cả. Từng bước theo dõi việc làm của Hòa thượng, thấy rõ ngài đã tu tạo được nhiều công đức. Mặc dù không học nhiều như các vị khác, nhưng không ai dám xem nhẹ ngài. Trên bước đường tu, quý Thầy học được nhiều thì tốt, nhưng làm công quả cho đạo pháp cũng vẫn tốt, hoặc nuôi dưỡng được Tăng chúng cũng đáng quý. Nhìn theo người thường cho rằng Hòa thượng dại, không biết hưởng thụ. Nhưng nhìn xa, thấy được mức độ mà ngài hy sinh cho người, cho đạo, thực xứng đáng cho chúng ta kính trọng. Và nếu mở mắt huệ, chúng ta lại thấy khác nữa. Thiết nghĩ Hòa thượng phải nhận ra một điều gì cao quý phi thường, thì ngài mới có thể dốc hết cả thân mạng mà làm như vậy. Còn tính theo khôn dại bình thường, chưa chắc ai khôn hơn ai.
Có thể nói ngài hiện thân trong thời Phật pháp suy đồi, ít người hiểu đạo, tu hành. Vì thế, ngài hạ quyết tâm làm việc mà người thường không làm được. Hòa thượng thấy đạo, làm đạo trong chánh pháp, nên được chư Phật hộ niệm, chư Thiên che chở, đưa đến thành công những việc khó làm. Chăm sóc công việc tu học của Tăng chúng thực đông đúc ở giai đoạn khó khăn nói trên, không phải đơn giản. Nhưng với hạnh nguyện của Bồ tát hiện thân vào đời độ sanh và công đức tu hành của ngài khiến cho đàn việt phát tâm cúng dường đầy đủ. Vượt ra ngoài cái thấy tầm thường, chúng ta nhận biết được tánh siêu nhân bên trong của bậc chân tu, giải quyết được tất cả việc tốt đẹp cho đạo pháp. Thử nghĩ trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo, không có những tâm hồn cao cả, thì làm sao có điều kiện cho Tăng Ni ăn học, đi lên. Đọc kinh Bảo Tích, chúng ta thấy hàng Bồ tát, mỗi vị có hạnh nguyện khác nhau. Tùy theo hạnh nguyện mà các ngài xuất hiện trên cuộc đời và làm xong hạnh nguyện thì an nhiên thu thần nhập diệt, trở về thế giới vĩnh hằng. Vì phục vụ Phật pháp hưng thạnh, các ngài mới đến thế giới này. Phước báo nhơn thiên, các ngài có thừa, vì sống trong thế giới Phật, học xứ của Bồ tát, sống với Hiền Thánh hoàn toàn an lành. Tất nhiên, ăn mặc hay quyền lợi của thế gian trở nên vô nghĩa đối với Bồ tát.
Có thể khẳng định rằng Hòa thượng phục vụ đạo pháp và chúng Tăng đến hơi thở cuối cùng. Ngày nào còn chút sức lực, ngày đó ngài vẫn phục vụ. Cho đến khi kiệt sức và việc làm cũng hoàn mãn, ngài ra đi thanh thản, không chút gì tiếc nuối. Tăng Ni Phật tử may mắn có vị Thầy cao cả như vậy, nên nương theo ngài để thâm nhập Phật pháp. Sợ nhất là ta không thấy Phật, không biết đường đi mà tu hành thì khó lắm. Ta không biết, nhưng nương nhờ hồng đức của Thầy, nghĩa là cánh cửa đã mở ra cho chúng ta. Từng bước tu hành, tâm Bồ đề chúng ta sáng ra và làm việc thay Thầy. Phát Bồ đề tâm và có lòng phục vụ đạo pháp cao thì trần nghiệp chúng ta giảm lần, ham muốn và bệnh tật cũng theo đó giảm thiểu. Theo kinh nghiệm riêng tôi, thực dạ tu hành, cắt bớt một phần ham muốn thì một phần nghiệp cũng giảm theo và một phần Pháp thân sanh ra, hoàn cảnh tốt bắt đầu xuất hiện. Nhờ vậy, tôi tăng trưởng đạo nghiệp.
Chúng ta cần phát Bồ đề tâm, tích lũy nhiều công đức, dễ hành đạo. Càng nhiều tham vọng, càng gặp trở ngại. Người tu cố gắng đòi hỏi, thưa kiện, chỉ gặp từ khó khăn này đến khó khăn khác. Chỉ quyết tâm tu hành, phát Bồ đề tâm, sống trong chánh pháp, coi pháp Phật quan trọng hơn cả mạng sống và tài vật, thì mọi việc tự động dễ dàng. Quanh năm lo thưa kiện, chẳng được gì, chỉ được phiền não. Nhưng lặng lẽ tu hành, chùa từ từ lớn hơn, độ được bổn đạo nhiều hơn. Thưa kiện, mặt đằng đằng sát khí, làm sao tiêu biểu cho đạo từ bi, giải thoát.
Tôi nhắc nhở anh em thể hiện cho được mẫu người tu chân chánh, thay Phật, nối chí Thầy, Tổ, mới giữ được đạo pháp tồn tại lâu dài. Không phải chùa là đạo. Đạo là tâm hồn trong sáng, đạo đức, thấy biết sáng suốt, có sức cảm hóa người. Họ thấy ta là liên tưởng đến Phật, đến Thầy và phát tâm tu, chúng ta mới trả được công ơn của Thầy.
Cầu nguyện giác linh Hòa thượng luôn gia bị cho môn đồ pháp quyến vững niềm tin ở Tam bảo, phát huy cao độ Bồ đề tâm để thấy ánh sáng chân lý, thâm nhập thế giới vĩnh hằng của chư Phật.
Khể thủ
(Báo GN số 96, ngày 15-12-1996)