Sách
(Bài giảng mùa Phật Đản 2.532 – 1988)
Hạnh phúc thay chư Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay chư Tăng hòa hợp
Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu.
Bài kệ biểu lộ niềm hoan hỷ bất tận của người đệ tử Phật khi tiếp nhận được ba ngôi báu vô song, khi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa an lạc, giải thoát của ngôi nhà Phật pháp.
Tam Bảo là điểm nương tựa khởi đầu của người Phật tử. Bài pháp này còn là nền tảng căn bản rất quan trọng mà chúng ta cần ý thức và thể hiện trong cuộc sống phục vụ nhân sinh.
Chúng ta nương tựa Tam Bảo không chỉ đơn giản giới hạn ở bước khởi điểm. Pháp này cần được phát huy sâu rộng trong suốt quá trình tu tập của chúng ta cho đến ngày đạt quả vị Vô thượng Đẳng giác. Vì nếu lệch ra ngoài hướng đi của Tam Bảo, chắc chắn chúng ta sẽ lạc vào con đường tà giáo.
Vì tính chất quan trọng của ba ngôi báu này, hàng Phật tử cần ôn lại quá trình phát triển ý nghĩa của Tam Bảo. Từ đó, xây dựng mô hình Tam Bảo cho phù hợp với nếp sống hiện nay, để mang lại lợi lạc cho bản thân mình và cho người. Đó chính là những gì tôn quý nhất mà chúng ta thành kính dâng lên cúng dường Đức Thế Tôn trong ngày kỷ niệm Phật Đản PL. 2532.
Trước nhất, người Phật tử cần xây dựng niềm tin căn bản trên ngôi Phật bảo. Vì Đức Phật không hiện hữu trên cuộc đời này, Pháp và Tăng cũng không có; đạo Phật chẳng nương đâu mà phát khởi và chúng ta cũng không là Phật tử.
Chúng ta biết rằng Đức Phật từ khi tu hành cho đến khi đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, ngài không có đối tượng nào để tôn thờ. Ngài khẳng định rằng ngài là bậc vô sư tự ngộ. Vốn bản chất thông minh, hiếu học, ngài đọc tất cả sách vở của ngoại đạo. Nhưng ngài không bằng lòng cúi đầu an phận theo chủ trương của ngoại đạo là phú thác vận mạng mình cho thần linh. Ngài hạ quyết tâm tự tìm chân lý.
Sau 49 ngày tư duy dưới cây Giác Ngộ, ngài đã thành tựu Vô thượng Bồ đề. Nghĩa là ngài nắm bắt được thật tướng của vũ trụ và vạn vật; thấy được nguyên nhân sinh tử của mình và của tất cả mọi người, mọi loài. Không có gì mà ngài không biết, không thấy. Ngài thành Phật, thành bậc Toàn giác.
Trên bước đường hoằng hóa độ sinh, với trí tuệ của bậc Thiện thệ Thế gian giải, Đức Phật đã thuyết phục các hàng ngoại đạo quy về Phật đạo. Ngài nhẹ nhàng chuyển đổi truyền thống cố chấp của hàng quyền thế Bà la môn có từ lâu đời, khiến họ cởi bỏ xiêm y tế lễ, theo ngài làm đệ tử. Dưới sự khai ngộ của Đức Phật, họ đều trở thành những người phạm hạnh kiểu mẫu trong thời Phật tại thế.
Có trí tuệ thấy đúng như thật của bậc Chánh Biến Tri, Đức Phật thấy rõ chánh nhân, duyên nhân của từng người. Ngài chọn đúng đối tượng, sử dụng người đúng chỗ, giao nhiệm vụ đúng. Vì vậy, ngài thuyết pháp giáo hóa thành tựu viên mãn.
Điển hình như vừa thành đạo, rời Bồ đề đạo tràng, Đức Phật đến độ năm anh em Kiều Trần Như, dẫn họ đến quả vị Vô Sanh một cách dễ dàng. Nhưng kế đó, Đức Phật không trực tiếp đến giáo hóa Xá Lợi Phất. Ngài dạy Mã Thắng mang hình bóng giải thoát của người vừa chứng đắc A la hán, đi khất thực một cách thanh thản. Mã Thắng không nói lời nào, nhưng khiến cho Xá Lợi Phất là một đại luận sư của ngoại đạo đương thời trông thấy, phải phát tâm theo về Lộc Uyển. Xá Lợi Phất gặp được Phật, cũng liền đắc quả A la hán một cách đơn giản.
Sau khi Xá Lợi Phất trở thành La hán giải thoát, Đức Phật thấy rõ Mục Kiền Liên lãnh đạo một tu viện lớn gồm 100 tu sĩ và ông rất kính nể Xá Lợi Phất. Đức Phật lại dạy Xá Lợi Phất đến độ Mục Kiền Liên.
Khi hai vị lãnh đạo tên tuổi của hàng ngoại đạo là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên trở thành đệ tử của Phật, uy thế của ngài càng lớn mạnh. Điều này làm cho Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp là quốc sư của Bình Sa vương cảm thấy khó chịu. Lúc ấy, Đức Phật không bảo Mục Kiền Liên đi giáo hóa ông này, mà chính ngài đích thân đến tu viện của ông. Và Đức Phật đã giáo hóa ông trở thành người đạo đức.
Chỉ một vài sự thật lịch sử nói trên đã biểu lộ rõ nét Đức Phật là bậc Đạo sư sáng suốt, giác ngộ (Phật bảo).
Những lời của Đức Phật giảng dạy trong suốt 49 năm không chỉ là lời nói suông. Trái lại, ngài đã thể hiện chân lý trong cuộc sống dưới mọi tình huống. Khi thì ngài đích thân đến chiến trường để ngăn chặn chiến tranh giữa hai đạo binh. Hoặc có lúc ngài giáo hóa ông vua cực ác như A Xà Thế trở thành nhà cai trị hiền lành, sáng suốt, người hộ pháp đắc lực nhất. Thậm chí, có trường hợp Đức Phật thản nhiên, bình tĩnh vô hiệu hóa âm mưu bôi lọ của 500 Bà la môn dẫn một cô gái bụng chửa đến vu oan Phật.
Chân lý hay Pháp bảo mà Đức Phật tỏa ra cho cuộc đời quả thật đã nhẹ nhàng giải quyết êm đẹp những khó khăn vướng mắc của cuộc sống thế nhân.
Sau cùng, tính chất Tăng bảo, hay tính chất hòa hợp đại chúng cũng thể hiện đậm nét nơi Đức Phật. Thật vậy, cuộc đời của Đức Phật chứng tỏ ngài là người thật sự vì nhân sinh. Tuy là bậc Đạo sư cao minh, ngài vẫn tùy thuận, sống hài hòa với mọi tầng lớp xã hội, để lần dìu dắt họ trở thành những người sáng suốt, thánh thiện.
Sự thật lịch sử chứng minh Đức Phật có khả năng thu hút mọi tầng lớp xã hội đương thời đến với ngài. Từ một nhóm người nhỏ gồm Đức Phật và năm Tỳ kheo ở Lộc Uyển có sinh hoạt bề ngoài thấy bình thường, nhưng đã tác động vào xã hội thật mãnh liệt. Đồ chúng của Phật lan rộng mạnh mẽ, lên đến 1.250 người, rồi 12.000 người. Chẳng bao lâu cả xứ Ấn, từ vua chúa cho đến người cùng đinh, từ hàng trí thức đến người dốt nát, đều quy ngưỡng Đức Phật.
Tính chất Tam Bảo tuy tiềm tàng đầy đủ trong Đức Phật, nhưng mô hình Tam Bảo thật sự chỉ phát xuất kể từ khi ngài lập giáo khai tông ở Lộc Uyển, thuyết pháp Tứ Thánh đế độ năm anh em Kiều Trần Như. Lúc ấy mới hình thành mô hình Tam Bảo đầu tiên.
Sở dĩ Tam Bảo được coi như báu quý, vì giải đáp được thắc mắc nội tâm, thỏa mãn được yêu cầu tri thức đối với người tu luôn hướng về đời sống tinh thần. Đối với họ, những báu vật thế gian chỉ có giá trị hữu hạn. Năm anh em Kiều Trần Như được Đức Phật giải tỏa những khắc khoải đè nặng họ từ lâu. Đồng thời ngài còn khai thông trí tuệ cho họ, dạy họ pháp Tứ Thánh đế chấm dứt sự khổ đau và mở ra con đường dẫn đến hạnh phúc, an lạc thường còn. Họ nương theo nhau sống chung, tạo thành một tập thể đoàn kết, hài hòa, an vui, giải thoát. Vì vậy, Tam Bảo, Phật Pháp Tăng rất quý báu đối với năm em Kiều Trần Như.
Từ đó, quy y Tam Bảo là khuôn mẫu, hay luật đầu tiên cho những người muốn gia nhập Tăng đoàn. Quy y Phật là nhận Đức Phật làm Thầy, tin Phật hoàn toàn sáng suốt. Người buồn phiền, hay có nhiều điều nan giải đến với Phật đều được ngài hóa giải.
Ngài là vị Đạo sư gần gũi mọi người, được người tin cậy ở mọi lãnh vực. Như vua A Xà Thế tin tưởng hoàn toàn trí tuệ siêu việt của Đức Phật. Ông muốn đem binh đánh nước Bạt Kỳ, cũng sai sứ đến hỏi ý Phật. Tính chất giáo dục của một vị Thầy toàn giác, toàn trí biểu lộ rõ nét nơi Đức Phật. Ngài không phải là một vị thần linh xa lạ ở nơi nào.
Quy y Pháp là tin và chấp nhận những quy luật đúng đắn, không bao giờ sai lầm, do Đức Phật truyền dạy. Vì trên bước đường thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh, lời nói và việc làm của Đức Phật luôn tương ưng với nhau. Ngài đáp ứng được yêu cầu của quần chúng, mới cảm hóa được mọi tầng lớp cùng thăng hoa thánh thiện.
Quy y Tăng là chấp nhận tập thể hòa hợp của những đệ tử Phật cùng tu hành, cùng lý tưởng tìm chân lý và đang thực hiện mục tiêu hướng đến quả vị Phật. Tăng đoàn khi Phật tại thế đều là tam Hiền, tứ quả giải thoát Tăng. Họ sống chung cả ngàn người, nhưng không hề xích mích, tranh cãi nhau.
Đến đây hình thức tín ngưỡng tôn giáo cũng chưa phát sinh. Vì Tam Bảo : Phật, Pháp, Tăng bấy giờ đều là sự thật thể hiện rõ nét ngay trong cuộc sống gần gũi mọi người; không phải tìm ở chốn xa xăm nào. Tín ngưỡng của Phật giáo trong thời Phật giáo nguyên thủy thật đơn giản. Đó là tin sự sáng suốt của Đức Phật, tin chân lý là tứ Thánh đế và tin sự giải thoát, hòa hợp của chư Tăng.
Ngày nay, Phật tử Bắc tông hay Nam tông, khởi đầu đến với đạo Phật, đều phải quy y Tam Bảo. Tuy nhiên, tùy trình độ và giai đoạn lịch sử mà hiểu Tam Bảo có khác nhau, tạo thành quá trình tin Tam Bảo và phát triển Tam Bảo đổi khác.
Khi Phật tại thế, nương vào sự chỉ đạo đúng đắn của ngài, mọi việc được giải quyết chính xác êm đẹp. Nhưng kể từ khi vị Đạo sư sáng suốt vào Niết bàn, vấn đề nan giải được đặt ra làm Tam Bảo đổi dạng.
Thật vậy, Đức Phật là ngọn đèn soi sáng đã tắt. Ngọn đèn rọi vào vật hay Pháp mất, làm cho Pháp bảo cũng không thể tồn tại. Vì thế, chỉ còn lại tụ thứ ba là Tăng. Nhớ lại Phật Niết bàn, ngài có di chúc cho chư Tăng được quyền thay Phật quyết định, với điều kiện ý này phải được toàn thể đại chúng chấp nhận.
Từ đó, phát sinh quan niệm Tam Bảo hội nhập đầy đủ trong Tăng đoàn. Chư Tăng còn là Phật pháp còn. Phật sống và Pháp sống là sống trong sinh hoạt của tập đoàn Tăng. Phật còn trong suy nghĩ đúng đắn, hòa hợp của chư Tăng. Pháp còn trong quyết định chung của tập thể Tăng. Hình thức này được tôn trọng triệt để và tồn tại kéo dài đến 200 năm sau Phật Niết bàn, vẫn lấy hòa hợp Tăng làm nền tảng của Tam Bảo.
Tuy nhiên, sau đó, đoàn thể Tăng mỗi ngày một phát triển, nên sinh ra nhiều quan điểm khác nhau. Vì không cùng suy nghĩ, không cùng pháp tu, đứng dưới nhiều góc độ khác biệt mà nhìn về Đức Phật và lời dạy của ngài, tất nhiên tính chất hòa hợp khó duy trì. Đó là lý do đưa đến tình trạng phân hóa, tách rời đoàn thể Tăng thành 20 bộ phái riêng biệt. Mô hình Tam Bảo theo quan niệm chư Tăng tiêu biểu đầy đủ cho Tam Bảo bị sụp đổ cũng từ đó.
Vì sự mất mát trầm trọng đó, quan niệm thế gian trụ trì Tam Bảo ra đời thay thế. Thế gian trụ trì Tam Bảo là những gì có thật trên cuộc đời. Phật bảo được tiêu biểu bằng lá Bồ đề tượng trưng cho trí giác. Hoặc hoa sen tượng trưng cho sự trong sạch, lần đến vẽ hình Phật và làm tượng Phật. Pháp bảo là những lời Phật dạy được ghi chép lại trong tam tạng kinh điển và Tăng bảo là đoàn thể Tăng đi theo con đường mà Đức Phật đã vạch ra, tiếp nối sự nghiệp của ngài.
Khi mượn hình thức thế gian trụ trì Tam Bảo để tu tập có tính cách danh nghĩa hay tượng trưng, nhưng người ta lại phạm phải sự chấp trước vào Tam Bảo tượng trưng là thật; nên dễ sinh ra phiền muộn, bất mãn. Vì thế, mọi người không khỏi ước mơ hướng tâm đến hình thành ngôi Tam Bảo lý tưởng, tốt đẹp thật sự. Đó là yêu cầu tất yếu của sự xuất hiện kế tiếp tư tưởng xuất thế gian Tam Bảo.
Dưới lý giải của tinh thần Phật giáo phát triển đặt căn bản trên sự chuyển biến của thực tại mà vận dụng giáo lý, các nhà truyền giáo Đại thừa nhận thấy hình thức thế gian Tam Bảo không đáp ứng được niềm tin của Phật tử. Và lúc bấy giờ, cũng để đối trị lại mô hình thiên đường ảo tưởng của Phạm Thiên do Bà la môn giáo dựng lên được mọi người ưa thích, Phật giáo phát triển kịp thời sản sinh ra mô hình xuất thế gian Tam Bảo. Theo đó, Phật là đấng giác ngộ chỉ vắng bóng trên cuộc đời. Ngài không chết, ngài vẫn luôn hiện hữu ở Niết bàn.
Tin xuất thế gian Tam Bảo là tin Đức Phật bất tử vẫn thường hằng miên viễn, gọi là Báo thân viên mãn, hay Pháp thân vượt ra ngoài nhục thân hữu hạn của con người.
Xuất thế gian Tam Bảo hàm chứa đầy đủ chân lý sống thực, đã được Phật mang theo về Niết bàn. Ngài để lại cho chúng ta những lời dạy góp nhặt thành kinh điển. Kinh thường được ví như ngón tay chỉ mặt trăng, hay thuyền bè đưa ta qua bờ giác. Vì ngón tay không phải là mặt trăng; thuyền bè không phải là bờ giác; nên vấn đề được đặt ra cho chúng ta là phải cố vận dụng được chân lý sống thực.
Từ niềm tin Phật bảo và Pháp bảo đã vượt ra khỏi thế gian, dẫn đến hình dung xuất thế gian Tăng bảo. Đó là chúng hội của Đức Phật xưa kia đã là tam Hiền tứ quả giải thoát Tăng; nên chắc chắn hiện tại các ngài cũng phải bất tử, đang cùng sống chung với Đức Phật ở Niết bàn.
Kế tiếp, dựa trên mô hình xuất thế gian Tam Bảo, tư tưởng Tịnh độ mười phương bắt đầu hình thành. Phật tại thế, ngài xây dựng cho mọi người một nhân gian Tịnh độ. Nhưng Phật vào Niết bàn, Tịnh độ cũng chắp cánh bay theo. Bấy giờ, Bắc truyền Phật giáo kiết tập kinh điển căn cứ vào lời dạy của Đức Phật, tìm nghĩa lý sâu xa bên trong mà phát hiện hai mẫu Tịnh độ. Đó là Tịnh độ ở phương Đông của Đức Phật Dược Sư và Tịnh độ ở phương Tây của Đức Phật A Di Đà.
Phải chăng ý niệm hướng về phương Đông cầu Đức Phật Dược Sư mang ý nghĩa liên tưởng đến sự xuất hiện của Đức Phật có trí tuệ tuyệt luân và sự tinh khiết thuần thiện. Hai đặc tính siêu việt này của Đức Phật Dược Sư có khả năng làm cho bầu trời nhân loại trở thành trong sạch, giống như mặt trời mọc ở phương Đông xóa tan màn đêm đen tối.
Và khi Phật Niết bàn, ánh sáng soi đường cho thế gian không còn, ví như mặt trời lặn ở phương Tây. Mọi người tiếc thương, hướng tâm về phương Tây, hình dung ra Tây phương Tịnh độ của Đức Phật Di Đà.
Đến giai đoạn này, với sự phát triển mạnh của quan niệm xuất thế gian Tam Bảo thì Tam Bảo không còn trên cuộc đời nữa. Vì trong thế gian không có vốn quý báu; Cực Lạc không thể có ở đây. Tam Bảo, Phật Pháp Tăng đã bay khắp mười phương. Tinh thần Tam Bảo được nâng lên thế giới Tây phương của Phật Di Đà, thế giới Đông phương của Phật Dược Sư, hay ở cung trời Đâu Suất của Đức Di Lặc.
Từ đây đánh dấu một sự chuyển biến quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng của đệ tử Phật. Do hoài vọng về Đức Phật và Thánh chúng ở thế giới khác mà phát sinh ra cầu nguyện và lễ bái. Điều này khác với niềm tin ban đầu được đặt trên căn bản tu hành là chính.
Quan niệm tôn thờ xuất thế gian Tam Bảo hiện hữu khắp mười phương, không còn ở thế gian cũng không khác gì quan niệm tôn thờ Thượng đế của Bà la môn. Phật giáo Đại thừa mới chỉnh lý sự sai lầm này, xác định lại khả năng và vai trò của con người tự quyết định vận mạng của chính mình.
Nhằm mục tiêu này, kinh Hoa Nghiêm ra đời, trả lại cho con người những gì họ đã đánh mất do hướng ngoại quá nhiều. Kinh Hoa Nghiêm kết hợp hai mô hình Tam Bảo là thế gian trụ trì Tam Bảo và xuất thế gian Tam Bảo. Vì thế gian trụ trì Tam Bảo không đáp ứng được yêu cầu thực tế và xuất thế gian Tam Bảo thì lại quá lý tưởng. Kết hợp hai mô hình Tam Bảo nói trên, kinh Hoa Nghiêm đưa ra mô hình Tam Bảo mới là tự tánh Tam Bảo, hay đồng thể Tam Bảo.
Theo Hoa Nghiêm, Phật bảo là Tỳ Lô Giá Na tánh, hay tánh sáng suốt tiềm tàng trong mỗi con người chúng ta và trong cả muôn loài. Phật không chỉ riêng cho Phật Thích Ca, mà ngài là tổng thể của Tỳ Lô Giá Na bao trùm muôn loài muôn vật. Trên mặt hiện tượng, có muôn ngàn sai biệt đủ loài đủ dạng; nhưng hiểu ở mặt thể tánh thì muôn loài muôn vật đều là Phật không khác, không có gì trên cuộc đời không phải là Phật.
Từ tự tánh sáng suốt của chúng ta nhìn thấy muôn sự muôn vật đúng như thật, thì đó là chân lý hay Pháp bảo. Và khéo điều hợp để bản thể không xa rời thực tế là Tăng bảo.
Với ba pháp tự quy y đưa Tam Bảo trở về tâm, hay tự tánh, kinh Hoa Nghiêm đã khéo léo điều hợp hai mô hình thế gian và xuất thế gian Tam Bảo. Theo tinh thần này, Đức Phật mang ý nghĩa tượng trưng, hay xuất thế gian cũng được. Vấn đề chính yếu là làm cho tánh sáng suốt của chúng ta bừng lên và trở về chơn như tâm, một trạng thái tỉnh thức lắng yên tuyệt đối, không còn bị phiền não chi phối.
Đức Phật dạy rằng tánh sáng suốt này có sẵn trong chúng ta từ vô thủy; nó không thiếu, không dư, không được, không mất. Sau này, Phù Vân quốc sư cũng khai ngộ cho vua Trần Thái Tôn tánh sáng suốt ấy với câu nói : "Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy, tức khắc thành Phật ngay tại chỗ. Không phải đi tìm cực khổ ở bên ngoài”.
Chúng ta vì vô minh ngũ ấm ngăn che, chạy theo vọng tưởng, rời bỏ chơn tánh; nên không thấy được bản giác của mình. Trong khi Đức Phật diệt trừ hoàn toàn tham sân phiền não, trở về Tỳ Lô Giá Na tánh, thành Phật. Ngài khẳng định rằng ngài là Phật đã thành và chúng ta là Phật sẽ thành.
Vì vậy, tin Phật và tự quy y Phật theo kinh Hoa Nghiêm là nương theo hình thức tượng trưng của Phật bên ngoài, hay Phật mười phương, để đánh thức ông Phật trong lòng ta sống dậy. Nói cách khác, trở về phát huy tánh giác của chúng ta. Ý này được ngài Nhật Liên ví như chim trong lồng nghe chim ngoàitrời hót mà biết được vạn hữu bao la để xổ lồng tung bay.
Chúng ta càng thờ Phật, kính trọng Phật, thì càng mài dũa cho tâm sáng suốt. Trở về với bản tánh vốn sáng suốt của mình, trí tuệ tự nhiên bừng sáng và thể nhập chân lý; vượt ngoài mọi diễn tả của ngôn từ mà Tổ Bách Trượng nói là "Tâm địa nhược không, huệ nhựt tự chiếu”. Sống được với thể tánh sáng suốt, chúng ta mong cho mọi người cũng được như ta.
Trước khi Niết bàn, Đức Phật Thích Ca dạychúng ta phải nương tựa chánh pháp; vì ngài đãnương tựa chánh pháp mà thành Phật. Pháp hay chân lý mà Đức Phật nắm bắt, hay vận dụng, không dùng lời nói diễn tả được; nhưng có một tác dụng rất mãnh liệt thể hiện trọn vẹn trong cuộc đời hoằng hóa độ sinh của ngài.
Chân lý tuyệt đối này thường được Đức Phật ví như lá trong rừng. Những gì phương tiện Phật nói ra như lá trong tay. Lá trong rừng chỉ cho sự sống luôn phát triển, thay đổi theo thời gian. Suốt quá trình hành đạo của Đức Phật từ Lộc Uyển đến khi rời bỏ cuộc đời ở Ta La song thọ, hơn 300 hội, ngài nói pháp không giống nhau. Tùy thời, tùy chỗ, tùy người, mà Đức Phật vận dụng chân lý làm lợi ích cho chúng hữu tình.
Tu theo kinh Hoa Nghiêm, tự quy y Pháp có nghĩa là cố gắng phát huy Pháp bảo có sẵn trong ta, bằng cách nương theo kinh điển, suy tư, tìm hiểu nghĩa lý sâu xa ẩn bên trong. Và lấy hiểu biết của Phật trang nghiêm cho mình, trắc nghiệm vào cuộc sống; nhìn sự kiện diễn biến thế nào mà tùy theo đó thuyết minh, không chấp chặt vướng mắc trong ngôn ngữ, văn tự. Người nào nương theo thuyết minh của ta đều được an vui, giải thoát. Đạt được tự tánh Pháp bảo lưu xuất từ chơn tâm thanh tịnh, chúng ta mong ước mọi người cũng sử dụng được Pháp bảo của chính họ.
Chẳng những Phật, Pháp, mà ngay cả Tăng bảo cũng có sẵn trong con người chúng ta và muôn vật. Tự quy y Tăng theo Hoa Nghiêm là nương theo sự hòa hợp của đoàn thể Tăng bên ngoài, hay thanh tịnh giải thoát Tăng bảo mười phương, trở về bản tánh thanh tịnh của tâm ta.
Bản tánh thanh tịnh này vẫn hằng hữu, nhưng bị phiền não nhiễm ô che lấp, nên trí giác không sinh ra được. Nay thấy được chân lý, nhận rõ muôn vật dù đối lập hay thuận hành đều từ một thể sinh ra, đều thanh tịnh hòa hợp. Và khi sống đúng với chân lý, những chống trái, mâu thuẫn không còn; ta được an vui, giải thoát, thể hiện được tự tánh Tăng bảo.
Mang tính chất giải thoát, hòa hợp cùng đại chúng, để lãnh đạo, mới không gặp chướng ngại, chống đối. Còn đứng trên lập trường cá nhân đầy dẫy muôn ngàn sai biệt mà áp đặt, chỉ đưa đến bất mãn, suy sụp. Từ thanh tịnh của chính mình làm hạt nhân cho mọi người, mọi vật xung quanh hòa hợp thanh tịnh theo; chúng ta mong ước mọi người cũng được như vậy.
Chúng ta đã ngược dòng lịch sử quan sát quá trình phát triển ý nghĩa Tam Bảo, thấy được từng mô hình Tam Bảo thích ứng với từng thời kỳ, mang lại lợi lạc khác nhau. Để tiếp nối việc xây dựng, phát triển niềm tin đúng chánh pháp, làm an lạc cho chính mình và người; chúng ta nghĩ gì về mô hình Tam Bảo ngày nay ? Sinh hoạt của Phật giáo chúng ta hiện tại có thể hiện được ý nghĩa Tam Bảo mà Đức Phật đã dạy hay không ?
Trước nhất, dựa trên tinh thần phóng khoáng vận dụng chân lý một cách lợi ích, thiết thực của Phật giáo Đại thừa qua câu nói rằng : "Y kinh giải nghĩa, Phật oan tam thế. Ly kinh nhứt tự, tức đồng ma thuyết”. Chúng ta không rập y khuôn các mô hình Tam Bảo đã có trước, nhưng cũng không phủ nhận những đóng góp thiết thực có ý nghĩa của các bậc tiền bối.
Chúng ta nương theo kinh nghiệm quý báu của người đi trước, để xây dựng một hướng đi riêng đúng đắn, lợi ích, phù hợp với cuộc sống hiện tại. Tổng hợp những mô hình Tam Bảo là Tam Bảo theo nguyên thủy, thế gian trụ trì Tam Bảo, xuất thế gian Tam Bảo và tự tánh Tam Bảo, cho chúng ta có sự hiểu biết đúng về Tam Bảo trong thời đại ngày nay, được thể hiện qua sinh hoạt sống động và lợi ích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Giáo hội, Tăng Ni và Phật tử đã tích cực đóng góp vào các phong trào ích nước lợi dân. Ngoài ra, Giáo hội không quên trách nhiệm lớn lao của mình trong việc xây dựng Phật pháp, tiếp dẫn hậu lai, bằng cách đặc biệt quan tâm đến sự truyền bá giáo lý, tổ chức giới đàn, an cư kiết hạ, đào tạo Tăng tài, nghiên cứu văn hóa tư tưởng, v.v…
Hiến chương, nội quy sinh hoạt của các Ban và những nghị quyết triển khai bổ sung kế tiếp của Giáo hội (Pháp bảo) là cương lãnh vạch ra cho Tăng Ni, Phật tử cùng chung sinh hoạt, phát triển lợi lạc. Đó là nhờ phát xuất từ nhận thức đúng đắn của Giáo hội (Phật bảo) luôn hướng về sự lợi ích của dân tộc, đạo pháp. Vì vậy, những quyết án này đã được Tăng Ni, Phật tử hưởng ứng nồng nhiệt (Tăng bảo), giúp cho hoạt động của Giáo hội ngày thêm tươi sáng.
Kỷ niệm ngày Phật Đản, chúng ta hướng về ngôi Tam Bảo, làm sáng danh Tam Bảo, bằng cách cố gắng phát huy trí tuệ và đạo đức của chính mình. Ngoài ra, chúng ta đóng góp tích cực hơn nữa vào những hoạt động hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, đem lại cuộc sống an lạc cho nhân dân.