Sách
Theo lời Phật dạy, hàng xuất gia phải An cư kiết hạ để thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức. Thúc liễm thân tâm hay kiểm soát được hoạt động của sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý), không cho chúng bị tác động bởi sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), vì biết rõ căn và trần hợp tác với nhau sẽ đưa đến vô số tội lỗi. Vì vậy, hàng Thánh Tu đà hoàn nỗ lực tu tập, vượt ra ngoài sự chi phối của sáu căn, để không vướng mắc trong mạng lưới sanh tử được làm bằng chất liệu sanh ra từ sáu căn tiếp xúc với sáu trần.
Ngày nay, chúng ta đi trên lộ trình của hàng xuất gia, tất yếu ở bước ban đầu cũng phải hạn chế sự khuấy động của sáu căn. Và mùa An cư chính là thời gian lý tưởng giúp người xuất gia hành trì pháp Phật, tẩy sạch trần cấu nhiễm ô của thân tâm tác hại bởi căn trần. Chúng ta hiện hữu trên cuộc đời, mang thân nghiệp ấm. Vì có thân nên mới có sự đòi hỏi của thân, chịu sự tác động của thân. Và tội lỗi nhân đó sanh ra, nghiệp tự động sanh nghiệp là điều mà mọi người khó tránh khỏi. Trên thực tế, chúng ta dễ nhận ra ý này. Có người lúc nhỏ dễ thương, nhưng lớn lên bắt đầu đổi tánh, khó chịu và xuất gia lại càng trở chứng hơn nữa, càng tu lâu càng tham lam, hung dữ. Đó là con đường tiến tu vào ba đường ác. Thật vậy, khi chúng ta chưa vào chùa tu, thì chưa có vấn đề nảy sanh, nhưng bắt đầu sống tập thể với đại chúng, ta và bạn đồng hành tiếp xúc, đụng chạm. Từ đó vấn đề luôn luôn phát sanh, nghiệp theo đó mà lớn lần. Vấn đề bên ngoài càng nhiều bao nhiêu, thì tác động tâm lý chúng ta càng bất ổn bấy nhiêu.
Trong ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), thân nghiệp thuộc về sắc, tâm nghiệp gồm thọ, tưởng, hành, thức. Nghiệp của tâm sanh ra trước tiên là do cảm thọ, vì sự tiếp xúc thường xuyên giữa ta và vật hay người xung quanh. Trên bước đường tu, chúng ta cần điều chỉnh tâm cảm thọ. Đừng để tâm kẹt trong khổ thọ hay lạc thọ, vừa ý thì sung sướng, trái ý thì đau khổ. Mà cuộc đời này làm gì có toàn thứ vừa ý được, cho nên hết sung sướng lại đau khổ, cứ như vậy mà tăng trưởng nghiệp của tâm. Một thí dụ đơn giản cho thấy tâm lý chúng ta dễ dàng thọ nhận sướng khổ trong cuộc sống hàng ngày như khi ăn ngon thì sướng, ăn dở liền buồn, thèm nhớ cái ngon đã trôi mất, thậm chí đã bị thải ra ngoài. Riêng tôi, thường luyện tập không quan tâm đến ngon dở, chỉ ý thức ăn để sống, sống để tu và không để mất thì giờ cho việc ăn uống. Hoặc chúng ta vướng mắc khổ vui với lời khen, tiếng chê. Đến một lúc, khổ thọ, lạc thọ tăng lên độ cao, không chịu nổi, dẫn ta vào đường tội lỗi.
Muốn tiến tu, thâm nhập pháp Phật, bước vào thế giới tâm linh, chúng ta phải xả cảm thọ giữ chân chúng ta trong thế giới sanh tử mãi mãi. Trên tinh thần an trụ xả thọ, Tổ sư dạy người tu tiếp xúc với cuộc đời giống như người gỗ ngắm chim vẽ. Người gỗ và chim vẽ đều không có thực, nên không thể tác động lẫn nhau, tiêu biểu cho xả thọ. Chúng ta An cư tập sống như thế nào mà mọi vật, mọi người chung quanh và tín đồ không tác động được tâm ta. Tất cả người, việc vẫn có đầy đủ, nhưng đối với ta không khác gì người gỗ xem chim vẽ. Khi chúng ta không cho sáu căn khuấy động tâm thì vọng tưởng điên đảo cũng không có chỗ nương để phát sanh. Điều này tất yếu vì không thấy, không nghe, hình ảnh và âm thanh không hề có trong trí óc ta, chắc chắn chúng ta không thể nào
suy nghĩ về nó được; nói cách khác, không sanh ra tưởng uẩn.
Tưởng uẩn dứt bặt, nên hành uẩn cũng bị diệt theo. Hành uẩn là hoạt động trong tâm mới đáng sợ, vì cái suy nghĩ ray rứt làm khổ người không ít. Thực tế việc đã trôi qua từ bao giờ, nhưng người ta vẫn mất ăn, mất ngủ, bị cái tức tối suy nghĩ đủ cách hành hạ.
Đoạn được thọ, tưởng, hành uẩn, không tiếp xúc, không biết, không suy nghĩ thì ý thức hay hiểu biết theo vọng tưởng điên đảo hoàn toàn mất. Nhờ vậy tâm hồn người tu trở nên thanh thản.
Trong ba tháng An cư, chúng ta cần nỗ lực hạn chế sự phát triển của bốn uẩn là thọ, tưởng, hành, thức. Đối với người chân tu, thế giới trần ai khép lại để mở ra thế giới nội tâm trong sáng. Bấy giờ nhìn bề ngoài, hình như họ không biết gì, không hơn thua tranh chấp với ai, nhưng thực sự thấu suốt bản thể của vật, thấy rõ từ nhân đến quả không sót. Trong các phương tiện để xóa trừ vọng tưởng của thức uẩn, pháp tu Thiền không giảng nói, vì Thiền đòi hỏi tâm thanh tịnh nghe pháp thanh tịnh qua vị chân sư thanh tịnh. Để bước vào thế giới vô ngôn, trực nhận bằng tâm, các Thiền đường thường dùng biểu tượng như Thiền ngữ để gợi ý cho Thiền sinh làm thoại đầu tham cứu. Thí dụ, trong Thiền đường của tông Lâm Tế ở Nhật Bản, trên tường độc nhất có bốn chữ "Chích thủ âm thanh” do ngài Pháp chủ viết. Viết xong, ngài chẳng nói lời nào, trở về phương trượng, để mặc cho Thiền sinh suy gẫm. Ai nhận được ý thì vào trình kiến giải cho ngài. Tôi rất tâm đắc câu thoại đầu này. Chích thủ âm thanh là tiếng của một bàn tay. Hai bàn tay vỗ vào nhau mới vang ra tiếng được. Một bàn tay vỗ không có âm thanh, nghĩa là bảo ta nghe cái không nghe, tức không tiếng. Không có tiếng mà nghe được là nghe bằng tánh. Mà tánh của sự vật là Không, tánh nghe cũng là Không và tổng thể sự vật cũng là Không, thường được biểu thị bằng vòng tròn viên dung, nhưng trong Không có Diệu hữu. Khi trở lại với tánh nghe thì nhĩ thức không sanh, cũng giống như hình ảnh người gỗ ngắm chim vẽ. Bấy giờ, hành giả không biết theo nhĩ thức của phàm phu do căn trần đối tác, nhưng biết được chân thật ở dạng tánh. Hình ảnh tiêu biểu cho áo nghĩa của chích thủ âm thanh là Bồ tát Quan Thế Âm. Trong cái vắng lặng, dứt bặt thanh trần của một tay vỗ, Quan Âm đã chứng được nhĩ căn viên thông. Và từ tánh nghe thông suốt không chướng ngại này, ngài hiện ra ba mươi hai tướng giáo hóa chúng sanh một cách tự tại.
Sau nhiều ngày tư duy trong Thiền định, tôi tìm ra đáp án cho thoại đầu trên là Văn trần thanh tịnh. Tiếng vỗ tay khen chê của đời thực sự có nghĩa lý gì, nhưng ta mãi ôm ấp cái âm thanh giả tưởng ấy vào lòng, rồi mê mệt với nó. Một ngày, chợt bừng tỉnh, dẹp bỏ ý thức mê dại lóng ngóng theo nó, bầu trời thanh tịnh mở ra cho ta từ đây. Tôi vui mừng trình kiến giải với Đức Pháp chủ, ngài mỉm cười, nhẹ nhàng gật đầu. Chỉ có vậy, không nói thêm một lời, nhưng đối với tôi, không còn gì hạnh phúc hơn, thế giới nội tâm tuyệt vời bắt đầu nở hoa muôn màu muôn sắc.
Thiết nghĩ trong mùa An cư, Tăng Ni có điều kiện tốt để thực nghiệm lời Phật dạy, nỗ lực tu tập, đạt được sở đắc. An trụ trong quả vị gặt hái được, sự vật bên ngoài không thể chi phối thân tâm. Đó mới thực sự là mẫu người xuất gia làm phước điền cho chúng sanh nương nhờ, không cô phụ công ơn giáo dưỡng của Thầy, Tổ.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Pháp Quang, Q.8, ngày 08-6-1996, mùa An cư PL. 2540)
(Báo GN số 12, ngày 22-6-1996)