Sách
(Bài giảng mùa Phật Thành đạo PL. 2530 – 1986)
Nhân cách thánh thiện và giáo pháp vi diệu của Đức Thế Tôn trải qua hơn 2.500 năm vẫn còn là biểu tượng cao quý, là ngọn đuốc soi đường cho cuộc sống an bình, tịnh lạc của loài người chúng ta. Mạng mạch Phật giáo trường tồn mãnh liệt và hiện hữu sáng ngời với mọi biến chuyển đổi thay của thời gian. Điều ấy thật sự bắt nguồn từ phút giây Đức Phật thành đạo, tìm ra chân lý và thể hiện chân lý trong cuộc sống con người suốt 49 năm ngài hoằng hóa độ sinh. Vì thế, mọi người tôn xưng ngài là bậc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.
Sau thời điểm mà ngài chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác dưới cội Bồ đề, điều gì đã phát hiện, hình thành trong tâm trí ngài, để ngài được tôn thờ là Phật, là bậc giác ngộ,sáng suốt hoàn toàn ? Nói cách khác, tại sao ngài là người trí đức vẹn toàn với đầy đủ mười hiệu.
Dù thái tử Sĩ Đạt Ta là người thông minh xuất chúng, cũng có lòng từ bi rộng lớn. Và Sa môn Cù Đàm cũng đã nỗ lực tu hành trong suốt năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh, vượt hơn mọi giáo chủ ngoại đạo. Nhưng tại sao chỉ sau đêm thành đạo, mọi người không còn xem ngài là thái tử Sĩ Đạt Ta hay Sa môn Cù Đàm.
Muốn tìm hiểu điều gì đổi mới trong cuộc đời ngài, mà chúng ta thường gọi là thành đạo; hãy quan sát quá trình tu hành của Đức Phật.
Ngược dòng thời gian cách đây hơn 25 thế kỷ, thái tử xuất thân trong giai cấp cao nhất. Nhưng cuộc sống vật chất hạnh phúc không giam hãm được tâm hồn cao cả của ngài luôn hướng về giải thoát. Ngài thường quan sát con người là gì và thế giới xung quanh là gì. Đó là động cơ thúc đẩy ngài lên đường tìm thầy học đạo, là tiền đề mà thái tử đặt ra để dấn thân.
Trong năm năm, ngài đến thọ giáo với tất cả đạo sĩ danh tiếng trong nước. Và chẳng bao lâu, đệ tử thông minh xuất chúng Cù Đàm đã thấu triệt giáo lý của thầy. Tuy nhiên, ngài nhận thấy rằng không ai có đủ khả năng dẫn dắt ngài đạt đến mục tiêu; vì tất cả đều chưa thoát khỏi vòng vô minh. Từ đó, ngài không tìm sự giúp đỡ bên ngoài nữa.
Trong sáu năm kế tiếp, ngài tự khép mình vào những pháp tu cực kỳ khổ hạnh và lại nhận thấy chúng cũng không đưa đến giác ngộ. Ngài chấm dứt việc nhịn ăn, xuống sông tắm gội và nhận một bát sữa do một thiếu nữ dâng lên. Sức khỏe được phục hồi, ngài liền trải cỏ ngồi Thiền dưới cây Bồ đề với lời phát nguyện kiên cố "Dù thịt xương ta có tan nát, gân cốt ta có rã rời, máu ta có khô; ta cũng sẽ không rời cây Bồ đề, nếu không đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.
Phát nguyện xong, ngài tham Thiền nhập định trong 49 ngày, kiểm chứng được thân và tâm của con người, cùng hoàn cảnh của con người. Sự giác ngộ ấy trải qua ba tầng. Đầu đêm, ngài chứng được tuệ giác Túc mạng minh, giữa đêm chứng được tuệ giác Thiên nhãn minh và cuối đêm chứng được tuệ giác Lậu tận minh.
Tam Minh mà Đức Phật phát hiện trong đêm thành đạo là bước ngoặc đánh dấu sự biến chuyển tư cách của Đức Phật. Từ một Sa môn Cù Đàm khao khát tìm chân lý, ngài trở thành một bậc giác ngộ sáng suốt hoàn toàn, thấy rõ và sử dụng được quy luật cấu tạo con người và thế giới con người. Từ đây về sau, ngài có nếp sống giải thoát và ảnh hưởng cho người xung quanh giải thoát theo.
Vì vậy, tìm hiểu Tam Minh là điều tất yếu cần thiết của hàng Phật tử, nếu muốn tiến theo đúng lộ trình mà Đức Phật đã đi.
1- TÚC MẠNG MINH
Túc mạng minh của Đức Phật không phải làmột thần thông huyền bí khó hiểu. Đó là một kiến giải, một hiểu biết rất thực tiễn màĐức Phật đã thành tựu trải qua một quá trình tu học.
Thật vậy, từ thuở nhỏ, ngài rất thông minh hiếu học; lại thuộc dòng họ Sakya là dòng dõi chuyên học. 16 tuổi, ngài đã tinh thông tất cả ngôn ngữ văn tự Ấn Độ và thuộc lòng, hiểu trọn bốn thứ kinh Vệ Đà.
Với bản chất hay suy tư, lại trưởng thành trong bối cảnh lịch sử của xã hội Ấn Độ vốn có nhiều tư tưởng triết học, đạo học khác nhau. Ngài dồn mọi nỗ lực vào việc tham học với các đạo sĩ danh tiếng và cả cuộc đời ngài là một cuộc tìm kiếm chân lý không ngừng nghỉ.
Khởi đầu, ngài nhận thấy truyền thống Veda quan niệm hiện hữu một Thượng đế siêu việt, hay Brahma. Vị này đã sáng tạo và an bài con người cùng toàn thể vũ trụ. Tiếp theo là thời hậu Upanishad chủ trương hiện hữu một Tự Ngã gọi là Atman, hay một linh hồn bất tử.
Ngoài ra, còn có nhiều khuynh hướng, hay tư tưởng khác. Nhưng Veda và Upanishad là hai tư tưởng triết học chính yếu thống trị xã hội Ấn Độ thời ấy.
Với trí tổng hợp, ngài thấy rõ chiều hướng manh nha và sự phát triển của tư tưởng loài người. Thật vậy, trong quá trình năm năm xuất gia tìm đạo, Sa môn Cù Đàm đã quan sát xã hội ngài đang sống, tìm hiểu xem kiến thức của những người đồng thời với ngài như thế nào. Bằng sự thiết thân thể nghiệm, ngài cũng biết rõ các pháp tu đương thời cũng như hoàn cảnh dẫn họ đến pháp tu ấy.
Ngài nhận chân được rằng vì người ta còn thấp kém, nên thường sợ sệt trước mọi hoàn cảnh khó khăn của thiên nhiên. Vì thế, họ hình thành một niềm tin dựa trên Thượng đế, để nương cậy, che chở họ được an toàn, giống như một đứa trẻ cần nương tựa sự bảo bọc của cha mẹ.
Ngoài ra, với ý muốn tự tồn, con người đã dựng lên ý niệm linh hồn bất tử, hay Atman sống mãi đến vô cùng tận. Đối với ngài, do si mê, sợ hãi, yếu đuối, hay tham vọng mà mọi người thời ấy sống bám vào hai hệ tư tưởng trên.
Trên đoạn đường tham học, với nhận thức vượt hẳn mọi người, ngài nhận ra được các pháp tu của ngoại đạo chỉ dẫn đến bế tắc, cùng mằn trí tuệ và thất bại khổ đau trong cuộc sống. Vì thế, ngài đã từ bỏ họ.
Với bản chất ưa thích trầm tư mặc tưởng và có tình thương vô hạn đối với mọi người, ngài thường suy tư về sự bất công trong xã hội đẳng cấp, về nỗi thống khổ của giai cấp thấp kém Paria. Và xa hơn, ngài nghĩ đến sự bất lực của con người trước cảnh sinh, già, bệnh, chết của một kiếp người ngắn ngủi.
Tất cả suy tư này một lần nữa khơi dậy nơi ngài tâm đại bi và ý hướng cầu Vô thượng Bồ đề, để giải thoát con người ra khỏi mọi khổ đau, đem lại hạnh phúc thật sự vĩnh cửu cho họ trên cuộc đời. Ngài liền tiếp tục lộ trình tìm chân lý, bằng cách thực nghiệm pháp tu khổ hạnh của các Sa môn thời ấy. Trải qua sáu năm khổ hạnh, ngài nghiền ngẫm những gì đã học hỏi với các đạo sĩ trong năm năm tìm đạo. Ngài tập trung thântâm, suy tư đến độ thân ngài như cây khô, da bụng dính vào xương sống.
Với sự tư duy mãnh liệt lâu ngày, những sai lầm của đạo sĩ được phơi bày trước mắt ngài. Chúng chỉ là kết quả của sự tưởng tượng mà thôi. Như vậy, ngài tu khổ hạnh không phải để ép xác như một người ngu, hay để tập luyện một số phép lạ, thần thông. Nhưng ngài vì theo đuổi mục tiêu quá lớn, mà vận dụng suy tư đến quên ăn, quên ngủ. Ngài đã thiết thân kiểm chứng những quan niệm siêu hình và thấy rằng con đường của truyền thống cổ xưa để lại không giúp cho việc phát sinh trí tuệ, tìm được chân lý. Ngài liền từ bỏ lối tu khổ hạnh.
Sau khi dùng một bát sữa, ngài nhớ lại một buổi lễ hạ điền khi còn thơ ấu. Trong lúc vua cha và mọi người say mê tham dự các cuộc vui, ngài đã ngồi dưới bóng cây tham Thiền nhập định và đắc sơ Thiền.
Ngài lại tiếp tục hành Thiền. Ngài quán sát thấy rằng con người, hay vạn vật đều có mâu thuẫn nội tại và ở trong quy trình vận động, biến chuyển không ngừng. Những sự biến đổi ấy không do lực lượng siêu nhiên bên ngoài tác động; không do Thượng đế an bài, hoặc con người không thể nhận được. Tất cả là những vận động, đổi thay một cách khách quan theo lý duyên sinh và luật nhân quả.
Trải qua quá trình học hỏi, tư duy, thể nghiệm trong năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh và 49 ngày tĩnh tâm dưới cội Bồ đề, Sa môn Cù Đàm đã đạt được cái thấy xác thực đầu tiên là tuệ giác Túc mạng minh.
Túc mạng minh không thể hiểu đơn giản một chiều là cái thấy của Đức Phật về kiếp trước của ngài và mọi người. Với Túc mạng minh, ngài thấy rõ cấu tạo của con người, thấy đúng như sự thật của nó. Nghĩa là ngài thấy rõ diễn tiến của chuỗi dài thừa kế theo lịch sử tiến hóa của loài người.
Thật vậy, qua kinh nghiệm lịch sử, Đức Phật thừa kế được tri thức của loài người từ sơ thủy cho đến khi ngài ra đời. Tất cả học thuyết có trước Đức Phật, ngài đã học qua và những học thuyết đương thời ngài đã thể nghiệm.
Mặc dù sau này ngài bác bỏ những nhận thức sai lầm đó. Nhưng nhờ biết rõ tất cả sai lầm, hoặc việc đúng đắn thành công, hay thất bại trong kho tàng tri thức của những người đi trước, mà ngài tập họp, phân tích, gạn lọc và có được cái thấy thực tại chính xác của con người. Con người ở đây không chỉ cho nhục thân, mà nhằm chỉ cái thân hiểu biết được kinh Hoa Nghiêm gọi là Trí thân.
Ngài thấy được con người ngày nay chính là con người kéo dài từ quá khứ ăn lông ở lỗ, cho đến móc xích hiện tại; trong đó có ngài và mọi người. Bởi vì thân hiểu biết của mọi người ngày nay là kết tinh của sự tiếp nhận tri thức quá khứ mà tạo thành tri thức của mình.
Với Túc mạng minh, ngài kế thừa, chọn lọc, tổng hợp Trí thân của quá khứ, để tạo thành Phật thân là thân đầy đủ trí tuệ, sáng suốt. Trong khi những người khác vì không có quá trình tu tập như Đức Phật, nên không tạo được Trí thân như ngài.
Có Trí thân, Đức Phật trở về thăm hoàng cung và được vua Tịnh Phạn trao cho áo mão để tiếp nối sự nghiệp của ông. Đức Phật đã từ chối và khẳng định rằng ngài trở về với tư cách là một người thừa kế tuệ giác của chư Phật quá khứ; không phải thừa kế sự nghiệp vật chất bằng nhục thân này.
Chứng được Túc mạng minh, Đức Phật đã phủ nhận sự hiện hữu của đấng Tạo hóa hay Thượng đế toàn năng siêu việt. Trong kinh Túc Sanh chuyện, Đức Phật dạy rằng :
" Ta liệt Brahma vào hạng bất công
Đã tạo nên một thế giới hư hỏng”
Đây là vấn đề căn bản khác biệt giữa đạo Phật và các tôn giáo khác. Các tôn giáo thường dựa vào nếp nghĩ mê tín của con người trong thời đại cổ sơ để đặt ra một số giáo điều, hay những tư tưởng đòi hỏi niềm tin mù quáng nơi Thượng đế. Trong một thời gian dài, người ta quen nghĩ rằng nhận thức hay trí tuệ của con người có được là nhờ Thượng đế mặc khải qua Atman. Với nếp nghĩ như vậy dẫn đến sự ký thác vận mạng của mình cho một thế lực siêu nhiên. Kết quả là làm cản trở sự phát triển tri thức, hay hạn chế sự tự chủ, tự giác của con người, cho đến khiến họ trở thành bất lực hoàn toàn.
Trái lại, Đức Phật không dạy những gì thần bí. Ngài dẹp bỏ các lý luận siêu hình, viễn vông. Ngài chủ trương trở về với con người và đặt niềm tin nơi khả năng nhận thức vô tận của con người. Theo Phật, con người có thể tiếp nhận và sử dụng đúng đắn chân lýkhách quan, hay những quy luật chi phối con người và vũ trụ.
Thật là sáng suốt khi Đức Phật ở vào bối cảnh của xã hội còn trong giai đoạn sơ khai, ngài đã dạy rằng con người là chủ nhân ông của chính mình và con người là hơn cả. Giá trị và địa vị của con người hơn cả muôn loài. Vì con người thuộc loài trung cấp nối liền giữa Phật giới và chúng sinh giới. Vì thế, con người có đủ điều kiện tự giải thoát cho mình, cho người, bằng cách lý giải chân lý và thể hiện chân lý.
Chính Đức Phật cũng mang thân tứ đại, ngũ uẩn như chúng ta. Ngài luôn luôn đứng ở vị trí con người để tìm đạo, học đạo, tu tập, chứng thành đạo quả và hoằng pháp độ sinh. Ngài đắc đạo hoàn toàn do nỗ lực của trí tuệ phá trừ vô minh, tà kiến. Nghĩa là ngài tìm được phương hướng kiểm soát, chi phối nội giới và ngoại giới.
Kiểm soát nội giới hay điều chỉnh được tình cảm thấp kém, dẹp bỏ tham vọng, tri thức phiền não của con người. Khắc phục ngoại giới, không còn lệ thuộc vào vật chất và hoàn cảnh sống. Nói cách khác, tìm được công thức chỉ đạo cuộc sống tự tại giải thoát cả hai mặt vật chất và tinh thần.
Cùng là người, nhưng người chi phối hoàn toàn nội giới và ngoại giới thì đó là Phật. Còn người mê mờ không nắm được quy luật nội ngoại cảnh là chúng sinh. Đó chính là ý nghĩa Đức Phật đã thành Phật ngay trong địa vị làm người. Có thể nói Đức Phật là người toàn diện đã biết khai thác, sử dụng trọn vẹn trí tuệ của con người để đạt đến giác ngộ, giải thoát.
Tuy nhiên, không phải chỉ có Đức Phật là người duy nhất đạt được quả vị giác ngộ hoàn toàn. Bằng tuệ giác Túc mạng minh, ngài thấy được mỗi người là một vị Phật sẽ thành. Mọi người đều bình đẳng trước chân lý. Vì thế, sau khi thành đạo, Đức Như Lai đã trở về với xã hội loài người, dìu dắt chúng sinh theo ngài qua cửa Vô sinh bất diệt.
Ngài dạy rằng mọi người đều có khả năng thành Phật, có khả năng chuyển mê thành sáng suốt. Nhưng chúng ta không biết vận dụng tiềm năng này, để cam chịu sống mãi với mê lầm, khổ đau. Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời nhằm chỉ cách thức khai thác khả năng thành Phật sẵn có của mọi người.
2- THIÊN NHÃN MINH
Từ tuệ giác Túc mạng minh, Đức Phật tổng hợp được tri thức quá khứ, thấy được thân mạng của ngài và của mọi người. Ngài tận lực suy tư, phát hiện ra sự hiểu biết hiện tại, gọi là tuệ giác Thiên nhãn minh. Đó là cái thấy đúng đắn về xã hội đang sống, hay rộng ra là vũ trụ loài người.
Với Thiên nhãn minh, ngài thấy loài người thời bấy giờ không phải vừa phát xuất từ Trung Á kéo sang chiếm Ấn Độ. Nhưng ngài thấy cả tam thiên đại thiên thế giới, nghĩa là mọi loài đang sinh hoạt tương quan tương duyên như thế nào thì ngài đều biết rõ.
Đức Phật xác định thế gian không phải như ngoại đạo chủ trương chỉ có hai mặt là mặt hữu hình, tức thế giới chúng ta đang sống và mặt vô hình do thần linh cai quản. Ngài đánh đổ vũ trụ quan mê tín của nhất thần và đa thần giáo. Ngài kiến lập một vũ trụ quan đặt nền tảng trên định lý duyên khởi, thấy tất cả vạn pháp và mình không khác, không có cái gì độc lập riêng biệt mà tồn tại.
Theo ngài, nhất thiết pháp nhân duyên sinh, nghĩa là mọi sự vật và hiện tượng đều tồn tại trong mối tương quan tương liên giữa nhiều sự vật khác nhau. Hoặc giữa các mặt khác nhau của cùng một sự vật, tác động ảnh hưởng lẫn nhau theo quá trình biến đổi trong không gian và thời gian.
Do cái này có thì cái kia có; do cái này sinh thì cái kia sinh. Đó là quy tắc giải thích tương quan tương duyên của lý duyên khởi.
Vì sự hiện hữu của các pháp do nhân duyên hòa hợp; mà nhân duyên thì trùng trùng duyên khởi. Vì thế, thực tại không phải là cái thường hằng bất biến, nhưng là một năng lực di động, tiếp nối không ngừng. Để diễn tả sự biến chuyển liên tục, Đức Phật dạy rằng tất cả đều có, đó là chấp trước của thế gian. Tất cả đều không, đó là chấp trước của thế gian. Tất cả là một, đó là chấp trước của thế gian. Tất cả là khác, đó là chấp trước của thế gian. Thế giới này đa số đều chấp chặt vào hai cực đoan là có và không.
Thật vậy, trong thế giới kinh nghiệm của chúng ta, thường diễn tả bằng danh từ có, hoặc không. Nhưng nhìn vào chiều sâu của sự vật, hay dưới dạng thể tánh của nó, có lẽ ngôn ngữ loài người không thể diễn tả sự thật. Chân lý có thể nằm ở giữa "có’ và "không”. Ví như một dòng sông chảy liên tục và trên mặt sông thì dường như lúc nào cũng vậy, không thay đổi. Nhưng dòng nước không bao giờ đứng yên một chỗ.
Chúng ta không thể tìm thấy một cái gì độc nhất, thường hằng làm nhân cho vật khác phát sinh. Tính chất của sự vật là luật quan hệ hỗ tương nội tại của nó với những vật khác. Vì vậy, Đức Phật đã nói trong kinh Anguttara Nikaya rằng thế giới tồn tại là một dòng biến chuyển liên tục và vô thường.
Cũng chính vì những thực tại khách quan luônluôn thay đổi, Đức Phật dạy chúng ta không nên chấp chặt một pháp nào, xem nó như một chân lý vĩnh cửu bất biến. Theo ý nghĩa đó, sau khi giảng về lý duyên khởi, ngài dạy rằng : "Hỡi các Tỳ kheo, thuyết ấy rõ ràng minh bạch là thế. Nhưng nếu các con bám chặt vào nó, nếu các con quý chuộng nó, cất giữ nó, nếu các con ràng buộc với nó, là các con không hiểu được rằng giáo lý như một chiếc bè dùng để qua sông, chứ không phải để ôm giữ lấy”.
Những lời dạy trên của Đức Phật thể hiện tinh thần phóng khoáng, khuyến khích mọingười phát triển nhận thức, tư duy của mình trên bước đường tu học. Cũng như thể hiện tinh thần tôn trọng sự thật khách quan bằng cách trang bị cho mọi người "Như thị tri kiến”.
Như thị tri kiến là nhìn sự vật đúng với sự thật của sự vật; không phải là cái thấy bằng tưởng tượng. Khi Đức Phật chưa thành đạo, ngài tọa Thiền giữa rừng già. Đêm xuống có đủ mọi hiện tượng ghê sợ đe dọa. Các ngoại đạo dạy ngài tập trấn an bằng cách tưởng tượng lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày. Nhưng sự giả tưởng ấy không đemđến cho ngài sự trấn tỉnh. Cuối cùng, ngài không áp dụng pháp tưởng tượng này. Trái lại, ngài quan sát thực tại đúng như thật; thấy rõ đêm là đêm và ngày là ngày.
Nhìn sự vật đúng như sự thật của sự vật nghĩa là không phải chỉ thấy bề ngoài hay hiểu biết bằng tình cảm. Phải biết rõ bản chất của sự vật, biết được quy luật chi phối suốt một quá trình từ khởi điểm cho đến phát triển và tan hoại của sự vật.
Dưới tuệ giác Thiên nhãn minh, Đức Phật không để chúng ta vướng bận trong thế giới siêu hình, làm lạc hướng suy tư. Ngài hướng dẫn chúng ta trở về đời sống thực tế con người và nhận thức những vấn đề trong cuộc sống. Giáo lý Đức Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhưng chính yếu vẫn là tinh thần Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác. Vì vậy, chúng ta sẽ sai lầm khi đi tìm chân lý bằng cách xa lánh cuộc sống trần thế, hay tìm nó ở thế giới hư vô. Đức Phật không dạy chúng ta từ bỏ cuộc đời. Ngài dạy chúng ta một nếp sống đạo đức cao đẹpvà trí tuệ trong sáng, để có nhận thức sinh động, phù hợp với thế giới luôn chuyển đổi.
Chính Đức Phật đã thành đạo ngay giữa cuộc đời này, cho chúng ta thấy chân lý là đóa hoa nở trong sinh tử, không phải từ một cõi xa xăm nào rớt xuống. Lìa chúng sinh thì không có Phật, cũng như hoa sen không nở ngoài bùn.
Tuy nhiên, muốn đạt được cái thấy và hiểu sự vật đúng như sự thật của tuệ giác Thiên nhãn minh, Đức Phật đã tư duy để thoát khỏi bế tắc, sai lầm, nghĩa là thoát ly sinh tử. Đó là kết quả của quá trình từng bước diệt vô minh, đoạn trừ những kiến hoặc và tư hoặc.
Để diệt trừ kiến hoặc, hướng dẫn con người biết nhìn thẳng thực tại, loại trừ mê mờ chấp trước, hay niềm tin mù quáng, Đức Phật dạy về mười điều hoài nghi như sau :
"Đừng chấp nhận điều gì, chỉ vì ta đã nghe thấy có người nói điều ấy một lần. Đừng chấp nhận điều gì, chỉ vì điều ấy được truyền lại từ xưa. Đừng chấp nhận điều gì, chỉ vì điều ấy được viết ra trong kinh sách. Đừng chấp nhận điều gì, vì chính ta đã ước đoán và nêu ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì, vì chính ta đã suy diễn và nói ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì, chỉ vì bề ngoài tỏ ra như thế. Đừng chấp nhận điều gì, chỉ vì điều ấy hợp với thành kiến của ta. Đừng chấp nhận điều gì, chỉ vì tính cách có thể chấp nhận được của điều ấy. Đừng chấp nhận điều gì, chỉ vì sự kính trọng của ta đối với người ấy”.
Để phá trừ tư hoặc, Đức Phật dạy rằng phải gột rửa tâm trí ta cho sạch hết những bụi bặm dày đặc mà dục vọng đã tạo ra. Vì vậy, khi chúng ta càng xa rời khát ái của tư hoặc và vọng tưởng điên đảo của kiến hoặc; trí tuệ càng sáng suốt và tầm nhìn càng chính xác, gần Phật hơn. Phật này là chân lý, là sự thật trên cuộc đời vậy.
Đạt được Thiên nhãn minh, chúng ta sẽ nhận thức rõ ràng các pháp gắn bó theo sự biến chuyển của sự vật khách quan và hành động phù hợp với thực tại khách quan này; cũngnhư thoát khỏi những phiền não do dục vọng hay vọng tưởng điên đảo gây nên. Nhờ đó, tạo được sự quan hệ hòa hợp giữa người và người, hay giữa con người với thế giới chúng ta sống.
3 – LẬU TẬN MINH
Với tuệ giác Túc mạng minh và Thiên nhãn minh, Đức Phật thấy rõ quá khứ và hiện tại một cách chính xác. Ngài vạch ra một hướng đi trong tương lai rõ ràng, phải làm gì cho phù hợp với thực tế cuộc sống, gọi là Lậu tận minh.
Từ quá khứ và hiện tại thấy chính xác, sẽ dẫn đến thực hiện việc làm trong tương lai không sai lầm. Nếu thực tế không biết rõ mà đưa ra dự án thì chỉ là không tưởng. Suốt cuộc đời của Đức Phật, sau khi thành đạo, ngài chỉ làm những gì đã thấy biết bằng tu chứng ba tuệ giác nói trên. Trong 49 năm thuyết pháp, những gì Đức Phật giảng dạy cho người đều là sự thật mà ngài đã chứng nghiệm có kết quả ngay trong cuộc sống.
Trên bước đường truyền bá chánh pháp, thân giáo là phương tiện chính của Đức Phật sử dụng để giáo hóa chúng sinh. Với tầm nhìn chính xác của tri kiến thấy đúng như thật, ngài hiểu rõ hoàn cảnh và khả năng của từng người, mà tùy theo đó dìu dắt họ đều được lợi lạc. Chúng ta không dạy được người, vì không biết rõ hoàn cảnh của họ; hoặc tuy thấy đúng, nhưng ta không tìm được phương cách giải quyết cho họ. Thật sự bản thân ta cũng không đủ phương tiện, còn nhiều khó khăn vướng mắc; tự lo cho chính mình không xong, làm sao cưu mang thêm người nổi.
Trái lại, Đức Phật vào đời giáo hóa chúng sinh, nhân cách của ngài đã hoàn thiện một cách tốt đẹp. Với trí tuệ siêu việt, đạo đức trong sáng không lỗi lầm và uy lực vô song, ngài dễ dàng thành công trong việc giáo hóa người. Điển hình là lịch sử có ghi rõ Đức Phật đã đích thân đến chiến trường can thiệp, để ngăn chặn chiến tranh, giảng hòa hai bộ tộc Kolyas và Sakyas tranh giành nhau nguồn nước sông Rohini. Sau khi Đức Phật giải thích, ánh sáng trí tuệ như bừng sáng trong đầu của các vua và tướng lãnh, quân sĩ. Họ đã buông bỏ vũ khí, vì nhận ra sự ngu xuẩn của họ. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ nếu không phải là một bậc sáng suốt đầy uy đức như Đức Phật, thì khó có một sứ giả hòa bình nào có thể làm tắt được lửa hận thù của hai đạo binh đang sôi sục, đang dàn trận sắp sửa tàn sát nhau.
Trên bước đường giáo hóa của Đức Phật, không phải chỉ có người hiền lành, dễ dạy nghe theo ngài. Thực tế cho thấy ngài còn uốn nắn, hướng dẫn được những kẻ ác toan sát hại ngài. Bằng Phật huệ, Đức Phật nhận thấy Vô Não không phải là tên sát nhân đáng bị loại bỏ ra ngoài xã hội; mặc dù ông đã giết đến 999 người và định giết thêm Đức Phật cho đủ số 1.000 người, theo đúng lời dạy của ông thầy ngoại đạo.
Dưới cái thấy như thật của Đức Phật, Vô Não là người hiếu học, siêng năng nhiệt tình trong việc cầu đạo, đến độ tuyệt đối vâng lời thầy, mà trở thành kẻ sát nhân. Chỉ vì người hướng dẫn sai lầm, đẩy ông ta vào con đường tội lỗi. Hiểu rõ được khả năng, bản chất thật sự của Vô Não, Đức Phật đã trải tâm từ bi với ông. Và ngài cảm hóa ông bằng câu nói thật nhân từ, đơn giản : "Như Lai đã dừng và đã dừng lại mãi mãi rồi. Như Lai đã từ bỏ, không còn làm dữ và gây hại cho một vật nào. Còn ngươi, đến bao giờ mới dừng lại, không giết nữa”. Vô Não đã tỉnh ngộ và quăng dao. Ông đã được Đức Phật nhận vào giáo đoàn ngay từ lúc đó. Về sau, ông nỗ lực tu hành và cũng trở thành người đạo hạnh thanh tịnh, đắc quả A la hán giống như mọi người.
Cuối cuộc đời giáo hóa chúng sinh của Đức Phật, ngài đã dừng chân trên núi Linh Thứu hay Kỳ Xà Quật để giảng kinh Pháp Hoa. Núi này thuộc thành Vương Xá, thủ đô nước Ma Kiệt Đà, ngày nay là tiểu bang Bihar của Ấn Độ. Ngài đã thuyết giảng pháp chân thật ở một nước do bạo chúa A Xà Thế cai trị. Hoa Ưu Đàm đã tỏa hương thơm ngát trên mảnh đất hung tàn bạo ngược này.
Đặt chân đến nơi đây, dù chưa nói một lời, nhưng uy đức và lòng từ vô lượng của Đức Phật đã cảm hóa được tâm ác độc của vua A Xà Thế. Ngài giáo hóa ông trở thành người hộ pháp đắc lực nhất, thành ông vua cai trị hiền lành, sáng suốt. Phải chăng Đức Phật muốn thể hiện chân lý bình đẳng tuyệt đối là thiện ác đều như nhau, xấu tốt đều như nhau. Soi sáng bởi trí giác và lòng từ của ngài thì thiện ác đều không khác. Biết vận dụng thì xấu cũng trở thành tốt; nhưng không khéo vận dụng, thiện cũng thành ác.
Khi giáo hóa hàng đệ tử đã thuần thục, với Tam Minh, ngài thấy rõ khả năng và ý chí của họ, cũng như biết rõ các việc làm trong tương lai của họ. Ngài mới thọ ký cho các đệ tử sẽ đạt được quả vị Phật. Nghĩa là Đức Phật vẽ ra con đường cho người thừa kế tiếp tục đi theo mà không lầm lỗi; xếp đặt những công việc mà họ phải thành tựu, để bước lên quả vị Vô thượng Đẳng giác.
Đức Phật đã sử dụng khéo léo mọi phương tiện giáo hóa chúng sinh và dốc hết tâm lực phục vụ mọi người được lợi lạc trong suốt 49 năm. Ngài an nhiên vào Niết bàn với câu nói nhẹ nhàng, thanh thản : "Những gì đáng nói ta đã nói; những gì đáng làm ta đã làm và những người đáng độ ta đã độ”.
Với tuệ giác Tam Minh mà Đức Phật thực chứng dưới cội Bồ đề trong đêm thành đạo, ngài không chỉ dạy "thấy và hiểu” sự vật đúng như sự thật của sự vật. Ngài còn vạch ra con đường cho chúng ta "hiểu và sống” đúng như thật, để mang an vui lợi ích cho đời.
Đức Phật Niết bàn, tuy sanh thân không còn; nhưng tinh ba của ngài truyền trao vẫn tồn tại qua những lời dạy được gọi là Pháp thân. Giáo lý được lưu truyền và triển khai theo sự tu chứng của hàng đệ tử Phật qua từng thế hệ. Đó chính là Pháp thân Phật tiếp tục mở rộng theo sự tiến bộ về tri thức của loài người. Dưới kiến giải của Phật giáo phát triển, tuy Đức Phật không còn, nhưng chúng ta vẫn sống được bên cạnh ngài, nếu biết vận dụng giáo pháp của ngài để phát huy cuộc sống chúng ta.
Trên tinh thần này, khi đạo Phật truyền sang Việt Nam, gặp bối cảnh khác, nên suy tư và vận dụng giáo lý của Phật tử Việt Nam cũng khác. Nếu không biết đổi khác, mà sống đúng y khuôn với giáo lý nguyên thủy, chắc chắn chúng ta sẽ không có những trang sử đẹp được mệnh danh là thời vàng son của Phật giáo Lý Trần.
Phật giáo Lý Trần nhập cuộc và biến dạng giáo lý một cách kỳ diệu. Chúng ta có thể xem Phật giáo Lý Trần là tiêu biểu cho sự thể hiện con đường hiểu và sống đúng như thật của Phật giáo Việt Nam. Các Thiền sư cũng như cư sĩ Phật tử thời ấy đã tiếp thu những lời dạy quý báu của Đức Phật. Các ngài đã khéo vận dụng tuệ giác trong việc phân tích và áp dụng giáo pháp vào hiện trạng xã hội. Vì thế, Phật giáo Lý Trần mới đưa ra tư tưởng chỉ đạo phù hợp, giúp cho sự sống còn và sự hưng thịnh của đất nước.
Khi nước ta còn trong giai đoạn phôi thai xây dựng nền độc lập, người dấn thân đầu tiên là pháp sư Ngô Chân Lưu. Vua Đinh Tiên Hoàng đã sắc phong cho ngài là Khuông Việt Thái sư, một chức vị tương tự với chức Thủ tướng ngày nay. Có thể ngài bị phê phán là đã phạm giới, vì làm quan. Tuy nhiên, dưới kiến giải của người ngộ đạo thấm nhuần sâu sắc tinh thần xả kỷ vị tha, ngài sẵn sàng cởi bỏ chiếc áo Thiền sư để khoác lên chiếc áo Thái sư. Dù mặc áo Thái sư, nhưng lịch sử vẫn xem ngài là một Thiền sư có nhân cách trọn vẹn hơn các quan văn khác. Vì ngài đã thể hiện tấm lòng thiết tha vì nước, đem hết tâm lực, trí lực phục vụ cho dân tộc. Tuy hình là Thái sư, nhưng tâm là Thiền sư. So sánh về sự tu chứng, sự hiểu biết với các Thiền sư khác, ngài không thua kém.
Một hình ảnh dấn thân cao đẹp khác nữa là Đỗ Thuận Pháp sư. Ngài không ngồi yên ở triều đình để hưởng thụ chức vụ Tăng Lục Đạo sĩ. Trong lúc nhà Đinh mới dựng nước, tình thế an ninh còn nhiều khó khăn, Tăng Lục Đạo sĩ Đỗ Thuận đã cải trang làm người lái đò trên dòng sông trước đền Hoa Lư. Mỗi ngày ngài đưa khách buôn qua lại từ Trung Quốc đến Hoa Lư. Theo dõi câu chuyện của họ, ngài biết được dân tình đối với chính sách của vua như thế nào, cũng như hiểu được tình hình biến chuyển của Trung Quốc. Đồng thời ngài thu nhận những tin tức gởi về cho Khuông Việt Thái sư ở triều đình. Với việc làm như vậy, ngài đã cố vấn cho vua một cách tốt đẹp trong việc trị nước an dân, bảo vệ sự yên ổn của đất nước.
Cũng trong lớp áo của người lái đò tầm thường, Đỗ Thuận Pháp sư đã đối đáp trôi chảy hai câu thơ của sứ giả Tống, khiến họ phải kinh ngạc, thán phục ngài về tài tinh thông ngôn ngữ, văn chương Trung Quốc. Qua đó, ngài cũng đã biểu lộ cho họ thấy tinh thần bất khuất kiên cường của dân tộc Việt Nam. Vì mục tiêu đóng góp lợi ích cho dân tộc, ngài hy sinh chức vụ Tăng Lục Đạo sĩ để đóng vai người chèo đò đầy đủ khả năng tri thức, thành công trọn vẹn công tác ngoại giao.
Ngày nay, nhắc đến công lao của những người đóng góp trong thời kỳ lập quốc nhà Đinh, lịch sử chỉ ca ngợi việc làm của Khuông Việt Thái sư và Đỗ Thuận Pháp sư. Còn những người sống đóng khuôn tiêu cực thì phải lu mờ với cỏ cây mà thôi.
Đến đời Lý, Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội và in rõ dấu ấn trong mọi lãnh vực. Các vị Thái sư, Quốc sư như Viên Chiếu, Thông Biện, Chân Không, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, v.v… đã góp phần quan trọng cho đất nước. Tiêu biểu nhất là Thiền sư Vạn Hạnh với số tuổi hơn 70 vẫn tiếp tục đóng góp cho công cuộc nội trị, xây dựng, phát triển triều Lý. Ngài biểu hiện truyền thống yêu nước sâu sắc của Phật giáo Việt Nam hợp nhất đạo với đời. Vì thế, vua Lý Nhân Tông ca ngợi ngài là "Trụ tích trấn vương kỳ”, nói lên hình ảnh của Thiền sư bảo vệ đất nước bằng cây gậy Thiền.
Trên tinh thần phục vụ chúng sinh là tối thượng cúng dường chư Phật, vua quan và Thiền sư thời Lý Trần đã không do dự trước giới sát, một giới cấm căn bản, khi các ngài đối phó với giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, ngăn chặn được khả năng sát hại của giặc rồi, các ngài lại thể hiện tinh thần từ bi không hận thù, xem họ như bạn. Thật vậy, vua Lý Thành Tông không khoan nhượng trước thế lực ác của kẻ hiếu chiến. Nhưng khi thắng giặc Chiêm Thành xong, ngài thể hiện tấm lòng nhân đạo, tha cho vua Chiêm là Chế Củ về nước. Hoặc vua Lý Thánh Tông đã tha chết Nùng Trí Cao, dù y mưu phản hai lần.
Hoặc đệ nhất Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tôn, với dũng khí hào hùng và trí tuệ sáng suốt, đã thẳng tay với giặc Nguyên, khi ở thế bắt buộc phải bảo vệ đất nước. Đến lúc dẹp yên giặc, ngài lại đối xử hết sức khoan dung với họ. Ngài ra lệnh đốt tráp đựng những bức thư thông đồng với giặc của một số quan lại.
Qua vài thí dụ điển hình về sự đóng góp của các Thiền sư cho thấy các Thiền sư và Phật tử cư sĩ đời Lý Trần đã đóng góp nhiều lợi lạc cho dân tộc, thắp sáng ngọn đèn chánh pháp trong tâm tưởng mọi người. Đó là cái thấy như thật của Bồ tát. Thấy việc gì lợi ích chúng sinh, các ngài sẵn sàng xả thân thực hiện. Với các ngài, phương tiện hay hình thức thì đa dạng, tùy nhu cầu mà thay đổi cho thích hợp và có lợi cho người.
Tóm lại, trong suốt 49 năm hoằng hóa độ sinh của Đức Thế Tôn, từ khi thành đạo đến lúc nhập Niết bàn, chúng ta nhận chân được sự thành đạo của Đức Phật không mang ý nghĩa một sự kết thúc. Nhưng đó là sự khởi đầu của ngài trên con đường phụng sự nhân loại, đem ánh sáng trí tuệ và tình thương đến cho mọi người.
Chính đời sống vì an lạc, vì lợi ích cho cuộc đời, Đức Phật đã cảm hóa mọi người một cách mãnh liệt. Cho đến nay, hơn 25 thế kỷ trôi qua, nhân cách của Đức Phật vẫn còn là kim chỉ nam hướng dẫn sự sống tốt đẹp cho loài người ở khắp mọi nơi, tạo thành một nguồn sinh lực vô tận.
Ở Việt Nam, nguồn sinh lực ấy đã được phát triển sâu sắc qua sự dấn thân của các Thiền sư thật tu thật chứng. Các ngài đã xả thân, cống hiến đời mình cho công việc gìn giữ sự độc lập, an vui của đất nước; đóng góp trí tuệ và lợi ích cho dân tộc trên nhiều lãnh vực.
Ngày nay, chúng ta may mắn kế thừa những nét sáng đẹp của cha ông, kế thừa tinh thần vô ngã vị tha qua các bài pháp sống đã lưu đậm nét cảm tình của người dân đối với nhiều việc làm tích cực của Phật giáo Đinh Lê Lý Trần. Chúng ta rút ra được mô hình cho sự tồn tại và phát triển đạo pháp ở thời đại ngày nay. Đó là sự đóng góp đôi tay và khối óc của Tăng Ni và cư sĩ Phật tử Việt Nam cho an sinh xã hội, cho phúc lợi của dân tộc, cho sự phồn vinh của đất nước và an lạc, hạnh phúc của mọi người.