Sách
Giáo pháp Phật rất nhiều, nhưng chung quy chỉ nhằm mục tiêu phát triển Tam vô lậu học là giới, định, tuệ cho người tu. Trước tiên, phải tu học giới điều, để tác động vô nghiệp của chúng ta, ngăn chặn phiền não phát sanh. Trên tinh thần ấy, kinh Duy Ma dạy rằng ăn cơm Hương Tích thì khi nào đắc đạo, cơm mới tan, nghĩa là khi nghiệp hết, giới không còn tác dụng. Chính vì vậy, đối với hàng Thánh Tăng, Đức Phật không chế giới vì các ngài đã sạch nghiệp, chỉ một lòng cầu đạo giải thoát. Trái lại, người tuân thủ luật Phật chế, nhưng cảm thấy bị giới ràng buộc, khó chịu, thì tự biết mình còn nhiều nghiệp chướng, phiền não, cần siêng năng tu tập. Thật vậy, trong ba tháng kiết hạ, cấm túc, phải sinh hoạt theo quy luật của Thiền đường; nếu có nghiệp thích chạy rong, tức bị giới cột nghiệp ham đi lại nên thấy tù túng, ăn ngủ không được, sanh bệnh. Người đó được xếp vào hạng nghiệp chướng Tăng. Nhưng qua mùa An cư, mà thân khỏe mạnh, tâm hồn an vui, trí sáng suốt, đó là tinh tấn Tỳ kheo, không nghiệp. Tu hành hơn nhau ở chỗ đó.
Khi thọ giới, vị Giáo thọ dạy nếu không phải Thánh, chúng ta không thờ, không phải Hiền, chúng ta không làm bạn. Từ thuở mới thọ giới, tôi luôn suy nghĩ điều này. Tôi nghe nơi nào có Thánh Tăng học cao, đắc đạo, tôi cố tìm cách gần gũi, tu học. Nhờ nương theo các vị ấy, giới thể tự thanh tịnh dễ dàng, thành tựu được giới tâm, trong lòng tự nhiên không ham thích, không phải bị cấm đoán, bị giới luật ràng buộc làm khổ.
Thực tế cho thấy giới ứng vô nghiệp của chúng ta, như người có nghiệp hôn trầm, khi nghe pháp, tham Thiền đều ngủ. Hoặc không có căn lành, nhưng nghiệp ác nhiều, không thể nào ngồi yên nghe pháp, hay nghe mà tâm phóng tận đâu đâu, pháp chẳng tác động chút nào với họ. Nhưng hàng thanh tịnh Tỳ kheo nghe pháp như rót vô tâm, giúp cho tâm an lành, trí sáng ra. Thậm chí, đang mệt mỏi, nhưng nghe pháp, tham Thiền, tụng kinh, thì tỉnh táo, khỏe lại, là biết giới thể của họ thanh tịnh, không có nghiệp.
Theo Phật, chúng ta biết rõ mỗi người có nghiệp tạo từ vô lượng kiếp trước để hình thành đời sống hiện tại và cuộc sống hôm nay sẽ dẫn chúng ta đến những kiếp sau. Trên liên hệ nhân quả ấy, thanh tịnh Tỳ kheo hôm nay đã từng tu giới đời trước, thuần thục gắn bó với kinh điển Phật, nay gặp lại chùa, kinh, pháp lữ, họ nhớ liền vì trong tâm tự thanh tịnh sẵn. Từ đó, chúng ta thấy có người mới tu, mà trí sáng, hành động thánh thiện. Họ đã có căn lành, nên gặp đúng môi trường tương ưng, mới phát nhanh.
Trên bước đường tu, chúng ta tự thành thật thấy được vị trí của mình để điều chỉnh, khắc phục nhược điểm, tiến tu. Để đạt đến giới thể thanh tịnh, cần nghiêm trì giới tướng, vì biết nghiệp chúng ta do tập quán nhiều đời tích tụ thành, không phải mới có trong hiện đời. Có thể nói từ thời Phật Thích Ca, chúng ta đã kết duyên tu hành, nhưng mỗi người phát huy khả năng riêng, nghiệp nhiều ít sai khác, mới kết thành quả không đồng. Ý thức như vậy, chúng ta dìu dắt nhau, mỗi kiếp tu hành, nỗ lực hoàn thiện được một pháp lành, kiếp lai sanh tự tốt hơn. Ngược lại, nếu sơ suất để nghiệp dẫn, phải hoàn tục, kéo cày trả nợ, làm chúng ta tuột dốc từ một kiếp cho đến nhiều kiếp. Lúc ấy, tu lại không đơn giản.
Khi giới thể thanh tịnh, chúng ta phục vụ đại chúng, được chúng thương mến, hoặc dấn thân vào đời làm lợi ích cho người, nên được kính trọng, là chúng ta đã chuyển đổi giới trở thành đức. Đó là tinh hoa của người tu, vì chỉ có đức độ mới có khả năng cảm hóa chúng sanh lâu dài. Đừng nghĩ cố học giỏi, nói hay, khuyên người tu, làm như vậy không phải là đạo. Những gì ta nói phải thể hiện trong cuộc sống của chính mình. Vì vậy, kinh điển là một, nhưng Tỳ kheo giới hạnh thanh tịnh nói sẽ có tác dụng khác với lời nói của người phạm giới và Tỳ kheo đức hạnh dạy, giá trị càng cao hơn nữa.
Khi đạt trạng thái thanh tịnh, tiến sang tu Định. Định là tập trung tư tưởng để suy nghĩ việc gì. Người làm chính trị, tướng lãnh, nghệ nhân đều có Định. Thầy tu mà không Định, khó thành công. Người trồng cây kiểng hay họa sĩ nhờ tập trung tư tưởng mới có thể tạo cho bức tranh, hoặc sức sống của cây đến độ nghệ thuật cao. Tướng tài có sức tập trung tư tưởng cao để hướng tâm, tìm được địa hình, chiến thuật, chiến lược. Người tu trong chánh pháp Phật, do giới thể thanh tịnh, nghiệp hết, tâm hồn bình ổn, không còn ham muốn nào, gần nhất là không còn vướng mắc vào ăn, mặc, ở. Còn kẹt trong ba việc này, không thể nào Định. Như thấy cảnh đẹp, liền khởi ý xây chùa. Muốn vậy, phải mua đất, phải có tiền, bằng cách nào có tiền cho mau, cho đủ hay bằng cách nào mua được đất rẻ hay không phải mua thì càng tốt... Chỉ một ý muốn thôi là vô số toan tính nảy sanh liên tục. Kinh nghiệm riêng tôi, khi móng tâm gắn bó một cái gì, chẳng hạn thích trụ một cảnh yên tịnh nào, tôi vội dập tắt ngay. Nếu không, ma quái nhân đó tự động kéo đến đề nghị cúng đất, cúng tiền, cúng chùa... Chúng ta không tỉnh táo, lao đầu vào, thì biết bao vấn đề sẽ phát sanh, trói buộc ta. Họ cho mình đất thì phải kiếm tiền cất chùa, họ cho mình chùa thì phải có tiền sửa chùa, chẳng lẽ để đất trống hoài, để chùa hư mục luôn sao. Phải làm sao có tiền, tất nhiên phải làm cách này, cách nọ, tức phải khởi niệm, thì Định thế nào được.
Chúng ta không phủ nhận việc xây chùa hay trùng tu Tam bảo cho tốt đẹp.Điều này đáng quý thật. Tuy nhiên, cần tự xét có đủ khả năng làm hay không và nên làm đến mức độ nào thì tốt, và nhất là việc đó có phải của ta gánh vác không. Chẳng suy nghĩ, cứ dấn thân vào, kẹt vô tiền, bổn đạo, nợ nần..., tạo thêm đủ thứ nghiệp chướng, tội lỗi, làm sao tu. Quán như thế, ai cúng cho tôi đất đai, chùa chiền, tôi bắt chước theo Phật, chấp nhận, nhưng xây cất, quản lý, giữ gìn, ở đó... là việc của họ. Xưa kia, Cấp Cô Độc cúng cho Phật Kỳ Hoàn tịnh xá. Ông phải lo xây dựng, Phật chỉ lo thuyết pháp. Và thuyết pháp xong, Ngài tiếp tục bước chân hoằng hóa độ sanh, có lưu lại giữ gìn nơi đó đâu. Chúng ta cũng vậy, cần lo phát huy giới đức, Phật pháp mới tồn tại. Phật giao cho chúng ta trách nhiệm giữ gìn chánh pháp, tức tu cho đắc đạo. Việc xây chùa là nhiệm vụ của cư sĩ. Họ cúng, ta nhận sự phát tâm của họ thôi, còn trách nhiệm hộ đạo của họ, ta không làm thay. Chúng ta cứ giữ tâm định tĩnh, mới là mẫu Tỳ kheo thanh tịnh thực sự.
Trong mùa An cư, luyện cho được sức tập trung tư tưởng, làm trong thích thú, thì làm gì cũng hơn người. Dồn được lực tập trung, đọc sách dễ hiểu, học mau nhớ, lao động cũng giỏi. Riêng tôi, ở chùa thuở nhỏ thường quét sân. Tôi quét trong thú vị, không phải làm bất đắc dĩ theo lệnh. Tập trung quét một đường thẳng, bước đi đều đặn, sao cho đường chổi thẳng tắp, đều. Quét xong, nhìn thấy thành quả của công phu tu tập, tôi vui sướng, đó là quét lá của Thiền.
Khi đạt được giới thể thanh tịnh, đã tắm mình trong dòng nước Thánh rồi, tâm hoàn toàn yên tĩnh, trong sáng, không bị bát phong chi phối, bấy giờ, huệ vô lậu phát sanh. Đó là trí thông minh của con người không do học hay dạy mà có được. Dùng huệ vô lậu tức sự hiểu biết sáng suốt để giải quyết từng sự việc khác nhau đều đúng, lợi lạc. Đức Phật dạy chúng ta tu cố đạt cho được đỉnh cao này, thuật ngữ gọi là Phật tri kiến. Ngài hiện thân trên cuộc đời cũng nhằm mục tiêu duy nhất khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sanh.
Tóm lại, khởi đầu tu thuận từ giới, định, huệ hữu lậu. Rèn luyện thân tâm theo các bậc cao đức, nhưng có lúc chúng ta sửa được, có lúc vẫn lỗi lầm, có lúc yên tĩnh, có lúc còn chao đảo, có việc biết, có việc hư. Chúng ta còn ở giai đoạn phương tiện giới, phương tiện định và phương tiện huệ. Từ khởi điểm tu đến đạt được Sơ quả, các pháp thực nghiệm đều hữu lậu, nên thân, khẩu, ý còn nhiều sai sót. Pháp hữu lậu theo thời gian sanh diệt, không nên chấp vào đó. Kinh thường ví như ngón tay chỉ mặt trăng, không phải mặt trăng, tức giáo lý không phải là chân lý. Tuy nhiên, nhờ giáo lý, chúng ta hình dung được chân lý. Trên nền tảng ấy, mượn pháp sanh diệt để tu, lần lần tiến đến thể nghiệm pháp vô lậu, chứng được Vô sanh quả.
Thành tựu Tam vô lậu học, đạt đến đỉnh cao của lộ trình Bồ tát đạo, qua lại tự tại trong ba cõi, sáu đường, là vị khách quý mà chúng sanh mong chờ, khát ngưỡng được thân cận. Việc làm cao quý ấy mãi mãi là tiền đề tồn đọng trong tâm trí chúng ta trong vô lượng mùa An cư, cho đến ngày đạt quả Vô thượng Bồ đề.
(Bài giảng tại trường hạ Trung Tâm tịnh xá, Q. Bình Thạnh, ngày 04-7-1996, mùa An cư PL. 2540)(Báo GN số 16, ngày 20-7-1996)