Sách
Theo sử liệu, cách nay 300 năm, từ mùa Xuân năm Mậu Dần 1698, trong phong trào Nam tiến mở rộng đất đai, Nguyễn Hữu Cảnh đã thừa lệnh chúa Nguyễn thiết lập chế độ hành chánh trên vùng đất phía Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn. Lúc bấy giờ, vùng đất phía Nam đã chịu ảnh hưởng tinh thần Phật giáo có sẵn từ lâu đời của Khơ me. Trong đoàn di dân vào miền Nam, có những nhà Sư truyền giáo, nổi tiếng nhất lúc đó là Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri là người đầu tiên đặt chân lên đất Đồng Nai, Hòa thượng Linh Nhạc Phật Ý và Hòa thượng Thiệt Thụy Tánh Tường.
Các vị Tổ sư này có năng lực tập hợp quần chúng nhiều nhất ở vùng Gia Định, vì cuộc đời các ngài thể hiện được những việc mà người dân coi là huyền bí. Thí dụ như Tổ Phật Ý trước khi viên tịch, tĩnh tọa ở chánh điện chùa Sắc tứ Từ Ân. Ngài gọi đồ chúng đến dạy rằng Gia Định sẽ bị quân Pháp xâm chiếm và họ sẽ dẹp bỏ ngôi chùa Từ Ân. Vì vậy, Tổ Phật Ý chỉ đạo ngài Viên Quang Tổ Tông và Hải Tịnh Tiên Giác nên dọn về chùa Giác Lâm ở để giữ gìn mạng mạch đạo pháp. Ngài di huấn xong thì viên tịch. Và quả tình đúng như lời dạy của Tổ, Gia Định thành đã bị thất thủ và chùa Từ Ân cũng bị quân Pháp phá hủy. Về phần ngài Viên Quang vâng lời quyền ký của Tổ, về hành đạo ở Giác Lâm. Đức độ của ngài đã khiến cho Tổng trấn Gia Định là Trịnh Hoài Đức cảm mến, nên ông hết lòng giúp đỡ việc xây dựng Tổ đình Giác Lâm. Và nơi đây đã trở thành trung tâm Phật giáo của miền Nam. Ngày nay, ngôi chùa cổ Giác Lâm là di tích lịch sử mang tính cách văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của Phật giáo miền Nam nói chung.
Thiết nghĩ trên bước đường hành đạo, những bậc chân tu đắc đạo với trí tuệ vô lậu biết rõ những diễn biến tương lai và có khả năng tập hợp quần chúng, nên thường được dân chúng và chính quyền kính mến. Như vậy, Phật giáo đã có mặt ở vùng đất Sài Gòn, làm công việc an dân trước khi thành phố này được xây dựng. Thật vậy, vào thời kỳ mà nơi đây còn là rừng thiêng nước độc, các nhà Sư truyền giáo đã là nơi nương tựa tinh thần cho quần chúng. Điều này thể hiện rõ nét qua câu ca dao Việt Nam:
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tiên.
Sự hiện hữu của Phật giáo nơi vùng đất mới Gia Định rất sớm như vậy và được phát triển cho đến chỗ nào có làng, có đình, thì phải có chùa. Đình để thờ những người có công xây dựng làng xã và chùa để thờ Phật. Ngoài những ngôi chùa do vua sắc tứ, còn có các chùa làng do dân lập ra. Tuy mang hình thức sơ khai vào giai đoạn ban đầu, nhưng nét đẹp của Phật giáo cũng đã thể hiện sâu sắc qua tinh thần vô ngã vị tha của các vị Tăng già. Thật vậy, lúc ấy không có vị Sư nào để tâm đến việc xây chùa, làm chủ chùa. Chùa do dân làng tự xây dựng và quản lý, chùa hư cũ thì làng lo quyên góp tiền tu bổ. Các Sư chỉ chuyên tu hành cho đắc đạo, hướng dẫn tinh thần Phật tử tốt đẹp. Vì chuyên tu, không để tâm đến việc phát triển vật chất bên ngoài, nên không bao giờ xảy ra vụ việc tranh chấp chùa chiền. Thậm chí khi nhà Sư qua đời cũng không cần lo nghĩ phải giao chùa lại cho ai. Dân làng phải tự tìm vị Sư mà họ kính trọng để thay thế, làm trụ trì. Sắc thái này của Phật giáo kéo dài cho đến thời kỳ mà tôi xuất gia tu học, vào khoảng 1950, các ông Cả trong làng giữ trách nhiệm trông coi mấy ấp, có bổn phận góp tiền dân để cúng rằm hoặc sửa chữa chùa.
Ý thức chùa là sở hữu của dân, dân tự lo liệu, quản lý, cũng như tinh thần hành đạo vô ngã vị tha hoàn toàn của chư Tăng là nét đặc trưng của Phật giáo từ thời kỳ sơ khai ở thành Gia Định, nay là thành phố Hồ Chí Minh. Đến thời kỳ Việt Nam bị Pháp đô hộ, nhiều nhà Sư không sống trong chùa làng với dân nữa, mà họ đi ẩn tu hoặc lập những hội bí mật để vận động quần chúng làm cách mạng. Từ đó xuất hiện những chùa có tên bắt đầu bằng chữ Hội. Có thể nói từ thời ngài Đạo Cơ về sau, ở tông Lâm Tế, những người cùng lý tưởng đã lập chùa để làm căn cứ cách mạng. Chùa Hội Sơn, Hội Khánh, Hội Phước, Hội Lâm, v.v… là những chùa "Hội” thuộc dạng này.
Các vị Sư yêu nước thường lên vùng núi Tây Ninh hoặc xuống Châu Đốc vừa ẩn tu, vừa làm chính trị. Vì vậy, thời kỳ dân tộc ta bị mất nước, các Sư đã tản mác hành đạo dưới hình thức ấy. Từ đó, chúng ta không lấy làm lạ khi nhân gian thường đồn đại rằng có những đạo sĩ nổi tiếng biết trước mọi việc, xuất hiện và biến mất như thần, khi thì ông vãi bán khoai, tức Hòa thượng Huệ Lưu, lúc lại là Phật Thầy Tây An. Họ vừa tu, vừa ở trong các phong trào yêu nước. Hoạt động của họ mang tính chính trị lồng vào hình thức tôn giáo huyền bí nhằm gợi cho quần chúng ý thức yêu đất nước, yêu dân tộc và vận động dân tham gia, ủng hộ cách mạng đánh đuổi quân thù.
Chấm dứt giai đoạn thứ hai của Phật giáo phát triển dưới hình thức chùa Hội, đến thời kỳ một trăm năm gần đây. Vào đầu thế kỷ XX, cùng với tình hình chính trị thế giới biến đổi, những nhà cách mạng trong nước ta cũng đề xướng những phong trào giải phóng dân tộc. Các vị Hòa thượng trực tiếp tham gia là những bậc danh Tăng như Hòa thượng Thiên Thai (Bà Rịa), Hòa thượng Phi Lai (Châu Đốc). Thế hệ kế tiếp, phải nghĩ đến Hòa thượng Minh Đức lập chùa Thiên Tôn ở quận 5, cũng là căn cứ cách mạng ở trong thành phố này. Ngoài ra, còn có quý Hòa thượng Minh Nguyệt, Thiện Hào, Pháp Dõng, Pháp Linh, Pháp Tràng,… của thành phố đã chính thức tham gia Mặt trận Việt Minh và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Và ngay trong lòng địch, ở thành phố Sài Gòn cũng có nhiều chùa đã là nơi che giấu, tiếp tế cho cách mạng. Một mặt hướng dẫn người tu, mặt khác giúp đỡ cách mạng một cách nhiệt tình, điển hình như chùa Ấn Quang, tịnh xá Ngọc Phương là trung tâm phát xuất nhiều cuộc tranh đấu chống chế độ thực dân.
Thiết nghĩ trong hoàn cảnh lịch sử ấy, Phật giáo đã thành công trong việc kết hợp lòng yêu nước và niềm tin tôn giáo của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh thành quả này, cũng có những người bị lợi dụng, bị mua chuộc, dẫn đến tình trạng làm băng hoại Phật giáo. Họ cố tình gây mâu thuẫn, xé nát Phật giáo. Kết quả là đến năm 1975, Phật giáo chia chẻ đến mười mấy hệ phái thường chống phá nhau.
Qua những sự kiện lịch sử kể trên, từ giai đoạn du nhập vào thành phố cho đến sau này, cho thấy Phật giáo luôn luôn nhập thân hành động với dân tộc như bóng với hình. Chính vì vậy, sau năm 1975, Đảng và Nhà nước đã đánh giá đúng mức vai trò gắn bó mật thiết của Phật giáo với dân tộc, thấy được những công lao không nhỏ của Phật giáo đối với đất nước. Trên tinh thần ấy, Đảng và Nhà nước đã chính thức cho phép mở Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc vào tháng 11-1981, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Riêng Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thống nhất các hệ phái. Và năm 1982, Trưởng ban Trị sự đầu tiên của Phật giáo thành phố là Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Qua nhiệm kỳ II, Hòa thượng Thích Thiện Hào giữ chức vụ Trưởng ban Trị sự đến nhiệm kỳ V (1997) thì viên tịch. Có thể khẳng định rằng trong thời gian Hòa thượng Thiện Hào điều hành, Phật giáo thành phố đã thành tựu nhiều Phật sự đáng kể. 3.038 Tăng Ni và 1.116 tự viện trong thành phố Hồ Chí Minh đã được đặt dưới quyền quản lý của Thành hội Phật giáo.
Về công tác hoằng pháp, 49 Tăng Ni Giảng sư đã được đào tạo; cộng với 47 Giảng sư cơ hữu, tạo thành đội ngũ Giảng sư hùng mạnh đáp ứng yêu cầu tu học Phật pháp cho hàng Phật tử trên toàn thành phố. Về lãnh vực giáo dục, có 700 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cơ bản Phật học và hiện nay, 463 Tăng Ni đang theo học lớp Cơ bản, 714 Tăng Ni theo học hai lớp Cao đẳng Phật học. Đối với công tác xã hội, Tăng Ni, Phật tử thành phố đã tích cực đóng góp vào các hoạt động từ thiện, công ích. Tổng số tiền lên đến hơn 40 tỷ đồng. Trong kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV vừa qua, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp tích cực nhất, trên hàng trăm triệu đồng. Và gần đây, đối với đồng bào bị lũ lụt vì cơn bão số 5, Phật giáo thành phố đã cứu trợ hơn 5 tỷ đồng.
Tóm lại, việc ổn định cơ sở, đưa Tăng Ni vào nề nếp, đào tạo Tăng tài, tổ chức lớp tu học cho cư sĩ, tham gia các hoạt động lợi ích cho xã hội…, tất cả đã tạo cho Phật giáo thành phố nét đẹp cao quý, chiếm được cảm tình tốt của nhân dân, có một vị trí xứng đáng trong nhiều lãnh vực hoạt động của đất nước.
Trên chặng đường thành phố Hồ Chí Minh phát triển 300 năm, Phật giáo lúc nào cũng song hành cùng với nhịp tiến lên của thành phố. Tùy từng hoàn cảnh lịch sử của đất nước mà Phật giáo hòa thân dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu trung đều đóng góp lợi ích cho dân tộc. Phải chăng lòng từ bi sẵn có của người con Phật, cùng với lòng yêu nước sắt son từ bao đời, cộng thêm sức người, sức của, đã được những bậc chân tu thạc đức sáng suốt tập hợp một cách khéo léo và đem sử dụng vào những việc ích nước lợi dân. Nhờ đó tiếp nối được sự nghiệp vô giá của các bậc tiền bối, tạo thành sức mạnh kỳ diệu của Phật giáo, trải qua hàng ngàn năm luôn là hình ảnh đạo đức, thân thương đối với quê hương, dân tộc.