Sách
Khi chúng ta đến chùa, phương châm thường thấy là "Từ bi - Trí tuệ” được khắc nổi bật như để nhắc nhở mọi người nên nhớ đến cốt lõi của đạo Phật thực cao quý và trong sáng. Có thể khẳng định tâm từ bi là tâm dẫn đầu, quan trọng nhất. Không có tâm từ bi không là đạo Phật. Một vị lãnh đạo Việt Nam cận đại, Bác Hồ, cũng đánh giá đạo Phật là đạo của từ bi. Ôn lại cuộc đời của Đức Phật, hẳn ai cũng phải nhìn nhận tâm từ bi chính là động lực cao quý duy nhất đã thúc đẩy Ngài hiện thân trên cuộc đời này và Đức Phật đã thể hiện trọn vẹn tình thương vô hạn ấy trong cuộc đời hoằng hóa độ sanh.
Thật vậy, bước chân du hóa của Đức Phật đâu phải lúc nào cũng đi trên thảm nhung, hàng ngoại đạo và kẻ ác đã từng dùng mọi thủ đoạn để hạ uy tín và sát hại Ngài. Để đáp lại những việc làm ác độc, những lời nói xấu xa của họ, chúng ta thấy tỏa sáng nơi Đức Phật ánh mắt hiền hòa, thái độ dịu dàng, trầm tĩnh, lời nói từ ái, phát xuất từ trái tim nồng nàn tình thương sâu xa, vô bờ bến của đấng Cha lành đối với muôn loài. Lịch sử đã ghi lại vô số những tấm gương từ bi cao thượng của Đức Phật. Đức Phật cũng dạy hàng đệ tử cần thể hiện lòng từ bi trong cuộc sống, được kinh tạng Nikàya ghi lại rất nhiều: "Hận thù diệt hận thù. Đời này không thể có. Từ bi diệt hận thù. Là định luật ngàn thu” (Kinh Pháp Cú); hoặc: "… Chư Tỳ kheo, các ông phải tu tập như sau: Tâm ta sẽ không lạc hướng. Ta cũng không thốt lên lời ác, nhưng chúng ta sẽ sống thân ái, bi mẫn với tâm thân thiện, không thù nghịch. Chúng ta sẽ sống sung mãn toàn thể thế gian với tâm thuần thiện, bao la quảng đại, không căm thù, không sân hận” (Trung Bộ kinh); hoặc trong kinh Lòng Từ củaTiểu Bộ kinh: "Như mẹ hiền che chở đứa con bà. Yêu quý con duy nhất thật sâu xa. Cho dù phải liều mình vì con trẻ. Với tất cả chúng sanh này cũng thế. Mong người tu tập quảng đại tâm từ”, v.v…
Chẳng những kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy, mà cả Phật giáo Đại thừa cũng triển khai tinh thần từ bi. Đặc biệt là kinh Bảo Tích đã đề cập đến vấn đề từ bi trong phẩm Bồ tát đạo. Theo kinh Bảo Tích, Đức Phật dạy Bồ tát muốn vượt qua sông mê bể khổ phải sử dụng chiếc tàu Bát nhã làm bằng gỗ "Tứ Vô lượng tâm của Phật”, do những người thợ "Lục độ” chuyên đóng tàu và thủy thủ đoàn là "Tứ Nhiếp pháp”. Còn đi bằng thuyền nan, bằng thúng thì chết chìm từ trong cạn, làm sao ra khơi. Tứ Vô lượng tâm là từ bi hỷ xả, là gỗ quý làm cho tàu vững chắc đương đầu với bão táp phong ba. Nói cách khác, không có tâm từ bi hỷ xả, không thể nào đi trọn lộ trình Bồ tát đạo.
Tu tâm Từ thì ở bất cứ hoàn cảnh nào, ta cũng phải làm vui lòng người. Đến với người mà họ không vui, phải tự biết ta chưa có tâm Từ hay tâm Từ của chúng ta còn có giới hạn. Có lúc làm người an vui, nhưng cũng có lúc ta làm mất lòng họ. Thử hành đạo trên nhân gian, đi khắp mọi nơi xem người có quý mến ta không, mới nghĩ đến việc tu tâm Bi là cứu giúp người. Mới đến, họ thấy ta cũng dễ thương, thuyết pháp cũng hay; nhưng ở đó một thời gian, không làm lợi cho họ, thì họ cũng bắt đầu chán ta. Vì vậy, Bồ tát đi ngang biển trần khổ thì phải cứu khổ và muốn cứu nhân độ thế, phải sử dụng Ngũ minh, đáp ứng yêu cầu của chúng sanh. Tâm vô lượng thứ ba là Hỷ tâm, tức bằng lòng và chấp nhận việc của người, họ làm gì ta cũng hoan hỷ. Chúng sanh rất hung dữ, ta cứu giúp nó chín lần, nhưng một lần nói nặng, nó cũng thù ta. Chúng ta thấy hoàn cảnh và khả năng của người chỉ đến mức như vậy, không thể tốt hơn, nên ta tùy thuận. Hoặc nếu nghe lời ta, chịu sửa đổi thì họ sẽ đi lên, nhưng họ vẫn cố chấp, ta cũng phải bằng lòng vậy. Đó chỉ là tùy thuận thế duyên.
Đức Phật giáo hóa cũng vậy, nếu Ngài nói Phật thừa thì ai tiếp thu được, Ngài phải nói Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa,… Kinh nghiệm tôi hành đạo, chúng ta tiếp cận bao nhiêu người hung dữ, ngang bướng, không có tâm tùy hỷ, ta dễ bị sát hại. Tôi luôn tâm niệm đường còn xa, việc còn nhiều, ta lướt qua cửa sanh tử càng mau càng tốt, không nên ở lại tranh cãi với đời. Nó muốn làm Thánh, ta cũng gật đầu cho xong. Còn không bằng lòng thì chuốc họa vào thân, chẳng lợi lạc gì. Hàng Thánh đệ tử như Xá Lợi Phất cũng dạy ta bài học này. Ngài và Mục Kiền Liên đi ngang qua cửa ngoại đạo. Họ hỏi tu ngoại đạo có thành Thánh hay không. Xá Lợi Phất cũng khôn khéo đồng ý với họ mới bảo toàn được thân mạng.
Hành Bồ tát đạo, ta vứt bỏ những gì không cần thiết, đừng chất nặng, ra biển khơi gặp sóng gió bão bùng là chết. Việc làm rồi, phải trái chúng ta cũng bỏ là tu Xả tâm. Thuyền Bát nhã là thuyền không đáy, tất cả gì của cuộc đời, ta để lại cuộc đời. Hành đạo với bốn tâm vô lượng, hiện hữu nơi nào cũng để ban vui, cứu khổ, chỉ cho, tặng, chứ không nhận. Và làm việc cứu đời với tâm hoan hỷ, tùy hỷ trong mọi tình huống. Xong việc thì tâm cũng nhẹ nhàng xả ly, không thắc mắc gì.
Phát tâm Bồ đề và thành tựu bốn tâm vô lượng từ bi hỷ xả, chúng ta tiếp tục tu Lục độ. Độ là đưa người vượt biển khổ sông mê, nhưng phần rèn luyện tâm vẫn là chính. Chúng ta tìm cho được người thợ đóng tàu là Thập Địa Bồ tát. Bắt đầu là Hoan Hỷ địa, chúng ta phải gặp ông thợ xây dựng cho ta có tâm hoan hỷ thực sự. Nói cách khác, chúng ta tập tu tâm Từ, trong lòng không buồn giận, chấp nhứt, hơn thua, lúc nào cũng an vui. Chính tâm Từ, khoan dung, hoan hỷ của ta tạo thành sức thu hút, tập trung người đến hợp tác.
Bước thứ hai, ta gặp ông thợ Ly Cấu địa là người thân tâm trong sạch hoàn toàn, luôn làm việc vì người, lấy niềm vui của người làm niềm vui của mình. Nhờ ông này xây dựng ta thành người giới đức, vô ngã vị tha mới vượt biển sanh tử được và tác động cho người cùng nỗ lực đi theo ta. Tiếp đến chúng ta gặp ông thợ Nhẫn nhục, rèn luyện cho ta vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm một cách an toàn. Chúng ta tu nhẫn lực để thăng hoa, không phải để chịu đựng đau khổ. Và thành tựu tâm nhẫn nhục mới có khả năng cứu người, giúp họ phát triển tri thức, đạo đức. Như vậy, trong những bước đầu của Thập Địa, Đức Phật cũng dạy ta phải rèn luyện tâm từ bi.
Và đến bộ kinh Pháp Hoa, Đức Phật cũng đặt vấn đề chính yếu cho người hoằng truyền là vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai. Điều trước nhất, chưa có lòng từ bi đối với chúng sanh là chưa vào nhà Như Lai thì không thể nào biết được pháp bí yếu của Như Lai. Điều tất yếu đối với người tu, dù cho hoàn cảnh tệ xấu nhất trút đổ lên, ta vẫn phải nuôi tâm Từ. Điển hình là tấm gương sáng chói của Thánh Đề Bà bị người Bà la môn đâm đổ ruột mà ngài vẫn thể hiện tâm Từ một cách thanh thản, nhẹ nhàng cởi áo cho tên sát nhân mặc vào để thoát thân. Một vị Bồ tát nổi danh là Di Lặc cũng đã trải vô lượng kiếp từ thời Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đến thời Phật Thích Ca, chuyên tu Từ tâm và chứng được Từ tâm tam muội, tác động đến người nhìn thấy ngài đều được an vui theo.
Tâm từ bi là tinh ba của đạo Phật, đã được thể hiện trọn vẹn trong cuộc đời giáo hóa của Đức Phật. Hàng đệ tử nối tiếp sự nghiệp của Ngài cũng nêu gương từ bi trong việc độ sanh. Tuy nhiên, vì e ngại đời sau hiểu lầm và bị người xấu lợi dụng lòng từ bi để thực hiện mưu đồ ác của họ, thì tác hại cho đời hơn nữa. Vì vậy, khẩu hiệu từ bi luôn luôn đi kèm với trí tuệ. Từ bi phải được trí tuệ chỉ đạo mới có thể độ sanh, lợi mình, lợi người. Điển hình như Đức Phật giáo hóa sát nhân Vô Não vì Ngài có trí tuệ, biết rõ ông có tâm cầu đạo cao đến độ mù quáng, nghe lời dạy xằng bậy của Thầy tà mà sanh ra giết người. Và Đức Phật sử dụng từ bi tâm để làm ông phát tâm, trở về chánh đạo. Hoặc lòng từ bi của Đức Phật cứu độ Liên Hoa Sắc thành Thánh nữ, hiểu rõ hoàn cảnh xấu đưa đẩy họ đến chỗ không tốt, không phải thực chất của họ như vậy. Nếu không có trí tuệ, không thấy nguyên nhân tham dục, thì có lòng tốt đến đâu cũng chẳng giúp họ hướng thiện nổi. Và Thánh Đề Bà thực hiện lòng từ bi với sự soi sáng của trí tuệ, nhằm mục đích cảm hóa tên sát nhân, khiến hắn phải ăn năn sám hối, cải tà quy chánh và xin làm đệ tử ngài, hướng về con đường thánh thiện.
Cảm nhận sâu sắc tâm từ bi vô tận của Đức Phật đối với muôn loài trong Pháp giới, chúng ta quỳ trước Phật đài bằng tâm thành, tự đáy lòng thốt lên lời tán thán, nguyện theo Ngài:
Tâm Thế Tôn mảy trần không bợn,
Thân của Ngài vô tận phước lành,
Từ bi cứu khổ độ sanh,
Chúng con đảnh lễ, chí thành quy y.