Sách
Hoằng pháp độ sanh, một trong những vấn đề chính yếu được đặt lên hàng đầu trong sinh hoạt Phật giáo. Đạo pháp tồn tại và phát triển được tùy thuộc vào hiệu năng hoạt động của công việc hoằng pháp. Từ xưa đến nay, những phương hướng hoạt động của các vị lãnh đạo ngành hoằng pháp tuy khác nhau, nhưng tựu trung đều đặt nặng công việc đào tạo Giảng sư. Đào tạo như thế nào để người tu sĩ đủ trình độ tri thức, đạo đức thuyết phục được người nghe theo, sống theo lời Phật dạy; đó là mối ưu tư của người gánh vác sự nghiệp hoằng pháp. Tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ khác nhau, mỗi người có phương cách đào tạo, truyền bá khác nhau.
Khi cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa lãnh đạo ngành hoằng pháp, vào thời kỳ đó, dân chúng còn nhiều người chưa biết chữ Quốc ngữ. Các Thầy Giảng sư về nông thôn muốn gần gũi quần chúng, chỉ cần dạy họ học đánh vần, muốn giảng giáo lý chỉ cần học thuộc lòng và lặp lại y theoPhật học phổ thông. Phải nói ở thời điểm đó, truyền đạo theo cách ấy thành công. Nhưng trong thời đại chúng ta, điều đó trở thành lỗi thời, chắc chắn không thể dạy và phổ biến giáo lý như vậy. Tôi thường nghe một số người lớn tuổi than rằng lớp người trẻ ngày nay không giống họ. Thử nghĩ cuộc sống trên đà tiến hóa không dừng, làm thế nào bắt người giống như mình, nghĩa là sống theo khuôn cố định, không còn thích hợp.
Theo tôi, người làm công tác hoằng pháp phải thấy được tâm tư nguyện vọng, những việc cần thiết của người đương thời và lớp người kế thừa, để ta và họ có thể đồng cảm với nhau. Tiến đến làm thế nào giúp họ có được nhận thức sắc bén và sử dụng thông minh ấy vào cuộc sống lợi cho họ và người. Không nên buộc họ sống giống mình để Phật giáo trở thành lạc hậu. Cố Hòa thượng Thiện Hoa cũng xây dựng lớp Giảng sư kế thừa theo tinh thần này. Thật vậy, tôi được hưởng thành quả tốt đẹp ngày nay, chính vì nhờ lúc trẻ nhận được cách giáo dưỡng sáng suốt, nhìn xa biết rộng của ngài. Hòa thượng dạy rằng tôi phải sang Nhật Bản học văn minh của họ để trở về giúp Phật giáo Việt Nam khỏi bị tụt hậu, phát triển được sức sống trong cộng đồng dân tộc.
Thời đại chúng ta là thời đại bùng nổ thông tin qua sự phát triển lớn mạnh của sách báo, truyền thanh, truyền hình. Từ đó, người hoằng pháp cũng phải theo dõi, nắm bắt được khối lượng thông tin, giúp sự nhận thức của chúng ta bắt kịp với diễn biến của thời đại. Tiến hơn nữa, chúng ta thấy rõ kiến thức của lớp trẻ ở thế hệ kế tiếp sẽ phát huy nhanh chóng, cực mạnh nhờ máy vi tính cho đến phương tiện nối mạng truyền thông toàn cầu. Với tầm nhìn như vậy, chúng tôi đào tạo lớp Giảng sư tương lai. Qua Khóa Hoằng pháp Thiện Hoa, năm nay đang bước vào năm thứ ba, các giảng sinh được trau giồi kiến thức Phật học chuyên môn do các vị Hòa thượng, Thượng tọa có học vị giảng dạy. Ngoài ra, học thêm về văn học, ngôn ngữ học, nghệ thuật hùng biện do giáo sư Đại học Tổng hợp phụ trách. Thiết nghĩ với sự trang bị kiến thức văn hóa ngang bằng với trình độ đại học cộng với sự hiểu biết thâm sâu về Phật pháp, giúp cho người tu sĩ hoằng pháp thông suốt những gì của thời đại họ, đối diện được với lớp người trí thức của xã hội và đủ tư cách của hàng tu sĩ Phật giáo. Và thực tế cho thấy những Thầy có trình độ Đại học và trên Đại học dễ thích nghi với cuộc sống, dễ hành đạo hơn. Số Tăng Ni đạt thành tích hạng A trong kỳ thi lên năm thứ ba vừa qua chiếm 2/3 số giảng sinh. Với thành quả này, tôi kỳ vọng thế hệ Giảng sư tương lai sẽ thích nghi được xã hội mà họ đang sống, truyền bá được cho người đương thời tinh hoa cần thiết, hữu ích của Phật giáo và giúp thế hệ kế tiếp họ tiến trên lộ trình xiển dương Phật pháp thành công như họ.
(Báo GN số 14, ngày 06-7-1996)