Sách
Kinh Pháp Hoa là bộ kinh được nhiều người thọ trì, đọc tụng, lễ bái, kính ngưỡng. Riêng tại chùa Bình Quang này, tôi được biết Ni trưởng trước kia cho đến chư tôn đức Ni ngày nay đều trì tụng kinh Pháp Hoa. Nhiều người tu Pháp Hoa đều được kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, tùy theo niềm tin và việc làm của mỗi hành giả mà có những kết quả khác nhau. Nhân đây, tôi muốn nhắc nhở thêm về việc trì tụng Pháp Hoa. Đức Phật dạy rằng người tin Phật, đi theo con đường của Phật mà không hiểu Phật, sẽ dễ trở thành phỉ báng Phật. Người đọc tụng kinh Pháp Hoa cũng vậy; nếu không hiểu nghĩa kinh, cũng có công đức nhưng rất giới hạn. Điều tôi nhắc nhở quý vị cần suy nghĩ, cân nhắc là chúng ta đừng để vấp phải sai lầm khi trì tụng kinh Pháp Hoa mà không nhận chân được ý nghĩa sâu sắc trong kinh và không ứng dụng được nghĩa lý để trang nghiêm thân tâm trong cuộc sống, thì sẽ dễ phạm tội phỉ báng kinh Pháp Hoa. Tội phỉ báng kinh Pháp Hoa, hay phỉ báng pháp Như Lai lớn hơn cả tội ngũ nghịch thập ác.
Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng chỉ cần thọ trì một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ cũng tăng tiến đạo Bồ đề; nghĩa là cũng phát triển được sự hiểu biết và đạo đức của chúng ta. Chỉ hiểu và ứng dụng được tinh ba của Pháp Hoa trong một niệm tâm, một câu, hay một bài kệ mà còn được công đức, huống chi là cả bộ kinh. Trước khi nói Pháp Hoa, Đức Phật nói kinh Vô Lượng Nghĩa, rồi nhập Vô lượng nghĩa xứ Tam muội. Kinh chỉ ghi đơn giản như vậy. Nhưng theo sớ giải của Thế Thân Bồ tát thì Vô Lượng Nghĩa chính là Pháp Hoa, hay Vô Lượng Nghĩa là một tên khác của Pháp Hoa. Vì vậy, kinh Pháp Hoa không phải chỉ có trong 28 phẩm mà chúng ta thường đọc tụng. Triển khai yếu nghĩa này, Trí Giả đại sư kiến giải rằng kinh Pháp Hoa ở trong bốn chữ Diệu Pháp Liên Hoa. Kinh Pháp Hoa không phải là ngữ ngôn, văn tự nữa. Tâm là Diệu Pháp, thân là Liên Hoa; đó mới thực sự là kinh Pháp Hoa.
Tâm là Diệu Pháp gợi cho chúng ta nhớ rằng người tu Pháp Hoa phải có tâm trong sáng, vô nhiễm. Hành giả Pháp Hoa hiện hữu trên cuộc đời, không bị hoàn cảnh chi phối, không bị vui buồn vinh nhục lay động. Ý này rất quan trọng. Tụng Pháp Hoa suốt ngày, suốt đời, nhưng tâm hồn luôn luôn chao đảo vì ngoại duyên là tu Pháp Hoa theo hình thức, chưa đi vào cốt lõi. Theo Pháp Hoa, cốt lõi là tâm như viên ngọc sáng hàm chứa vô tận tạng, nói đơn giản thì đó là kho báu vô tận. Thật vậy, tài sản quý giá nhất đối với người tu theo Phật là tâm trong sáng có công năng chứa được công đức vô lượng. Chỉ cần khai tâm này, hay khai tri kiến thì chúng ta sử dụng kho báu ấy trong suốt cuộc đời này cho đến muôn đời sau cũng không hết. Phải ứng dụng được sự linh hoạt vô cùng tận của tâm, mới gặt hái được kết quả siêu tuyệt, vượt ngoài khả năng hiểu biết bình thường theo thế gian mà kinh gọi là bất khả tư nghì.
Hành giả Pháp Hoa có tâm là viên ngọc sáng, thân là hoa sen không nhiễm bùn, tức không bị thế tục hóa. Đời sống của người xuất gia dễ thực hiện ý này, hình thức bên ngoài của chúng ta khác với thế tục và không làm việc của thế tục, không sống theo thế tục, mà sống thanh cao, giải thoát. Tụng hay không tụng Pháp Hoa, nhưng có tâm hồn giải thoát, trí tuệ sáng suốt và tấm lòng từ ái, thì đó chính là hành giả Pháp Hoa. Căn cứ trên ba tiêu chuẩn này, trước nhất người tu phải xây dựng đạo đức thực sự cho chính mình. Mọi người đánh giá chúng ta đạo đức thì mới trở thành nhà truyền giáo xứng đáng thay Phật giáo hóa độ sanh trên cuộc đời này.
Nói đến đạo đức, có đạo đức tiêu cực và đạo đức tích cực. Đạo đức tiêu cực là dứt bỏ mọi việc, không làm gì, kể cả việc thiện; vì còn làm là còn phạm sai lầm, còn có lỗi. Thân tâm chúng ta hoàn toàn đặt ngoài sự vật, ngoài cuộc đời, gọi là hạnh viễn ly, xuất thế. Đó chính là đạo đức tiêu cực, không làm lợi ích, cũng không gây ra đau khổ cho ai. Nhưng quan sát sâu hơn, thấy được đạo đức tích cực của người tu. Đức Phật tiêu biểu cho mẫu người thể hiện cao độ tinh thần đạo đức tích cực. Tuy Phật không còn hiện hữu trên thế gian, tất nhiên Ngài không làm gì nữa; nhưng thực tế cho thấy rõ ảnh hưởng của Đức Phật vào cuộc đời này, ở khắp năm châu bốn biển thực lớn lao vô cùng, không ai có thể sánh bằng. Đức Phật vào Niết bàn đã hơn hai mươi lăm thế kỷ, vậy mà đạo đức của Ngài còn ảnh hưởng cho loài người đến tận ngày nay. Ngay trên đất nước Việt Nam này, người chịu ảnh hưởng của Phật giáo không phải nhỏ. Tinh thần đạo đức tích cực thường được diễn tả là vô vi, tuy không làm gì, nhưng không có việc nào nằm ngoài lực ảnh hưởng của Phật. Nói cách khác, không làm mà làm thực tốt, thực nhiều.
Ngày nay, nếu chỉ thấy đơn giản sinh hoạt thực tế, cho rằng Tăng Ni, Phật tử làm mọi việc cho đạo pháp. Theo tôi, phải nhận thấy lãnh vực siêu hình hay tâm linh mới quan trọng. Thử nghĩ, nếu không có Phật, thì Tăng Ni, Phật tử có đóng góp công sức, tiền của vào việc xây dựng chùa chiền hay không, có dấn thân vào việc tu hành hay không. Tất cả ngôi chùa trên thế giới được hình thành đều vì Phật. Chúng ta trì kinh Pháp Hoa cũng phải xây dựng đạo đức tích cực như Đức Phật đã làm. Việc tu hành của chúng ta cần ảnh hưởng cho người được an vui, phát tâm sống theo tinh thần Phật dạy, giúp họ phát triển tri thức, đạo đức. Đó là cánh cửa thứ nhất để chúng ta bước vào thế giới Pháp Hoa.
Cánh cửa thứ hai là trí tuệ. Người tu lấy trí tuệ làm gốc, có hiểu biết càng sâu rộng càng tốt. Học, suy nghĩ và ứng dụng pháp Phật trong cuộc sống không mỏi mệt. Làm như vậy, trí chúng ta mới sáng lần. Có trí sáng mới nhìn sự vật chính xác theo lý nhân duyên, thì hành đạo được giải thoát. Vì thiếu trí tuệ, bị tham sân, phiền não ngăn che, hành động bị sai lầm. Có trí tuệ, thấy việc đáng làm hay không nên làm, nhất định đạt kết quả tốt đẹp. Có người nói rằng Hòa thượng Trí Tịnh suốt hai mươi năm không đi, không làm gì. Theo tôi, ngài không làm, nhưng Phật giáo được phát triển, Tăng Ni, Phật tử được an vui tu hành. Như vậy rõ ràng tốt hơn là làm mà gây ra đau khổ. Làm tích cực, nhưng đẩy người vào con đường sân hận, tội lỗi, là đã lệch hướng sống giải thoát. Quý vị nên cân nhắc điều này. Tham vấn Hòa thượng Chủ tịch, ngài bảo tôi nhắc nhở quý vị rằng người tu phải có trí tuệ. Thấy theo trí tuệ thì tâm chúng ta rất thanh thản đối trước việc xảy đến. Thấy bằng nghiệp thì tâm chúng ta khởi lên buồn phiền, bực tức, hoặc ham muốn. Hòa thượng dạy rằng dù có chư Thiên cung kính cúng dường, chúng ta không vui mừng. Dù bị Dạ Xoa nuốt chửng, cũng không sợ hãi. Tâm vẫn hoàn toàn an ổn, vì chúng ta đã thấy rõ lý nhân duyên. Dạ Xoa nuốt, hay chư Thiên cúng dường cũng đều do nhân duyên, là việc bình thường. Người có trí tuệ thấy rất đúng, tùy theo đó mà làm. Ngoài ra, Hòa thượng còn dạy thêm rằng việc xảy ra, nhưng có nên nói hay không và nói với ai, nói có ích lợi gì. Nói để người hiểu, ứng dụng được mới nói. Chúng ta nhớ lại khi Phật thành đạo ở Bồ đề đạo tràng, Ngài nhận biết được chân lý. Nhưng Phật cũng biết rõ là không nên nói chân lý, vì trình độ hiểu biết của chúng sanh quá kém, sự chấp trước của họ quá nặng, không thể hiểu, không thể chấp nhận.
Vì vậy, Đức Phật không nói chân lý ngay sau khi thành đạo. Ngài quán nhân duyên; sau hai mươi mốt ngày, Ngài mới đến Lộc Uyển giảng dạy năm anh em Kiều Trần Như. Trên bước đường giáo hóa độ sanh, khi thì Phật thuyết pháp cho La hán, có lúc dạy chư Thiên cách khác, lúc lại nói với Bồ tát những pháp hoàn toàn khác trước. Đức Phật thể hiện những lời nói lợi ích của người có trí tuệ vẹn toàn trong suốt hơn ba trăm hội. Và tiêu chuẩn thứ ba của Pháp Hoa là hành giả phải luôn mang đến lợi ích cho nhiều người trong hiện tại và tương lai.
Tôi nêu một số gợi ý trên để quý vị đọc tụng, suy nghĩ, hiểu thêm nghĩa lý sâu xa tiềm ẩn trong kinh Pháp Hoa. Ứng dụng được tinh ba của Pháp Hoa trong cuộc sống tu hành, chắc chắn quý vị sẽ gặt hái được nhiều thành quả làm tốt đời, đẹp đạo.
(Bài giảng tại trường hạ tỉnh Bình Thuận, ngày 19-7-2004)
Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng chỉ cần thọ trì một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ cũng tăng tiến đạo Bồ đề; nghĩa là cũng phát triển được sự hiểu biết và đạo đức của chúng ta. Chỉ hiểu và ứng dụng được tinh ba của Pháp Hoa trong một niệm tâm, một câu, hay một bài kệ mà còn được công đức, huống chi là cả bộ kinh. Trước khi nói Pháp Hoa, Đức Phật nói kinh Vô Lượng Nghĩa, rồi nhập Vô lượng nghĩa xứ Tam muội. Kinh chỉ ghi đơn giản như vậy. Nhưng theo sớ giải của Thế Thân Bồ tát thì Vô Lượng Nghĩa chính là Pháp Hoa, hay Vô Lượng Nghĩa là một tên khác của Pháp Hoa. Vì vậy, kinh Pháp Hoa không phải chỉ có trong 28 phẩm mà chúng ta thường đọc tụng. Triển khai yếu nghĩa này, Trí Giả đại sư kiến giải rằng kinh Pháp Hoa ở trong bốn chữ Diệu Pháp Liên Hoa. Kinh Pháp Hoa không phải là ngữ ngôn, văn tự nữa. Tâm là Diệu Pháp, thân là Liên Hoa; đó mới thực sự là kinh Pháp Hoa.
Tâm là Diệu Pháp gợi cho chúng ta nhớ rằng người tu Pháp Hoa phải có tâm trong sáng, vô nhiễm. Hành giả Pháp Hoa hiện hữu trên cuộc đời, không bị hoàn cảnh chi phối, không bị vui buồn vinh nhục lay động. Ý này rất quan trọng. Tụng Pháp Hoa suốt ngày, suốt đời, nhưng tâm hồn luôn luôn chao đảo vì ngoại duyên là tu Pháp Hoa theo hình thức, chưa đi vào cốt lõi. Theo Pháp Hoa, cốt lõi là tâm như viên ngọc sáng hàm chứa vô tận tạng, nói đơn giản thì đó là kho báu vô tận. Thật vậy, tài sản quý giá nhất đối với người tu theo Phật là tâm trong sáng có công năng chứa được công đức vô lượng. Chỉ cần khai tâm này, hay khai tri kiến thì chúng ta sử dụng kho báu ấy trong suốt cuộc đời này cho đến muôn đời sau cũng không hết. Phải ứng dụng được sự linh hoạt vô cùng tận của tâm, mới gặt hái được kết quả siêu tuyệt, vượt ngoài khả năng hiểu biết bình thường theo thế gian mà kinh gọi là bất khả tư nghì.
Hành giả Pháp Hoa có tâm là viên ngọc sáng, thân là hoa sen không nhiễm bùn, tức không bị thế tục hóa. Đời sống của người xuất gia dễ thực hiện ý này, hình thức bên ngoài của chúng ta khác với thế tục và không làm việc của thế tục, không sống theo thế tục, mà sống thanh cao, giải thoát. Tụng hay không tụng Pháp Hoa, nhưng có tâm hồn giải thoát, trí tuệ sáng suốt và tấm lòng từ ái, thì đó chính là hành giả Pháp Hoa. Căn cứ trên ba tiêu chuẩn này, trước nhất người tu phải xây dựng đạo đức thực sự cho chính mình. Mọi người đánh giá chúng ta đạo đức thì mới trở thành nhà truyền giáo xứng đáng thay Phật giáo hóa độ sanh trên cuộc đời này.
Nói đến đạo đức, có đạo đức tiêu cực và đạo đức tích cực. Đạo đức tiêu cực là dứt bỏ mọi việc, không làm gì, kể cả việc thiện; vì còn làm là còn phạm sai lầm, còn có lỗi. Thân tâm chúng ta hoàn toàn đặt ngoài sự vật, ngoài cuộc đời, gọi là hạnh viễn ly, xuất thế. Đó chính là đạo đức tiêu cực, không làm lợi ích, cũng không gây ra đau khổ cho ai. Nhưng quan sát sâu hơn, thấy được đạo đức tích cực của người tu. Đức Phật tiêu biểu cho mẫu người thể hiện cao độ tinh thần đạo đức tích cực. Tuy Phật không còn hiện hữu trên thế gian, tất nhiên Ngài không làm gì nữa; nhưng thực tế cho thấy rõ ảnh hưởng của Đức Phật vào cuộc đời này, ở khắp năm châu bốn biển thực lớn lao vô cùng, không ai có thể sánh bằng. Đức Phật vào Niết bàn đã hơn hai mươi lăm thế kỷ, vậy mà đạo đức của Ngài còn ảnh hưởng cho loài người đến tận ngày nay. Ngay trên đất nước Việt Nam này, người chịu ảnh hưởng của Phật giáo không phải nhỏ. Tinh thần đạo đức tích cực thường được diễn tả là vô vi, tuy không làm gì, nhưng không có việc nào nằm ngoài lực ảnh hưởng của Phật. Nói cách khác, không làm mà làm thực tốt, thực nhiều.
Ngày nay, nếu chỉ thấy đơn giản sinh hoạt thực tế, cho rằng Tăng Ni, Phật tử làm mọi việc cho đạo pháp. Theo tôi, phải nhận thấy lãnh vực siêu hình hay tâm linh mới quan trọng. Thử nghĩ, nếu không có Phật, thì Tăng Ni, Phật tử có đóng góp công sức, tiền của vào việc xây dựng chùa chiền hay không, có dấn thân vào việc tu hành hay không. Tất cả ngôi chùa trên thế giới được hình thành đều vì Phật. Chúng ta trì kinh Pháp Hoa cũng phải xây dựng đạo đức tích cực như Đức Phật đã làm. Việc tu hành của chúng ta cần ảnh hưởng cho người được an vui, phát tâm sống theo tinh thần Phật dạy, giúp họ phát triển tri thức, đạo đức. Đó là cánh cửa thứ nhất để chúng ta bước vào thế giới Pháp Hoa.
Cánh cửa thứ hai là trí tuệ. Người tu lấy trí tuệ làm gốc, có hiểu biết càng sâu rộng càng tốt. Học, suy nghĩ và ứng dụng pháp Phật trong cuộc sống không mỏi mệt. Làm như vậy, trí chúng ta mới sáng lần. Có trí sáng mới nhìn sự vật chính xác theo lý nhân duyên, thì hành đạo được giải thoát. Vì thiếu trí tuệ, bị tham sân, phiền não ngăn che, hành động bị sai lầm. Có trí tuệ, thấy việc đáng làm hay không nên làm, nhất định đạt kết quả tốt đẹp. Có người nói rằng Hòa thượng Trí Tịnh suốt hai mươi năm không đi, không làm gì. Theo tôi, ngài không làm, nhưng Phật giáo được phát triển, Tăng Ni, Phật tử được an vui tu hành. Như vậy rõ ràng tốt hơn là làm mà gây ra đau khổ. Làm tích cực, nhưng đẩy người vào con đường sân hận, tội lỗi, là đã lệch hướng sống giải thoát. Quý vị nên cân nhắc điều này. Tham vấn Hòa thượng Chủ tịch, ngài bảo tôi nhắc nhở quý vị rằng người tu phải có trí tuệ. Thấy theo trí tuệ thì tâm chúng ta rất thanh thản đối trước việc xảy đến. Thấy bằng nghiệp thì tâm chúng ta khởi lên buồn phiền, bực tức, hoặc ham muốn. Hòa thượng dạy rằng dù có chư Thiên cung kính cúng dường, chúng ta không vui mừng. Dù bị Dạ Xoa nuốt chửng, cũng không sợ hãi. Tâm vẫn hoàn toàn an ổn, vì chúng ta đã thấy rõ lý nhân duyên. Dạ Xoa nuốt, hay chư Thiên cúng dường cũng đều do nhân duyên, là việc bình thường. Người có trí tuệ thấy rất đúng, tùy theo đó mà làm. Ngoài ra, Hòa thượng còn dạy thêm rằng việc xảy ra, nhưng có nên nói hay không và nói với ai, nói có ích lợi gì. Nói để người hiểu, ứng dụng được mới nói. Chúng ta nhớ lại khi Phật thành đạo ở Bồ đề đạo tràng, Ngài nhận biết được chân lý. Nhưng Phật cũng biết rõ là không nên nói chân lý, vì trình độ hiểu biết của chúng sanh quá kém, sự chấp trước của họ quá nặng, không thể hiểu, không thể chấp nhận.
Vì vậy, Đức Phật không nói chân lý ngay sau khi thành đạo. Ngài quán nhân duyên; sau hai mươi mốt ngày, Ngài mới đến Lộc Uyển giảng dạy năm anh em Kiều Trần Như. Trên bước đường giáo hóa độ sanh, khi thì Phật thuyết pháp cho La hán, có lúc dạy chư Thiên cách khác, lúc lại nói với Bồ tát những pháp hoàn toàn khác trước. Đức Phật thể hiện những lời nói lợi ích của người có trí tuệ vẹn toàn trong suốt hơn ba trăm hội. Và tiêu chuẩn thứ ba của Pháp Hoa là hành giả phải luôn mang đến lợi ích cho nhiều người trong hiện tại và tương lai.
Tôi nêu một số gợi ý trên để quý vị đọc tụng, suy nghĩ, hiểu thêm nghĩa lý sâu xa tiềm ẩn trong kinh Pháp Hoa. Ứng dụng được tinh ba của Pháp Hoa trong cuộc sống tu hành, chắc chắn quý vị sẽ gặt hái được nhiều thành quả làm tốt đời, đẹp đạo.
(Bài giảng tại trường hạ tỉnh Bình Thuận, ngày 19-7-2004)