Sách
Trong tuần qua, một số sự kiện trên thế giới và trong nước nổi bật được nhiều người quan tâm, theo dõi như cuộc tranh cử Tổng thống nước Mỹ, kết quả là Tổng thống Clinton đã tái đắc cử. Ngoài ra, sự kiện đặc biệt khác cũng được cả thế giới theo dõi là cuộc giải phẫu tim của Tổng thống Nga B.Eltsin. Cuộc phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Tối ngày 5-11, Tổng thống Eltsin hồi tỉnh, thì ở Pakistan, Thủ tướng Benazir Bhutto bị bãi nhiệm, chính phủ và Quốc hội bị giải thể. Trở qua Đông Âu, cuộc bầu cử Tổng thống cũng đã diễn ra sôi nổi ở Bungari và Rumani. Tại Nhật Bản, việc tranh cử Thủ tướng cũng khá gay cấn. Trở về Việt Nam, cả nước chúng ta đang theo dõi những ngày làm việc của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX. Quốc hội đang thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về quy hoạch đất đai và nghị quyết giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở, về dự án Luật Thương mại, về Luật ban hành văn bản pháp luật...
Ngày 7-11, Quốc hội đã thông qua được ba chương Luật Đầu tư nước ngoài. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài là vấn đề quan trọng tất yếu phải đạt cho được, nếu không muốn đất nước rơi vào tình trạng tụt hậu về kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần được thực hiện đúng đắn như thế nào để đất nước chúng ta không trở thành bãi rác chứa các thiết bị công nghiệp phế thải của các nước tiên tiến đổ ập đến. Đó là vấn đề không đơn giản. Thiết nghĩ, muốn giải quyết được những khó khăn này, đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm nhìn sáng suốt, xa rộng, khéo léo điều hành, dung hợp được quyền lợi của người đầu tư và sự phát triển kinh tế tốt đẹp, vững mạnh cho đất nước. Sự hoàn thành những bộ luật căn bản về mọi lãnh vực làm nền tảng cho sự điều hành đúng đắn, đưa đất nước đi lên, sánh vai cùng các nước bạn. Đó là niềm mong ước của toàn dân.
Bên cạnh vấn đề làm việc của Quốc hội mà cả nước đang quan tâm, việc cứu trợ đồng bào bị thiên tai cũng được toàn dân để tâm lo lắng. Thật vậy, lũ lụt và lốc mạnh đã gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Bắc. Công tác cứu trợ chưa hoàn tất thì lũ lụt lại ập đến các tỉnh miền Trung và miền Tây. Với tinh thần "Thấy người hoạn nạn thì thương" và "Thương người như thể thương thân" từ ngàn đời đã thấm sâu trong nếp nghĩ, nếp sống người dân Việt, nên toàn dân đã tất bật dồn góp tiền bạc, thức ăn cho đồng bào không may bị thiên tai. Riêng với Tăng Ni Phật tử còn thêm thấm nhuần tinh thần cứu khổ ban vui của Phật dạy, thì lại tích cực hơn nữa trong việc cứu trợ đồng bào bị lũ lụt. Dưới sự chỉ đạo của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban Từ thiện xã hội của Thành hội, của Báo Giác Ngộ cũng như các chùa, các tự viện, các Tăng Ni Phật tử..., có đến hàng trăm đoàn thể đã phát tâm mang vật thực, quần áo, thuốc men, tiền bạc... đến trao tận tay dân chúng ở những vùng lũ lụt, hoặc nhờ chính quyền địa phương chuyển giúp. Tổng số tiền và đồ vật của riêng giới Phật giáo cứu trợ đã lên đến hàng tỷ đồng.
Trong lúc tình hình thế giới có nhiều biến chuyển lớn như vậy, nhưng Tăng Ni Phật tử với tâm định tĩnh, có lẽ đã linh cảm được dòng nước lắng trong êm ả hiện hữu sau những khuấy động bời bời. Phải chăng cảm nhận như vậy nên Tăng Ni Phật tử thành phố lo dốc toàn lực cho công tác cứu trợ đạt được kết quả cao, để giúp đồng bào vượt khó, ổn định cuộc sống, cùng góp bàn tay xây dựng, phát triển đất nước.
(Báo GN số 32, ngày 07-11-1996)